Máy bay không người lái (drone) giờ có thể rải phân, xịt thuốc, sạ lúa nhanh gấp nhiều lần công làm của nông dân.
"Nghe hơi thiếu thực tế nhưng đó là sự thật về chuyện làm nông của người dân miền Tây hôm nay" - ông Nguyễn Văn Dũng, nông dân xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), kể mình đã thuê drone bón phân và viễn cảnh những cánh đồng lúa không còn dấu chân người...
Con đường đất dẫn vào ruộng ông Dũng và nhiều người dân ở xã Tân Hội khi xưa giờ được thay bằng lộ bê tông sạch đẹp. Bờ đê cao ráo, kiên cố cùng hệ thống kênh thủy lợi nội đồng xẻ ngang xẻ dọc đổ ra sông Rạch Giá - Hà Tiên càng lộ rõ hình ảnh làm nông đã trở nên hiện đại.
Sự thay đổi này ông Dũng cũng không ngờ và chẳng nghĩ làm nông thời nay lại khỏe như vậy. "Mới hơn 10 năm trước, mần ruộng hao công tổn sức và lệ thuộc quá nhiều vào sức người từ be bờ, làm cỏ, quăng phân, xịt thuốc, gieo sạ..." - ông nhớ lại cái thời chân lấm tay bùn, mồ hôi đẫm áo.
Nhưng hiện nay 3,3ha ruộng của ông Dũng được làm rất nhàn vì tất cả công việc giờ được thay bằng máy móc như máy xới, máy cày, máy sạ lúa và máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa trên đồng.
Đặc biệt trong quá trình chăm sóc như xịt thuốc, bón phân, sạ lúa, ông chỉ cần gọi điện mướn đội drone đến mần là xong.
"Có máy bay xịt thuốc tiện lắm. Hồi đó để xịt thuốc 30 công đất, tôi phải mướn ít nhất ba người mất mấy ngày mới xịt thuốc xong, mưa xuống phải bỏ dở nửa chừng. Giờ có máy bay ù ù trên cao phun thuốc rất nhanh. Lúa vẫn nở bụi tốt, bông to, năng suất vụ lúa thu đông 2024 này tôi ước được khoảng 900kg lúa tươi mỗi công", ông Dũng vui vẻ khẳng định.
Kể cụ thể chuyện chi phí làm nông thời hiện đại, người nông dân Hồ Văn Hướng cũng ở đất lúa Tân Hội nói: "Bà con giờ mướn máy bay quăng phân, xịt thuốc nhiều lắm. Mướn máy bay rải phân chỉ mất 15.000 - 17.000 đồng mỗi công thôi, còn thuê người làm thì 25.000 đồng một công.
Tính toán lại, bà con giảm chi phí 8.000-10.000 đồng mỗi công". Ông Hướng và ông Dũng còn nói nhờ drone đã góp phần gỡ rối thiếu hụt lao động nông thôn khi nhiều người trẻ rời quê đi thành phố làm ăn.
Những cánh đồng lúa vàng bát ngát ở Hậu Giang, An Giang và Kiên Giang các ngày này đang nhộn nhịp cảnh thu hoạch lúa hè thu muộn. Có vùng thì người dân đang bón phân vụ lúa thu đông nên rất vui mắt cảnh drone ù ù trên cao rải phân xuống đồng.
Anh Nguyễn Trường Minh, người đã đầu tư drone làm nông ở Vị Thanh (Hậu Giang), kể mình đến với nghề này cũng là cái duyên và xuất phát từ đam mê làm nông nghiệp. Anh đã mạnh dạn chi hơn 400 triệu đồng để mua drone về xịt thuốc, bón phân trên ruộng gia đình và làm dịch vụ kiếm thêm.
Hiện nay drone phục vụ sản xuất nông nghiệp có nhiều dòng khác nhau, nhưng với người thạo nghề như anh Minh thì sử dụng loại nào cũng dễ dàng.
"Rải phân hay xịt thuốc cho chủ ruộng, tôi chỉ cần chuẩn bị pin, thùng đựng phân thuốc và các vật dụng cần thiết. Khi làm thì tôi và người nữa phụ việc là được", anh Minh chia sẻ.
Ở bất kỳ ruộng nào anh bước đầu sẽ cho drone bay lập trình đường bay, sau đó mới điều khiển bay rải phân hay xịt thuốc theo yêu cầu. Ở đồng trống nhiều gió, anh phải kinh nghiệm lái máy bay lấn sang hướng gió để đảm bảo lượng phân, thuốc đúng vào vị trí mong muốn.
Anh Minh cũng như các "phi công" khác có thể điều khiển drone rải phân với tốc độ bay 8 - 10m/giây tùy vào sức gió trên đồng.
"Xịt thuốc tôi cũng điều khiển máy bay làm sao đảm bảo lượng thuốc khi phun ra sẽ dính lên lúa. Gió bình thường tôi cho máy bay giữ độ cao khoảng 3 - 4m là được. Gió mạnh tôi sẽ hạ thấp máy bay xuống để đảm bảo hiệu quả xịt thuốc cho lúa", anh Minh chia sẻ kỹ thuật bay của mình.
Là người có kinh nghiệm, anh nhìn ruộng biết lúa chỗ nào cần phân nhiều sẽ điều chỉnh drone rải nhiều hoặc rải dặm lại phân lần hai cho chủ ruộng để lúa phát triển đều, năng suất cao. Làm kỹ, anh được nhiều người dân thuê phun xịt thuốc trên đồng.
Với một chiếc drone, anh có thể bay khoảng 30 - 50ha mỗi ngày, nên vào thời điểm bón phân, xịt thuốc lúa anh cũng có thể kiếm thu nhập khá. Và anh đang dự định sẽ mua thêm một drone nữa.
Trong khi đó, ở huyện An Biên (Kiên Giang), anh Cái Văn Khương cũng mạnh dạn đầu tư hai chiếc drone để chuyên đi bay dịch vụ làm nông.
Người đàn ông nhiều đời làm nông này kể lúc mới đầu tư, anh được công ty bán cử người về huấn luyện điều khiển bay. Bây giờ thì anh tiếp tục đào tạo đội "phi công" trẻ hơn để bay mướn cho mình, trong khi tay nghề của anh đã lên đến mức có thể sửa chữa máy bay bị hư hỏng.
"Tôi thấy nông dân mình tiếp cận sự hiện đại nhanh lắm. Nhiều bà con mướn drone về làm ruộng cho mình nên cũng có nhiều người dám bỏ hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ, đầu tư drone để đi mần mướn" - anh Khương vui vẻ kể sự cạnh tranh càng giúp nông dân có lợi, trước đây bay xịt thuốc lúa có giá 20.000 đồng mỗi công ruộng giờ chỉ còn 15.000 đồng.
Anh Phan Văn Sĩ ở huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) cho biết với mong muốn bớt đi nhân công và chi phí sản xuất, anh đã đầu tư một drone với giá 400 triệu đồng về làm nông.
"Có máy bay tôi chủ động nhiều trong quăng phân, xịt thuốc cho lúa. Tôi cũng chủ yếu sử dụng cho gia đình thôi, đầu tư hơi nhiều tiền nhưng mình xài lâu dài, giúp nhẹ công và làm ruộng hiện đại hơn", anh Sĩ cho biết.
Ông Lâm Quốc Toàn, phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang, cho biết đưa cơ giới hóa và khoa học công nghệ, đặc biệt là drone xịt thuốc rải phân, đã được người dân Kiên Giang áp dụng nhiều.
Máy bay xịt thuốc có mặt lợi là tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, nhân công lao động và đặc biệt là đảm bảo sức khỏe của mình. "Kiên Giang có diện tích lúa lớn và dân cũng có nhu cầu nhiều máy bay xịt thuốc, rải phân, sạ lúa. Chúng tôi đang kết nối với các đơn vị làm dịch vụ này để giúp người trồng lúa tốt hơn, khỏe hơn", ông Toàn nhấn mạnh.
Chiều 2-9, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng tặng bằng khen đột xuất cho anh Nguyễn Hữu Đốn (35 tuổi) - người đã tử vong do điện giật khi lao vào nhà cháy cứu người ở Phan Thiết.
Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội đêm 12/9 để lại những hậu quả đau lòng. Sau sự việc này, những người còn sống, đặc biệt là trẻ em sẽ chịu tác động tới tâm lý ra sao?
Cảnh sát cho biết một xe chở chất nổ đã lao vào một nhà khách dành cho quan chức chính phủ ở thành phố Bardera thuộc vùng Gedo, cách thủ đô Mogadishu của Somalia 450km về phía Tây.
Hà Tĩnh - 2 người đàn ông trú ở xã Gia Phố (huyện Hương Khê) bị lật thuyền trên sông Ngàn Sâu khi đi bắt chim, rất may đã được...
Ngày 18/5, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết đơn vị vừa ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Quang (40 tuổi, trú xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Trước đó, khoảng 20h30 ngày 15/5, Tổ tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông Công an huyện Duy Xuyên do Thượng úy Đoàn Công Nhân (cán bộ Đội CSGT-TT) làm tổ trưởng, triển khai tuần...
Điểm chuẩn đánh giá năng lực hầu hết các ngành của trường Đại học Kinh tế - Luật tăng, ngành Thương mại điện tử lấy cao nhất - 945/1.200.
Sau gần 2 giờ bay khảo sát bằng trực thăng khu vực TP.HCM và một số tỉnh Đông Nam Bộ, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói: 'Nguồn lực đất đai TP.HCM còn quá lớn, lần quy hoạch này phải làm sao khai thác tốt nguồn lực này'.
Điểm chuẩn của ngành Sư phạm Tiếng Anh là 38,45, cao nhất trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trong 10 ngày qua, tôm nuôi ở Trà Vinh tiếp tục bị thiệt hại hơn 1,3 triệu con, nâng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại từ đầu năm đến nay gần 1.396ha, với tổng số khoảng 625 triệu con.