Trong một năm, ông Lực vừa mất con gái và mẹ đẻ vì ung thư, vừa phát hiện mình bị lao cột sống trở thành hộ nghèo của xã nên muốn tự giải thoát cho đỡ khổ.
Ông Trịnh Văn Lực, 51 tuổi, ở xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn sinh ra trong gia đình thuần nông. Chưa học hết lớp 8, ông phải nghỉ ở nhà giúp bố mẹ. Năm 18 tuổi, chàng trai trẻ đi học nghề sửa xe máy, mở xưởng gần nhà rồi lập gia đình. Cuộc sống của gia đình nhỏ dù không dư dả nhưng đủ ăn đủ mặc và lo cho hai con ăn học.
Biến cố xảy đến năm 2011 khi con gái đầu lòng phát hiện bị ung thư xương lúc 13 tuổi. Hơn một năm ròng, ông Lực đóng cửa tiệm cùng con xuống Hà Nội chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo. Ngày con gái bị bệnh viện trả về, ông tiếp tục nhận tin mẹ ruột bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Chỉ trong một năm 2012, hai cái tang ập xuống gia đình ông.
Thời gian chữa bệnh cho con ở Hà Nội, một lần ông Lực được mời ăn múi bưởi căng mọng, không hạt lại có vị ngọt đậm. Người đàn ông quê Tuyên Quang dò hỏi và biết đây là giống bưởi da xanh Bến Tre. Hôm sau, ông đi xe máy đến Đại học Nông nghiệp mua ngay vài chục cây giống gửi xe khách về quê.
Mồng 1 Tết năm 2012, vì gia đình có tang nên ông chỉ quanh quẩn trong nhà. Bỗng nhớ những cây bưởi da xanh mua từ Hà Nội vẫn chưa trồng, ông một mình gánh hết lên đồi ngay trong ngày đầu năm mới.
"Thực lòng lúc đó tôi chẳng quan tâm gì đến bưởi, chỉ muốn làm việc tay chân cho đầu óc bớt nghĩ ngợi. Vừa trồng nước mắt vừa rơi lã chã vì nhớ mẹ, thương con", ông Lực kể.
Qua Tết, ông quay lại nghề sửa xe nhưng mỗi ngày nhìn từng nhóm học sinh đi qua khiến nỗi nhớ con gái càng thêm quay quắt. Ông quyết định dẹp tiệm, về nhà chăn nuôi nhưng dịch bệnh lợn chết cả đàn, chuồng trại lại sập do mưa bão, vốn liếng mất trắng, nợ dồn cả đống. Những ngày sau đó, thấy sức khỏe sa sút, đi khám ông Lực được chẩn đoán bị lao cột sống. Trong cuộc điện thoại thông báo bệnh tình với vợ, người chồng được biết gia đình vừa được xét vào hộ nghèo.
Tám tháng ông Lực nằm viện, vườn bưởi không ai chăm , cây nào cũng còi cọc, tưởng không sống nổi. Nhưng sau một năm, một số cây bất ngờ ra hoa. Cả vườn bưởi trồng ngày mùng 1 Tết năm trước, giờ đậu được 20 quả. "Nó ngọt y như loại bưởi tôi ăn ở quán năm nào", ông Lực nhớ lại. Những quả bưởi này khiến ông hiểu rằng đất Xuân Vân vẫn có thể trồng được bưởi miền Nam.
Sau khi ra viện, ông muốn tự ươm ghép cây để tự chủ nguồn giống. Đầu tiên ông học cách ghép cành bưởi da xanh vào thân cây bưởi chua để tận dụng khả năng thích ứng với thời tiết địa phương, nhanh lớn mà vẫn giữ được đặc tính của giống bưởi miền Nam. Nhưng ghép hôm trước, hôm sau hàng loạt cây lăn ra chết.
Những ngày đó, người đàn ông quê Tuyên Quang gần như không thể ngủ vì cứ nằm xuống lại nghĩ đến chuyện bưởi chết. Ông lên mạng học phương pháp ghép bưởi nhưng càng xem, càng thấy rối rắm, mông lung. "Không gì bằng mình tự trực tiếp học hỏi", ông Lực rút ra kết luận.
Một lần về mua giống cây ở Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tình cờ biết ở Hưng Yên có người rất giỏi việc ghép bưởi, cách chăm bón, cắt tỉa cành ra sao để ra nhiều quả, trái to ngon, ông đã xin số điện thoại.
Tháng 11/2013, ông Lực về Hưng Yên xin học nghề. Sau cả tuần được hướng dẫn rồi thực hành cách tỉa cành, ghép nhánh, nhân giống, ông về quê với niềm tin "lần này chắc thắng".
Nhưng cây tự ghép vẫn chết rũ hoặc còi cọc chậm phát triển. Làm đi làm lại vẫn thất bại, ông quay lại Hưng Yên thuyết phục người thầy lên Tuyên Quang truyền nghề trực tiếp. Ngày nào thầy cũng đi trước, trò vác sổ theo sau ghi chép theo cách hiểu.
Khi những cây bưởi ghép đầu tiên thành công, ông Lực cho ra lò cả nghìn cây, phần lớn bán giống, số còn lại được trồng trên diện tích đất đồi hoang và đầm lầy được mua rồi cải tạo lại. Buôn bán thuận lợi, năm 2014, ông xin rút khỏi hộ nghèo.
Năm 2015, nhà nước khuyến khích làm trang trại. Hiểu được đặc tính của bưởi da xanh là cần nguồn phân hữu cơ, ông Lực quyết tâm nuôi lợn. Từ 500 triệu đồng vay ngân hàng, ông xây dựng chuồng trại và mua lợn giống.
Đầu năm 2017, lợn không bán được, hầu hết các hộ chăn nuôi trong xã đều phá sản. Dù xót của nhưng ông Lực vẫn cố giữ đàn, thậm chí mua thêm lợn nái dù bị nhiều người mắng là "đồ hâm dở".
"Cứ bán tháo thế này vài tháng nữa giá lại tăng. Làm gì cũng phải kiên định, không thể vừa thấy khó khăn đã vội dừng", người đàn ông 51 tuổi tự nhắc mình.
Ông dùng tiền lãi từ bán bưởi để duy trì và mở rộng đàn lợn. Số còn thiếu thì tiếp tục đi vay. Sau vài tháng giá tăng, tiền bán lợn đủ bù lỗ cho những ngày không có doanh thu. Nhưng đến cuối năm 2018 - 2019, dịch lở mồm long móng rồi dịch tả châu Phi tiếp tục thách thức sự kiên trì của người đàn ông này.
Khi những trại lợn khác đã đóng cửa hết, người kiên trì nhất là vợ ông cũng không cố được nữa giục chồng bỏ nghề chăn nuôi. Nhìn đàn lợn con béo mập, ông Lực tiếc của, kiên quyết bảo vợ: "Một là dẫn đầu, hai là chết". Lần thứ ba người đàn ông này quyết không phá đàn vì "đã đầu tư cả cuộc đời mình vào đó".
Tháng 12/2019 hết dịch, lợn tăng giá gấp đôi, ông Lực bán ra 6 tấn, lãi 400 triệu đồng. Trong năm tiếp theo, ông xuất chuồng 500 con lợn, lãi ba tỷ đồng, lần lượt xây nhà rồi mua ôtô.
Để tránh việc đàn lợn bị ảnh hưởng từ dịch bệnh, năm 2021, ông vay ngân hàng hai tỷ đồng, xây chuồng lợn công nghệ cao có điều hòa nhiệt độ và hệ thống khép kín, cách xa đường đi lại. Ông mua thêm lợn nái đồng thời mở rộng diện tích trồng bưởi. Đến năm 2023, gia đình trả hết nợ ngân hàng, trong chuồng hiện có hơn 1.000 con từ lợn nái, lợn con đến lợn thịt. Cùng với vườn bưởi da xanh vừa bán được 40 tấn, tiền lãi năm nay thu về xấp xỉ ba tỷ đồng.
Ông Lê Hồng Việt, chủ tịch xã Xuân Vân cho biết, mô hình trang trại của ông Trịnh Văn Lực đi đầu trong xã về hiệu quả kinh tế. "Không chỉ tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với mức thu nhập mỗi tháng 7,5 triệu đồng, ông Lực còn tham gia nhiều hoạt động ủng hộ sản xuất nông nghiệp tại địa phương", ông Việt nói.
Làm trang trại, hiếm khi ông Lực đi ngủ trước một giờ sáng, thậm chí nhiều đêm còn thức trắng vì lợn ốm hoặc chăm nái đẻ. Dù vậy, người đàn ông này chưa từng than mệt bởi còn nhiều mục tiêu khác chưa hoàn thành. "Lời hứa trả hết nợ rồi xây nhà cho vợ đã hoàn thành, giờ tôi tiếp tục làm để hỗ trợ nông dân khác", người đàn ông 51 tuổi cho hay.
Tháng 10/2023, khi được vinh danh là một trong 100 nông dân Việt Nam tiêu biểu, có người hỏi ông bí quyết làm giàu. "Tôi chẳng có bí quyết gì ngoài sự nỗ lực và kiên trì, thất bại cũng không bỏ cuộc", ông Lực nói.
Hải Hiền
Một bệnh nhân ở Sóc Trăng bị bệnh sốt xuất huyết diễn tiến nặng đã được điều trị thành công sau 9 ngày.
Phú Thọ - Theo gia đình bệnh nhi, sau khi bị chó cắn vào mắt, đã đưa trẻ đi thăm khám, kiểm tra tại cơ sở y tế gần nhà,...
Chiều 19/12, tại trường Đại học Mở Hà Nội đã diễn ra phiên thảo luận số 2 với chủ đề 'Sinh viên nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, thể chất'. Các đại biểu hội sinh viên các tỉnh đưa ra nhiều ý kiến, đóng góp chất lượng vào các nội dung văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.
Vài tuần trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Đạt, học sinh một trường chuyên, phải nhập viện điều trị trầm cảm với dấu hiệu muốn tự sát.
Lịch sử ngành xuất bản từng có một cuốn sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Nhật in từ bản viết tay công phu vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
Với mục đích tạo cảnh quan và làm kè chắn sóng, lực lượng thanh niên xã Thạch Hưng (thành phố Hà Tĩnh) đã lội bùn, trồng 200 cây tre và dừa nước.
Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc nhận định nhiều khả năng con gái 10 tuổi sẽ là người kế nhiệm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Tại các cổng trường ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã xây dựng loa truyền thanh tự động nhằm tuyên truyền các nội dung về an toàn giao thông, phòng chống tác hại của pháo…
UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết thường trực Tỉnh ủy vừa yêu cầu cơ quan chức năng dừng một số nội dung của Lễ hội Lam Kinh năm 2024.