Chính phủ vừa đồng ý phương án các trường đại học thực hiện lộ trình tăng học phí phù hợp theo nghị định 81. Việc tăng học phí là bất khả kháng nhưng vẫn khiến không ít người lo ngại.
Nghị định 81 cho phép từ năm học 2022 - 2023 các cơ sở giáo dục công lập được tăng học phí theo lộ trình, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã yêu cầu giữ ổn định học phí trong hai năm học vừa qua.
Việc này đã gây khó khăn cho các trường trong cân đối nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục trong điều kiện đầu tư hạn chế, ngân sách chi thường xuyên bị cắt giảm hằng năm.
TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) - cho rằng thực hiện tự chủ đại học mà Nhà nước cắt giảm đầu tư, các trường không tăng học phí thì không thể đảm bảo chất lượng giáo dục.
Nhưng tăng học phí thế nào và các chính sách để đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho người học là điều cần phải tính.
Hiện nay, nghị định 81 là cơ sở để nhiều trường đại học tăng học phí. Trong đó, điều khiến ông Vinh băn khoăn là đối với chương trình đào tạo đạt mức kiểm định chất lượng, cơ sở giáo dục đại học công lập được tự xác định mức thu học phí.
"Tuy nhiên, vấn đề kiểm định chương trình hiện còn nhiều bất cập. Đâu đó vẫn có tình trạng người kiểm định không phải chuyên gia trong ngành dẫn tới kiểm định chưa phản ánh được cơ bản chất lượng chương trình.
Ngoài ra, một số thành viên trong đội ngũ kiểm định chương trình cũng chưa có tiêu chuẩn nghề nghiệp, miễn cứ có cái chứng chỉ kiểm định viên là đi tham gia đánh giá ngoài trong kiểm định chương trình. Như vậy, chúng ta dựa vào một cái chưa "chuẩn" để xác định chuẩn là không logic.
Do đó, người học mua dịch vụ giáo dục bằng niềm tin chứ chưa thể biết được rõ chất lượng thế nào, trong khi đa số chương trình kiểm định đều đạt. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần giám sát và đánh giá các trung tâm kiểm định hiện nay để xem việc kiểm định thế nào, chuẩn chương trình (theo quy định của Luật Giáo dục đại học) ra sao" - ông Vinh đề nghị.
Trước đây, tại các trường đại học công thường có chương trình đại trà và chương trình chất lượng cao với mức thu học phí khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay ở không ít trường đại học công có các ngành đạt kiểm định đã không còn chương trình đại trà mà chỉ có chương trình chất lượng cao với học phí cao.
Về điều này, ông Huỳnh Tam (phụ huynh ở Quảng Nam) nêu ý kiến: "Theo tôi, các trường cần giữ lại chương trình đào tạo đại trà với mức học phí vừa phải để người nghèo còn có cơ hội vào đại học".
PGS.TS Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng thực ra việc tăng học phí kịch trần của các trường đại học tự chủ theo nghị định 81 là con dao hai lưỡi vì học phí ngoài việc đảm bảo nguồn chi trên đầu sinh viên (chi phí đơn vị - unit cost) nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thì còn phải phù hợp với thu nhập của người dân. Việc tăng học phí sẽ làm phụ huynh và sinh viên khổ hơn.
"Nhìn chung mặt bằng học phí đại học công ở Việt Nam tương đối thấp, nhưng theo tôi, mức thu không quá "bèo".
Thực chất các trường đại học hiện nay lãng phí rất nhiều. Chính vì vậy các trường phải tiết kiệm chi tiêu, tăng nguồn thu từ các lĩnh vực khác ngoài học phí như chuyển giao công nghệ, hỗ trợ từ doanh nghiệp...
Theo kinh nghiệm quản lý đại học của tôi, với mức thu học phí 30 triệu đồng/năm, nếu biết tiết kiệm chi tiêu, các trường vẫn có lợi nhuận. Do đó, các trường cần có các biện pháp giảm chi thông qua chuyển đổi số, tiết kiệm điện nước, đầu tư hiệu quả, thu nhập của cán bộ giảng viên hợp lý, tăng cường vận động tài trợ từ doanh nghiệp...
Cơ quan quản lý nhà nước cần phải có kênh giám sát và cảnh báo các trường về việc này" - ông Dũng đề nghị.
Ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng nếu không làm tốt vấn đề quản trị về tài chính, trường đại học không có đủ kinh phí để thuê giảng viên giỏi, không thể đầu tư cho cơ sở vật chất, khi đó chất lượng giáo dục không đảm bảo. Vì vậy, các trường cần cải thiện năng suất và hiệu quả quản lý, khi đó chi phí sẽ giảm.
"Trước mắt cần rà soát lại chuẩn đầu ra và cấu trúc lại chương trình để giảm chi phí cho nhà trường và thực chất là giảm học phí cho người học. Chương trình đào tạo quyết định chi phí lao động của giảng viên và cán bộ quản lý, cùng chi phí khác (không gian, cơ hội, năng lượng, vật tư...)" - ông Vinh nói.
Khảo sát của nhóm chuyên gia ở một số trường đại học công lập năm 2017 công bố tại hội thảo về tự chủ đại học (diễn ra tại TP.HCM tháng 4-2023) cho thấy ngân sách nhà nước cấp phát chỉ chiếm 24% tổng doanh thu của các trường đại học công lập trong khi học phí đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác (như nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác).
Đến năm 2021, phần đóng góp của hộ gia đình đã tăng vọt lên 77% và nguồn ngân sách nhà nước giảm xuống chỉ còn tương đương 9%.
"Thực trạng này gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chính giáo dục đại học, gánh nặng tài chính cũng như nguy cơ bị bỏ lại phía sau ngày càng rõ ràng hơn cho sinh viên từ các hộ gia đình có khó khăn về tài chính" - nhóm này cảnh báo.
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện nay luật đã quy định rất rõ học phí là phải tính đúng, tính đủ. Các trường cần tính học phí theo chi phí đơn vị (theo định mức kinh tế kỹ thuật).
Theo luật quy định, Nhà nước có trách nhiệm với giáo dục đại học. Điều này cần thể hiện qua đầu tư của Nhà nước, phải nói rõ phần tỉ lệ Nhà nước chăm lo, phần còn lại do xã hội và người học thêm vào.
Đồng thời, theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, có quy định Nhà nước phải cấp học bổng cho sinh viên, đặt hàng đào tạo và những sinh viên giỏi, khó khăn được hỗ trợ...
Ông Bình cũng cho rằng theo tinh thần Luật Giáo dục đại học, tự chủ đại học không phải là tự lo về tài chính mà để các trường tăng thêm điều kiện đảm bảo chất lượng. Không phải trường đại học tự chủ là cắt hết kinh phí, mà Nhà nước vẫn phải đầu tư cho phát triển, cho đảm bảo chất lượng đào tạo...
Không thể để chi phí đào tạo tính hết vào học phí. Ngân sách nhà nước vẫn đầu tư vào giáo dục đại học, học phí chỉ là phần đóng góp thêm của xã hội.
Luật cũng đã nói rõ một trong các tiêu chí để trường đại học được tự chủ là phải đạt chuẩn kiểm định. Luật quy định các trường đại học phải thực hiện trách nhiệm giải trình với các bên liên quan về các nội dung hoạt động, trong đó có nội dung về học phí và sử dụng học phí.
Các bộ, ngành liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với học phí. Ở đây cần có giám sát của người dân và xã hội. Trách nhiệm, nhận thức của người học và xã hội cũng cần được tạo điều kiện, có cơ chế để có thể phản ánh một cách rõ ràng.
"Như vậy, nếu làm đúng theo luật thì không phải các trường muốn tăng học phí ra sao cũng được" - ông Bình nhấn mạnh.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có tờ trình UBND TP về việc tuyển sinh lớp 6 năm học 2024-2025.
Đơn sơ và giản dị, nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch đã trở thành biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh, để lại ấn tượng sâu sắc trong hàng chục triệu trái tim đã từng đến thăm nơi này.
Công an TP.HCM cho biết đến nay đã khởi tố 129 bị can liên quan các sai phạm, tiêu cực tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác.
Ngày 28.6, Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, toàn tỉnh có 1.294 thí sinh được miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp...
Ngày 9 và 10-12, sự kiện “Phở về với trẻ em vùng cao” sẽ được tổ chức tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) với nhiều hoạt động hấp dẫn dành cho người dân và trẻ em phố núi.
Ít nhất hai thí sinh bị hủy thi đánh giá năng lực vì không có căn cước công dân, trường nói đây là quy định, không thể dùng VNeID thay thế.
Video được công bố bởi Bộ Quốc phòng Nga, cho thấy hoạt động của các hệ thống pháo binh nặng Tos-1a trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.
Rạng sáng 14-12, một quán karaoke tại TP Thuận An, tỉnh Bình Dương bất ngờ bốc cháy, lửa đỏ rực. Nhiều người chạy thoát thân ra ngoài. Hiện công an đang điều tra vụ việc.
Xe 7 chỗ tông hai ôtô khác tiếp tục lao vào ba xe máy trước khi húc đổ tường nhà dân ở TP Thủ Đức, cô gái 18 tuổi tử vong, chiều 12/11.