Quân đội Nga có vũ khí phiên bản mới, cựu Tổng thống D.Trump bị tố nhận 7,8 triệu USD từ nước ngoài, thuyền của Houthi phát nổ trên Biển Đỏ, Trung Quốc muốn khôi phục liên lạc với Mỹ…. là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Tin thế giới 5/1: Ngoại trưởng Mỹ lại đi Trung Đông, Ấn Độ điều tàu chiến tới Biển Arab, Đức “bơm” tiếp vũ khí cho Ukraine |
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
*Ukraine xác nhận Nga sử dụng tên lửa do Triều Tiên cung cấp: Ngày 5/1, phụ tá của Tổng thống Ukraine, ông Mykhailo Podolyak khẳng định Nga đã tấn công Ukraine bằng tên lửa do Triều Tiên cung cấp, xác nhận cáo buộc trước đó của Mỹ cho rằng Moscow dùng tên lửa và các bệ phóng do Bình Nhưỡng cung cấp.
Trước đó cùng ngày, Ukraine cho biết không thể xác nhận rằng Nga đã sử dụng tên lửa của Triều Tiên để tấn công nước này. Phát biểu trên truyền thông, người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ignat nhấn mạnh: "Cho đến nay, chúng tôi không có thông tin về việc những tên lửa như vậy đã được sử dụng. Mỹ đã đưa ra tuyên bố về điều đó. Vì vậy, các chuyên gia sẽ nghiên cứu mảnh vỡ và sau đó chúng ta có thể xác minh liệu đây có phải là sự thật hay không. (Reuters)
Tin liên quan |
Mỹ gửi vũ khí từng bị Trung Quốc phản đối tới Trung Đông Mỹ gửi vũ khí từng bị Trung Quốc phản đối tới Trung Đông |
*Triều Tiên nêu mục đích tập trận bắn đạn thật: Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Bình Nhưỡng tuyên bố cuộc tập trận bắn đạn thật ở khu vực ngoài khơi bờ biển phía Tây Triều Tiên ngày 5/1 là phản ứng tự nhiên trước các hành động quân sự quy mô lớn của quân đội Hàn Quốc và không ảnh hưởng gì đến sự an toàn của các hòn đảo Hàn Quốc.
Cùng ngày, Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên "kiềm chế" sau khi Seoul thông báo Triều Tiên đã bắn loạt đạn pháo gần hai đảo của Hàn Quốc. Vài giờ sau thông báo Triều Tiên bắn hơn 200 quả đạn pháo ra vùng biển phía Tây Hàn Quốc, các lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc ở đảo biên giới Yeonpyeong đã tiến hành tập trận bắn đạn thật. (Yonhap)
*Trung Quốc "có nhiều vũ khí" để thách thức Philippines ở Biển Đông: Nhà nghiên cứu thuộc Viện Vành đai và Con đường tại Đại học Hạ Môn, ông Fu Kun Cheng cho rằng Bắc Kinh vẫn còn nhiều biện pháp đối phó có thể sử dụng để chống lại Manila nếu căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang ở Biển Đông.
Chuyên gia này cho biết thêm: "Trung Quốc có rất nhiều vũ khí hợp pháp nhưng vẫn chưa sử dụng" và lưu ý, Bắc Kinh cũng có thể thách thức yêu sách của Philippines đối với nhóm đảo Kalayaan, nơi Manila bắt đầu khẳng định chủ quyền của mình từ những năm 1970.
Theo ông, Bắc Kinh có thể nhắm mục tiêu vào các đường cơ sở quần đảo của Manila, các đường tưởng tượng được vẽ xung quanh một nhóm đảo nhằm xác định ranh giới quốc gia và giúp thiết lập các vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Ông lưu ý Trung Quốc có thể yêu cầu Manila mở các tuyến quá cảnh cho máy bay và tàu Trung Quốc đi qua quần đảo Philippines để tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo UNCLOS. (SCMP)
*Trung Quốc khẳng định việc khôi phục liên lạc với Mỹ: Ngày 5/1, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng nhiệm vụ cấp bách nhất đối với quan hệ Trung-Mỹ là thiết lập sự thấu hiểu lẫn nhau, đồng thời quan hệ hợp tác giữa hai bên "không còn là lựa chọn có thể bỏ qua" đối với thế giới.
Trong bài phát biểu quan trọng tại một sự kiện kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Mỹ, ông Vương Nghị khẳng định hai bên cần tiếp tục tận dụng tối đa các vấn đề đối ngoại, kinh tế, tài chính, thương mại, nông nghiệp và các lĩnh vực khác để khôi phục và thiết lập các cơ chế liên lạc trong thời gian sớm nhất. (Reuters)
*Ấn Độ điều tàu chiến tới Biển Arab: Ngày 5/1, Hải quân Ấn Độ cho biết đã yêu cầu tàu chiến INS Chennai của Ấn Độ chuyển hướng và di chuyển về phía tàu MV Lila Norfolk mang cờ Liberia bị cướp ở Biển Arab để hỗ trợ tàu này. Một máy bay của Hải quân Ấn Độ cũng đã bay qua tàu bị cướp và đã thiết lập được liên lạc.
Trước đó, hãng thông tấn Ấn Độ ANI dẫn lời các quan chức quân đội cho biết ít nhất 15 thành viên thủy thủ đoàn Ấn Độ có mặt trên tàu MV Lila Norfolk, bị cướp gần bờ biển Somalia và hải quân đã nhận được thông tin về vụ việc vào tối 4/1.
Tuyên bố của Hải quân Ấn Độ cũng cho hay tàu MV Lila Norfolk đã gửi một tin nhắn trên cổng thông tin Hoạt động thương mại Hàng hải của Vương quốc Anh cho biết 5 đến 6 đối tượng không rõ danh tính có vũ trang đã lên tàu vào tối 4/1. Hải quân Ấn Độ đã tăng cường giám sát Biển Arab sau một loạt các cuộc tấn công gần đây trong khu vực. (The Indian Times)
*Quân đội Nga có vũ khí phiên bản mới: Hãng thông tấn TASS ngày 5/1 cho biết quân đội Nga đã nhận được những mẫu pháo tự hành mới nhất “Koalitsiya-SV” đầu tiên.
Tập đoàn công nghệ quốc doanh khổng lồ Rostec đã hoàn thành các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước mẫu pháo tự hành trên trong năm 2023. Hệ thống pháo đã đáp ứng tất cả các đặc điểm các nhà phát triển đặt ra. Cuối năm 2023, các hệ thống Koalitsiya-SV đầu tiên đã được bàn giao cho quân đội.
Koalitsiya-SV có ưu điểm hơn các mẫu pháo nước ngoài ở tầm bắn và sẽ đưa khả năng chiến đấu của pháo binh Nga lên một tầm cao mới. Lựu pháo này đã vượt qua các mẫu pháo tốt nhất trên thế giới cũng như của Nga về tầm bắn và độ chính xác cũng như thời gian cần thiết để giải quyết các nhiệm vụ chiến đấu.
Koalitsiya-SV tích hợp chế độ “tấn công hỏa lực”, có thể bắn trúng mục tiêu đồng thời bằng nhiều quả đạn theo các quỹ đạo khác nhau, giúp hệ thống có thể nhanh chóng cơ động tránh đòn phản pháo.(Sputnik News)
*Nga sử dụng tên lửa "nhử" lừa tên lửa Stinger của Mỹ: Trang mạng Ura.ru ngày 5/1 cho biết quân đội Nga đã tăng cường sử dụng các tên lửa "chim mồi" để đánh lừa hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger do Mỹ sản xuất.
Roman, một binh sĩ của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) cho biết các tên lửa giả của Nga được bắn nhử từ cả máy bay và trực thăng. Quân nhân Ukraine này chỉ ra rằng những mồi nhử như vậy có nhiệt độ cao hơn nhiều so với nhiệt độ ở động cơ tên lửa nên có thể đánh lừa các hệ thống MANPADS.
Theo binh sĩ này, quân đội Ukraine đã nghe nói về những tên lửa mồi như vậy cách đây một tháng nhưng nay họ mới thấy chúng hoạt động trên chiến trường. (TASS)
*Đức gia tăng “bơm” vũ khí cho Ukraine: Bộ Quốc phòng Đức thông báo nước này đã cung cấp cho Ukraine đạn dành cho xe chiến đấu Leopard 2 và 10 xe chiến đấu Marder. Gói này còn bao gồm gần 10.000 viên đạn cỡ nòng 115mm, lớp cầu Biber, hàng chục xe tải, súng tiểu liên 305 MK 566, hàng nghìn bộ đồng phục mùa Đông và mũ bảo hiểm.
Đức cũng có kế hoạch cung cấp 4 hệ thống phòng không IRIIS-T SLM và một hệ thống SKYNEX cho Kiev. Tổng viện trợ của Berlin cho Kiev (về nhân đạo, tài chính và quân sự) kể từ tháng 2/2022 đã vượt quá 25 tỷ euro. Vào tháng 11, có thông tin cho rằng Chính phủ Đức có kế hoạch tăng viện trợ cho Kiev vào năm 2024 từ 4 lên 8 tỷ euro. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa thống nhất được về ngân sách do các vấn đề tài chính. (DW)
*Cựu Tổng thống Mỹ D.Trump bị tố nhận 7,8 triệu USD từ nước ngoài: Hạ viện Mỹ cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump đã nhận hơn 7,8 triệu USD từ các chính phủ nước ngoài thông qua những khoản thanh toán cho Trump Organization khi ông đương chức, trong đó có tiền từ Trung Quốc.
Theo bài viết, phần lớn số tiền nói trên đến từ chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, phần còn lại là từ 19 nước khác, bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Malaysia và Qatar...
Ủy ban Giám sát của Hạ viện Mỹ đã công bố báo cáo dài 156 trang, khẳng định rằng ông Trump nhiều lần vi phạm Hiến pháp Mỹ, trong đó quy định rằng các quan chức Liên bang không được nhận quà hoặc tiền mặt từ các đại diện nước ngoài nếu không có sự chấp thuận của Quốc hội. (Fox News)
*Máy bay do thám Mỹ hỗ trợ tấn công vào bán đảo Crimea: Trang mạng quân sự của Nga ngày 5/1 cho biết cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào mục tiêu trên bán đảo Crimea được sự hỗ trợ của máy bay do thám Mỹ Boeing P-8A Poseidon.
Theo cổng thông tin theo dõi chuyến bay Flightradar 24, chiếc máy bay này, được thiết kế cho nhiệm vụ tuần tra và chống tàu ngầm, đang tiến hành trinh sát trên không phận ngoài khơi Romania sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Sigonella của NATO ở Sicily.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo trong ngày 5/1, các hệ thống phòng không nước này đã chặn và phá hủy 36 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine tấn công bán đảo Crimea và 1 UAV bị bắn hạ trên bầu trời Kuban.
Cùng ngày, trang mạng Ura.ru đưa tin quân đội Nga đang sử dụng các tín hiệu tên lửa giả để đánh lừa hệ thống tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) Stinger do Mỹ sản xuất. (Flightradar 24)
*Iran bắt một số nghi phạm trong vụ đánh bom kép: Bộ trưởng Nội vụ Iran Ahmad Vahidi ngày 5/1 cho biết đã bắt giữ “một số cá nhân” có liên quan tới vụ đánh bom kép nhằm vào đám đông đang tập trung gần lăng mộ cố Tư lệnh Qassem Soleimani ở Kerman. Phát biểu trên sóng truyền hình, ông Vahidi cho hay đã có “những manh mối tốt” nhằm xác định các cá nhân có liên quan vụ tấn công hôm 31/12, khiến 89 người thiệt mạng và 280 người bị thương.
Ông cho biết các cơ quan tình báo sẽ sớm cập nhật thông tin chi tiết và là cơ quan “hoàn toàn kiểm soát” cuộc điều tra. Ông Vahidi cũng ám chỉ sự dính líu của nước ngoài khi cáo buộc thủ phạm là “nhóm khủng bố được các chế độ tạo ra những kẻ khủng bố hỗ trợ”. (AFP)
*Thuyền của Houthi phát nổ trên Biển Đỏ: Phó Đô đốc Hải quân Mỹ Brad Cooper thông báo một chiếc thuyền không người lái của Houthi chở đầy chất nổ đã phát nổ trên Biển Đỏ ngày 4/1, song không đủ gần để gây ra thiệt hại hay thương vong cho bất kỳ tàu Hải quân hoặc tàu thương mại nào của Mỹ, đồng thời cho rằng đây là một cuộc tấn công thất bại.
Trả lời báo giới, Phó Đô đốc Brad Cooper, Chỉ huy lực lượng Hải quân Mỹ ở Trung Đông, cho hay hiện đã có 25 cuộc tấn công của Houthi nhằm vào các tàu thương mại đi qua khu vực Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden, đồng thời nhấn mạnh rằng “không có dấu hiệu nào cho thấy hành vi vô trách nhiệm của lực lượng này đang giảm dần".
Về chiếc thuyền không người lái trên, ông Cooper nói: "Nó ở cách các tàu hoạt động trong khu vực - tàu thương mại và tàu Hải quân Mỹ - vài dặm và tất cả chúng tôi đều đã chứng kiến nó phát nổ". (Reuters)
*Ngoại trưởng Mỹ lại công du Trung Đông:Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ khởi hành trong ngày 4/1 (giờ Mỹ) để tiến hành các hoạt động ngoại giao kéo dài 1 tuần liên quan tới cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, ông Blinken sẽ tới Israel và khu Bờ Tây, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Jordan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Ai Cập.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc xung đột kéo dài gần 3 tháng qua đang lan rộng ra ngoài Dải Gaza, tới cả khu Bờ Tây do Israel chiếm đóng, biên giới Liban-Israel và các tuyến đường vận tải trên Biển Đỏ. (Reuters)
*Hezbollah rút quân chiến thuật khỏi vùng biên giới với Israel: Tờ Maariv của Israel ngày 5/1 đưa tin, phong trào Hamas ở Liban cùng ngày đã rút lui lực lượng khoảng 2-3km tính từ biên giới với Israel, còn gọi là Đường Xanh. Việc rút quân này mang tính chiến thuật, nhưng cũng được coi là tín hiệu cho Mỹ và Israel thấy rằng phong trào này muốn tránh một cuộc chiến tranh tổng lực với Tel Aviv.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đã nói với Đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein rằng đã đến lúc cần có giải pháp ngoại giao để di dời lực lượng Hezbollah khỏi khu vực biên giới với Israel. Nhà quân sự này cũng mong muốn sớm ổn định tình hình biên giới phía Bắc để đưa công dân của Israel quay trở lại khu vực này. Ông Gallant được cho là đã trao đổi với ông Hochstein về những điều kiện mà phía Tel Aviv có thể đáp ứng nhằm đạt được một thỏa thuận ngoại giao với Hezbollah, thông qua vai trò trung gian của Mỹ. (Reuters)
*Một thủ lĩnh phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine thiệt mạng: Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) và Cơ quan An ninh Nội địa Israel (Shin Bet) ngày 4/1 cho biết đã sát hại nhân vật Mamdouh Lolo (còn gọi là Lulu), người đứng đầu phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) ở miền Bắc Dải Gaza.
Theo thông báo, Lulu là người lên kế hoạch cho các hoạt động quân sự của PIJ trong nhiều năm qua. Nhân vật này cũng bị cáo buộc tham gia và lên kế hoạch các cuộc tấn công nhằm vào lãnh thổ Israel cũng như hoạt động kháng cự ở Dải Gaza. (Times of Israel)
Nhà Trắng cho rằng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đang làm lợi cho Iran và Nga khi không đồng ý bỏ phiếu về dự luật viện trợ Ukraine.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết đây là kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN lớn nhất từng được tổ chức với sự tham gia của ASEAN 11 cùng với nhiều nước thành viên EAS.
Sáng 16/1, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã đến Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội ghi sổ chúc mừng nhân dịp Nhà vua Đan Mạch Frederik X lên ngôi.
Đại sứ Dương Chính Chức đánh giá đây là sự kiện cố ý nghĩa trọng đại, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Angola.
17 đơn khiếu nại đã được đệ trình phản đối nghị quyết của Quốc hội bác bỏ việc tái đề cử ông Pita Limjaroenrat làm thủ tướng và tuyên bố đó là hành vi vi phạm quyền hiến định của họ.
Kể từ khi hoạt động cứu trợ được bắt đầu từ ngày 21/10, khoảng 193 xe tải chở 3.100 tấn hàng viện trợ nhân đạo đã qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza.
Trung Quốc phát cảnh báo đỏ với bão Gaemi, cơn bão thứ ba trong năm nay và đã mạnh lên thành siêu bão.
Ngày 30/8, thông báo của Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết, chiến dịch chung của lực lượng nước này và Iraq mới đây đã tiêu diệt 15 thành viên của Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Tây Iraq.
Gaza sẽ ra sao sau chiến sự và ai sẽ quản lý khu vực đang là câu hỏi quan trọng nhất đối với những người lính Israel vừa tham chiến ở dải đất.