Hai tháng nay, ông Ngô Bình căng thẳng với hàng xóm bởi không thể chịu nổi mùi hôi từ bầy mèo hoang họ mang đến.
Hàng xóm ông Bình là một phụ nữ độc thân, lớn tuổi, thương mèo nên cho ăn rồi nhận nuôi khoảng 7 con. Hai nhà nằm trong con hẻm ở đường Phong Phú, quận 8, cạnh nhau nhưng không sát vách, có lối đi chung rộng 0,7 m, dài 2 m. Nơi đó, ông Bình mở cửa sổ đón gió còn hàng xóm kéo dây phơi đồ.
Tuy nhiên, không gian này sớm trở thành nơi trú ngụ của bầy mèo. Gió cuốn lông mèo vào thẳng nhà bếp của ông Bình. Khuya, mèo chạy trên nóc nhà rồi ra trước sân nhà phóng uế.
Ông Bình kể, sáng nào 5h vợ chồng ông dậy mở cửa đã thấy la liệt phân mèo đành chủ động lau dọn trước khi đi làm. Góp ý với hàng xóm lần một, họ nói thông cảm sẽ cố gắng giữ mèo cẩn thận nhưng đến lần hai, lần ba kết quả vẫn không thay đổi.
"Bà có hỗ trợ dọn giúp nhưng nói nhiều quá thành ra hục hặc", ông Bình, 55 tuổi, kể. "Nhà họ nhỏ không thể nhốt cả bầy suốt ngày".
Tuần trước, ông Bình rửa chén trong bếp không chịu nổi mùi hôi của mèo, nói vọng qua hàng xóm bảo hốt phân. Người phụ nữ cầm chổi, vừa làm vừa nói đổng ông Bình "kiếm chuyện".
Ba năm trước, lúc chuyển đến sống trong con hẻm rộng 4,5 m ở quận Gò Vấp, chị Bích Xuân, 45 tuổi, không nghĩ mình sẽ có ngày xung đột với hàng xóm chỉ bởi chuyện chó, mèo. Con hẻm dài hơn 200 m, có 50 hộ sinh sống, trong đó có ba gia đình nuôi chó. Chủ vật nuôi thả chó chạy rông ở hẻm, tiêu tiểu ngay trước cửa nhà.
"Họ nói sẽ dọn nhưng đâu phải lúc nào cũng kịp, thậm chí họ còn không biết chó của ai để nhận", chị Xuân kể. "Mùi thối bốc lên trong khi nhà mình có con nhỏ, sao chịu được?".
Có hôm, chị đi làm về cán phải phân chó dắt xe vào nhà. Hậu quả khiến nhà dơ, chị Xuân xách nước lau dọn còn chồng mang xe đi rửa.
Chó không được rọ mõm, thấy người chạy ngang chúng chạy đến ngửi hoặc sủa. Xuân sợ bị cắn vào chân, thường dặn con trai 7 tuổi phải tránh xa hoặc nhờ mẹ chở ra.
Nhưng chị không phải là hộ duy nhất trong hẻm rơi vào tình trạng tương tự. Họ chia làm hai phe gay gắt, ủng hộ nuôi chó và không nuôi. Tổ trưởng đứng ra phân xử trận cãi nhau gây mất trật tự phố phường nhưng mọi thứ "đâu lại vào đấy" sau vài ngày.
Xung đột nuôi chó mèo trong cộng đồng dân cư vốn phổ biến ở các đô thị lớn. Riêng TP HCM hiện có hơn 184.000 con chó, mèo được gần 106.000 hộ gia đình nuôi dưỡng. Trong đó, tỷ lệ vật nuôi ở 5 huyện ngoại thành chiếm khoảng 34%, trung bình mỗi hộ nuôi khoảng 1,74 con. Trong đó, chó lai trên 29.000 con chiếm gần 16% tổng đàn.
TS Võ Thanh Tuyền – phó trưởng Khoa Đô thị học, trường Đại học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết ở góc độ người nuôi, thú cưng là nhu cầu về tình cảm, mang cảm giác thoải mái, giảm căng thẳng hoặc bớt cô đơn.
Tuy nhiên, do đặc trưng cấu trúc không gian đô thị việc nuôi chó mèo còn gặp nhiều bất cập về vệ sinh và tiếng ồn. TP HCM có hệ thống hẻm dày đặc. Đây là không gian nén, hẹp dễ dàng gây mùi, mất mỹ quan. Đồng thời, tiếng ồn phát sinh từ chó mèo rất dễ làm người khác khó chịu. Các yếu tố và quan điểm khác biệt đã tạo nên xung đột trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, các đô thị lớn ở Việt Nam như TP HCM còn thiếu không gian công cộng có chức năng phù hợp cho chó mèo. Không gian này chưa được chú trọng trong thiết kế công cộng, nhà ở hoặc công viên cây xanh.
Bổ sung ý kiến về vấn đề này, tiến sĩ Trương Hoàng Trương (ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP HCM) cho rằng động vật nuôi phân tán trong các hộ gia đình có thể gây dịch bệnh, cắn người nếu không bảo hộ, gây bất an cho cư dân, đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ.
Có 63% trong tổng số 400 độc giả tham gia khảo sát của VnExpress đồng quan điểm với ông Trương, cho rằng nên tuyệt đối cấm nuôi thú cưng ở chung cư, 35% thuận tình giải pháp nuôi thú cưng nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến cư dân khác; chỉ 2% cho rằng cần cho phép vì đó là quyền cá nhân.
Phú Tuấn, 29 tuổi, đồng ý với quan điểm trên. Chàng trai thuê trọ trong hẻm đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp nói mình không có nhiều sự lựa chọn khi nuôi chó ở thành phố.
Chú chó của Tuấn là dòng phốc sóc, nặng bốn kg vốn thích chạy nhảy. Tuấn nói nếu thả ra cho chó chơi ở hẻm, anh buộc phải ngồi canh để chó không phóng uế bị hàng xóm phàn nàn. Họ rất kỹ tính và quan tâm không gian chung. Tuy nhiên, Tuấn không có nhiều thời gian rảnh. Anh buộc phải cho chó chơi banh, lên xuống cầu thang hoặc sân thượng để giải phóng năng lượng.
Bà Tuyền cho rằng lối sống đô thị phải tương thích với không gian hiện hữu. Chuyên gia đề xuất giải pháp bao gồm khảo sát cư dân, ban hành quy định theo số đông, truyền thông quy định để người dân hiểu và thông cảm. Lý tưởng nhất là quy định được xây dựng dựa trên các luật liên quan như luật phòng chống dịch bệnh, nghị định về an ninh trật tự có liên quan đến việc nuôi chó mèo.
Chuyên gia cho biết, ở một số nước như Mỹ, Singapore đã có những quy định về quản lý chó, mèo rất chặt chẽ. Ví dụ, họ quy định chó sau ba tháng tuổi phải khai báo với cơ quan chức năng hay gắn chíp.
Tại Việt Nam biện pháp này mới được đề xuất triển khai ở TP HCM. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người dân muốn nuôi chó, mèo phải đăng ký với UBND cấp xã. Khuyến khích các hộ nuôi gắn microchip như chip điện tử hay một phần mềm mạch vi xử lý trên vật nuôi. Chuồng nuôi chó dữ phải đảm bảo không để mọi người tiếp cận, có bảng cảnh báo. Chuồng cũng cần chỗ ngủ phù hợp với điều kiện thời tiết, diện tích sàn tối thiểu mỗi con 10 m2 và chiều cao chiều rộng tối thiểu 1,8 m.
"Đây là tín hiệu tốt để quản lý chó mèo, đảm bảo nhu cầu của chủ nuôi và giúp họ có thêm trách nhiệm", bà Tuyền nói.
Chị Mỹ Hạnh, 23 tuổi, là người yêu động vật và ủng hộ đề xuất trên. Năm ngoái, bà Lê Thị Hai, bà ngoại của Hạnh bị chó trong hẻm cắn.
Người phụ nữ 74 tuổi dù đã "quen hơi, quen mặt" chó hàng xóm nhưng vẫn bị hai con chạy ra sủa, một con cắn ở chân. Bà mặc quần dài, vết thương không sâu nhưng đau nhức, phải đi bệnh viện tiêm 4 mũi ngừa dại. Chủ vật nuôi xin lỗi và hỗ trợ phí 1,5 triệu đồng nhưng hàng xóm cũng lạnh nhạt với nhau từ sau chuyện này.
Hạnh nói chó nuôi ở hộ gia đình thường không được tiêm phòng, có con bị rận, chấy. Hẻm nhà cô ở đường quốc lộ 50, huyện Bình Chánh, TP HCM rộng chỉ vừa lọt hai chiếc xe máy, khó tránh khỏi việc chung đụng, ảnh hưởng không gian sống.
"Tôi không muốn mất lòng ai nhưng bên nào cũng có lý khó tránh xung đột", Hạnh nói.
Tên nhân vật đã thay đổi.
Ngọc Ngân
Tiền thân là xưởng dược phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, theo chiều dài của lịch sử, Công ty CP Dược Danapha đã không ngừng đổi mới, sáng tạo, bứt tốc, phát triển bền vững.
Bộ Y tế chính thức phê duyệt việc triển khai vắc xin sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi tại TP.HCM.
Một nữ du khách cùng người thân trong gia đình bị nhóm 4-5 đối tượng dàn cảnh giật đồ khi đến viếng lễ Vía Bà Chúa Xứ 2024.
Người phụ nữ 38 tuổi qua đời gần cửa bệnh viện sau khi bị chuột hamster nuôi trong nhà cắn.
Chiều 19/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Lạng Sơn, Tỉnh Đoàn Lạng Sơn tổ chức Hội nghị Chỉ thị 05 chuyên đề năm 2022 đến các cơ sở, tổ chức Đoàn trong toàn tỉnh.
Lao mào tinh hoàn là sự phá hủy mô và xơ hóa trên diện rộng, cuối cùng dẫn đến phá hủy mào tinh hoàn cũng như các mô và cơ quan sinh dục xung quanh cùng các biến chứng như vô sinh và những ảnh hưởng nghiêm trọng khác đến chức năng hệ sinh sản nam giới.
Ông Dũng, 54 tuổi, dùng dây kẽm luồn vào vùng kín để gãi ngứa gây tổn thương trong niệu đạo, khó đi tiểu.
Chân trái của bà Liên, 62 tuổi, sưng to, đau nhức, bác sĩ phát hiện tĩnh mạch chậu trái bị chèn ép hình thành hàng trăm cục máu đông.
Hướng tới ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23.11), Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) và Trung tâm Bảo tồn...