Sau cuộc gặp giữa lãnh đạo Mỹ - Trung, Bắc Kinh đã thể hiện thái độ thân thiện hơn, song cũng nhấn mạnh về những điều không thể thỏa hiệp.
"Miễn là tôn trọng lẫn nhau, cùng tồn tại trong hòa bình, chúng ta sẽ có khả năng vượt qua những khác biệt", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 15/11 nói trước khi gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại điền trang Filoli, bang California. "Trái Đất đủ lớn để cả hai quốc gia cùng thành công".
Đây là lần đầu tiên ông Biden và ông Tập nói chuyện với nhau kể từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Trong cuộc gặp mang tính bước ngoặt này, Chủ tịch Trung Quốc đã thể hiện hình ảnh một Bắc Kinh thân thiện, sẵn sàng cải thiện quan hệ với Washington.
Đây được coi là bước thay đổi đáng chú ý trong thái độ của Trung Quốc với Mỹ, khi quan hệ song phương thời gian qua trở nên căng thẳng do loạt bất đồng trong nhiều vấn đề, từ kinh tế, công nghệ cho tới nhân quyền.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm hôm 25/10 còn chỉ trích Mỹ "làm những việc gây tổn hại lợi ích an ninh của Trung Quốc, đồng thời lớn tiếng nói muốn quản lý khủng hoảng và tăng cường liên lạc". Trước đó, Lầu Năm Góc cáo buộc phi công tiêm kích J-11 Trung Quốc hành động "thiếu chuyên nghiệp và gây mất an toàn" khi áp sát oanh tạc cơ B-52 trên Biển Đông trong đêm 24/10, suýt dẫn tới va chạm.
Theo thông báo từ cả Mỹ và Trung Quốc sau cuộc họp "mang tính xây dựng" kéo dài 4 giờ, hai lãnh đạo đã đồng ý khôi phục liên lạc quân sự và phối hợp ngăn chặn dòng fentanyl từ Trung Quốc chảy vào Mỹ.
Trung Quốc gọi cuộc thảo luận là "tích cực" và "toàn diện", đồng thời nêu bật những nỗ lực của ông Tập nhằm làm rõ những điểm không thể thương lượng của Bắc Kinh, như lập trường đối với vấn đề Đài Loan.
Trên truyền thông nhà nước và nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, dòng hashtag "Trái Đất đủ lớn cho cả Trung Quốc và Mỹ" đang trở thành xu hướng.
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đưa tin đậm về cách Tổng thống Biden mời Chủ tịch Tập đi dạo quanh điền trang Filoli ở thị trấn Woodside, phía nam thành phố San Francisco, bang California, nơi cuộc gặp diễn ra. Lãnh đạo Mỹ còn "đích thân hộ tống" ông Tập ra xe để tạm biệt sau khi cuộc gặp kết thúc.
Việc đưa tin tích cực về sự kiện này là một bước thay đổi lớn so với những bình luận chỉ trích Mỹ điển hình thường xuất hiện trên truyền thông nhà nước và mạng xã hội Trung Quốc những năm gần đây, khi căng thẳng giữa hai nước bùng phát, theo giới quan sát.
Quang cảnh chào đón nồng nhiệt tại Mỹ được cho là đặc biệt quan trọng đối với ông Tập, người mà giới phân tích cho rằng không chỉ mong muốn ổn định mối quan hệ phức tạp vào thời điểm kinh tế Trung Quốc đang suy yếu, mà còn muốn thể hiện hình ảnh một lãnh đạo mạnh mẽ đối với dư luận trong nước.
Chuyến thăm của ông Tập diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản, nợ công ở các địa phương và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng cao.
"Những thách thức kinh tế này là rất lớn", Alfred Wu, phó giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nhận xét, thêm rằng với chuyến thăm California, Chủ tịch Tập muốn người dân Trung Quốc chứng kiến "năng lực lãnh đạo của ông trong các vấn đề đối ngoại" và ông có vị thế ngang hàng với Tổng thống Mỹ.
Cuộc họp báo với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại California sau cuộc gặp song phương cũng thể hiện rõ điều đó.
Ông Vương lưu ý rằng Tổng thống Biden đã gửi "lời mời riêng tới Chủ tịch Tập Cận Bình, đặc biệt đề cập đến vấn đề tổ chức cuộc gặp cấp cao", không giống như các cuộc gặp song phương khác tại APEC.
"Cuộc gặp chắc chắn sẽ trở thành một cột mốc quan trọng và là sự kiện lớn trong quan hệ quốc tế ngày nay", Ngoại trưởng Trung Quốc nói.
Ông Tập cũng thể hiện thái độ hòa giải khi phát biểu tại tiệc tối với các giám đốc điều hành (CEO) Mỹ vào cuối ngày hôm đó.
"Nếu chúng ta coi nhau là đối thủ lớn nhất, thách thức địa chính trị lớn nhất và là mối đe dọa ngày càng cấp bách, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến những chính sách sai lầm, hành động sai lầm và kết quả sai lầm", ông phát biểu trước các doanh nhân hàng đầu của Mỹ. "Trung Quốc sẵn sàng trở thành đối tác và bạn của Mỹ".
Ngoài thúc đẩy đối thoại và hợp tác, cuộc gặp thượng đỉnh cũng là cơ hội để hai bên nêu bật những khác biệt và liệt kê những lĩnh vực mà họ chưa thể đạt đồng thuận, điều mà giới chuyên gia cho rằng sẽ tiếp tục định hình mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới.
Và ngay cả với các lĩnh vực mà hai bên đã đạt được thống nhất, chúng vẫn vô cùng mong manh.
Thông báo của Trung Quốc về việc khôi phục liên lạc quân sự với Mỹ cho biết hoạt động này sẽ được thực hiện "trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng".
"Điều đó có nghĩa là trong tương lai, bất kể khi nào Trung Quốc cảm thấy khó chịu với những điều Mỹ làm, họ hoàn toàn có khả năng cắt đứt đối thoại giữa quân đội hai nước một lần nữa và đổ lỗi cho Washington vì đã khiến họ cảm thấy 'không được tôn trọng'", Wen-Ti Sung, chuyên gia từ Trung tâm Trung Quốc Toàn cầu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, trụ sở tại Washington, bình luận. "Nó làm suy yếu nền tảng của việc nối lại cũng như duy trì các cuộc đàm phán".
Về vấn đề Đài Loan, ông Tập kêu gọi Washington ngừng trang bị vũ khí cho hòn đảo và ủng hộ quan điểm "thống nhất trong hòa bình" của Bắc Kinh, theo thông cáo về cuộc họp do truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố.
"Trung Quốc cuối cùng sẽ đạt được thống nhất và chắc chắn sẽ thống nhất", ông Tập nói, đề cập đến vấn đề Đài Loan.
Trong khi đó, Tổng thống Biden tái khẳng định lập trường của Mỹ phản đối bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng hòn đảo. Ông đồng thời cho biết những khác biệt giữa hai bờ eo biển Đài Loan phải được "giải quyết bằng các biện pháp hòa bình", theo thông cáo từ Nhà Trắng.
Ông Tập cũng kêu gọi Mỹ "không tìm cách cưỡng ép hay kiềm chế Trung Quốc", ám chỉ việc Mỹ tăng cường các liên minh ở châu Á, và dừng nỗ lực nhằm cản trở đà phát triển của nước này bằng cách hạn chế thương mại và đầu tư công nghệ cao.
"Cả hai bên nên hiểu các nguyên tắc và giới hạn của nhau", Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh.
Giới quan sát đánh giá đây là những bất đồng căn bản mà hai bên khó có thể giải quyết chỉ sau một hội nghị thượng đỉnh. Cách thức hai nước thực hiện các thỏa thuận đạt được trong thời gian tới sẽ nói lên nhiều điều về việc liệu Trung Quốc và Mỹ có cam kết duy trì ổn định lâu dài hay không.
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh, mối quan hệ song phương đã vấp phải thách thức đầu tiên, khi Tổng thống Biden lại có những bình luận cứng rắn, quyết liệt nhằm vào lãnh đạo Trung Quốc. Trong cuộc họp báo sau đó, ông Biden cho rằng ông Tập là một lãnh đạo "chuyên quyền", điều ông từng nói hồi tháng 6.
Bình luận này của ông Biden đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho rằng đây là phát biểu "cực kỳ sai trái", một "hành động chính trị vô trách nhiệm, điều Trung Quốc kiên quyết phản đối".
"Cần phải chỉ rõ ra là sẽ luôn có một số người mang những động cơ thầm kín cố gắng làm suy yếu mối quan hệ Trung - Mỹ. Họ sẽ không thể thành công", bà Mao tuyên bố.
Điều này đặt ra câu hỏi liệu bầu không khí nồng ấm hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể duy trì lâu dài, hay chỉ là tạm thời trước khi căng thẳng tiếp tục bùng phát.
"Cuộc gặp cho thấy quan hệ Mỹ - Trung sẽ không xấu đi nữa trong năm tới, nhưng liệu nó có phục hồi và sớm trở nên ấm áp hơn không? Tôi cho rằng câu trả lời là 'không'", Liu Dongshu, phó giáo sư về chính trị Trung Quốc tại Đại học Hong Kong, nhận định.
"Tất nhiên, ông Tập Cận Bình muốn cải thiện quan hệ với Mỹ, nhưng Bắc Kinh đã nhận ra thực tế rằng Washington muốn kiềm chế họ", ông Liu nói. "Vì vậy, quan điểm của họ là nồng ấm hơn cũng tốt, nhưng nếu quan hệ không xấu đi, điều đó vẫn có thể chấp nhận được".
Vũ Hoàng (Theo CNN)
Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên vào tháng 6 tới để chống lại các hành động quân sự của Mỹ, theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA).
Ngày 27/8, tại Hà Nội, Hội hữu nghị Việt Nam-Uzbekistan đã tổ chức Giao lưu hữu nghị kỷ niệm 78 năm Quốc khánh Việt Nam và 32 năm Ngày Độc lập Uzbekistan.
Kiểm soát dòng người tị nạn nhập cư tiếp tục là vấn đề thách thức với châu Âu, dù đó là Hà Lan, Pháp, Đức hay Italy.
Điều tra của báo Anh cho thấy nhiều người Việt xin visa du học tới Malta, để rồi trở thành nạn nhân trong các đường dây buôn người phức tạp vào châu Âu.
Ukraine dùng pháo HIMARS tập kích tổ hợp 2S4 Tyulpan của Nga, có thể đã phá hủy hệ thống cối tự hành lớn nhất thế giới này.
Đại sứ Lee Jang-keun cho biết Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ tiến độ đàm phán về COC giữa ASEAN và Trung Quốc, và mong muốn có một COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mỹ hủy dự án pháo tăng tầm ERCA do gặp vấn đề kỹ thuật, dù nó có tầm bắn 70 km, từng được kỳ vọng sẽ giúp Washington bắt kịp các đối thủ.
Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dẫn đầu đã có buổi làm việc với Đảng Cộng sản Mỹ.
Bồi thẩm đoàn kết luận thượng nghị sĩ Dân chủ Menendez có tội đối với loạt cáo buộc tham nhũng, nhiều người kêu gọi ông này từ chức.