Tin thế giới 29/5: Đức 'quay xe' theo chân Pháp, Nga phát cảnh báo 'chơi với lửa'; ông Trump trước phán quyết lịch sử

20:50 29/05/2024

Xoay quanh khả năng Ukraine được phép sử dụng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu quân sự ở Nga, ông Trump và bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, tình hình bán đảo Triều Tiên và Dải Gaza... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Tin thế giới 29/5: Đức 'quay xe' theo chân Pháp, Nga phát cảnh báo 'chơi với lửa'; ông Trump trước phán quyết lịch sử
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau ngày 28/5 ở Meseberg, miền Đông nước Đức. (Nguồn: DPA)

Châu Âu

* Pháp-Đức nhất trí để Ukraine dùng vũ khí phương Tây tấn công mục tiêu quân sự ở Nga, nhưng chỉ ở những nơi mà Moscow sử dụng để bắn tên lửa về phía quốc gia Đông Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đưa ra thông báo trên trong một cuộc họp báo chung, trong đó nhấn mạnh, Ukraine không được tấn công các địa điểm khác.

Ông Macron cho biết, quyết định trên sẽ không khiến xung đột hiện nay ở Ukraine leo thang.

Tin liên quan
Khả năng NATO cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây
Khả năng NATO cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây

Động thái của Thủ tướng Scholz đánh dấu sự thay đổi lập trường, khi chỉ trước đó vài ngày, nhà lãnh đạo khẳng định không có kế hoạch cho phép cho Kiev tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Đức cung cấp.

Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg những ngày gần đây cũng liên tục kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế đối với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công các mục tiêu quân sự trên lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, Nhà Trắng loại trừ khả năng như vậy đối với vũ khí do Mỹ cung cấp, nêu rõ: “Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi vào thời điểm này. Chúng tôi không khuyến khích hoặc cho phép sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công bên trong nước Nga". (AFP)

* Nga cảnh báo NATO đang "chơi với lửa": Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, các nước thành viên NATO đang "đùa với lửa" nếu để Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ từ phương Tây tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, thậm chí có thể gây ra "hậu quả nghiêm trọng".

Lưu ý châu Âu "nên nhận thức được họ đang chơi trò gì”, ông Putin nói thêm, ngay cả khi Ukraine thực hiện các cuộc tấn công, Moscow cũng sẽ quy trách nhiệm cho các nhà cung cấp vũ khí phương Tây.

Về việc phương Tây gửi huấn luyện viên quân sự đến Ukraine, Tổng thống Nga nhấn mạnh, bất kỳ động thái gửi quân chính thức nào đều sẽ là một "sự leo thang" khác và "một bước nữa hướng tới một cuộc xung đột nghiêm trọng ở châu Âu và một cuộc xung đột toàn cầu". (The Sun)

* Belarus chính thức đình chỉ Hiệp ước các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE) sau khi Tổng thống nước này Alexander Lukashenko ký thành luật.

Luật trên, được Hạ viện Belarus thông qua ngày 17/4 và Thượng viện thông qua ngày 6/5, nêu rõ, việc đình chỉ này nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia của Belarus và đáp trả quyết định tương tự của các thành viên NATO. (TASS)

* EU-Na Uy ký thỏa thuận Đối tác an ninh và phòng thủ mới, bao gồm các lĩnh vực hợp tác hiện có như tiếp tục hỗ trợ chung cho Ukraine; Oslo tham gia các nhiệm vụ và hoạt động trong khuôn khổ Chính sách an ninh và quốc phòng chung của EU (CSDP), cũng như tham gia các sáng kiến quốc phòng của EU.

Ngoài ra, thỏa thuận còn thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống thao túng và can thiệp thông tin từ nước ngoài, bao gồm thông tin sai lệch, đồng thời đưa ra các tham vấn mới về hòa giải hòa bình.

Quan hệ đối tác cũng xác định các cơ hội mới cho các hành động chung, ví dụ như về khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng quan trọng và bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước, cũng như thúc đẩy hợp tác trên thực địa giữa các Phái đoàn EU và Đại sứ quán Na Uy. (EEAS)

* Ba Lan sẽ thiết lập lại vùng đệm 200m ở biên giới với Belarus vào đầu tuần tới, theo lời Thủ tướng Donald Tusk.

Khu vực biên giới này đã trở thành điểm nóng kể từ khi người di cư bắt đầu đổ xô đến đây vào năm 2021. Những tuần gần đây, số lượng người di cư cố gắng vượt biên bất hợp pháp gia tăng và lực lượng biên phòng Ba Lan ghi nhận một số vụ bạo lực.

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz cho biết, nước này sẵn sàng tăng quân số ở biên giới với Belarus, hiện ở mức 5.500 binh sĩ. Ngoài ra, Ba Lan có kế hoạch chi 10 tỷ Zlotys (2,55 tỷ USD) để tăng cường an ninh biên giới với Belarus. (TASS)

Châu Á-Thái Bình Dương

* Hàn Quốc và UAE ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEAP): Ngày 29/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol có cuộc hội đàm thượng đỉnh với người đồng cấp Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al Nahyan đang ở thăm Seoul.

Lãnh đạo hai nước đã trao đổi về phương án hợp tác ở 4 lĩnh vực là năng lượng thông thường và năng lượng sạch; năng lượng nguyên tử; kinh tế và đầu tư; quốc phòng và công nghệ quốc phòng.

Nhân Hội nghị thượng đỉnh lần này, hai bên ký kết Hiệp định CEAP nhằm thiết lập nền tảng để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế giữa hai quốc gia trong toàn bộ các lĩnh vực, bao gồm việc tự do hóa thương mại và mở rộng đầu tư. UAE là quốc gia Arab đầu tiên mà Hàn Quốc ký kết hiệp định này,

Sau Hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống hai nước dự lễ ký kết tổng cộng 19 hiệp định, biên bản ghi nhớ và ý định thư hợp tác. (KBS)

* Không quân Mỹ-Hàn Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Hoàng Hải từ ngày 27-30/5. Cuộc tập trận lần này do Bộ Tư lệnh chiến đấu trên không của Không quân Hàn Quốc chủ trì, với khoảng 90 máy bay.

Cuộc tập trận được lên kế hoạch từ trước, trọng tâm là thiết lập thế trận sẵn sàng đối phó với các tình huống khiêu khích của đối thủ, nâng cao năng lực vận hành vũ khí và tấn công mục tiêu của các phi công.

Các tên lửa không đối không như AIM-9X và AIM-120B, bom và tên lửa không đối đất như GBU-31 và AGM-65G đã bắn trúng mục tiêu giả định. (Yonhap)

* Triều Tiên-Hàn Quốc căng thẳng về việc rải truyền đơn: Ngày 29/5, nguồn tin quân sự tiết lộ, quân đội Hàn Quốc đã phát hiện hơn 150 quả bóng bay được cho là do Triều Tiên thả qua biên giới hai nước.

Động thái diễn ra sau khi Triều Tiên cảnh báo về "hành động ăn miếng trả miếng" việc thả truyền đơn của các nhà hoạt động Hàn Quốc nhằm tuyên truyền chống lại Bình Nhưỡng

Nguồn tin cho hay, một số quả bóng bay rơi xuống đất, song chúng không mang theo truyền đơn mà mang theo rác và các chất thải khác. Quân đội và cảnh sát Hàn Quốc hiện đang thu thập những quả bóng bay này. (Yonhap)

* Indonesia lên kế hoạch tổ chức tập trận đa phương Komodo (MNEK) lần thứ 5, dự kiến diễn ra tại Bali vào tháng 2 năm sau. Hải quân Indonesia (TNI AL) đã mời hải quân từ 56 quốc gia tham gia cuộc tập trận, với mục đích diễn tập hỗ trợ nhân đạo để cứu trợ thiên tai.

Khẳng định tất cả các quốc gia, kể cả những quốc gia có mâu thuẫn với nhau, đều có thể được mời, Đại tá Hải quân Lukman Kharish nói: “Chúng tôi hy vọng cuộc tập trận này có thể gắn kết các quốc gia với nhau và chúng tôi muốn cho họ thấy, cuộc tập trận này khả thi và có giá trị cao đối với hải quân”.

Hiện đã có 30 quốc gia xác nhận tham gia cuộc tập trận. (Antara News)

* Trung Quốc-Nhật Bản nhất trí nối lại đàm phán giữa các đảng cầm quyền lần đầu tiên sau 6 năm, theo một nguồn tin từ chính phủ liên minh của Nhật Bản ngày 29/5.

Theo đó, Tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của Nhật Bản Motegi Toshimitsu đạt được thỏa thuận với Trưởng Ban Liên lạc đối ngoại trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu về vấn đề trên trong chuyến thăm của quan chức Trung Quốc tới Tokyo.

Tuy nhiên, chi tiết về cách thức và thời điểm bắt đầu các cuộc đàm phán vẫn chưa hoàn tất. (Reuters)

Trung Đông-châu Phi

* Giao tranh ở Gaza sẽ kéo dài ít nhất 7 tháng nữa, theo lời Cố vấn An ninh quốc gia Israel Tzachi Hanegbi ngày 29/5.

Ông Hanegbi cũng cho biết, quân đội Israel đã kiểm soát 75% Hành lang Philadelphia chạy dọc biên giới Dải Gaza và Ai Cập. (12TV)

* Israel vẫn chưa vượt "lằn ranh đỏ" sau vụ không kích ở Rafah khiến 45 người tử vong, để Mỹ thay đổi chính sách về việc viện trợ cho đồng minh Trung Đông này, theo tuyên bố của Nhà Trắng.

Tuy nhiên, Washington đang "tích cực trao đổi" với các quan chức ở Israel để xác định chính xác chuyện gì đã xảy ra ở Rafah, đồng thời, yêu cầu đồng minh thân cận tiến hành cuộc điều tra toàn diện về vụ việc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Lực lượng Phòng vệ Israel đã hứa sẽ thực hiện một cuộc điều tra nhanh chóng về cuộc không kích. (The Guardian)

* Tạm ngừng chuyển hàng viện trợ bằng cầu tàu Mỹ sau khi cầu tàu này bị gãy một đoạn, có thể do thời tiết xấu.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh, cầu tàu này bị gãy vào ngày 28/5 và sẽ được kéo tới cảng Ashdod ở Israel để sửa chữa. Dự kiến thời gian sửa chữa mất hơn một tuần, sau đó cầu tàu sẽ được đưa về vị trí cũ ở ngoài khơi Gaza.

Trước đó cùng ngày, một số quan chức Mỹ yêu cầu giấu tên cho hay cầu tàu bị gãy có thể do thời tiết xấu.

Theo phát ngôn viên Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hợp quốc, từ khi cầu tàu này đi vào hoạt động tới nay đã phục vụ 137 chuyến xe tải chở hàng viện trợ, tương đương 900 tấn, cho Gaza.

Trong khi đó, hoạt động vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza bằng đường bộ cũng gặp nhiều khó khăn. Bộ trưởng Y tế Palestine Majed Abu Ramadan cho hay, không có dấu hiệu nào từ phía Israel cho thấy cửa khẩu Rafah có thể sớm được mở lại. (Daily Sabah)

* Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo thành lập chính phủ mới, chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị diễn ra trong nhiều tháng qua. Nội các mới của CHDC Congo bao gồm 54 bộ trưởng, ít hơn so với 57 bộ trưởng trong chính phủ tiền nhiệm. (Reuters)

* Mỹ-Sudan thảo luận chấm dứt xung đột ở quốc gia Đông Phi trong cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Sudan Abdel Fattah al-Burhan.

Hai bên cũng đề cập các biện pháp nhằm “cho phép tiếp cận nhân đạo không bị cản trở, để giảm bớt nỗi đau khổ của người dân Sudan”, việc nối lại các cuộc hòa đàm và bảo vệ dân thường, cũng như xoa dịu tình trạng thù địch ở thành phố al-Fashir, thủ phủ của bang Bắc Darfur. (Reuters)

Châu Mỹ

* Ông Donald Trump đối mặt thời điểm quan trọng cho cuộc đua tranh cử tổng thống Mỹ năm 2024, khi trong ngày 29/5 (giờ địa phương), 12 thành viên bồi thẩm đoàn trong phiên tòa hình sự ở New York - xét xử 34 tội danh mà ông đang bị cáo buộc - sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

Nếu ông Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, bị tuyên bố có tội đối với bất kỳ tội danh nào trong số 34 tội danh, điều này sẽ có nguy cơ làm đảo lộn cuộc bầu cử tổng thống mà cho đến nay, phần lớn lợi thế đang nghiêng về phía ông.

Trong cuộc thăm dò của Bloomberg News/Morning Consult vào đầu năm, có đến 53% cử tri ở các bang chiến trường quan trọng cho biết rằng, họ sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump nếu cựu tổng thống bị kết tội.

Nếu bị kết án, thẩm phán có thể tuyên ông Trump bị quản chế hoặc bị kết án với mức án lên tới 4 năm cho mỗi tội danh trong nhà tù tiểu bang, tối đa là 20 năm. (AP)

* Argentina-Chile bàn về củng cố quan hệ chiến lược trong cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng Diana Mondino (Argentina) và Alberto van Klaveren (Chile).

Các ngoại trưởng nhất trí triển khai các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong việc cải thiện hoạt động tại các cửa khẩu biên giới giữa 2 quốc gia.

Ngoài ra, hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy dự án “Hành lang Đường bộ kết nối hai bờ Thái Bình Dương và Đại Tây Dương” trong thời gian dự kiến, cho phép tăng cường hội nhập và kết nối các trung tâm kinh tế tại Argentina, Brazil, Chile và Paraguay.

* Venezuela rút lời mời EU giám sát cuộc bầu cử tổng thống diễn ra tại quốc gia Nam Mỹ này vào tháng 7 tới. Venezuela cáo buộc EU có “có các hành động can thiệp”.

Động thái trên được đưa ra sau khi EU nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với người đứng đầu hội đồng bầu cử Venezuela, trong khi Caracas yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt đối với nhân vật này. (AFP)

* Hội đồng chuyển tiếp Haiti bổ nhiệm thủ tướng lâm thời là ông Garry Conille, từng nắm giữ vị trí người đứng đầu chính phủ Haiti trong một thời gian ngắn hơn một thập kỷ trước.

Đáng chú ý, Tân Thủ tướng lâm thời Haiti có hơn hai thập niên kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phát triển, chủ yếu là trong các tổ chức phi chính phủ quốc tế và Liên hợp quốc. Kể từ tháng 1/2023, ông Conille giữ chức Giám đốc khu vực của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Mỹ Latinh và Caribbean. (Reuters)

Có thể bạn quan tâm
Mỹ, Trung Quốc thi nhau bày tỏ tình cảm với châu Phi: Bắc Kinh gọi anh em, Washington khẳng định gắn bó

Mỹ, Trung Quốc thi nhau bày tỏ tình cảm với châu Phi: Bắc Kinh gọi anh em, Washington khẳng định gắn bó

12:20 23/01/2024

Gần đây, các ngoại trưởng của Mỹ và Trung Quốc đều có những chuyến công du tới châu Phi, khu vực đang thu hút sự cạnh tranh ảnh hưởng của nhiều cường quốc.

Nga tụt hạng trong danh sách xuất khẩu vũ khí thế giới

Nga tụt hạng trong danh sách xuất khẩu vũ khí thế giới

21:10 11/03/2024

Nga đứng sau Pháp và Mỹ trên bảng xếp hạng những nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới của SIPRI, đánh dấu lần đầu tiên mất vị trí thứ hai trong lĩnh vực này.

Tin thế giới 10/6: Tổng thống Nga sắp thăm Triều Tiên, lại xả súng tại Mỹ, Belarus tập trận hạt nhân với Nga

Tin thế giới 10/6: Tổng thống Nga sắp thăm Triều Tiên, lại xả súng tại Mỹ, Belarus tập trận hạt nhân với Nga

23:10 10/06/2024

Philippines - Nhật Bản sắp ký thỏa thuận hợp tác quân sự, Mỹ hỗ trợ Israel giải cứu con tin tại Gaza, Giám đốc tình báo Canada bí mật tới Ấn Độ, Tổng thống Pháp giải tán Quốc hội… là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Bhutan: 125.000 cử tri của 'quốc gia hạnh phúc nhất thế giới' tham gia bầu cử theo cách này

Bhutan: 125.000 cử tri của 'quốc gia hạnh phúc nhất thế giới' tham gia bầu cử theo cách này

09:20 01/12/2023

Ngày 30/11, Bhutan tiến hành các cuộc bỏ phiếu sơ bộ để chọn ra 2/5 đảng chính trị hàng đầu sẽ tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ tư vào ngày 9/1 trong lịch sử của vương quốc nhỏ bé trên dãy Himalaya.

Ukraine tuyên bố sản xuất thành công UAV có thể tấn công tầm xa hơn 1.000km

Ukraine tuyên bố sản xuất thành công UAV có thể tấn công tầm xa hơn 1.000km

00:30 01/07/2024

Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng lớn nhất Ukraine Ukroboronprom, ông Herman Smetanin, ngày 30/6 cho biết nước này đã thành công trong việc phát triển và đưa vào sản xuất hàng loạt thiết bị bay không người lái (UAV) tấn công tầm xa. Chương trình này được thực hiện chỉ trong một thời gian ngắn.

Ukraine tuyên bố hạ 6 tiêm kích Nga trong ba ngày

Ukraine tuyên bố hạ 6 tiêm kích Nga trong ba ngày

00:10 20/02/2024

Ukraine nói phòng không nước này bắn rơi 4 tiêm kích bom Su-34 và hai tiêm kích Su-35S của Nga trong vòng ba ngày qua.

Armenia gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế

Armenia gia nhập Tòa Hình sự Quốc tế

07:40 01/02/2024

Armenia chính thức trở thành thành viên của Tòa Hình sự Quốc tế, động thái từng bị Nga chỉ trích là 'không thân thiện'.

Donald Trump lên tiếng về cái chết của Navalny

Donald Trump lên tiếng về cái chết của Navalny

09:00 20/02/2024

Ông Trump nhắc đến cái chết của chính trị gia đối lập Nga Navalny, cho rằng sự việc giúp cựu tổng thống nhận ra nước Mỹ 'đang xuống dốc'.

Nhóm phụ nữ kiện Đan Mạch vì bị lén đặt vòng tránh thai

Nhóm phụ nữ kiện Đan Mạch vì bị lén đặt vòng tránh thai

12:50 05/03/2024

143 phụ nữ Greenland khởi kiện với cáo buộc chính quyền Đan Mạch đã lén đặt vòng cho họ từ năm 1966 tới 1970, khi một số người còn chưa thành niên.

Co loi xay ra
Co loi xay ra