"Chúng tôi thực sự cần thêm binh lính. Các quân nhân chuyên nghiệp đang cạn kiệt", Dolphin, trưởng nhóm xung kích của Lữ đoàn 68, cho hay, đề cập đến tình hình tại một sở chỉ huy ở miền đông Ukraine hồi tháng trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov gần đây phát biểu tại một diễn đàn an ninh châu Âu rằng Ukraine có một triệu người phục vụ quân đội, trong đó 800.000 người thuộc lực lượng vũ trang. Các quan chức an ninh Mỹ hồi đầu năm ước tính Ukraine đã phải chịu thương vong hơn 124.000 người, trong đó hơn 15.500 người thiệt mạng trên chiến trường.
Ukraine đến nay vẫn đoàn kết trong cuộc đối đầu với Nga và hàng chục nghìn người vẫn sẵn sàng đến các trung tâm tuyển quân để nhập ngũ. Nhưng các cuộc phỏng vấn với những nam giới Ukraine trong độ tuổi nghĩa vụ cho thấy nhiều người tỏ ra không hào hứng đấu tranh cho một quân đội hay chính phủ bị coi là đầy rẫy tham nhũng và năng lực yếu kém.
Tại một trạm dừng tàu điện ngầm gần Đại học Kiev, Maksim, 20 tuổi, cho hay anh muốn hoàn thành chương trình cử nhân ngành kỹ thuật của mình trước khi cân nhắc việc tòng quân.
Maksim không thực sự sẵn sàng mạo hiểm mạng sống trong quân đội vì những câu chuyện anh nghe được từ bạn bè đã nhập ngũ về tình trạng huấn luyện hời hợt và nạn tham nhũng tràn lan, như việc hối lộ sĩ quan quản lý để được nghỉ phép.
"Đây là chủ đề cực kỳ khó khăn", cựu bộ trưởng quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk cho hay.
Theo ông, hình thức huy động quân hiện nay được thực hiện trên cơ sở khẩn cấp để đối phó lập tức với xung đột. Giờ đây, chính phủ phải điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài, đồng thời đảm bảo rằng gánh nặng được chia sẻ một cách công bằng hơn với tất cả mọi người.
"Hệ thống này đang tồn tại những lỗ hổng và một số người đã lợi dụng chúng", ông nói.
BBC, trích dẫn một phân tích dựa trên dữ liệu của Eurostat, cho biết 650.000 nam giới trong độ tuổi nhập ngũ đã rời Ukraine.
Theo các quan chức chính phủ, một số đàn ông Ukraine đã né tránh quân dịch bằng những hành vi vi phạm pháp luật. Hồi tháng 8, Tổng thống Zelensky ra quyết định sa thải tất cả người đứng đầu ủy ban tuyển quân địa phương vì các cáo buộc tham nhũng tràn lan.
Một thanh niên giấu tên tiết lộ anh đã thông qua ba người trung gian để hối lộ các quan chức nhằm có được tài liệu xác định rằng anh đang phục vụ trong quân đội Ukraine, mặc dù anh thực tế hiện sống và làm việc ở Kiev.
Số khác giả mạo giấy tờ để lẻn ra khỏi đất nước. Nhiều người tự tạo giấy chứng nhận bị khuyết tật về y tế nhằm đánh lừa cơ quan chức năng. Không ít người trả tiền cho những kẻ buôn người chuyên nghiệp để làm giả chúng.
Một phát ngôn viên của lực lượng biên phòng Ukraine cho biết nhiều người cố gắng hối lộ họ, ít nhất 825 lần với số tiền khoảng 228.000 USD, hoặc tìm cách trốn trên xe tải để vượt biên. Một người trong độ tuổi nghĩa vụ cho hay mức hối lộ cho một lính canh ở biên giới Moldova là 300 USD.
Theo Demchenko, Cơ quan Biên phòng Nhà nước đã ngăn chặn hơn 16.500 nam giới trong độ tuổi nhập ngũ rời khỏi đất nước bất hợp pháp kể từ tháng 2/2022, thường là trên đường đến Moldova hoặc Romania. Ông nói rằng khoảng 7.000 người trong số họ bị bắt vì sử dụng giấy tờ giả khi cố gắng vượt biên, chủ yếu là vào Ba Lan. Gần 2.500 người đã bị bắt trong năm nay.
Vùng Lviv là một trong những hành lang đông đúc nhất mà những người muốn trốn khỏi Ukraine tìm đến do có đường biên giới dài với Ba Lan.
Nhân viên thuộc Smart Way Logistics, công ty vận tải ở Lviv, đã giúp hơn 50 người bỏ trốn khỏi Ukraine bằng cách đăng ký họ làm tài xế xe tải. Người này đưa người đầu tiên qua biên giới vào tháng 4/2022. Tháng 11/2022, anh ta đã giúp tới 13 tài xế xe tải giả mạo vào Ba Lan. Anh ta phải đối mặt với mức án lên đến 12 năm tù cho mỗi trường hợp như vậy nhưng vì tỏ ra hối cải và hỗ trợ khép lại vụ án nên chỉ phải nhận mức án 7 năm tù treo và quản chế.
Còn có những người đàn ông trong độ tuổi quân dịch khác lẻn qua biên giới Ukraine ở những "khu vực xanh" như vùng núi và rừng. Một thanh niên Ukraine đã đăng lên Instagram video về hành trình qua khu vực như vậy, trong đó có khoảnh khắc anh ta hôn cây để ăn mừng việc vượt biên.
Trong tin nhắn với Washington Post, người này cho biết anh ta và bạn đồng hành đã tự vượt biên mà không có người hướng dẫn. Anh ta nói rằng mình bỏ trốn vì Ukraine đang tuyển quân ngày càng gắt gao và vô lý, thậm chí có những người bị ép nhập ngũ trên đường phố.
"Ngay cả nếu bạn bị cụt một chân, họ vẫn bảo rằng bạn có thể điều khiển máy bay không người lái (UAV)", anh nói. Người này cũng phàn nàn về nạn tham nhũng, cho rằng trong khi những người dân Ukraine bình thường đang chiến đấu và bỏ mạng trên mặt trận thì "các thành viên quốc hội" và giới thượng lưu vẫn đi khắp nơi trên những chiếc xe sang.
Có thể tìm thấy những người dẫn đường vượt biên trên các mạng xã hội như Telegram với mức phí từ 1.200 USD trở lên. Lesia Fedorova, phát ngôn viên đơn vị biên phòng gần biên giới Romania, cho hay ngoài việc biết địa hình, một số người dẫn đường còn sử dụng kính nhìn ban đêm và dành thời gian quan sát các đội tuần tra để tìm hiểu thói quen và điểm yếu của họ.
Trước xung đột, lực lượng tuần tra biên giới dành phần lớn thời gian để cố gắng ngăn chặn những kẻ buôn lậu thuốc lá và người di cư từ Afghanistan, Pakistan, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác xâm nhập trái phép vào Ukraine, Fedorova nói.
Sau khi chiến sự nổ ra, dòng người đã thay đổi hướng, với khoảng 50 người vượt biên trái phép mỗi ngày qua núi hoặc qua các trạm kiểm soát. Nhưng gần đây, con số giảm xuống chỉ còn khoảng 8 người mỗi ngày.
Sau khi kết thúc một cuộc tuần tra gần đây, nhóm thuộc đơn vị của Fedorova đã để lại tấm biển làm bằng cành cây để ra dấu hiệu cho những đội tuần tra khác biết danh tính của họ và thời điểm họ đã đến địa điểm đó. Khi rời đi, họ cũng xóa dấu chân của mình để mọi dấu vết mới do những người vượt biên trốn nhập ngũ tạo ra sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post)