Ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh (TP.HCM) có một bãi "xử lý trọn gói" các loại rác thải công nghiệp khổng lồ nằm ven kênh. Nhiều người không thể tin nổi giữa TP.HCM lại tồn tại một "đại công trường" đốt rác ô nhiễm môi trường như vậy.
Đứng sau "đại công trường" xử lý rác thải công nghiệp này là ông Sáng, ngoài 40 tuổi. Từ vài năm trở lại đây, ông này cùng nhóm đàn em gồm Bảo, Duy đứng ra "cai quản" khu đất sát mép kênh đổ ra kênh An Hạ rộng hàng ngàn mét vuông để lập chốt thu 300.000 - 500.000 đồng/xe vào đổ đốt rác thải.
Không khó để nhận ra "đại công trường" đốt rác của ông Sáng, bởi từ khoảng cách khá xa (khoảng 500m) đã thấy các cột khói kèm mùi khét lẹt từ việc đốt rác thải công nghiệp. Càng về khuya, "đại công trường" này lại càng đỏ rực lửa, mùi hôi thối theo gió tỏa đi khắp nơi.
Để vào được khu tập kết và đốt rác thải này chỉ có một con đường đất đá lởm chởm rộng chừng 4m, cặp theo đường kênh Trung Ương. Cách bãi khoảng 100m, ông Sáng luôn cắt cử ba thanh niên ngồi túc trực làm nhiệm vụ dò xét người lạ.
Phía trong bãi luôn có một "đội quân" đảm nhiệm việc phân loại rác và cào đốt tiêu hủy rác. Điều đáng nói là cạnh khu vực này có cắm một bảng lớn ghi nội dung: "UBND xã Vĩnh Lộc A - Khu vực đất công do Nhà nước trực tiếp quản lý, nghiêm cấm các hành vi lấn chiếm đất, mua bán chuyển nhượng dưới mọi hình thức".
Nhiều ngày theo dõi, phóng viên Tuổi Trẻ xác định "đại công trường" xử lý rác thải này thu hút khá nhiều nguồn rác được xe tải từ các tỉnh Long An, Tây Ninh, Đồng Nai... chở về xử lý. Trưa 25-4, ông Tèo lái xe tải loại 5 tấn biển số 60C-258.61, gom rác cạnh khu đất ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi).
Lần lượt các bao tải lớn đựng rác thải chủ yếu là vải tháo từ nón bảo hiểm được chất đầy lên thùng xe. Sau khi "no hàng", ông Tèo cho xe chạy khoảng 17km về bãi tập kết rác của ông Sáng "xả" các bao tải xuống.
Theo tìm hiểu, chủ nhân của xe rác thải trên là ông C. ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi). Ông C. phải trả cho tài xế Tèo 2 triệu đồng để "giải quyết" số vải không thể tái chế này. "Nói thật tôi mướn người ta đi đổ, đi đốt lò, mướn đổ, tính cuốc, một xe đưa nó 2 triệu đồng", ông C. nói.
Trưa 25-4, ngoài xe tải của ông Tèo chở rác vào bãi tập kết, còn có xe 83H-013.87 cũng vào "xuống hàng". Nếu như các xe tải khác thường đựng rác trong các bao bì, xe này khá lạ là đựng rác trong các thùng xanh, bên trong chứa vô số bịch nhỏ. Chỉ trong khoảng 15 phút, số rác này nhanh chóng được hai người trên xe tải thay phiên nhau trút xuống bãi.
Xe rời đi và chúng tôi quyết định bám theo. Từ bãi rác, tài xế cho xe chạy theo các tuyến đường liên ấp ở xã Vĩnh Lộc A rồi xuyên qua Khu công nghiệp Vĩnh Lộc về đường Phan Văn Hớn ra quốc lộ 1 chạy về hướng đường Hà Huy Giáp (quận 12).
Chúng tôi khá bất ngờ khi xe này lao thẳng về phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương và rẽ vào một công ty. Qua xác minh, đây là nơi tiếp nhận rác thải của một công ty về xử lý môi trường. Qua tra cứu biển số, xe này có chủ xe là Nguyễn Minh Huấn, địa chỉ tại tỉnh Sóc Trăng, đứng tên đăng ký.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, so với chi phí xử lý rác thải theo quy định thì số tiền chi cho bãi ông Sáng xử lý rác thấp hơn nhiều lần. Tại TP.HCM hiện có khoảng 10 đơn vị được cấp phép xử lý rác thải nguy hại, công nghiệp (chủ yếu công nghệ đốt) giá xử lý từ 4 - 5 triệu đồng/tấn (chưa gồm tiền thu gom, vận chuyển).
Tương tự ở Bình Dương từ 1,2 - 1,3 triệu đồng/tấn; ở Đồng Nai, Vũng Tàu (chủ yếu chôn lấp) có giá từ 700.000 - 800.000 đồng/tấn. Đây cũng chính là lý do mà nhiều công ty, nhà máy sản xuất "móc nối" cánh tài xế vận chuyển rác công nghiệp đến đây xử lý.
Tại bãi xử lý rác của ông Sáng, theo xác minh giá xe ba gác chở dây điện vào bãi đốt lấy dây đồng phải đóng 300.000 đồng, còn xe tải chở rác công nghiệp phải đóng 500.000 đồng. Chỉ cần xe chạy tới khu vực trước căn biệt thự của ông Sáng sẽ có người chặn lấy "tiền tươi".
"Ở đây lên được cái nhà biệt thự đó là biết rồi. Ông ấy (tức nói ông Sáng) phân công mỗi thằng một nhiệm vụ, thằng làm cái này, thằng làm cái kia", ông Bảo (đàn em ông Sáng đã nhắc ở trên) nói về việc phân công cai quản bãi rác và việc tại sao không ai dám "đụng" dù bãi rác phát sinh ô nhiễm.
Trưa 22-5, Duy, người được ông Sáng phân công thu tiền bãi, chạy xe máy vào lấy 300.000 đồng của một xe ba gác chở dây điện vào đốt. Cùng lúc này, xe tải biển số 51C-058.49 chở rác từ Long An chạy vào bãi và đưa 500.000 đồng cho Duy để được xả rác.
"Xe lớn tôi lấy nhiều hơn, có xe 700.000 - 800.000 đồng, có xe triệu mấy cũng có, có xe dưới tỉnh lên tôi lấy 1,2 triệu đồng", Duy nói.
Có mặt trong bãi tập kết rác này chúng tôi ghi nhận đủ loại từ rác thải sinh hoạt cho đến các loại rác công nghiệp như vải vụn, dây nhựa, hộp xốp, bao ni lông... Cạnh mé kênh là những lớp tro dày (tro từ các loại rác được đốt) từng ngày tích tụ rơi xuống kênh.
Ông Bảo bơm nước từ dưới kênh lên xịt vào các đống rác xen lẫn đống tro đang cháy âm ỉ. Vừa xịt, ông này nói: "Mấy cái đó xưởng làm bên keo, bên sơn, cái đó ngúm ngúm cháy lâu lắm". Theo ông này, rác đổ ở bãi "hầm bà lằng hết", có cả các loại rác thải từ công ty, rác sinh hoạt và "không có quy định rác nào đâu".
"Các loại rác đốt vào buổi tối. Tại vì khói vô nhà người ta, nhiều khi con nít, người già, dân kiện cáo, đêm người ta nghỉ ngơi mình đốt được", ông Bảo nói. Và với việc thiết lập bãi tập kết đốt rác công khai giữa khu dân cư, ông Bảo nói số tiền mà chủ bãi kiếm được từ 4 - 6 triệu đồng/ngày.
Vào ngày 26-3, chúng tôi mật phục ghi nhận tài xế xe tải 70C-178.80 có đến hai lần chở rác thải vào bãi ông Sáng xử lý. Lần đầu tiên, các bao tải rác được vứt xuống chủ yếu là vụn xốp, vải vụn.
Lần thứ hai, xe này chở rác đựng kín trong các bao tải lớn được chở từ Long An. Rác từ xe này được tài xế đổ lăn lóc sát mé kênh. Có bao lúc quăng trên xe xuống đất văng tung tóe bụi than màu đen. Một số bao rơi xuống kênh, nổi lềnh bềnh trôi theo dòng nước.
Cũng lần này, khi nhóm phóng viên đang thu thập tài liệu liên quan việc xả thải đã bị nhóm cảnh giới của bãi tập kết rác tiếp cận yêu cầu kiểm tra điện thoại. Một trong hai thanh niên bảo đây là "khu vực cấm quay phim chụp ảnh".
Khi kiểm tra xong điện thoại, hai người này yêu cầu phóng viên đi ra khỏi khu vực, đồng thời cắt cử người theo dõi chúng tôi suốt một đoạn đường dài.
Theo tìm hiểu, ông Sáng tuy là chủ bãi nhưng rất hiếm khi xuất hiện. Nhiều trường hợp xe tải vào bãi đổ rác không cần gặp ông Sáng trực tiếp mà thông qua người thu tiền "bãi".
Trước câu hỏi: "Đổ rác vào bãi trên có an toàn không, có bị kiểm tra xử phạt gì không?", ông Bảo quả quyết: "Không, cái đó là khỏi sợ, ở đây người ta lấy tiền bãi, có gì người ta chịu à. Có "ấy" nó điện vô báo cho mình biết ngưng à".
Và cứ thế khói từ "đại công trường" này vẫn bốc lên nghi ngút cả ban ngày lẫn ban đêm. Ảnh hưởng bởi khói từ rác cháy cả ngày lẫn đêm, một số người dân sinh sống gần khu vực xung quanh đó không khỏi bức xúc.
"Tôi thường phải hít khói từ bãi đốt rác này. Ban ngày hay ban đêm họ đều đốt, khói mùi khó chịu lắm, mong cơ quan chức năng xử lý không để ảnh hưởng đến đời sống người dân quanh đây", một người dân nêu bức xúc và cho biết thêm do rất sợ phiền phức nên không dám lên tiếng về chuyện "làm ăn" của bãi tập kết rác trên.
Hai vợ chồng cùng con gái mang thai được người dân phát hiện đã tử vong trong nhà riêng ở Cà Mau, các thi thể phân hủy bốc mùi hôi thối.
Sở Nội vụ Kon Tum chỉ đạo 'nóng' vụ hàng loạt giáo viên nghỉ việc; Quỹ Nafosted chấp thuận cho PGS.TS Đinh Công Hướng rút khỏi Hội đồng khoa học ngành Toán học; Thua kiện 6 giáo viên, lãnh đạo huyện xin tỉnh hơn 2 tỷ để bồi thường;... là những thông tin giáo dục nổi bật trong tuần qua.
Ngày 28/3, trả lời VTC News, ông Nguyễn Văn An - Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk Hà cho biết vừa có thêm một nạn nhân trong vụ nổ đầu đạn xảy ra hôm 25/3 tử vong. Nạn nhân là A Tiến (12 tuổi, con ông A Tu). A Tiến tử vong 7h sáng nay, 28/3. Hiện thi thể đã được đưa từ bệnh viện về nhà bàn giao cho gia đình. Như vậy, hiện còn 2 nạn nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum là chị Y Khung (22 tuổi) và A Kiên (12 tuổi). Như VTC News...
Dự án khu đô thị Nam Đà Lạt của Công ty Sài Gòn Đại Ninh (tức dự án Sài Gòn Đại Ninh, Lâm Đồng) trở thành vùng hoang tàn sau khi tổng giám đốc bị khởi tố.
Kiến ThứcCác đại biểu tham quan triển lãm ảnh bên lề Lễ kỷ niệm.1 Cách đây tròn 70 năm, ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, đặt nền móng cho sự phát triển của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh Việt Nam ngày nay. Kiến ThứcNghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông, Phó chủ tịch Liên hiệp các hội...
Cây sao đen hàng chục năm tuổi trên đường Lê Lợi, TP Quảng Ngãi chết bất thường, dưới gốc có hàng chục lỗ thủng nghi bị người xấu khoan, đổ chất độc bức tử.
Đồng Nai - Ngày 1.5, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, đã ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo, an toàn giao thông...
Nguyễn Đình Thuận (24 tuổi) ở Quảng Ngãi được chủ thuê đi giao hàng, tuy nhiên, đối tượng này trộm túi xách cùng 120 triệu đồng của chủ rồi bỏ...
Vĩnh Phúc - Thanh tra tỉnh kiến nghị cơ quan công an xây dựng phương án xử lý, không để công dân hoặc các đoàn khiếu kiện đông người đến...