Câu chuyện tái định cư thủy điện với nhiều vấn đề chưa được tháo gỡ khiến người dân gặp nhiều khó khăn đã làm nóng nghị trường tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum thứ XII.
Sau loạt 3 bài “” của TTXVN hồi tháng 3/2023, vấn đề tái định cư thủy điện vẫn chưa được tỉnh Kon Tum và các chủ đầu tư dự án thủy điện giải quyết triệt để.
Đến nay, những vấn đề vẫn chưa được tháo gỡ, người dân sinh sống tại những khu tái định cư này vẫn gặp nhiều khó khăn.
Mới đây nhất, câu chuyện về tái định cư thủy điện lại làm nóng nghị trường tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum thứ XII, nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng với đó, việc giải quyết số tiền đền bù còn lại cũng là một “nút thắt” cần sớm có những giải pháp tháo gỡ.
Vấn đề chưa được giải quyết
Cụ thể, đối với Dự án Tái định cư thuộc xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum thứ XII, đại biểu Võ Thanh Chín thuộc Tổ đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum tại huyện Đăk Hà đặt câu hỏi về những vấn đề còn tồn tại như: việc cấp đất ở, đất sản xuất cho người dân; tổng khối lượng dự án, giải ngân vốn đạt bao nhiêu phần trăm. Đặc biệt, hiện vẫn còn khoảng 50-60 hộ dân chưa lên ở khu tái định cư.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum Nguyễn Ngọc Sâm cho biết dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk H’Ring (nay là xã Đăk Long) được triển khai thực hiện từ năm 2009, kết thúc vào năm 2018. Đến nay, dự án đã hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật theo mục tiêu tiêu đề ra.
Tổng số hộ bố trí sắp xếp tại khu tái định cư là 126 hộ, với 674 khẩu, đạt trên 42% so với mục tiêu di dân theo dự án là 300 hộ. Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí để làm nhà ở cho 126 hộ. Tổng số hộ được nhận đất sản xuất, đất ở là 126 hộ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum cũng thừa nhận dự án còn nhiều hạn chế, khiến số hộ di dân lên khu tái định cư chưa đạt so với mục tiêu dự án đề ra. Nguyên nhân là do quỹ đất sản xuất tại khu tái định cư cấp cho người dân chưa bằng 1/3 so với diện tích dự án được duyệt.
Bên cạnh đó, đa số các hộ dân quen với tập quán sản xuất, canh tác cộng đồng ở nơi cũ nên không muốn di dời lên khu vực mới. Một số hộ khác chỉ đến khu tái định cư canh tác rồi quay về làng cũ sinh sống.
Đối với các giải pháp để ổn định đời sống của những hộ dân tại khu tái định cư, ông Nguyễn Ngọc Sâm cho biết huyện Đăk Hà sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân lên khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Đồng thời, huyện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại các khu tái định cư.
Ngoài ra, huyện sẽ rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách cấp huyện để khắc phục các tồn tại, hạn chế tại khu tái định cư.
“Dự án này còn những tồn tại, hạn chế mà những hạn chế này tôi nghĩ có thể khắc phục được. Do đó, tôi đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh từ nay trở đi chỉ đạo xuống dưới, nhất là chủ đầu tư - Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Hà - tiếp tục khắc phục những tồn tại," Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang yêu cầu.
Sớm có giải pháp bồi thường
Đối với Khu tái định cư Thủy điện Đăk Đrinh, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, do vướng mắc trong vấn đề đền bù nên hiện nay, vẫn còn nhiều hộ dân chưa nhận được tiền hỗ trợ, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Báo cáo số 182/BC-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum gửi Bộ Công Thương nêu rõ tổng số tiền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ của Dự án thành phần di dân, tái định cư-tái định canh (thuộc Dự án Thủy điện Đăk Đrinh) là 298,5 tỷ đồng. Đến nay, tổng số tiền đã giải ngân là 270,7 tỷ đồng, tức là vẫn còn 27,8 tỷ đồng chưa được giải ngân, dù dự án đã kéo dài 10 năm (từ 2013 đến nay). Số tiền chưa thể chi trả là chi phí bồi thường, hỗ trợ đất và tài sản trên đất bị thu hồi đất để bố trí đất tái định canh-tái định cư.
Trong số 270,7 tỷ đồng đã giải ngân, mới chỉ có 250,5 tỷ đồng được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum và huyện Kon Plông phê duyệt quyết toán. Trong số tiền đã được phê duyệt, có 33,286 tỷ đồng chi phí bồi thường, hỗ trợ tăng thêm, chủ đầu tư đang chờ xin ý kiến của cấp có thẩm quyền đối với chi phí này, sau đó mới có thể giải ngân số tiền 27,8 tỷ đồng còn lại.
Số tiền bồi thường, hỗ trợ tăng thêm 33,286 tỷ đồng để phục vụ cho việc bồi thường đất trong phạm vi lòng hồ; hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm; hỗ trợ khai hoang đất lúa nước; hỗ trợ khai hoang đất nương rẫy.
Ông Trương Văn Minh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Kon Plông (đơn vị thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư) cho biết, nguyên nhân dẫn đến số tiền bồi thường, hỗ trợ tăng thêm là do một số yếu tố phát sinh trong quá trình tái định cư.
Đơn cử, đối với khoản hỗ trợ ổn định đời sống, theo Điều 10, Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 8/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, mỗi nhân khẩu hợp pháp bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất sản xuất thì hỗ trợ lương thực 48 tháng; bị thu hồi trên 70% hỗ trợ 36 tháng; bị thu hồi từ 30% đến 70% hỗ trợ 24 tháng.
Tuy nhiên, do yếu tố bà con canh tác đất nông nghiệp đa số không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên tỉnh áp dụng mức cao nhất là hỗ trợ 48 tháng với tất cả các hộ dân thuộc diện tái định canh, tái định cư.
Ngoài ra, do chưa giao đủ đất sản xuất nên việc hỗ trợ cho người dân tiếp tục kéo dài, không dừng lại ở 48 tháng. Điều này đã được quy định tại điểm a, Khoản 1, Điều 9, Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.
Theo Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông, số tiền 33,286 tỷ đồng này Thủy điện Đăk Đrinh đã chuyển tiền cho huyện, huyện cũng đã giải ngân đền bù, hỗ trợ cho người dân và cũng đã quyết toán số tiền trên.
Tuy nhiên, khi xác lập tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án Thủy điện Đăk Đrinh, Bộ Công Thương cho rằng khoản chi này cần phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa vào tổng mức đầu tư, chủ đầu tư mới tiến hành các bước tiếp theo, trong đó có việc giải ngân số tiền 27,8 tỷ đồng còn lại.
Ngày 17/7, Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Đrinh (PV Power DHC thuộc Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam) cũng đã có báo cáo 545/BC-DHC gửi Bộ Công Thương về chi phí tăng thêm trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh.
Báo cáo nêu rõ để có cơ sở thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho người dân, quyết toán vốn dự án và giải quyết dứt điểm tồn tại trong công tác đền bù, PV Power DHC mong Bộ Công Thương quan tâm, xem xét, tham mưu Chính phủ đối với chi phí tăng thêm (33,286 tỷ đồng) để công ty có cơ sở thực hiện cấp kinh phí cho địa phương.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 2300/UBND-HTKT gửi Bộ Công Thương để đăng ký làm việc với Bộ (dự kiến diễn ra vào 27/7).
Tại buổi làm việc này, tỉnh Kon Tum sẽ trao đổi, bàn giải pháp tháo gỡ các khoản chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định canh, tái định cư Dự án Thủy điện Đăk Đrinh trên địa bàn huyện Kon Plông./.
Trước giờ cưỡng chế , nhiều hộ dân ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk đã tự nguyện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án đường Hồ...
Sau vụ tai nạn trực thăng rơi, gia đình Đại tá Chu Quang Minh - phi công tử nạn trong vụ máy bay trực thăng Bell 505 rơi ở Vịnh Hạ Long nhận được số tiền bồi thường bảo hiểm 200.000 USD (gần 4,5 tỷ đồng).
GSM ký hợp đồng bán và cho thuê 500 ôtô VinFast với Taxi Hương Giang và Công ty Bảo Gia, vận hành taxi điện tại Bắc Giang và Cà Mau.
Tình trạng tranh chấp chung cư trên địa bàn Hà Nội tiếp tục “bùng nổ” khi cư dân tại nhiều dự án tập trung băng rôn đòi 'sổ hồng', 'tố' chủ đầu tư chậm bàn giao nhà, 'om' quỹ bảo trì...
Tình trạng người dân bị tội phạm mạo danh cơ quan chức năng, công an dụ dỗ cài mã độc nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn ra.
Phát biểu khai mạc chương trình, Chủ tịch UBDN tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt cho biết, Festival Tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long - 2023 với chủ đề “Festival Tôm Cà Mau - Tự hào thương hiệu Việt' là sự kiện văn hóa, kinh tế, du lịch ý nghĩa, là sự khẳng định và tôn vinh những người nuôi tôm gắn bó với tự nhiên, sinh thái mang đậm nét văn hoá truyền thống. Các đại biểu tham dự chương trình. (Ảnh: Hoàng Thọ) Đồng...
Đó là phản hồi của Bộ Tài chính với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải về việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản của Dự án BOT quốc lộ 51.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói không bổ sung các dự án theo đề nghị của địa phương nếu vượt hạn mức đã phân bổ hoặc không đáp ứng tiêu chí.
Lợi dụng nhu cầu phòng trọ của sinh viên tại các thành phố lớn, nhiều đối tượng sử dụng các chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội để chiếm đoạt tiền cọc của nạn nhân. Nhiều trường hợp 'cả tin' đã mất tiền oan với đối tượng lừa đảo.