Nhiều công dân Sri Lanka gặp khó khăn đã tin vào quảng cáo "việc nhẹ lương cao" ở nước ngoài và bị lừa tham gia chiến sự Nga - Ukraine.
Giới chức Nga và Sri Lanka hồi cuối tháng 5 bắt đầu trao đổi để giải quyết vấn đề công dân quốc đảo tham chiến cùng binh sĩ của Moskva ở Ukraine. Ít nhất 16 công dân Sri Lanka được cho là đã mất tích trong chiến sự.
Trả lời báo giới ngày 30/5, Ngoại trưởng Sri Lanka Tharaka Balasuriya nói ông cảm thấy "rất đáng tiếc" và đang phối hợp với Bộ Quốc phòng Sri Lanka để xác định số công dân nước này tham chiến. "Chúng tôi đã tiếp nhận 455 đơn trình báo, nhưng e rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều", ông cho biết.
Theo ông Balasuriya, những công dân Sri Lanka, hầu hết từng phục vụ trong quân ngũ, bị lừa sang Nga bằng lời hứa hẹn về mức lương tốt và chính sách ưu đãi, như có thể nhập tịch Nga. Những kẻ lừa đảo nói họ sẽ không phải tham chiến, nhưng tình hình hiện tại cho thấy một thực tế khác.
Đại sứ Nga tại Sri Lanka Levan S. Dzhagaryan mô tả các cuộc trao đổi giữa giới chức hai nước sẽ là bước đầu tiên trong nỗ lực giải quyết vấn đề.
"Những gì chúng tôi mong muốn là đưa chồng mình trở về", Renuka Karunaratne, 49 tuổi, nói với AFP, thêm rằng chồng cô đã bị "một kẻ xảo quyệt lừa đến Nga".
Khi nền kinh tế Sri Lanka rơi vào khủng hoảng năm 2022, người dân quốc đảo đã tìm cách ra nước ngoài, làm bất kỳ công việc nào họ có thể tìm thấy. Trong số này có nhiều người từng trong quân ngũ.
Những bài đăng quảng cáo được chia sẻ trên các nhóm cựu binh Sri Lanka hứa hẹn nếu đến Nga, họ sẽ nhận được mức lương hơn 2.100 USD mỗi tháng, cao hơn 13 lần so với thu nhập trung bình ở quốc đảo. Họ còn có thể "được cấp đất ở Nga và đưa gia đình đến định cư".
Karunaratne và chồng đã chi 10.000 USD cho một bên tuyển dụng để nhận việc. "Chúng tôi bán tất cả những gì mình có, kể cả nữ trang", Karunaratne nói trước đại sứ quán Nga ở thủ đô Colombo tuần trước. "Chúng tôi còn thế chấp nhà của mình".
Gia đình Nilmini Chandima Dissanayake, 41 tuổi, cũng rơi vào tình trạng khó khăn vì khủng hoảng kinh tế. Chồng cô, từng là lính biệt kích suốt 22 năm, đã chọn đến Nga để nhận công việc mà anh nghĩ không liên quan đến chiến đấu.
"Chồng tôi xuất ngũ, làm một số việc lặt vặt nhưng không đủ thu nhập", Dissanayake chia sẻ. Cô không nhận được tin tức gì về chồng từ ngày 1/5, một tháng sau khi anh đến Moskva. "Trong cuộc gọi gần nhất, anh ấy cầu xin tôi tìm cách đưa anh ấy về nhà, cứu mạng anh ấy".
Giới chức quốc phòng Sri Lanka cho biết ít nhất 22 công dân nước này gia nhập lực lượng Nga đã đào ngũ và trở về nhà. "Họ bị lừa", phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Sri Lanka Nalin Herath nói.
Tài xế Anil Madusanka, 37 tuổi, từng lái xe cho một khách sạn, là một trong số đó. "Nhiều người gặp khó khăn kinh tế", Madusanka kể lại. Anh đang dần bình phục tại nhà ở ngoại ô Colombo, sau 7 tuần "kinh hoàng" tại Nga. "Đó là lý do họ đến Nga hoặc Ukraine".
Madusanka từng nghĩ sẽ có công việc lái xe hứa hẹn hơn ở Nga, nhưng khi đến nơi, anh được trao cho một khẩu súng trường và ra tiền tuyến, đối mặt lực lượng Ukraine. Anh bị mảnh đạn xuyên qua cả hai chân và được vào viện điều trị. Madusanka sau đó trốn viện, tìm đến đại sứ quán Sri Lanka ở Moskva và về nước hồi tháng 5.
Quốc hội Sri Lanka tháng trước đã mở cuộc điều tra về ít nhất 2.000 cựu binh nước này tham gia chiến sự Nga - Ukraine ở cả hai phe. Họ có thể đã gia nhập lực lượng vũ trang hai nước hoặc các nhóm lính đánh thuê.
Nga và Ukraine đều không cho biết có bao nhiêu công dân nước ngoài trong lực lượng vũ trang hay trong số tù binh họ đang giữ. Colombo ước tính hơn 10 công dân Sri Lanka đang là tù binh ở Ukraine.
Sri Lanka giữ quan điểm trung lập trong xung đột Nga - Ukraine, nhưng những diễn biến gần đây đang dấy lên căng thẳng trong quan hệ song phương.
Cảnh sát Sri Lanka đã bắt hai tướng về hưu của nước này với cáo buộc tuyển mộ cựu binh cho các công ty lính đánh thuê Nga, cùng 6 người nghi hỗ trợ hậu cần cho họ.
Ngoại trưởng Balasuriya cho biết Sri Lanka đang thúc giục Ukraine trao trả tù binh, và sẽ cử phái đoàn đến Moskva, nhưng các bên chưa ấn định thời điểm cụ thể. "Nếu công dân Sri Lanka gặp nguy hiểm, chính phủ có trách nhiệm đảm bảo đưa họ trở về an toàn", ông nói.
Đại sứ Nga Dzhagaryan nói họ đã cấp "nhiều thị thực" cho công dân Sri Lanka, nhưng nhấn mạnh những người nộp đơn không nêu lý do họ muốn đến Moskva.
"Tại sao các bạn chỉ đề cập đến Nga?", ông Dzhagaryan hỏi ngược lại các phóng viên ở Colombo tháng trước. "Tại sao các bạn không nhắc đến Ukraine?".
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)
Bất chấp nhiều đợt không kích, Mỹ không thể ngăn được Houthi tấn công tàu hàng trên Biển Đỏ, do lực lượng này có ưu thế về địa lý, khí tài và chính trị.
Tòa Hiến pháp Thái Lan tuần này xét xử và có thể ra phán quyết khiến Thủ tướng Srettha mất chức vì bổ nhiệm một bộ trưởng từng ngồi tù.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết 94 tù binh Nga do Ukraine bắt giữ đã được thả tự do, trong khi phía Ukraine cho hay 95 tù binh Ukraine - thuộc các lực lượng vệ binh quốc gia và biên phòng - đã trở về.
Mohammed Afif, người phát ngôn của Hezbollah, được cho là đã thiệt mạng trong vụ không kích của Israel vào trung tâm thủ đô Beirut của Lebanon ngày 17-11.
Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ sẽ sử dụng hệ thống bỏ phiếu điện tử để xác định ứng viên tổng thống cho đảng trước ngày 7/8.
Đại sứ Phạm Hùng Tâm nhấn mạnh ủng hộ sự phối hợp, hợp tác giữa Ủy ban ASEAN tại Canberra với Trung tâm ASEAN Australia.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố kiểm soát thêm 4 làng ở khu vực Kharkov, trong khi tư lệnh quân đội Ukraine thừa nhận tình thế khó khăn ở mặt trận này.
Jose Adolfo Macias, thủ lĩnh băng đảng ma túy khét tiếng Ecuador, sống trong trại giam có nhà tắm, tủ lạnh, giường đệm cỡ lớn, sân nuôi gà chọi.
UAV tự sát Lancet của Nga gần đây hiển thị tên mục tiêu như Leopard 2, T-72 hoặc trạm radar, cho thấy khả năng tự động nhận diện khí tài đối phương.