Chùa Đồng Bụt được lấy tên theo địa danh làng thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Nơi đây cũng được biết đến là miền “đất Phật”, là nơi sinh ra vị thiền sư thời Lý - đức thánh Từ Đạo Hạnh - được coi là Nam Việt Tam thánh.
Trên phương diện Sử học tôn giáo, thiền sư Từ Đạo Hạnh thuộc phổ hệ 12 Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi (Vinitaruci), một thiền phái mang đậm yếu tố Mật tông.
Cổ tự bậc nhất vùng sông Tích
Làng Đồng Bụt, dưới thời Lê, thế kỷ 15 - 16 có tên gọi là Đồng Bụt trang thuộc Liệp Hạ trại, thuộc huyện Ninh Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây ngày nay thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội. Dưới thời Nguyễn, chùa Đồng Bụt thuộc xã Phục Liệp, tổng Liệp Mai (tổng Sếp), huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Chùa Đồng Bụt có tên chữ là Thiền Sư tự, được khởi dựng trên một khu đất cao giữa làng (thuộc xóm Trong, vì làng còn có xóm Ngoài), hướng quay về phía Tây - Nam nhìn thẳng ra khu Vườn Nở, nơi tương truyền sinh ra Đức thánh Từ Đạo Hạnh ở đó. Xưa kia, tại Vườn Nở có một ngôi miếu nhỏ phụng thờ Từ Đạo Hạnh. Đến năm 2005, dân làng lại phục dựng lại ngôi miếu.
Tương truyền, chùa có từ thời Trần. Tại chùa còn lưu giữ một quả chuông đồng được đúc năm “Gia Long thập bát niên” tức năm vua Gia Long thứ 18 (1819). Trên thân chuông còn ghi quả chuông trước kia được đúc vào năm “Đại Trị thập niên” tức năm vua Trần Dụ Tông thứ 10 (1369), do có chiến tranh nên quả chuông được giấu xuống ao, sau khi quả chuông được vớt lên đánh không kêu nên dân làng đã tiến hành đúc lại quả chuông này.
Trải qua nhiều lần trùng tu, chùa Đồng Bụt hiện nay vẫn còn mang những kiến trúc của thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn. Tổng thể chùa có mặt bằng kiến trúc hình chữ Công, phía trước là tiền đường, nối tiếp là Trung điện và cuối cùng là thượng điện. Chùa được xây dựng bằng đá ong, một loại chất liệu đặc trưng trong xây dựng của các địa phương xứ Đoài. Đá ong là loại vật liệu có đặc tính rất đặc biệt, khi ngâm dưới nước loại chất liệu này rất mềm và thấm nước bởi bản chất đá ong có nhiều lỗ hổng dạng giống tổ ong; nhưng khi đá ong được đào lên khỏi mặt đất và lấy ra khỏi nước thì rất cứng và chắc. Đá ong khi được sử dụng làm vật liệu xây dựng còn có tính chất điều hòa nhiệt độ cho kiến trúc, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm áp.
Chùa được bài trí thờ tự theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”, tại phần tiền đường chùa thờ Phật theo phái Đại thừa giống nhiều chùa khác tại miền Bắc Việt Nam. Tại thượng điện (hậu cung), tượng thờ Đức thánh Từ Đạo Hạnh đặt trong khám ở bên trái hậu cung, đó là một bức tượng nhỏ, ngồi khoanh chân, tay đặt lên gối. Có ý kiến cho rằng, vì Đồng Bụt là nơi sinh, nên tượng thờ là tượng thời niên thiếu, so với Sài Sơn là nơi Đức thánh tu luyện thành chính quả, do đó mà tượng thờ có dáng vóc của người đã tu đắc đạo trưởng thành. Trong khu vực các địa phương vùng ven sông Tích thuộc huyện Quốc Oai (Hà Nội), chùa Đồng Bụt được đánh giá là ngôi chùa có quy mô lớn và niên đại lâu đời trong vùng này.
Thông qua nhiều tư liệu tại chùa và các truyền thuyết dân gian địa phương, chùa Đồng Bụt có mối quan hệ mật thiết với nhiều chùa lớn tại Hà Nội bởi có thờ chung Từ Đạo Hạnh như chùa Láng (Chiêu Thiền tự), chùa Thầy (Thiên Phúc tự)... Không chỉ các chùa mà còn nhiều đình, đền, miếu cũng thờ Từ Đạo Hạnh hoặc liên quan tới ông như: Đền Quán Thánh, Đình Thượng Đình, Đình Kim Giang (thờ ông Từ Vinh - cha thiền sư Từ Đạo Hạnh).
Di vật hàng trăm năm tuổi
Chùa Đồng Bụt hiện lưu trữ nhiều di vật quý của cha ông. Từ cổng chùa tiến vào, bên trái của chùa chính là nhà bia, tại đây còn lưu giữ 3 bia đá quý chứa đựng nhiều thông tin quan trọng. Trong đó, tấm bia đá mang tên “Hộ Pháp Tự Bi” (Văn bia ghi về Hộ pháp của chùa), bia được dựng ngày mùng 9 tháng 11 năm Minh Mạng thứ 1 (1820), có đề cập nơi đây gắn với sự nghiệp của Đức Thánh Từ Đạo Hạnh. Trong văn bia có đoạn viết: Thánh văn Tăng quan Đô sát Từ tính Đại Thiền sư, trụ trì thượng phụng, có nghĩa là: Dấu tích của thánh Tăng quan Đô sát Đại Thiền sư họ Từ đã trụ trì chùa này vẫn được phụng thờ ở trên.
Chùa Đồng Bụt còn lưu giữ được 10 sắc phong với nhiều triều đại khác nhau. Dưới thời Lê Trung Hưng, chùa còn giữ được 2 sắc phong, trong đó sắc phong sớm nhất là năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783) và năm Chiêu Thống thứ nhất (1787). Dưới thời Tây Sơn, chùa được ban 2 sắc phong, vào năm Cảnh Thịnh thứ 1 (1788) và năm Quang Trung thứ 5 (1792). Dưới thời Nguyễn chùa được ban 6 sắc phong, được ban vào các năm sau: năm Minh Mạng thứ 2 (1821), năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), năm Tự Đức thứ 3 (1850), năm Đồng Khánh thứ 2 (1887), năm Duy Tân thứ 3 (1909) và năm Khải Định thứ 9 (1925). Nội dung các sắc phong đều hướng đến sự tôn vinh vị thiền sư - đức thánh Từ Đạo Hạnh. Hiện nay, chùa Đồng Bụt vẫn còn đang lưu giữ được nhiều bức tượng Phật bằng gỗ có kích thước nhỏ, niên đại khoảng thế kỷ 19. Trong đó có hệ thống 3 pho tượng tam thế Phật, tượng Thích Ca đản sinh... Tuy nhiên, các pho tượng gỗ đều đang trong tình trạng mối mọt. Ngoài ra, chùa còn có 3 pho tượng đất nung được sơn son thiếp vàng có niên đại thế kỷ 18. Hệ thống di vật của chùa còn có sách cổ, bát hương cổ, vật liệu kiến trúc cổ và chuông đồng có niên đại năm Gia Long thứ 18 (1819).
Hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch, nhân dân làng đồng bụt cùng tăng ni chùa Đồng Bụt tổ chức hội làng. Theo phong tục và truyền thống, nhân dân nơi đây có câu ca dao: “Mùng bảy hội Thầy, mùng mười hội Sếp nhớ ngày mà đi” (hội Sếp là hội chùa Đồng Bụt). Tại đây lễ hội được tổ chức gồm hai phần, thứ nhất là phần lễ, thứ hai là phần hội. Các cụ cao niên ở làng Đồng Bụt chia sẻ rằng: Theo lệ làng từ xưa, chỉ có ngày hội làng mới mở cửa khám (hậu cung) để rước tượng thiền sư - đức thánh Từ Đạo Hạnh ra Quán Thánh (đây là một ngôi quán nằm ở giữa đồng trên tuyến đường tới chùa Thầy). Với những giá trị đặc biệt của chùa Đồng Bụt, chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật theo Quyết định số 1460/QĐ-VH ngày 28/6/1996.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa đăng ký hiến mô tạng và kêu gọi mọi người dân chung tay đăng ký, cứu sống người bệnh. Vậy người dân muốn đăng ký hiến mô tạng phải làm thế nào?
Chuột lang nước Capybara đã trở thành một “hot trend” được đông đảo bạn trẻ săn đón. Đa số giới trẻ thích thú vì chú chuột này siêu đáng yêu.
Sa Pa có nhiều cách di chuyển thuận tiện từ Hà Nội và vẫn có thể trở thành điểm nghỉ cuối tuần dù không có nhiều thời gian.
Hẹp bao quy đầu gây viêm vùng kín, nhiễm trùng cơ quan sinh dục, nguy cơ biến chứng viêm xơ hóa hoại tử, ung thư.
Các hoạt động chính trong ngày hội diễn ra từ 2-4/11 gồm trình diễn nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, quảng bá đặc sản địa phương, giới thiệu văn hóa ẩm thực...
Ishikawa Bunyo đến miền Nam Việt Nam trong vai trò phóng viên ảnh. Ông sống và làm việc tại đây từ đầu năm 1965.
Cán bộ trạm y tế xã tiêm vắc xin hết hạn, nhiều trẻ em phải nhập viện theo dõi
Trong đời sống sinh hoạt của bà con dân tộc ở Lai Châu có nhiều nét văn hóa đặc sắc được gìn giữ cho tới ngày nay, trong đó có lễ hội Bun Vốc Nặm - một nghi lễ truyền thống của dân tộc Lào.
Xiao Gao, bệnh nhân tiểu đường, nhập viện vì hôn mê do tăng áp lực thẩm thấu, xuất phát từ sở thích ăn gà rán và uống trà sữa.