Dự trữ đồng USD trên toàn cầu đã giảm 14% kể từ năm 2002, khi BRICS và vàng công khai thách thức quyền bá chủ của đồng bạc xanh.
“Chiến dịch” phi USD hóa hiện đang diễn ra trên toàn thế giới. Đồng bạc xanh hiện đang chứng kiến sự gia tăng đối thủ, khi liên tục xuất hiện nhiều “bạn đồng hành mới” ra mặt tuyên bố làm chệch hướng giá trị toàn cầu của nó.
Vị thế thống trị của đồng USD liệu có đang ở ngưỡng bấp bênh?
Thế giới thực sự đang sử dụng đồng USD của Mỹ ít hơn đáng kể so với đầu thế kỷ, trong khi các thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS công khai đẩy nhanh nỗ lực lật đổ vị trí thống trị của đồng bạc xanh.
Hội đồng Đại Tây Dương: Tốc độ phi USD hóa tăng nhanh, vị trí thống trị của đồng bạc xanh lung lay |
Tốc độ phi USD hóa tăng nhanh, vị trí thống trị của đồng bạc xanh lung lay? (Nguồn: watcher.guru) |
Sự suy giảm của đồng USD của Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới đã là chủ đề thảo luận sôi nổi trong nhiều năm - đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008. Và trong khi, không ít ý kiến bảo vệ vị thế số 1 của đồng bạc xanh, với quan điểm cho rằng, các cuộc thảo luận về sự sụp đổ sắp xảy ra của đồng USD chỉ là do bị thổi phồng, dữ liệu do Hội đồng Đại Tây Dương cung cấp cho thấy, thế giới thực sự đang sử dụng đồng USD ít hơn đáng kể so với đầu thế kỷ.
Theo Hệ thống giám sát sự thống trị của đồng USD từ Hội đồng Đại Tây Dương, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu là 58% vào năm 2024, đã giảm 14% so với năm 2002 - khi nó chiếm tới 72% dự trữ toàn cầu.
Báo cáo cho biết, "Đồng USD đã đóng vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới kể từ Thế chiến thứ II. Hiện nay, đồng USD chiếm 58% giá trị dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới. Đồng Euro - đồng tiền được sử dụng nhiều thứ hai, chỉ chiếm 20% dự trữ ngoại hối".
“Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine và Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tiếp tục leo thang trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt tài chính, ngày càng nhiều quốc gia đã phát đi tín hiệu về ý định đa dạng hóa nguồn dự trữ khỏi đồng USD”, các nhà nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương cho biết.
Tin liên quan |
Sức mạnh BRICS được ‘đảm bảo bằng tiền’, khả năng tái thiết hệ thống tiền tệ phi USD hóa toàn cầu Sức mạnh BRICS được ‘đảm bảo bằng tiền’, khả năng tái thiết hệ thống tiền tệ phi USD hóa toàn cầu |
Tốc độ phi USD hóa đã tăng lên trong những năm gần đây và các nhà nghiên cứu chỉ ra một diễn biến đã thúc đẩy xu hướng này - đó là sự lớn mạnh của BRICS.
"Trong 2 năm qua, các thành viên của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, gần đây đã bổ sung thêm Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất; Saudi Arabia đang cân nhắc gia nhập) đã tích cực thúc đẩy việc sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại và giao dịch", theo báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương.
Trong cùng thời gian này, Trung Quốc đã mở rộng hệ thống thanh toán thay thế cho các đối tác thương mại của mình và tìm cách tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế. Trên thực tế, trong số các loại tiền tệ của BRICS, Nhân dân tệ có tiềm năng cạnh tranh cao nhất với đồng USD - như một loại tiền tệ thương mại và dự trữ".
"BRICS là một thách thức tiềm tàng đối với vị thế của đồng USD, do nó có khả năng tăng cường giao dịch nhiều hơn bằng nội tệ của các nền kinh tế thành viên, đồng thời tỷ trọng GDP của BRICS không ngừng tăng nhanh trong tổng GDP toàn cầu", theo dữ liệu do Hội đồng Đại Tây Dương công bố.
Dẫn chứng thực tế, Báo cáo của Hội đồng Đại Tây Dương đã chỉ ra hai yếu tố chính làm nổi bật khả năng cạnh tranh ngày càng gia tăng của cơ sở hạ tầng tài chính thay thế đồng USD, mà Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng - là "tăng cường các quan hệ hoán đổi song phương của Bắc Kinh với các đối tác trong BRICS và kết nạp thêm thành viên vào Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) - chuyên cung cấp dịch vụ thanh toán cho các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ".
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024, “CIPS đã bổ sung thêm 62 thành viên (là cá nhân hoặc tổ chức) tham gia giao dịch trực tiếp, đưa số lượng lên 142 thành viên tham gia trực tiếp và 1.394 thành viên tham gia gián tiếp”.
Tất nhiên, SWIFT vẫn đang chiếm ưu thế khi là hệ thống thanh toán quốc tế có hơn 11.000 thành viên. Nhưng vì các bên tham gia CIPS trực tiếp có thể thanh toán giao dịch với nhau mà không cần phụ thuộc SWIFT hoặc đồng USD, nên các chỉ số truyền thống về việc sử dụng đồng Nhân dân tệ có thể đang bị tính thấp hơn thực tế.
Nhưng dù có như vậy và Trung Quốc thực sự đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc bổ sung các đối tác vào CIPS, các nhà nghiên cứu cho biết “Vai trò của đồng USD là đồng tiền dự trữ toàn cầu chính vẫn an toàn trong ngắn hạn và trung hạn”.
“Đồng USD tiếp tục thống trị các khoản dự trữ ngoại hối, hóa đơn thương mại và giao dịch tiền tệ trên toàn cầu. Tất cả các đối thủ tiềm năng, bao gồm cả đồng Euro, đều chỉ có khả năng hạn chế thách thức đồng USD trong tương lai gần”, theo các chuyên gia của Hội đồng Đại Tây Dương.
Đối với sự phát triển của một hệ thống thanh toán nội khối BRICS, Hội đồng Đại Tây Dương nhận thấy, các cuộc đàm phán xung quanh một hệ thống như vậy "đang trong giai đoạn đầu, nhưng các thành viên đã đạt được các thỏa thuận song phương và đa phương với nhau, tập trung vào tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương bán buôn xuyên biên giới (CBDC) và các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ".
Theo các nhà nghiên cứu, những thỏa thuận nói trên có thể khó mở rộng do các vấn đề về quy định và thanh khoản, nhưng theo thời gian, nó có thể hình thành cơ sở cho một nền tảng trao đổi tiền tệ không thể coi thường.
Tin liên quan |
BRICS, Nhân dân tệ BRICS, Nhân dân tệ 'tổng tấn công', đồng USD có còn là vua? |
Mặc dù, Bắc Kinh là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của USD, nhưng những khó khăn gần đây của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bao gồm cả vấn đề của thị trường bất động sản, đã khiến đồng Nhân dân tệ mất đi một phần vị thế mà nó đã đạt được so với USD trong dự trữ ngoại tệ.
Dữ liệu thực tế cho thấy, "Mặc dù Bắc Kinh tích cực hỗ trợ thanh khoản cho đồng Nhân dân tệ thông qua các hạn mức hoán đổi, trong quý IV/2023, tỷ trọng của đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã giảm xuống còn 2,3% từ mức đỉnh 2,8% vào năm 2022".
Theo các nhà phân tích tại Hội đồng Đại Tây Dương, các nhà quản lý dự trữ có thể vẫn còn lo ngại nội tệ của Trung Quốc là một loại tiền tệ rủi ro về mặt địa chính trị, do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc, lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine, hay căng thẳng gia tăng với Mỹ và G7”.
Dựa trên 6 “yếu tố thiết yếu của một loại tiền tệ dự trữ” do Hội đồng Đại Tây Dương xác định, Nhân dân tệ vẫn còn "xếp hàng" sau đồng Euro trong xếp hạng các loại tiền tệ phù hợp nhất để trở thành một loại tiền tệ dự trữ sau đồng USD.
Đồng bạc xanh vẫn chiếm "9 trong số 10 giao dịch tiền tệ" trên thị trường quốc tế, điều này "phản ánh vai trò trung gian vững chắc của đồng USD trên thị trường ngoại hối, vì nó giúp giảm thiểu chi phí giao dịch cho các nhà giao dịch, nhưng đồng thời đã củng cố vị thế trung tâm của đồng USD trong các mạng lưới tài chính.
Ngoài ra, trong bối cảnh rối ren của tình hình địa chính trị và nền kinh tế toàn cầu có xu hướng suy giảm, theo các nhà phân tích tại Morgan Stanley, không thể chối cãi rằng, đồng USD vẫn đứng vững giữa mọi sự hỗn loạn bởi độ tin cậy nhất định mà nó có được từ lâu.
Ngoài đồng tiền của Trung Quốc công khai lần lướt vai trò dự trữ của đồng USD, trong nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương còn chỉ ra - vàng cũng xuất hiện là một mặt hàng được các thành viên BRICS ưa chuộng. "Các thị trường mới nổi đã thúc đẩy sự gia tăng hoạt động mua vàng gần đây. Kể từ năm 2018, tất cả các thành viên BRICS đều tăng lượng vàng nắm giữ với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của thế giới, mặc dù giá vàng ở mức cao kỷ lục".
Tuy nhiên, do các thế mạnh không thể phủ nhận, cùng với sự hậu thuẫn đáng kể của nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ), "đồng USD vẫn là vua của các loại tiền tệ, thực sự chưa thật sự có đối thủ nào "đạt chuẩn - ngang sức, ngang tài", theo Giám đốc Chính sách công tại Morgan Stanley Michael Zezas.
Một số mô hình canh tác lúa bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang được triển khai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả bước đầu cho thấy, với việc ứng dụng đồng bộ giải pháp và công nghệ canh tác lúa tiên tiến, đã giúp giảm các vật tư đầu vào, kiểm soát tốt phát thải và tác động môi trường, hiệu quả kinh tế cũng cao hơn cách canh tác truyền thống.
EVN sẽ đề xuất mua với giá hợp lý với lượng điện mặt trời mái nhà dư thừa nếu có pin lưu trữ, tích điện, đặc biệt là giá mua điện vào giờ cao điểm.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh hiện hơn 60 triệu đồng một năm, gấp 12 lần so với 2024, thời điểm tái lập tỉnh.
Không còn cảnh người dân chen chúc tập nập bên ngoài và rất khó để vào bên trong mua vàng, Công ty SJC - tiệm vàng kinh doanh vàng miếng SJC lớn nhất TPHCM - sáng nay thông thoáng lạ thường. Đặc biệt, khách đến là có thể mua vàng và cầm về ngay trong vòng vài phút.
Việc xử lý nhà máy bột giấy Phương Nam nhiều năm gặp bế tắc, có thể khiến cho chủ đầu tư là VINAPACO âm vốn chủ sở hữu, mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản...
Quy định cấm cha, mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột cùng đấu giá một tài sản để tránh thông đồng giá nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng không hợp lý.
Phiên đấu giá 19 lô đất (LK03-LK04) tại thôn Lòng Khúc tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức kéo dài hơn 19 giờ mới ngã ngũ. Quá trình đấu giá và những bất hợp lý liên quan làm cho mức giá trúng cao hơn 18 lần giá khởi điểm được đánh giá là bất thường.
Năm 2023, tỉnh Tây Ninh thực hiện hiệu quả công tác quy hoạch hợp tác phát triển và liên kết vùng, tạo tiền đề tích cực cho công tác này năm 2024 và những năm tiếp theo.
Làm việc trực tuyến với tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và TP Hải Phòng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ mong muốn các địa phương hiến kế cho các cơ quan Trung ương hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc, bởi chính địa phương mới biết thế nào là đúng.