Dù ông Netanyahu tuyên bố Israel sẵn sàng đơn độc trong cuộc chiến ở Gaza, nhiều người lo ngại Tel Aviv đối mặt rủi ro nếu Washington thực sự dừng cấp vũ khí.
Một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cảnh báo dừng cung cấp vũ khí nếu Tel Aviv tiến hành chiến dịch quy mô lớn ở Rafah, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố quốc gia này sẵn sàng "đứng một mình" trong chiến dịch chống kẻ thù.
"Nếu buộc phải đứng một mình, chúng tôi sẵn sàng làm như vậy", ông Netanyahu nói, song không đề cập trực tiếp tới Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel.
Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đầu tuần này kiểm soát cửa khẩu biên giới Rafah với Ai Cập và các lãnh đạo Israel nói chiến dịch tấn công quy mô lớn là cần thiết để "loại bỏ" các tiểu đoàn Hamas cuối cùng ở Gaza. Tuy nhiên, Mỹ cùng nhiều nước khác đã phản đối kế hoạch tấn công Rafah, thành phố hiện có hơn một triệu dân thường Palestine đang trú ẩn, vì lo ngại nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 9/5 nói rằng Israel đứng trước "lựa chọn" để quyết định có leo thang chiến sự ở Rafah hay không. Chính quyền Tổng thống Biden thừa nhận đã tạm dừng chuyển 3.500 quả bom, gồm bom nặng gần một tấn, cho Israel.
"Tôi đã nói rõ rằng nếu họ tiến đánh Rafah, tôi sẽ không cung cấp vũ khí như đã từng cho họ", ông Biden nói trong cuộc phỏng vấn với CNN.
Lời cảnh báo của Mỹ đã trở thành vấn đề đáng chú ý ở Israel trong ngày 9/5, khi hầu hết phóng viên và giới phân tích đều báo động về những rủi ro và mô tả đó là nỗi thất vọng của Mỹ đối với cách thực hiện chiến dịch của chính quyền ông Netanyahu.
Mỹ và Israel có mối quan hệ đặc biệt kể từ khi quốc gia Trung Đông tuyên bố độc lập năm 1948. Tính đến năm ngoái, Mỹ đã cung cấp 158,7 tỷ USD cho Israel, trong đó khoảng 124,3 tỷ USD cho quân đội và hệ thống phòng thủ tên lửa, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội.
Theo bản ghi nhớ 10 năm mà tổng thống Barack Obama ký, Washington hiện cung cấp 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm cho Israel, chưa kể đến khoản hỗ trợ 15 tỷ USD bổ sung mà Mỹ thông qua tháng trước.
"Cảnh báo mới có nghĩa ông Biden muốn sử dụng đòn bẩy thực sự duy nhất của mình đối với ông Netanyahu, đó là dừng cung cấp vũ khí. Nó đẩy quan hệ hai nước xuống mức thấp mới, trong đó an ninh của Israel bắt đầu được đưa vào cuộc chơi", Cliff Kupchan, chủ tịch tổ chức Eurasia Group ở Mỹ, nói.
Shalom Lipner, cố vấn lâu năm của nhiều đời thủ tướng Israel, cho biết cảnh báo của Mỹ "đánh trúng mối quan ngại sâu sắc ở Israel, nơi mọi người tự hỏi làm sao cam kết sắt đá của ông Biden đối với an ninh nước này có thể dung hòa với việc hạn chế quyền tiếp cận vũ khí của họ". Lipner cũng cho rằng động thái của Mỹ thậm chí sẽ khuyến khích Hamas.
Cố vấn này cảnh báo nếu chính phủ Israel phớt lờ lời cảnh báo từ nhà hỗ trợ quân sự và ngoại giao lớn nhất, điều đó sẽ gây "bất lợi chiến lược" cho Tel Aviv.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/5 ra báo cáo chỉ trích Israel "có thể đã vi phạm tiêu chuẩn nhân đạo khi dùng vũ khí Mỹ", song cho rằng chưa đủ bằng chứng để ngừng chuyển khí tài. Một quan chức Mỹ nói nước này sẽ tiếp tục giám sát cách Tel Aviv sử dụng vũ khí do Washington sản xuất.
Các quan chức và giới phân tích Israel cho rằng những diễn biến này cho thấy cảnh báo của ông Biden dường như chỉ là thông điệp chính trị trong ngắn hạn, sẽ không ảnh hưởng tới khả năng tiến hành cuộc chiến ở Gaza của Tel Aviv. Song năng lực quân sự lâu dài của Israel trên nhiều mặt trận có thể bị đe dọa nếu Tổng thống Mỹ thực hiện lời đe dọa.
"Chắc chắn nền tảng quốc phòng của nước này đang chấn động vì lời cảnh báo. Tầm quan trọng ở đây, ít nhất trong ngắn hạn, là nó chỉ là tuyên bố mang tính chính trị. Nó sẽ không ảnh hưởng tới chiến dịch ở Gaza, nhưng sẽ có tác động nếu xảy ra cuộc chiến lớn với Hezbollah", Chuck Freilich, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Israel, nói.
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon cũng leo thang kể từ khi xung đột Israel-Hamas bùng phát hồi tháng 10/2023. Israel đã dự trữ đạn dược cho nguy cơ nổ ra chiến tranh toàn diện với Lebanon, nhưng đã phải rút bớt kho vũ khí cho cuộc chiến ở Dải Gaza.
Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã ngầm đề cập tới Mỹ trong bình luận ngày 9/5. "Tôi quay sang những kẻ thù, cũng như các đồng minh tốt nhất của chúng tôi và nói rằng nhà nước Israel không thể bị khuất phục. IDF, Bộ Quốc phòng hay nhà nước Israel đều như vậy. Chúng tôi sẽ đứng vững và đạt được mục tiêu của mình", ông nói.
Nhiều quan chức Israel đã chỉ trích trực tiếp chính quyền Tổng thống Biden, gọi quyết định ngừng chuyển một lô vũ khí cũng như cảnh báo của ông là "đáng thất vọng và gây bực bội". Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir đăng bài trên mạng X rằng "Hamas yêu ông Biden", kèm theo biểu tượng trái tim.
"Lập trường của chính quyền Tổng thống Biden thật đáng tiếc. Tôi nghĩ nó sẽ gửi thông điệp sai lầm tới Hamas và các kẻ thù của chúng tôi trong khu vực", Michael Herzog, đại sứ Israel ở Mỹ, nói tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế ở Washington.
Những chia rẽ trong giới chính trị và xã hội Israel được phản ánh rõ trong phản ứng với động thái của Mỹ.
Benny Grant, thành viên nội các chiến tranh Israel kiêm đối thủ hàng đầu của ông Netanyahu, cho biết Mỹ đã sát cánh với Israel vào những thời điểm khó khăn nhất. "Lời lẽ công kích của các bộ trưởng nhắm vào Mỹ là vô trách nhiệm và vô ơn, nhắm vào những mục đích chính trị trong nước", ông nói.
Câu hỏi hiện tại là ông Netanyahu sẽ phản ứng như thế nào với những cảnh báo và chỉ trích mà ông Biden và Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra. Thủ tướng Israel nhiều lần nói rằng cuộc tấn công vào Rafah và "xóa sổ" lực lượng còn lại của Hamas là cần thiết.
"Ông Bibi nghĩ rằng đây chỉ là một thẻ vàng và họ sẽ không bao giờ phải nhận thẻ đỏ", Amit Segal, nhà bình luận chính trị của hãng tin Israel Channel 12, đề cập tới biệt danh của Thủ tướng Netanyahu.
Segal cho rằng ông Netanyahu tin Tổng thống Mỹ không đi xa tới mức thực sự cắt đứt vũ khí cho Israel chỉ vì áp lực từ cử tri bảo thủ và Do Thái ở Mỹ trước thềm bầu cử tháng 11.
Kupchan dự đoán nếu ông Netanyahu chấp nhận yêu cầu của Mỹ về Rafah, căng thẳng trong quan hệ hai nước hiện tại có thể nhanh chóng xuống thang. Tuy nhiên, nếu cả hai đều giữ lập trường riêng, nó có thể dẫn tới việc Mỹ cắt giảm nhiều vũ khí hơn và gây ra tác động lâu dài hơn.
"Nền tảng quan hệ Mỹ - Israel mạnh mẽ đến mức nó sẽ khó bị tổn hại nhiều vì những động thái như này. Song nếu Israel quyết đánh Rafah và Mỹ dừng cung cấp nhiều loại vũ khí hơn trong tương lai, đó sẽ là một câu chuyện khác", ông nói.
Thanh Tâm (Theo WSJ, Washington Post, AFP)
Nhiều người gốc Latin, nhóm chiếm 22% cử tri ở bang chiến trường Nevada, đã chuyển sang ủng hộ ông Trump vì thất vọng với đảng Dân chủ.
Ít nhất 11 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương sau khi xe buýt chở học sinh trung học vừa tốt nghiệp gặp nạn tại đảo Java.
Drone đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trên chiến trường Ukraine, giúp cả hai bên giám sát mọi hoạt động của đối phương, khiến mặt trận gần như tê liệt.
Bộ Ngoại giao xác nhận một số trường hợp là công dân Việt Nam trong số hàng trăm người di cư đang 'mắc kẹt', đồng thời khuyến cáo công dân di cư an toàn.
17 đơn khiếu nại đã được đệ trình phản đối nghị quyết của Quốc hội bác bỏ việc tái đề cử ông Pita Limjaroenrat làm thủ tướng và tuyên bố đó là hành vi vi phạm quyền hiến định của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López tuyên bố, lực lượng vũ trang nước này sẵn sàng đối mặt với “những thách thức sắp tới” để tiếp tục “đảm bảo chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ”.
Quân đội Nga chuyển sang giai đoạn tấn công mới ở Ukraine trong khi Ukraine đã rút các hệ thống phòng không lùi sâu về khu vực hậu phương.
Ngày 11-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 19, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hiệp Quốc lần thứ 14.
Sau khi 6 thi thể con tin được tìm thấy trong một đường hầm bên dưới thành phố Rafah, lời kêu gọi chấm dứt xung đột ở Gaza và trả tự do cho những người còn bị Hamas giam giữ càng khẩn thiết.