Triều Tiên phóng tên lửa hành trình, các nước quan ngại về phát ngôn của Bộ trưởng Israel… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
(03.22) Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich về người Palestine đã khiến nhiều nước 'dậy sóng'. (Nguồn: AP) |
Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich về người Palestine đã khiến nhiều nước 'dậy sóng'. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Tổng thống Ukraine thăm vị trí quân sự gần Bakhmut: Ngày 22/3, viết trên mạng xã hội sau khi tới thị trấn ở miền Đông Ukraine, ông Volodymyr Zelensky viết: “Khu vực Donetsk. Các vị trí tiền tuyến của quân đội Ukraine ở khu vực Bakhmut. Tôi rất vinh dự được có mặt ở đây hôm nay để trao thưởng cho các anh hùng của chúng ta. Để bắt tay và cảm ơn họ vì đã bảo vệ chủ quyền của đất nước chúng ta”.
Đoạn video do Văn phòng Tổng thống Ukraine công bố cho thấy ông đã có cuộc gặp gỡ và trao thưởng cho các quân nhân tại một nhà kho. (Reuters)
* Nga lo ngại việc Anh cấp đạn urani nghèo cho Ukraine: Viết trên mạng xã hội ngày 22/3, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin cảnh báo quyết định của London về cung cấp đạn urani nghèo (DU) cho Kiev nằm trong xu hướng nguy hiểm và có thể khiến xung đột Ukraine đe dọa toàn châu Âu.
Theo ông, việc Kiev mua lại đạn dược urani nghèo có thể gây nhiễm độc trên thực địa, gây ra rủi ro sức khỏe cho các thế hệ mai sau và trở thảnh bước đệm cho những vũ khí nguy hiểm hơn. Bước tiếp theo “có thể là việc chính quyền Kiev sử dụng bom bẩn hoặc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật”.
Phát biểu khi đang thăm Eritrea, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Việc sử dụng đạn urani nghèo sẽ làm giảm đáng kể, hoặc thậm chí không bảo toàn được khả năng sản xuất thực phẩm chất lượng cao không bị nhiễm độc của Ukraine”. Tổng thống Vladimir Putin cũng đã chỉ trích quyết định của London.
Về phần mình, Ngoại trưởng Anh James Cleverly nêu rõ: “Không có leo thang hạt nhân. Quốc gia duy nhất trên thế giới đang nói về vấn đề hạt nhân là Nga. Không có mối đe dọa nào đối với Nga, đây hoàn toàn là việc giúp Ukraine tự vệ”.
Trước đó, hôm 20/3, Anh đã xác nhận sẽ chuyển cho Ukraine đạn xuyên giáp chứa urani nghèo. Loại đạn này sở hữu khả năng tiêu diệt xe bọc thép vượt trội và sẽ là một phần của lô vũ khí bao gồm xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2. (AFP/Reuters/RT)
* Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 470 triệu USD cho Ukraine: Theo truyền thông Nhật Bản ngày 22/3, Thủ tướng Kishida Fumio đã cam kết viện trợ không hoàn lại 470 triệu USD cho Ukraine để khôi phục các cơ sở năng lượng và hỗ trợ nhân đạo. Tokyo cũng sẽ chuyển các trang thiết bị phi sát thương trị giá 30 triệu USD cho Kiev thông qua một quỹ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trước đó, hồi cuối tháng Hai, ông Kishida đã cam kết hỗ trợ tài chính 5,5 tỷ USD cho Ukraine. Số tiền này được công bố sau 2 khoản 900 triệu USD viện trợ nhân đạo cùng 670 triệu USD tài trợ và cho vay mà chính phủ của ông đã phân bổ cho quốc gia Đông Âu trong chưa đầy một năm. Tính đến nay, tổng số tiền Nhật Bản tài trợ Ukraine đã lên tới hơn 7 tỷ USD. (Sputnik)
* Nga, Trung Quốc đạt thỏa thuận về đường ống Sức mạnh Siberia 2: Sau hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Moscow ngày 21/3, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Moscow và Bắc Kinh đã đạt thỏa thuận về đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2, nối khu vực Siberia với Tây Bắc Trung Quốc.
Theo kế hoạch, đường ống Sức mạnh Siberia 2 sẽ được khởi công năm 2024, với công suất thiết kế đạt 50 tỷ m3 khí đốt/năm. Đây được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu. (AFP)
* Ba Lan lo ngại về quan hệ Nga-Trung: Ngày 22/3, phát biểu với báo giới sau khi tiếp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Warsaw, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói: “Chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Moscow khiến chúng tôi lo lắng. Trục Nga-Trung này rất nguy hiểm”. Theo ông, Ba Lan “đang cố gắng thuyết phục Trung Quốc không ủng hộ Nga trong chính sách quốc tế của họ”.
Ngày 22/3, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã đến Ba Lan sau chuyến thăm Ukraine. Ông ca ngợi Ba Lan vì các nỗ lực hỗ trợ Kiev, đồng thời khẳng định đã truyền đạt “tình đoàn kết bền vững của Nhật Bản và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7)” tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Cũng theo ông, “gánh nặng ngày càng tăng” của Ba Lan trong việc giúp đỡ Kiev là lý do để Tokyo tiếp tục hỗ trợ Warsaw, dù không nêu thêm chi tiết. (TTXVN)
* Hàn Quốc: Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa hành trình:Yonhap (Hàn Quốc) ngày 22/3 đưa tin Triều Tiên đã phóng nhiều tên lửa hành trình từ khu vực Hamhung ra vùng biển phía Đông. Vụ phóng diễn ra một ngày trước khi Hàn Quốc và Mỹ kết thúc cuộc tập trận Lá chắn Tự do kéo dài 11 ngày, với quy mô lớn nhất trong nhiều năm qua.
Cuối tuần qua, Triều Tiên cũng đã phóng một tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông, trong hoạt động Bình Nhưỡng tuyên bố là tập trận mô phỏng theo kịch bản của một cuộc phản công hạt nhân chiến thuật. (Yonhap)
* Triều Tiên cảnh báo Mỹ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn: Ngày 22/3, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Jo Chol Su, Vụ trưởng Vụ Tổ chức quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, khẳng định: “Đại diện của Mỹ tại Liên hợp quốc một lần nữa... lại đưa ra một loạt luận điệu về phi hạt nhân hóa ‘hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược’ (CVID) lỗi thời và ‘tình hình nhân quyền’. Bất kỳ lực lượng nào cũng nên nhớ rằng, nếu họ cố gắng áp dụng CVID cho Triều Tiên, thì chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng cứng rắn căn cứ theo luật pháp về chính sách lực lượng hạt nhân”. Theo ông, chỉ trích của Mỹ tại Liên hợp quốc “chỉ cho thế giới thấy sự thất bại của chính sách ngoại giao kiểu Mỹ”.
Trước đó, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Linda Thomas-Greenfield đã kêu gọi các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra nghị quyết phản đối Bình Nhưỡng thử tên lửa và tìm cách thúc đẩy tiến trình CVID. (Sputnik/Yonhap)
* Nga triển khai tên lửa phòng thủ ở Nam Kuril: Ngày 22/3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết nước này đã triển khai một bộ phận của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion tại hòn đảo Paramushir thuộc quần đảo Nam Kuril/Lãnh thổ phương Bắc tranh chấp giữa Nga và Nhật Bản. Ông nhấn mạnh việc hiện đại hóa hệ thống phòng không sẽ được hoàn tất trong năm nay. (TASS/Reuters)
* Chủ tịch ECB cảnh báo về căng thẳng tài chính ở Eurozone: Ngày 22/3, phát biểu tại thành phố Frankfurt (Đức), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde Lagarde phân tích căng thẳng thị trường do sự sụp đổ của ba ngân hàng Mỹ và ngân hàng Credit Suisse có trụ sở tại Thụy Sĩ “càng tăng thêm rủi ro suy giảm mới và khiến việc đánh giá rủi ro càng khó khăn hơn”. Mặc dù không cam kết tăng thêm lãi suất nhưng bà Lagarde cho biết, các nhà hoạch định chính sách vẫn có cơ sở để đảm bảo giảm bớt áp lực lạm phát. (AFP)
* Nhật Bản, Ukraine nâng cấp quan hệ: Ngày 22/3, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thông báo Tokyo và Kiev đã quyết định nâng cấp mối quan hệ song phương trong chuyến công du bất ngờ của Thủ tướng Kishida Fumio tới Ukraine. Thông cáo chung xác nhận: “Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hội đàm tại Kiev trong ngày 21/3... Nhận thấy tiềm năng to lớn của hợp tác song phương giữa Nhật Bản và Ukraine, các nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác toàn cầu đặc biệt”. (Sputnik)
* Mỹ, Jordan và UAE chỉ trích phát ngôn của Bộ trưởng Israel: Ngày 22/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết, phát ngôn của Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich rằng “không có thứ gọi là người Palestine” là “xúc phạm”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel khẳng định: “Người Palestine có một lịch sử và văn hóa phong phú. Mỹ đánh giá cao mối quan hệ đối tác với người dân Palestine… Washington vẫn duy trì cam kết về giải pháp hai nhà nước cho cả hai bên. Cả hai bên đều có nguồn gốc sâu xa từ cùng đất này và hiện đang sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh”.
Liên quan việc ông Smotrich xuất hiện trước một tấm bản đồ Israel bao trùm cả lãnh thổ Jordan, ông Patel nêu rõ: “Những tuyên bố mới nhất của ông Smotrich trước một tấm bản đồ không chính xác và khiêu khích, là xúc phạm. Điều này gây lo ngại sâu sắc và thẳng thắn mà nói là rất nguy hiểm”. Tuy nhiên, Mỹ sẽ không tuyên bố ông Smotrich là nhân vật không được Washington hoan nghênh.
Trong khi đó, trang Al-Dustur (Jordan) ngày 22/3 đưa tin Quốc hội nước này đã biểu quyết yêu cầu chính phủ trục xuất Đại sứ Israel tại Amman về nước. Tại phiên họp của Quốc hội Jordan, nhà chức trách cũng trưng bày tấm bản đồ của Jordan với đường biên giới bao trùm lãnh thổ Israel. Theo truyền thông Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng đang xem xét hạ cấp quan hệ với Israel. Theo đó, Bộ Ngoại giao nước này đã ra lệnh cho Đại sứ tại Israel không được gặp bất kỳ quan chức nào thuộc chính quyền Israel.
Về phần mình, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 22/3 đã bác bỏ thông tin về khủng hoảng trong quan hệ với UAE sau khi Abu Dhabi tuyên bố có kế hoạch ngừng mua các hệ thống phòng thủ tên lửa do Israel sản xuất để phản đối chính quyền Thủ tướng Netanyahu. Trước đó, hồi tháng Hai, UAE cùng nhiều quốc gia khác đã từng lên án phát biểu của ông Smotrich khi ông này tuyên bố “cần phải xóa sổ” thị trấn Huwara của người Palestine ở Bờ Tây. (TTXVN)
* Syria: Israel không kích gây sân bay Aleppo: Bộ Quốc phòng Syria ngày 22/3 cho biết, rạng sang cùng ngày quân đội Israel đã phóng tên lửa từ Địa Trung Hải, vào các mục tiêu gần sân bay Aleppo, gây ra một số “thiệt hại vật chất”. Người đứng đầu Cơ quan Hàng không dân dụng Syria, ông Bassem Mansour cho biết, công tác khắc phục đang được tiến hành. Hiện quân đội Israel chưa bình luận gì về thông tin này. Trong khi đó, các nguồn tin tình báo khu vực cho biết, cuộc không kích đã trúng kho đạn dưới lòng đất nối tới sân bay quân sự Nairab gần đó.
Đây là đợt không kích thứ 3 của Israel vào Aleppo trong 6 tháng qua. Trước đó, vụ không kích ngày 7/3 cũng khiến sân bay ngừng hoạt động. Phía Syria cho biết, các vụ không kích đã làm gián đoạn các đợt cứu trợ thảm họa động đất hồi tháng Hai. (Reuters)
Ngày 10/10, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết, bà sẽ không tham dự Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) dự kiến diễn ra từ ngày 11-22/11 tại Baku, Azerbaijan.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 23/4 cho biết ông Yoon Suk Yeol dự kiến sẽ trao Huân chương Quân công hạng Nhất của Hàn Quốc cho 3 cựu chiến binh Mỹ từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Mỹ vào tuần tới.
Nhân chứng cho hay nghe thấy âm thanh 'như động đất' khi nghi phạm lao xe vào vào đám đông ở thành phố Chu Hải khiến 35 người chết.
Chính quyền Hàn Quốc tuyên bố đã bắt giữ ba tàu cá Trung Quốc nghi đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Seoul.
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng ngày 15/11.
Mỹ hủy dự án pháo tăng tầm ERCA do gặp vấn đề kỹ thuật, dù nó có tầm bắn 70 km, từng được kỳ vọng sẽ giúp Washington bắt kịp các đối thủ.
Các quan chức Mỹ cho biết khoảng 50% tên lửa đạn đạo Iran phóng vào Israel bị trục trặc khi bay và không tới mục tiêu đã định.
Mỹ thông báo điều thêm tàu chiến và máy bay, trong đó có oanh tạc cơ B-52, đến Trung Đông và gửi thông điệp cảnh báo Iran.
Cựu tổng thống Trump, ứng viên đại diện của đảng Cộng hòa, ví mình như biểu tượng của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc Nelson Mandela.