Bố ốm, con sơ sinh không được đỡ đần nên Ngọc Mai, 27 tuổi, muốn về nhà ngoại ở một tháng, nhưng khi cô xin phép bố mẹ chồng không cho đi.
Quê nội ngoại của vợ chồng Mai cách nhau 100 km. Cưới nhau được vài tháng, chồng đi xuất khẩu lao động, từ đó Mai sống cùng bố mẹ chồng và các em.
Hầu hết thời gian cô phải một mình chăm con. "Tôi còn ba tháng nữa đi làm mà bố mẹ không muốn cho đi, bảo ở nhà phụ buôn bán, chăm lo nhà cửa", Mai, công nhân một khu công nghiệp cho biết.
Điều khiến cô buồn hơn cả là trong thời gian ở cữ đã xin phép bố mẹ cho về ngoại vài lần nhưng "không được duyệt". Đỉnh điểm hai tuần trước bố đẻ Mai bị ốm, cô lại xin đưa con về thăm nhưng ông bà nội nói cháu còn yếu, không cho đi.
"Chồng tôi ở xa không đỡ đần vợ được gì. Bố mẹ không cho đi, anh cũng nghe theo, giải thích với tôi rằng ông bà xót cháu, đợi con lớn hơn rồi về", bà mẹ trẻ cho biết.
Tình cảnh "phải xin phép khi về thăm nhà ngoại" không phải là câu chuyện của riêng Ngọc Mai. Chủ đề này đang nóng trên mạng xã hội, sau bài viết "Đừng ép con tôi phải xin phép khi về thăm nhà ngoại" của chị Nguyễn Minh Nguyệt, 33 tuổi, người sáng lập hội nhóm dành cho các mẹ đơn thân, 11.000 thành viên.
"Ai nuôi con gái tôi lớn? Là tôi, gia đình tôi. Tôi nuôi nó ăn ngon mặc đẹp, đưa đi đó đi đây để được trưởng thành như ngày hôm nay. Sau nó có đi lấy chồng vẫn là đứa con mà tôi phải lo lắng, quan tâm hàng ngày. Bao công lao tôi nuôi con khôn lớn mấy chục năm trời, để đến ngày tự đứng vững bằng đôi chân của mình và đi gây dựng gia đình riêng thì dựa vào cái gì mà gia đình chồng có quyền bắt nó phải 'xin phép' khi về thăm tôi?", Minh Nguyệt bày tỏ.
Bài viết đã có hơn 13.000 lượt thích, 4.000 chia sẻ và tạo ra hàng nghìn tranh luận cãi ở nhiều nơi.
Nhiều người đồng tình với quan điểm này, bất kể là người có con trai hay con gái; là bố mẹ chồng hay bố mẹ đẻ. Không ít người chia sẻ cảnh khổ làm dâu mỗi khi muốn về thăm bố mẹ đẻ.
Chị Nhung Phan, 43 tuổi, ở Hoài Đức, Hà Nội cho biết bài viết khiến chị nhớ lại câu chuyện của mình. Hồi mới lấy chồng chị rất truyền thống, đi đâu, làm gì cũng xin phép thưa dạ.
Một lần cuối năm, bố chồng nói ngày 30 Tết làm cơm tất niên. Ngày 28, nhà ngoại có khách đến chơi làm tất niên sớm nên gọi vợ chồng Nhung về ăn cơm. Nàng dâu xin phép về thì bố chồng nói: "Nhà này không có ông bà ông vải à mà mày phải đi ăn nhà khác".
Dĩ nhiên hôm đó Nhung phải ở nhà chợ búa, làm cơm. Chị còn cố gắng nhẫn nhịn nhiều điều nữa khi sống trong một gia đình chồng phong kiến, lạc hậu. "Cuối cùng tôi không chịu nổi sự hà khắc nữa nên quyết định ra đi tay trắng, nuôi hai con trai", chị cho biết.
Thái Trinh, 32 tuổi, quê Hải Dương, kể phải xin phép bố mẹ chồng trước vài ngày mỗi khi muốn về ngoại. Nhiều khi khó quá, chồng Trinh còn bắt nghĩ cách nói dối để tìm lý do sao cho thuyết phục. "Nhà đẻ cách có gần 2 km mà mỗi lần mình về với bố mẹ phải dối trá tìm lý do, nghĩ nó nhục nhã", Trinh nói.
Có năm vợ chồng cô đi chúc Tết ông bà ngoại. Vì bố mẹ chồng không có nhà nên cô đã gọi điện để xin phép. Không ngờ tối đó bố chồng gọi luôn cho mẹ đẻ Trinh nói "vợ chồng chúng nó mang con đi không xin phép. Nhà này không phải cái chợ thích tới thì tới, thích đi thì đi".
Minh Nguyệt giải thích bài viết của chị ra đời sau khi nghe câu chuyện một người bạn kể về những lần bị làm khó mỗi khi xin phép về ngoại. Sự vất vả khi chăm con nhỏ và hà khắc của nhà chồng khiến cô rơi vào trầm cảm.
Khi Nguyệt xin ý kiến của chồng mình, một bác sĩ tâm lý người Pháp để tư vấn cho người bạn, chị mất rất nhiều thời gian giải thích anh mới hiểu bởi văn hóa Tây không phải "xin phép khi về thăm nhà ngoại".
Tuy nhiên, một bộ phận khác phản đối quan điểm này. Họ lập luận người Việt có truyền thống gìn giữ gia phong, tôn ti trật tự, kính trên nhường dưới, "đi hỏi về chào". Xin phép không chỉ là việc của con dâu với nhà chồng, mà của tất cả những người trẻ với bề trên.
"Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Chấp nhận là dâu là con của nhà người ta thì đi đâu cũng phải lễ phép xin thưa đàng hoàng. Phận làm con đi đâu cũng nên xin phép cha mẹ cho đi mới đúng đạo", một người nói.
"Theo tôi là con cái đi xin phép về chào hỏi là đúng phép tắc của một một người có giáo dục. Đó là lễ phép, là sự tôn trọng cơ bản của con người với con người", một người khác bình luận.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hà Nội) cho rằng xã hội hiện nay dù đã cởi mở vẫn còn nhiều gia đình mang nặng tư tưởng gia trưởng, phong kiến. Nhiều năm làm tư vấn hôn nhân - gia đình, bà cũng nhận được không ít trường hợp nàng dâu bị làm khó mỗi khi muốn về nhà ngoại chơi hay về Tết ngoại. Nhà chồng không đồng ý, nghĩa là không được đi hoặc nếu đi sẽ "cơm không lành, canh không ngọt".
"Việc nàng dâu về ngoại không cần sự cho phép của nhà chồng, mà chỉ cần thông báo cho họ biết", nhà tâm lý nói.
Tuy nhiên, người Việt có truyền thống kính trên nhường dưới, đi hỏi về chào người lớn tuổi là việc nên làm, bất kể là bố mẹ hay người giúp việc sống cùng. Xin phép có thể không cần nhưng chắc chắn không thể thiếu sự thông báo cho người ở nhà biết mỗi khi muốn đi đâu.
Bà Hương cho biết cách nói như thế nào phụ thuộc văn hóa từng gia đình. Nếu có bố mẹ chồng truyền thống thì trong câu nói có thể "dạ, thưa, xin phép". Nếu bố mẹ chồng dễ tính, hiện đại, chỉ cần nói: "Nay con về ông bà ngoại mẹ nhé".
"Cần rõ ràng từ "xin phép" ở đây chỉ như một lời thông báo, một phép lịch sự, như kiểu "Tôi xin phép ra ngoài nghe điện thoại", bà Hương nói.
Đồng ý kiến, chuyên gia tâm lý Linh Nga cho biết trong văn hóa của người Việt, "xin phép" thể hiện sự tôn trọng người xung quanh, vừa có tính chất thông báo, vừa như một lời chào để đi. Không chỉ trong gia đình, mà trong giao tiếp xã hội, môi trường công sở, nó cũng thể hiện sự lịch sự. Và chắc chắn, một lời nói dễ nghe bao giờ cũng giúp cho bạn thuận buồm xuôi gió.
Khi giao tiếp với bố mẹ chồng, bạn có thể dùng từ "xin phép" thể hiện sự tôn trọng nhưng với tâm thế chủ động; không phải kiểu khép nép, lo lắng có được đi hay không.
"Là một người trưởng thành, bạn không cần xin phép ai đó để được làm gì", bà Nga nói.
Phan Dương
Bộ phù ấn Đền Kiếp Bạc là những bảo vật quý hiếm, gắn liền với sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện niềm tin yêu tôn kính Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương và khát vọng của nhân dân được sống bình yên.
3 chị em ruột trong một gia đình ở Hà Tĩnh bị ngộ độc thuốc do uống nhầm thuốc trầm cảm của người lớn vừa được các bác sĩ cứu...
Bệnh nhân 53 tuổi sau khi tắm suối ở huyện Quỳ Hợp bị ho ra máu 10 ngày, đi khám phát hiện con đỉa dài 6 cm sống trong khí quản.
TP.HCM đã có 9 quận, huyện xuất hiện từ 2 ca bệnh sởi trở lên, đủ điều kiện công bố dịch; 14 quận huyện xác định có 1 ca bệnh sởi.
Việt Nam đón gần 1,4 triệu lượt khách quốc tế tháng 5, giảm 10% so với tháng 4 nhưng tăng hơn 50% so với cùng kỳ 2023.
Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ về mặt kinh tế, chính trị, xã hội nhưng văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ tinh thần của đông đảo người dân.
Tin văn hóa trong tuần gây chú ý với “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2023” do Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam...
Ngày thứ 2 đi làm sau Tết, Nga, 31 tuổi, được giao nhiều nhiệm vụ nhưng cô cảm thấy uể oải, chán nản, không có động lực làm việc.