Vụ ám sát hụt ông Trump sẽ khiến công tác bảo vệ ứng viên trong chiến dịch tranh cử gắt gao hơn, các hoạt động của họ không còn diễn ra như trước.
Tay súng Thomas Matthew Crooks ngày 13/7 bắn nhiều phát súng về phía cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông đang phát biểu tại cuộc mít tinh ở Butler, Pennsylvania. Vụ ám sát hụt khiến ông Trump bị thương ở tai, còn tay súng bị bắn hạ tại hiện trường.
Việc mật vụ Mỹ và các lực lượng an ninh địa phương không rà soát mái nhà máy nơi tay súng nằm bắn đã đặt ra nhiều câu hỏi về lỗ hổng trong quy trình bảo vệ ông Trump, ứng viên tổng thống hàng đầu của đảng Cộng hòa và có thể sẽ làm thay đổi toàn bộ chiến dịch tranh cử Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh.
Sự việc khiến quy trình chuẩn bị cho các sự kiện sau này của cựu tổng thống Trump gắt gao hơn, trước hết là tại đại hội đảng toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) diễn ra ngày 15-18/7 tại Milwaukee, bang Wisconsin. Trong sự kiện này, ông Trump gần như chắc chắn nhận đề cử ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa.
Một quan chức chính phủ cấp cao cho biết kế hoạch an ninh của RNC đang được cân nhắc lại sau vụ ám sát hụt. Susie Wiles và Chris LaCivita, đồng quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, đã thông báo tới các nhân viên chiến dịch rằng đại hội vẫn diễn ra theo kế hoạch, nhưng lưu ý lực lượng an ninh vũ trang sẽ tăng hiện diện trong sự kiện.
Thống đốc Wisconsin Tony Evers cũng thông báo cấp dưới của ông đang liên lạc với bên điều phối kế hoạch an ninh cho đại hội RNC và sẽ tiếp tục liên lạc chặt chẽ để nắm rõ thêm về sự kiện.
Cảnh sát đã thiết lập vùng đệm xung quanh nhà thi đấu Fiserv Forum, nơi sẽ diễn ra đại hội với khoảng 2.400 đại biểu Cộng hòa từ khắp nước Mỹ. Đội ngũ an ninh bảo vệ sự kiện được cho là lên tới hàng nghìn người, trong đó có hàng trăm cảnh sát được điều động từ bang khác như California.
Theo Sở Mật vụ Mỹ, người tham dự sẽ không được phép mang súng vào bên trong địa điểm tổ chức đại hội và các tòa nhà diễn ra những sự kiện khác của RNC. Lực lượng an ninh cũng khoanh vùng một khu vực an ninh nghiêm ngặt xung quanh nhà thi đấu Fiserv Forum, nơi người tham dự phải xuất trình giấy tờ để được đi vào và cũng không được mang súng.
Không chỉ đại hội RNC ở Milwaukee, vụ ám sát hụt ông Trump còn có thể ảnh hưởng tới các sự kiện sau này của chiến dịch. Cựu tổng thống Mỹ từ lâu đã có thói quen tổ chức các cuộc mít tinh ở những không gian ngoài trời khắp đất nước, thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Các sự kiện như vậy nhiều khả năng sẽ không thể diễn ra theo cách thức cũ trong những tháng tới.
Những người phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Trump đã cảnh báo các nhân viên về sự phân cực chính trị trong cuộc bầu cử năm nay và đề nghị nếu nhận thấy có điều không ổn, hãy lập tức báo cáo.
Tại New York, cảnh sát cũng tăng cường an ninh tại Tháp Trump ở Manhattan. "Hết sức cẩn trọng với tình hình hiện nay, cảnh sát New York đang tăng cường nhân lực tới một số địa điểm", Thị trưởng New York Eric Adams nói.
Tương tự chiến dịch Trump, chiến dịch tranh cử của Tổng thống Joe Biden cũng đang trong tình trạng cảnh giác cao độ, do Sở Mật vụ, cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ Tổng thống, cựu tổng thống và ứng viên tổng thống, hứng chịu nhiều chỉ trích vì các lỗ hổng trong nhiệm vụ bảo vệ ông Trump ở Pennsylvania.
Vụ ám sát hụt ông Trump được cho là cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất của Sở Mật vụ kể từ khi cựu tổng thống Ronald Reagan bị ám sát hụt năm 1981.
Đã có nhiều ý kiến chỉ trích lực lượng mật vụ khi để lọt tay súng ở khoảng cách đủ gần để ngắm bắn ông Trump. Phát ngôn viên Sở Mật vụ Anthony Guglielmi đã phủ nhận tin đồn cơ quan này những ngày gần đây từ chối yêu cầu tăng cường an ninh cho ông Trump. Tổng thống Biden cũng tuyên bố đã chỉ đạo Sở Mật vụ cung cấp cho ông Trump "mọi nguồn lực" bảo vệ sau vụ ám sát hụt.
Tuy nhiên, những điều này có thể không đủ làm nguôi cơn giận của đảng Cộng hòa cùng những người ủng hộ ông Trump. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ James Comer, đảng viên Cộng hòa, thông báo sẽ yêu cầu Giám đốc Sở Mật vụ Kimberly Cheatle ra điều trần. "Người Mỹ cần câu trả lời về vụ ám sát tổng thống Trump", Ủy ban Giám sát Hạ viện ra tuyên bố.
Ngọc Ánh (Theo CNN/AFP)
Giới chức Lebanon thông báo ít nhất 274 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong cuộc tấn công hiệp đồng của Israel vào miền nam nước này.
Xoay quanh khả năng Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu quân sự ở Nga, ông Trump và bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, tình hình bán đảo Triều Tiên và Dải Gaza... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.
Ngày 18/4, Thông tấn xã Campuchia (AKP) đưa tin, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm chính thức quốc gia Đông Nam Á này từ ngày 21-23/4.
Barry Romo, cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam và dẫn đầu phong trào phản chiến năm 1971, đã qua đời tại Chicago ở tuổi 76.
Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Peter Welch kêu gọi Tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng 'vì lợi ích của đất nước'.
Quân đội Nga cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu thăm lực lượng ở khu vực do Moskva kiểm soát tại chiến trường Ukraine, song không nêu địa điểm cụ thể.
Ngoại trưởng Thái Lan gặp gỡ những con tin người nước này vừa được Hamas thả tự do, tuyên bố sẽ nỗ lực vận động việc thả 13 con tin còn lại.
Đây là chuyến thăm chính thức Malaysia đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân, không lâu sau khi hai nước kỷ niệm 9 năm thiết lập Đối tác chiến lược.
Cảnh sát bắt thêm nghi phạm vụ đốt rừng làm chết 137 người ở Vina de Mar, cho biết đây là cựu lính cứu hỏa 'muốn làm anh hùng'.