TP.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 trực tuyến như năm học trước.
Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, tuyển sinh đầu cấp mầm non, lớp 1, lớp 6 năm học 2024-2025 vẫn thực hiện trực tuyến như năm học trước trên cơ sở rút kinh nghiệm một số trục trặc từ năm học trước để điều chỉnh. Thực hiện được việc này sẽ giúp các em học gần nhà thuận tiện hơn và phòng được nạn "chạy trường".
Theo ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, ở mùa tuyển sinh năm học trước, TP.HCM cho phép phụ huynh học sinh lựa chọn trường học mầm non, lớp 1, lớp 6 theo ba tiêu chí gồm chỗ ở, thường trú, chỗ học bậc học trước đó.
Với ba tiêu chí này, mùa tuyển sinh năm ngoái có xảy ra những trục trặc.
Tuyển sinh đầu cấp: Tiêu chí chính là nơi ở của học sinh
"Năm học 2024-2025, cùng với việc áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh, TP.HCM thực hiện tiêu chí chính trong sắp xếp chỗ học của học sinh là chỗ ở của học sinh. Bên cạnh đó, tiêu chí thứ 2 trong chọn lựa trường của phụ huynh, học sinh chính là tiêu chí "lý do khác". Tiêu chí này dành sự chủ động cho các quận, huyện, TP Thủ Đức tự xử lý, tự xem xét" - ông Nam thông tin.
Tiêu chí "nơi ở của học sinh" sẽ thay thế cho ba tiêu chí chính của tuyển sinh năm học trước, gồm nơi ở, địa chỉ thường trú, chỗ học ở bậc học trước đó của học sinh.
Theo ông Nam, các quận, huyện, TP Thủ Đức cần lưu ý đến tiêu chí "lý do khác" trong quá trình lên kế hoạch tuyển sinh đầu cấp để học sinh có chỗ học tốt nhất. Trong phần này, quận, huyện, TP Thủ Đức phải đưa ra kế hoạch và những lưu ý chi tiết cho phụ huynh, học sinh.
Chẳng hạn phải ghi rõ thời gian xem xét nếu chọn trường theo "lý do khác", cảnh báo phụ huynh, học sinh sẽ phải chấp hành theo sự sắp xếp của quận, huyện, không được ưu tiên nếu chọn trường theo tiêu chí "lý do khác".
Trong thời gian tới, sở sẽ ban hành văn bản hướng dẫn chung về nguyên tắc tuyển sinh, thời gian thực hiện, cơ sở dữ liệu dùng chung, hệ thống cơ sở dữ liệu...
Tuy nhiên, sở này khẳng định hướng dẫn chung này của toàn TP không thể áp dụng cho từng quận, huyện, TP Thủ Đức. Vì vậy các quận, huyện, TP Thủ Đức phải có kế hoạch để phù hợp với tình hình.
Nhiều quận, huyện đã lên kế hoạch tuyển sinh theo tiêu chí nơi ở của học sinh, trong đó có việc xác thực nơi ở thực tế của các em. Tại Thủ Đức, việc xác thực nơi ở thực tế của học sinh để tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 đã được ngành giáo dục phối hợp với các phường để thực hiện.
"UBND TP Thủ Đức chỉ đạo ngành giáo dục làm việc với từng phường hoặc nhóm các phường để thực hiện việc phân bổ chỗ học theo chỗ ở thực tế của học sinh. Việc cập nhật địa chỉ mới theo khu phố mới sẽ cần thời gian để điều chỉnh nên trước mắt cũng sử dụng địa chỉ, khu phố cũ để đảm bảo việc phân tuyến không bị xáo trộn khi khu phố có thay đổi, tổ dân phố không tồn tại nữa" - ông Nguyễn Kỳ Phùng, phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức, cho biết.
"Tại TP Thủ Đức, công tác rà soát dữ liệu đã hoàn thành, gần 100% dữ liệu đã được xác thực. TP Thủ Đức lên kế hoạch tuyển sinh với mục tiêu bảo đảm cho học sinh, trẻ em có đủ chỗ học trong năm học 2024-2025" - lãnh đạo Phòng GD-ĐT Thủ Đức thông tin.
Tại quận 8 - địa phương năm học 2023-2024 đã thí điểm tuyển sinh đầu cấp trực tuyến ứng dụng bản đồ GIS - đã công bố kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2024-2025. Theo kế hoạch này, năm nay quận 8 tiếp tục tuyển sinh mầm non, lớp 1, lớp 6 với tiêu chí chính theo nơi ở thực tế của học sinh bằng hình thức trực tuyến và ứng dụng bản đồ GIS.
Bên cạnh đó, năm học 2024-2025 tuyển sinh đầu cấp tại quận 8 sẽ thực hiện theo hai đợt. Đợt 1 học sinh được phân bổ chỗ học theo nơi ở gần nhà và đợt 2 dành cho những trường còn dư chỉ tiêu tuyển sinh và theo nguyện vọng của cha mẹ học sinh. Quận này xác định nơi ở thực tế của học sinh thông qua việc phối hợp với UBND phường cũng như "quét" qua bản đồ GIS.
"Trường THCS Lý Thánh Tông là trường tiên tiến hiện đại. Những học sinh cư trú thực tế tại quận 8 mà không học tiểu học ở quận 8 cũng được xét tuyển vào các trường ở quận 8, trong đó có trường này.
Vì thế, chúng tôi có thể giải quyết được bài toán phân bổ chỗ học cho học sinh lớp 6 có nơi ở thực tế trên địa bàn nhưng không học tiểu học ở quận 8. Nghĩa là học sinh nếu muốn có thể về quận học để học gần nhà" - ông Dương Văn Dân, trưởng Phòng GD-ĐT quận 8, cho biết.
Sau một năm thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp dựa vào nơi cư trú thực tế của học sinh, ông Dân đánh giá việc phân bổ này có nhiều tối ưu cho học sinh, gia đình học sinh cũng như quản lý học sinh của ngành giáo dục.
Tuy nhiên với nhiều quận, huyện, công tác tuyển sinh này hiện cũng chưa rõ ràng và trước mắt còn khó khăn.
Theo ông Trịnh Vĩnh Thanh - trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, để học sinh học gần nhà theo nơi cư trú thực tế, quận, huyện phải đảm bảo đủ trường ở các phường theo thực tế dân số cư trú.
Tại Gò Vấp, hiện nay một số phường chưa có trường tiểu học như phường 9, phường 12; một số phường chưa có trường THCS như phường 1, phường 9, phường 15, phường 17.
"Với những phường như vậy rất khó đảm bảo học sinh đi học gần nhà. Với những phường thiếu trường, việc phân bổ sẽ phải thực hiện phân bổ cho học sinh học ở những phường liền kề" - ông Thanh nói.
Mặt khác, khi tuyển sinh theo GIS với tiêu chí bố trí học sinh học gần nhà nhất, trẻ học tiểu học ở các quận, huyện khác sẽ được bản đồ GIS rà soát và trả về cho quận, huyện tại nơi cư trú thực tế. Do đó quận, huyện vẫn chưa thể biết được con số thực tế của tuyển sinh năm nay để tính toán bài toán trường lớp.
"Con số học sinh từ các quận, huyện khác chuyển về quận, huyện mình trên thực tế đến giờ này chúng tôi không thể nắm. Do đó rất khó nói đảm bảo bao nhiêu phần trăm học sinh được học gần nơi cư trú.
Chúng tôi phải chờ hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM về tuyển sinh theo tiêu chí nơi ở này thêm để có thể tính toán bố trí chỗ học cho học sinh" - một trưởng phòng GD-ĐT tại TP.HCM trả lời Tuổi Trẻ.
Việc sắp xếp lại khu phố, ấp theo nghị quyết mới của HĐND TP.HCM khi tuyển sinh các quận, huyện sẽ quyết theo tình hình thực tế. Miễn là ban chỉ đạo tuyển sinh của địa phương phải nói lại cho rõ để người dân ở đó biết để thực hiện.
Liên quan vấn đề này, một số quận, huyện tại TP.HCM cho biết họ không thực hiện tuyển sinh đầu cấp theo địa chỉ mới sắp xếp ấp khu phố.
Theo Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, ban đầu huyện dự định sẽ phân tuyến trong tuyển sinh đầu cấp theo việc sắp xếp lại các ấp mới để đảm bảo tính đồng bộ. Tuy nhiên do thực hiện không kịp theo tiến độ của công tác tuyển sinh nên Phòng GD-ĐT tham mưu UBND huyện phân tuyến theo ấp cũ.
Tại Gò Vấp, Phòng GD-ĐT quận cũng cho biết tuyển sinh đầu cấp sẽ phân tuyến theo địa chỉ cũ. Vì triển khai theo địa chỉ mới sẽ không đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho rằng nơi ở của học sinh trong tiêu chí tuyển sinh năm học 2024-2025 không thể là "nơi ở kiểu tiêu cực". Và trách nhiệm để nơi ở của học sinh phải là nơi cư trú hiện tại của các em, không phải là nơi ở để "chạy trường" thuộc về cách mà các địa phương thực hiện.
"Trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức phải xác định được điều này, phối hợp với ban chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện, TP Thủ Đức làm sao xác định đúng nơi ở của học sinh, tạo điều kiện cho học sinh học gần nhà nhất" - ông Hiếu nhấn mạnh.
Anh Hoàng Văn Nguyên (TP Thủ Đức, TP.HCM):
Có con chuẩn bị vào lớp 1, nghe tin TP.HCM sẽ bố trí trường học cho trẻ theo tiêu chí gần nhà, tôi mừng vô cùng. Con học gần nhà để bà tiện đưa đón và đi lại cũng không vất vả. Con cũng cần được ngủ đủ giấc nên học gần nhà sẽ tốt hơn cho con cũng như cho cả gia đình.
Mặt khác, ở tuổi này con chưa quen đi học xa. Tôi chỉ mong quãng đường từ nhà đến trường khoảng 1-2km. Nếu ở tiểu học mà con học thêm các chương trình ngoại khóa nữa, khi ra về con cũng sẽ về nhà sớm chứ học xa sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Tôi cũng lo lắng chưa chắc con tôi được học gần nhà vì số dân cư đông mà chỉ có một trường tiểu học. Khó quá có thể học ở phường liền kề cũng được vì bà ngoại có thể đi Grab gần để đón cháu.
Chị Võ Thị Thanh Phương (phụ huynh tại quận 10, TP.HCM):
Nếu học sinh có cha mẹ không phải đi làm hoặc có người đưa đón, ở với ông bà thì tôi thấy tiêu chí phân bổ trường học gần với nơi ở của học sinh nhất là rất phù hợp.
Tuy nhiên ở TP.HCM phần lớn người có con trong độ tuổi đi học là dân nhập cư và phải đi làm ở các cơ quan, công ty. Nên khi con được bố trí học gần nhà, gần nơi ở hiện nay chưa chắc đã phù hợp với toàn bộ gia đình tại TP.HCM.
Tôi cho rằng cần cho phụ huynh hai lựa chọn. Trong đó có lựa chọn trường gần nhà của học sinh và một lựa chọn gần với nơi làm việc hoặc trên đường làm việc của cha mẹ học sinh để tiện đưa đón.
Khi có tiêu chí này, cha mẹ học sinh cần có thêm những giấy tờ chứng minh trường gần với nơi làm việc của cha mẹ để tránh "chạy trường".
Chị Phạm Hà Phương (quận Bình Thạnh, TP.HCM):
Có con chuẩn bị vào lớp 6, tôi thấy tiêu chí phân bổ trường học theo nơi ở thực tế của học sinh sẽ rất tốt nếu trường gần nhà có chất lượng, đúng với chương trình học sinh tiểu học đang theo học (ví dụ chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tích hợp).
Nếu trường gần nhà không phù hợp với chương trình học sinh đang học, không có chất lượng thì tôi thấy tiêu chí gần nơi ở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của phụ huynh.
Trường gần nhà có chất lượng tốt vẫn là lựa chọn đầu tiên của phụ huynh như tôi. Học sát bên nhà nhưng chất lượng thấp vẫn không muốn theo. Vì thế lâu dài tôi thấy để học sinh ở chỗ nào học trường gần chỗ đó, TP phải nâng chất lượng các trường và đạt được sự đồng bộ trong chất lượng dạy học.
Năm 2024, nhiều trường đại học top đầu nói không với việc xét tuyển bằng điểm học bạ THPT . Điều này nhận được sự quan tâm của phụ huynh,...
TP HCM- Thí sinh thường nghĩ câu 2 của phần nghị luận văn học trong đề thi Văn lớp 10 chỉ dành cho học sinh giỏi, tuy nhiên, độ khó của hai câu như nhau.
Đoạn video ghi lại khoảnh khắc quán càphê tại St Petersburg phát nổ, khiến phóng viên chiến trường nổi tiếng của Nga Vladlen Tatarsky thiệt mạng, đã được công bố.
Ngày 25.12, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (VKU), Đại học Đà Nẵng đã công bố phương hướng tuyển sinh năm 2024 với...
Nữ sinh lớp 9 chết trong tư thế treo cổ ở phòng khách nghi do buồn vì bị gia đình la mắng chuyện học hành và tình cảm nam nữ.
Ngày 12.6, Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố phổ điểm kỳ thi đánh giá năng lực THPT năm 2023, điểm cao nhất là...
Đây là chuỗi hoạt động xuyên suốt tháng 7 với chủ đề “Be a HIUer” - một ngày làm sinh viên Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Chính phủ vừa đồng ý phương án các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo nghị định 81. Việc tăng học phí là bất khả kháng nhưng vẫn khiến không ít người lo ngại.
11 trường công an, quân đội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024, trong đó nhiều trường tăng, dao động 20-91 chỉ tiêu so với năm ngoái.