Cuộc điều tra của Đức đã hé lộ nhiều bất ngờ về kế hoạch phá hoại đường ống Nord Stream, trong đó có việc nó khởi nguồn từ một quán rượu.
Cơ quan công tố Ba Lan hôm 14/8 cho biết tòa án Đức hồi tháng 6 đã chuyển cho họ lệnh bắt Volodymyr Z, một thợ lặn Ukraine bị cáo buộc đã gài thiết bị nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream năm 2022. Giới chức Đức phát lệnh bắt Volodymyr Z để tiến hành các thủ tục tố tụng ở nước này.
Lệnh bắt được ban hành sau cuộc điều tra kéo dài hai năm của giới chức Đức, trong đó Volodymyr Z cùng một nhóm người Ukraine được xác định đã lên kế hoạch và thực hiện vụ tấn công đường ống Nord Stream. Tuy nhiên, lực lượng chức năng Ba Lan đã không kịp bắt Volodymyr Z trước khi anh này vượt biên vào Ukraine hồi đầu tháng 7.
Hệ thống đường ống Nord Stream, gồm Nord Stream 1 và Nord Stream 2, vận chuyển khí đốt từ Nga đến châu Âu, tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận cho Moskva mỗi năm trước khi chiến sự Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022.
Sáng sớm ngày 26/9/2022, các nhà địa chấn học Scandinavia thu được tín hiệu về một rung chấn dưới nước gần đảo Bornhol, Đan Mạch. Chúng là kết quả từ ba vụ nổ mạnh khi hai đường ống Nord Stream bị đặt bom, làm thoát ra lượng khí đốt lớn nhất từng được ghi nhận, tương đương lượng khí thải CO2 hàng năm của Đan Mạch.
Là một trong những vụ phá hoại táo bạo nhất lịch sử hiện đại, sự việc đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Đan Mạch cùng Thụy Điển và Đức, ba quốc gia gần hiện trường nhất, sau đó mở cuộc điều tra và kết luận đây là hành động phá hoại.
Các giả thuyết xoay quanh việc ai là bên chịu trách nhiệm về vụ nổ bắt đầu nở rộ, ban đầu tập trung vào Nga, dù Điện Kremlin nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc, gọi đây là "điều ngu ngốc và ngớ ngẩn". Tháng 2/2023, Bộ trưởng Tư pháp Đức thừa nhận "không thể chứng minh" Nga liên quan đến các vụ nổ.
Sau khi phỏng vấn 4 quan chức quốc phòng và an ninh cấp cao Ukraine, những người từng tham gia hoặc có hiểu biết trực tiếp về kế hoạch, báo Mỹ Wall Street Journal đã phần nào hé lộ về quá trình lên kế hoạch cũng như thực hiện vụ phá hoại này. Các sĩ quan an ninh Ukraine đều tuyên bố đường ống Nord Stream là mục tiêu hợp pháp khi Ukraine đối đầu Nga.
Theo đó, kế hoạch tấn công được hình thành từ tháng 5/2022, khi các sĩ quan cấp cao và doanh nhân Ukraine tụ tập tại một quán rượu ở Kiev để ăn mừng việc nước này đã chặn được đà tiến công của Nga. Vào cuối bữa tiệc, khi quán sắp đóng cửa, được khích lệ bởi men rượu và lòng nhiệt thành yêu nước, ai đó trong nhóm đã đề xuất ý tưởng táo bạo là phá hủy đường ống Nord Stream.
Họ dường như nghĩ rằng không có cách nào khiến Nga phải trả giá đắt hơn việc vô hiệu hóa đường ống huyết mạch vốn mang lại nguồn thu rất lớn cho Moskva này.
"Tôi luôn bật cười khi đọc những đồn đoán của giới truyền thông về chiến dịch lớn nào đó liên quan đến các cơ quan mật vụ, tàu ngầm, máy bay không người lái (UAV) và vệ tinh", tờ báo dẫn lời một sĩ quan tham gia vào kế hoạch cho biết. "Toàn bộ sự việc nảy sinh từ một đêm say xỉn và quyết tâm sắt đá của một nhóm người có đủ táo bạo để thực hiện nhiệm vụ mạo hiểm".
Một phần lời kể của họ được xác nhận bởi cuộc điều tra kéo dài gần hai năm do cảnh sát Đức thực hiện về vụ đánh bom đường ống Nord Stream. Các điều tra viên Đức đã thu thập bằng chứng gồm email, dữ liệu điện thoại di động và điện thoại vệ tinh, cũng như dấu vân tay và mẫu ADN từ nhóm người bị cáo buộc phá hoại đường ống.
Sau bữa rượu, các doanh nhân và sĩ quan quân đội Ukraine nhất trí rằng nhóm doanh nhân sẽ tài trợ kế hoạch, vì quân đội không có ngân sách và ngày càng phụ thuộc vào nguồn tài chính nước ngoài trong cuộc xung đột với Nga.
Những người tham gia cho biết kế hoạch đã khiến Ukraine tiêu tốn khoảng 300.000 USD. Một viên tướng đương nhiệm có kinh nghiệm trong các chiến dịch đặc biệt sẽ giám sát nhiệm vụ, mà một người tham gia mô tả đây là "quan hệ đối tác công tư". Viên tướng này sẽ báo cáo trực tiếp với người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine lúc đó, tức tổng tư lệnh Valery Zaluzhny.
Theo một sĩ quan an ninh Ukraine và ba nguồn thạo tin, Tổng thống Volodymyr Zelensky ban đầu được thông báo và đã chấp thuận kế hoạch.
Mọi phân công, liên lạc liên quan đến kế hoạch này đều được thực hiện bằng lời, không để lại dấu vết trên giấy tờ, theo các nguồn tin. Nhưng tháng sau đó, cơ quan tình báo quân sự Hà Lan MIVD nắm được thông tin và cảnh báo với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Các quan chức Mỹ nhanh chóng thông báo cho Đức, bên liên quan trực tiếp đến đường ống Nord Stream.
CIA liên hệ và yêu cầu văn phòng Tổng thống Zelensky dừng chiến dịch, theo các quan chức Mỹ giấu tên. Tổng thống Ukraine sau đó ra lệnh cho tướng Zaluzhny ngừng lại, nhưng ông phớt lờ mệnh lệnh và nhóm của ông đã chỉnh sửa kế hoạch ban đầu, theo các sĩ quan, quan chức Ukraine và nhân viên tình báo phương Tây.
Người được giao nhiệm vụ chỉ huy chiến dịch đã chiêu mộ một số sĩ quan tác chiến đặc biệt hàng đầu của Ukraine. Một trong số họ là Roman Chervinsky, đại tá từng phục vụ trong Cơ quan An ninh Ukraine (SBU).
Chervinsky hiện bị xét xử tại Ukraine vì những cáo buộc không liên quan đến kế hoạch phá hoại đường ống. Hồi tháng 7, ông được tại ngoại sau hơn một năm bị bắt. Chervinsky từ chối bình luận vụ Nord Stream, nói rằng ông không được phép nói về sự việc.
Theo những người hiểu rõ kế hoạch, Chervinsky và nhóm tác chiến ban đầu định thực hiện một kế hoạch phức tạp hơn, vốn được tình báo Ukraine và chuyên gia phương Tây phác thảo từ năm 2014. Chi tiết kế hoạch này không được tiết lộ, nhưng nó được cho là quá phức tạp và chi phí cao.
Sau khi ý tưởng này bị bác bỏ, những người lập kế hoạch đã quyết định triệu tập một nhóm 6 người, tham gia thực hiện nhiệm vụ trên một chiếc du thuyền nhỏ đi thuê. Mục tiêu của họ là đường ống dẫn khí đốt dài hơn 1.100 km nằm ở độ sâu gần 80 m trong lòng biển.
Nhóm này gồm một sĩ quan quân đội Ukraine, 4 thợ lặn biển sâu giàu kinh nghiệm, cùng một phụ nữ ngoài 30 tuổi cũng có chuyên môn lặn. Cô được lựa chọn vì kỹ năng của mình nhưng cũng để tạo ra vỏ bọc rằng họ là nhóm bạn đang cùng nhau du ngoạn trên biển.
Theo hai nguồn tin Ukraine nắm rõ về kế hoạch, viên sĩ quan quân đội đang chiến đấu ở đông nam Ukraine, đã xin nghỉ phép để tham gia nhiệm vụ và chỉ huy của ông không hay biết gì.
Tháng 9/2022, nhóm người Ukraine thuê một du thuyền dài 15 m mang tên Andromedain tại thị trấn cảng Baltic Rostock của Đức. Chiếc thuyền được thuê với sự giúp đỡ từ một công ty du lịch Ba Lan do tình báo Ukraine lập ra gần một thập kỷ trước để che giấu các giao dịch tài chính.
Chỉ được trang bị thiết bị lặn, định vị vệ tinh, sonar cầm tay và bản đồ nguồn mở về đáy biển ghi lại vị trí các đường ống, 6 người lên đường. Tuy nhiên, thời tiết xấu buộc cả nhóm phải trì hoãn nhiệm vụ và ghé vào cảng Sandhamn, Thụy Điển. Cả nhóm đã thảo luận về việc có nên hủy bỏ nhiệm vụ hay không, nhưng cơn bão sau đó đã tan.
Các nhân chứng trên những du thuyền khác neo đậu tại Sandhamn cho biết Andromeda là chiếc thuyền duy nhất có một lá cờ nhỏ của Ukraine treo trên cột buồm.
Theo nguồn tin am hiểu cuộc điều tra của Đức, khi đến nơi, 4 thợ lặn chia làm hai cặp thay nhau lặn xuống đáy biển để gài bom.
Hoạt động trong vùng nước băng giá tối đen như mực, họ sử dụng một loại thuốc nổ mạnh được gọi là HMX, nối chúng với kíp hẹn giờ. HMX mạnh đến mức chỉ cần một lượng nhỏ cũng đủ để xé toạc đường ống áp suất cao dưới đáy biển, khiến những bọt khí khổng lồ nổi lên mặt nước.
Sau vụ tấn công phá hủy đường ống dẫn khí đốt quan trọng, giá năng lượng thế giới tăng vọt. Đức và các quốc gia khác lúc bấy giờ đang chạy đua quốc hữu hóa các công ty năng lượng xử lý khí đốt của Nga đặt tại nước họ, nhưng nỗ lực này sụp đổ sau khi đường ống Nord Stream bị phá hoại. Ngay cả hiện tại, Đức vẫn phải trả khoảng một triệu USD mỗi ngày để thuê các tàu trung chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ để bù đắp một phần dòng khí đốt Nga dẫn qua Nord Stream.
Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Mỹ cùng nhiều nước khác đã cử tàu chiến, thợ lặn, tàu ngầm không người lái và máy bay đến kiểm tra khu vực xung quanh nơi rò rỉ khí gas.
Tổng thống Zelensky đã khiển trách tướng Zaluzhny sau sự việc, nhưng tổng tư lệnh quân đội Ukraine không quan tâm tới lời chỉ trích, theo ba nguồn tin am hiểu vấn đề. Tướng Zaluzhny nói với Zelensky rằng ông không thể liên lạc với nhóm phá hoại sau khi họ được điều đi và không thể hủy nhiệm vụ vì bất kỳ liên lạc nào cũng có thể gây tổn hại đến những người tham gia.
"Tổng thống được thông báo rằng nhiệm vụ này giống như quả ngư lôi, không thể thu hồi sau khi đã phóng đi. Nó sẽ cứ lao về phía trước cho tới khi phát nổ", một sĩ quan quân đội cấp cao cho hay.
Tháng 10/2022, cơ quan tình báo Đức nhận được thông tin thứ hai về kế hoạch của Ukraine từ CIA, dường như được cơ quan tình báo quân sự Hà Lan MIVD cung cấp. Theo các quan chức Đức và Hà Lan, báo cáo lần này thể hiện thông tin chi tiết về sự việc, trong đó có loại thuyền được sử dụng và tuyến đường mà nhóm phá hoại có thể đã đi.
Do các quy định về chia sẻ thông tin tình báo mật, cảnh sát Đức điều tra vụ án không được phép xem báo cáo của Hà Lan về vai trò của tướng Zaluzhny và quân đội Ukraine trong vụ tấn công, nhưng các quan chức tình báo đã thông báo cho họ về điều này.
Các nhà điều tra Đức đã thẩm vấn hàng chục nhân chứng, quét đáy biển xung quanh nơi xảy ra vụ nổ và sàng lọc khối lượng lớn dữ liệu, gồm thông tin liên lạc trực tuyến, hồ sơ du lịch và giao dịch tài chính.
Họ đã gặp may. Trong lúc vội vã rời khỏi Đức, nhóm phá hoại đường ống đã quên lau rửa sạch sẽ con thuyền Andromeda, giúp các điều tra viên tìm thấy dấu vết thuốc nổ, vân tay và mẫu ADN của cả đội.
Các nhà điều tra sau đó xác định số điện thoại và tín hiệu vệ tinh của họ. Dữ liệu này cho phép họ dựng lại toàn bộ hành trình con thuyền đã đi qua, neo đậu tại Đức, Đan Mạch, Thụy Điển và Ba Lan. Chính quyền Mỹ yêu cầu lệnh từ tòa án để trích xuất các email mà một doanh nhân Ukraine đã sử dụng để thuê thuyền. Doanh nhân này đã liên hệ với một số công ty cho thuê thuyền ở Thụy Điển cũng như ở Đức, bắt đầu từ giữa tháng 5/2022.
Các nhà điều tra tiếp tục phân tích toàn bộ dữ liệu điện thoại di động trong khu vực nơi chiếc thuyền neo, rà soát hàng nghìn kết nối để chắt lọc dữ liệu liên quan. Họ phát hiện nhóm phá hoại từng dừng lại ở cảng Kolobrzeg của Ba Lan, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc thuyết phục chính quyền Ba Lan hợp tác.
Theo các điều tra viên, một viên chức cảng vụ ở Kolobrzeg đã nghi ngờ hoạt động của nhóm thủy thủ trên du thuyền Andromeda nên đã báo cảnh sát. Khi biên phòng Ba Lan kiểm tra, nhóm này xuất trình hộ chiếu của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và được phép tiếp tục tiến về phía bắc, nơi họ cài số thuốc nổ còn lại, các nguồn tin quen thuộc với cuộc điều tra cho biết.
Đến tháng 11/2022, các nhà điều tra Đức bắt đầu tin rằng Ukraine đứng sau vụ nổ.
Đầu năm nay, Tổng thống Zelensky cách chức tướng Zaluzhny, giải thích rằng quân đội cần thay đổi để thúc đẩy trở lại động lực chiến đấu. Zaluzhny sau đó được bổ nhiệm làm đại sứ Ukraine tại Anh, vị trí cho phép ông được miễn trừ truy tố.
Hồi tháng 6, giới chức Đức phát lệnh bắt bí mật đối với Volodymyr Z, sau khi anh này xuất hiện trên ảnh camera bắn tốc độ chiếc xe chở nhóm phá hoại đi từ Ba Lan vào Đức hồi năm 2022. Việc giới chức Ba Lan để lọt Volodymyr Z được cho là một đòn giáng mạnh vào cuộc điều tra của Đức.
Tướng Zaluzhny, hiện là đại sứ Ukraine tại Anh, nói rằng ông không có bất kỳ thông tin nào về một kế hoạch như vậy. Một quan chức cấp cao SBU phủ nhận chính phủ của ông liên quan đến vụ phá hoại.
Trong một cuộc phỏng vấn, Chervinsky, cựu quan chức SBU, cho biết vụ phá hoại có hai tác động tích cực đối với Kiev, khiến Nga chỉ còn lại một tuyến đường chính để chuyển khí đốt đến châu Âu là đường ống qua lãnh thổ Ukraine. Bất chấp xung đột, Ukraine vẫn thu được phí quá cảnh từ dầu khí Nga, ước tính trị giá hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên, những phát hiện mới nhất này có nguy cơ làm đảo lộn mối quan hệ giữa Kiev và Berlin. Đức là bên hỗ trợ tài chính và thiết bị quân sự hàng đầu cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Một số lãnh đạo chính trị Đức có thể đã sẵn sàng bỏ qua bằng chứng nhắm vào Ukraine vì lo sợ làm suy yếu động lực ủng hộ trong nước đối với nỗ lực hỗ trợ Kiev. Nhưng cảnh sát Đức độc lập về mặt chính trị và cuộc điều tra của họ đã hé lộ câu chuyện theo hướng ít ai ngờ tới.
"Cuộc tấn công ở quy mô này là lý do đủ để kích hoạt điều khoản phòng thủ tập thể của NATO, nhưng cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi lại bị phá hủy bởi quốc gia mà chúng tôi đã hỗ trợ bằng các lô hàng vũ khí lớn và hàng tỷ USD tiền mặt", một quan chức cấp cao Đức am hiểu cuộc điều tra nói.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Hứng chịu bão Boris, một người dân tại Áo cho biết họ chưa bao giờ chứng kiến lũ lụt nghiêm trọng đến mức này.
Mỹ đưa Houthi vào danh sách thực thể 'khủng bố' nhằm đáp trả những cuộc tấn công của lực lượng này ở Biển Đỏ.
Theo hãng tin Reuters, Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/3 cho biết lực lượng phòng không của họ đã tiêu diệt 1 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trên bầu trời khu vực Leningrad, giáp Vịnh Phần Lan và 1 chiếc khác ở vùng Belgorod.
Cựu tổng thống Trump cho rằng giới chức Đài Loan cần trả thêm tiền để Mỹ hỗ trợ hòn đảo trong các hoạt động phòng thủ.
Budapest ra điều kiện để ủng hộ Kiev, diễn biến mới ở Nagorno-Karabakh… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc cho rằng cần tăng cường triển khai các thỏa thuận, nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan hệ song phương theo định hướng '6 hơn'.
Phe cực hữu Pháp đang nhắm tới cơ hội thành lập chính phủ sau khi được dự báo giành chiến thắng vòng đầu tiên trong kỳ bầu cử quốc hội sớm.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Kosiniak-Kamysz nói sẵn sàng giúp Ukraine đưa công dân nam ở tuổi nhập ngũ về nước để tham gia chiến đấu.
Mối quan hệ Trung Quốc - Australia đang có dấu hiệu tan băng, song sự cố thủy âm giữa tàu chiến hai nước có thể xô đổ mọi kỳ vọng.