Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin nhấn mạnh cam kết với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, khi phát biểu tại Đối thoại Shangri-la.
"Bất chấp những cuộc xung đột lịch sử đang diễn ra ở châu Âu và Trung Đông, Ấn Độ - Thái Bình Dương vẫn là nơi hoạt động ưu tiên của chúng tôi", Bộ trưởng Lloyd Austin hôm nay nói trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, nhấn mạnh di sản của chính quyền với khu vực khi nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden sắp kết thúc.
Tuyên bố được đưa ra khi ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc Washington tập trung giúp đỡ Ukraine chống lại Nga và hỗ trợ cho cuộc chiến của Israel ở Gaza trong khi cố gắng đảm bảo xung đột không lan rộng đã khiến nước này dành ít chú ý đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
"Tôi xin nói rõ: Mỹ chỉ có thể an toàn nếu châu Á an toàn. Đó là lý do vì sao Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện ở khu vực này", ông nói. "Mỹ có cam kết sâu sắc với Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả".
Ông ca ngợi sức mạnh của mối quan hệ đối tác, khi Mỹ đã tăng cường quan hệ an ninh với các đồng minh trong khu vực như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bộ trưởng Austin nhận xét rằng trong ba năm qua, đã có "sự hội tụ mới" về gần như toàn bộ khía cạnh an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, khi "các quốc gia chung chí hướng" tăng cường quan hệ và tạo ra những kết quả thực tiễn.
"Sự hội tụ mới này đang tạo ra mạng lưới quan hệ đối tác mạnh mẽ, sôi nổi và có năng lực hơn. Điều đó đang xác lập một kỷ nguyên an ninh mới ở Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Austin nhấn mạnh.
"Sự hội tụ mới có nghĩa là chúng ta xích lại gần nhau chứ không phải tách rời. Không phải là áp đặt mong muốn của một quốc gia lên những bên khác mà là thúc đẩy hành động vì mục đích chung. Không phải là bắt nạt hay ép buộc mà là sự lựa chọn tự do của các quốc gia có chủ quyền", ông nói thêm.
Bộ trưởng Mỹ nhấn mạnh cần giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại, chứ không phải ép buộc, xung đột hay trừng phạt.
Đối thoại Shangri-La được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức thường niên từ năm 2002 ở Singapore, dù phải tạm dừng hai năm 2020, 2021 do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Sự kiện có sự tham dự của bộ trưởng quốc phòng, các quan chức quốc phòng cấp cao cũng như lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia an ninh tới từ châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Bắc Mỹ để thảo luận về thách thức an ninh nghiêm trọng của khu vực và thế giới.
Philippines, đồng minh của Mỹ, là trọng tâm chính trong nỗ lực của Washington nhằm xây dựng cánh cung liên minh trên toàn khu vực. Với vị trí ở Biển Đông và gần Đài Loan, sự hỗ trợ của Philippines sẽ rất quan trọng đối với Mỹ trong trường hợp xảy ra bất kỳ xung đột nào.
Ông Austin khẳng định cam kết của Washington trong việc bảo vệ Manila theo hiệp ước phòng thủ chung vẫn "kiên định", trong bối cảnh các cuộc đối đầu liên tục giữa tàu Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông làm dấy lên lo ngại về xung đột rộng hơn. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos hôm 31/5 cho biết "sự hiện diện ổn định của Mỹ rất quan trọng đối với hòa bình khu vực".
Đáp lại phát biểu của ông Austin, trung tướng Cảnh Kiến Phong, Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cáo buộc Mỹ đang tìm cách xây dựng "một NATO phiên bản châu Á - Thái Bình Dương", đồng thời mô tả Washington là "thách thức lớn nhất đối với hòa bình và ổn định khu vực".
Ông Austin đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân hôm 31/5, đánh dấu cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước sau 18 tháng.
Trung Quốc cắt liên lạc quân sự với Mỹ hồi năm 2022 để phản đối chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện khi đó Nancy Pelosi. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh càng gia tăng bởi các vấn đề như khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ trên không phận Mỹ, cuộc gặp năm 2023 giữa lãnh đạo Đài Loan khi đó Thái Anh Văn và chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy, và viện trợ quân sự của Mỹ cho hòn đảo.
Cuộc gặp mới nhất giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước mở ra khả năng về một cuộc đối thoại quân sự tiếp theo có thể giúp ngăn các vấn đề nóng vượt kiểm soát. Ông Austin cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại liên lạc quân sự "trong những tháng tới", trong khi Bắc Kinh ca ngợi mối quan hệ an ninh "ổn định" giữa hai bên.
Huyền Lê (Theo AFP)
Nghị sĩ Adam Schiff, người có ảnh hưởng hàng đầu trong đảng Dân chủ, nói Tổng thống Biden khó đánh bại Donald Trump và kêu gọi ông ngừng tranh cử.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng nay, 24/1.
Ngày 31/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, Kiev không muốn Trung Quốc hành động với tư cách là một nhà trung gian hòa giải trong cuộc xung đột kéo dài 29 tháng qua với Nga.
Ngoại trưởng các nước Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã chỉ trích Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Theo các báo cáo của truyền thông Hàn Quốc đăng ngày 16-7, một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên tại Cuba đã cùng vợ và con đào tẩu đến Hàn Quốc cuối năm ngoái.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn cùng Campuchia và các quốc gia trong lưu vực Mekong hợp tác sử dụng, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững dòng sông.
Triều Tiên chỉ trích Tổng thư ký LHQ Guterres vì thúc giục nước này kiềm chế, nhưng không đề cập cáo buộc UAV Hàn Quôc xâm nhập Bình Nhưỡng.
Quân đội Israel tuyên bố chính thức bắt đầu chiến dịch tấn công giới hạn trên bộ nhằm vào các mục tiêu Hezbollah ở phía nam Lebanon.
Ít nhất 10 cảnh sát đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ tấn công khủng bố xảy ra tại một đồn cảnh sát ở quận Dera Ismail Khan thuộc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan.