Những ngày qua, nhiệt độ các tỉnh phía Bắc liên tục hạ sâu khiến người cao tuổi nhập viện gia tăng. Đáng nói, thời điểm giáp Tết cùng với thời tiết lạnh khiến nhiều người ngại đi khám, dẫn tới khi nhập viện đã trong tình trạng nặng.
Cận Tết Nguyên đán cũng là thời điểm miền Bắc đón đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ nhiều ngày liên tiếp xuống dưới 10 độ C. Thời tiết rét đậm, rét hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người cao tuổi.
Ghi nhận tại một số bệnh viện ở Hà Nội như Bệnh viện Hà Đông, Bệnh viện Lão khoa trung ương…, lượng người cao tuổi thăm khám và nhập viện có gia tăng. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người cao tuổi nhập viện gia tăng, chủ yếu mắc các bệnh lý về hô hấp, huyết áp.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân 86 tuổi nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Trước khi vào viện 3 ngày, ông L.V.C. bắt đầu sốt, ho, đau họng.
Do ngại trời lạnh nên ông tự điều trị tại nhà bằng thuốc cảm cúm thông thường. Cho đến khi ông thấy khó thở, tức ngực mới được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tại đây ông được chẩn đoán cúm A biến chứng, suy hô hấp, viêm phổi lan tỏa...
Tại Hà Nội, những ngày này khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương cũng đông đúc bệnh nhân chờ thăm khám.
Ngồi chờ đến lượt khám, ông N.K. (75 tuổi, Hà Nội) chia sẻ từ hôm trời lạnh sâu ông bắt đầu nhức xương khớp, ho, sổ mũi.
"Lạnh quá, ngồi trong nhà còn lạnh huống chi ra ngoài trời, sợ không chịu được nên ngại đến bệnh viện. Cuối năm, con cái cũng bận rộn công việc nên không muốn phiền đến con. Đến tối qua, tôi bắt đầu sốt nên mới báo con đưa đi khám", ông K. bộc bạch.
Ngồi chờ kết quả xét nghiệm, bà Loan (80 tuổi, Hà Nội) cho hay mắc bệnh tiểu đường đã 3 năm nay, hôm nay đến lịch khám định kỳ và cấp thuốc. Bà nói năm ngoái cũng vào đợt lạnh nên ngại đi khám khiến bệnh trầm trọng hơn, sau đó phải nhập viện điều trị nội trú.
"Từ đó đến nay, tôi và các con đều sợ nên dù trời lạnh cũng ráng đi khám đúng lịch, nếu không nhỡ bệnh chuyển nặng, nằm viện còn cực hơn. Con cái cũng biết thế nên cứ đến ngày là sắp xếp đưa mẹ đi khám", bà Loan nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Hà Thị Vân - phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho hay một tuần trở lại đây số lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng.
"Thông thường trước Tết Nguyên đán 1-2 tuần lượng bệnh nhân đến khám tại bệnh viện đều tăng. Tuy nhiên năm nay dịp cận Tết đúng vào đợt rét đậm, rét hại nên số lượng bệnh nhân khám có tăng hơn, số nhập viện tăng lên rõ rệt", bác sĩ Vân thông tin.
Bác sĩ Vân cũng cho hay do thời tiết lạnh, cận Tết nên nhiều người ngại đi khám, ngại phiền con cái, khi đến bệnh viện tình trạng bệnh đã chuyển nặng, đây cũng là lý do khiến số người thăm khám tăng ít nhưng nhập viện tăng cao.
Theo bác sĩ Vân, bệnh nhân đến khám thường có các triệu chứng như ho, đau ngực, đau khớp… Chủ yếu bệnh nhân nhập viện do tăng huyết áp, suy tim cấp, viêm phổi, đau thần kinh tọa nặng.
"Đáng nói triệu chứng bệnh của người cao tuổi không xuất hiện điển hình, rầm rộ như người trẻ nên nhiều người còn chủ quan, như bệnh nhân 82 tuổi đến viện thăm khám chỉ do thấy mệt hơn. Trước đó, bệnh nhân chưa phát hiện huyết áp, không sốt, không ho nhiều và không có tiền sử bệnh tim mạch.
Thế nhưng, khi thăm khám phát hiện huyết áp cao, tim loạn nhịp, tổn thương phổi. May mắn, cụ đến sớm nên được điều trị kịp thời", bác sĩ Vân thông tin.
Bên cạnh một số bệnh lý mạn tính, tại Bệnh viện Lão khoa trung ương cũng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ do thời tiết lạnh gia tăng.
Bác sĩ Bùi Tường Lân - khoa cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa trung ương - cho hay hiện khoa đang điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân, trong đó có tới 50% nhập viện do đột quỵ. Trong 12 bệnh nhân đang thở máy, có tới 8 bệnh nhân đột quỵ.
"Trong một tuần trời trở lạnh vừa rồi bệnh nhân nhập viện tăng 40%, tình trạng lúc nhập viện nặng hơn rất nhiều. Ba nhóm bệnh hay gặp nhất là hô hấp, tim mạch và đột quỵ. Tỉ lệ bệnh nhân trở nặng nhanh hơn do nền bệnh, khi thời tiết trở lạnh sức đề kháng, khả năng thích ứng kém hơn", bác sĩ Lân nhận định.
Bác sĩ Lân cũng khuyến cáo thời tiết lạnh dễ gây biến chứng đột quỵ đối với người cao tuổi. Trong đó, những người có bệnh lý nền như huyết áp cao, tiểu đường, viêm phổi mạn… cần hết sức cẩn trọng. Người cao tuổi cần giữ ấm, điều trị bệnh nền tích cực, ổn định.
Bác sĩ Vân cho hay thông thường lượng bệnh nhân nhập viện sau Tết Nguyên đán các năm trước đều tăng. Nguyên nhân là do một số bệnh nhân trước Tết đã điều trị tạm ổn định, được điều trị ngoại trú. Sau Tết, bệnh nhân tiếp tục điều trị nội trú.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân do quản lý bệnh nền không tốt dẫn tới sau Tết bệnh diễn biến nặng. Phổ biến nhất là tình trạng quên thuốc khi đi du lịch, chúc Tết, dinh dưỡng không đúng chỉ định của bác sĩ, uống rượu bia ngày Tết.
"Nhiều cụ cho rằng uống một chút rượu ngày Tết, trong thời tiết lạnh sẽ giúp cơ thể ấm hơn. Tuy nhiên, do các cụ sức khỏe suy yếu nên uống một chút rượu bia cũng có thể làm tăng huyết áp, tăng nhịp tim dẫn tới biến chứng nguy hiểm.
Đối với người mắc tiểu đường, thực phẩm ngày Tết nhiều chất đạm và ngọt, thiếu rau xanh cũng khiến tình trạng bệnh chuyển biến nặng. Bởi vậy, vui xuân nhưng người cao tuổi cần hết sức chú ý chăm sóc sức khỏe, uống thuốc đầy đủ và ăn uống lành mạnh", bác sĩ Vân khuyến cáo.
Tối 25-9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM thông tin nam bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ đang tạm trú tại TP.HCM. Một người ở Bình Dương tiếp xúc gần với bệnh nhân này cũng đã mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Nỗi ám ảnh với nhiều bệnh nhân khi vào bệnh viện công là sự đông đúc đến ngộp thở, là thái độ phục vụ tắc trách của đội ngũ, là sự nhếch nhác của cơ sở vật chất... Nhưng ở nhiều bệnh viện công giờ tình hình đã thay đổi đáng ngạc nhiên.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời kiến nghị của cử tri Đồng Tháp gửi trước kỳ họp thứ 7 về giải quyết thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện.
bài viết giới thiệu về đa nang máu, một bệnh ung thư máu hiếm gặp gây ra các triệu chứng như ngứa, bầm tím, đau bụng, mệt mỏi, khó thở và chảy máu. bài viết cũng nêu lên một số nguyên nhân, phương pháp điều trị và chẩn đoán của bệnh, cũng như các liên kết để tìm hiểu thêm và hỏi bác sĩ.
Tháng 4-6 hằng năm, bệnh tay chân miệng bước vào mùa gây bệnh và lây lan. Hiện tại các bệnh viện nhi ở TP.HCM đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc bệnh này.
Phòng khám đa khoa miền Trung của Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Hữu Thọ vừa bị xử phạt 170 triệu đồng.
Các bệnh viện ở TP.HCM liên tục tiếp nhận bệnh nhân bơm silicon kích thích dương vật bị biến chứng đến điều trị.
Quân y ở Bệnh xá đảo Sơn Ca (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã cấp cứu thành công 1 ngư dân Quảng Ngãi bị cá chình cắn khi đang đánh bắt cách đảo này khoảng 8 hải lý.
Đại diện Bộ Y tế khẳng định luôn khuyến khích Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) ghép gan cho trẻ em, song song hoàn thiện thủ tục pháp lý.