Atzmon được huy động tham chiến ở Gaza, nhưng anh đau buồn khi nhiều dân thường thiệt mạng và không ủng hộ chính sách cứng rắn của Thủ tướng Netanyahu.
Amos Shani Atzmon, quân nhân dự bị 26 tuổi của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), được triệu tập nhập ngũ chỉ vài giờ sau khi Hamas phát động cuộc tập kích lãnh thổ Israel hồi đầu tháng 10 năm ngoái, sát hại khoảng 1.200 người và bắt cóc 253 con tin tới Dải Gaza.
Trước khi được huy động tham chiến ở Gaza, Atzmon đang tham gia khóa học để trở thành nhân viên xã hội và anh đã tham gia các cuộc biểu tình phản đối kế hoạch cải tổ cơ quan tư pháp đầy tham vọng của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Điều này khiến Atzmon gần như trở thành "kẻ lạc loài" trong đơn vị của mình.
Chính phủ của Thủ tướng Netanyahu được cho là nội các thiên về đường lối cứng rắn và bảo thủ nhất trong lịch sử Israel. Họ kiên quyết bác bỏ ý tưởng về một nhà nước Palestine độc lập và ủng hộ xây dựng thêm các khu định cư Do Thái bên trong khu vực Bờ Tây.
Trong khi đó, Atzmon lại muốn Israel nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước. "Người dân Palestine sẽ không bao giờ ngừng chiến đấu với chúng tôi cho đến khi họ có được quyền tự chủ. Và tôi nghĩ mục tiêu cuối cùng cần phải như vậy", anh cho hay.
Quan điểm chính trị đôi khi khiến Atzmon hoang mang bởi anh đang phải chiến đấu thay mặt một chính phủ mà bản thân không ủng hộ. Anh không trách người Palestine ở Gaza nếu họ cảm thấy ghét bỏ Israel lúc này.
"Họ có lý do chính đáng, khi nhìn vào các thành phố bốc cháy và bị oanh tạc... Tôi có một người bạn thân thiệt mạng ở Gaza và tôi đang nghĩ đến những người mất cả gia đình vì bom đạn", Atzmon cho hay.
Theo cơ quan y tế do Hamas kiểm soát tại khu vực, hơn 27.000 người đã thiệt mạng trong chiến dịch tấn công của Israel, trong đó khoảng 70% là phụ nữ và trẻ em. Liên Hợp Quốc ước tính khoảng 400.000 người Gaza đang đối mặt nguy cơ chết đói. Trong khi đó, Israel tuyên bố đã tiêu diệt khoảng 10.000 thành viên Hamas.
"Tôi rất đau buồn trước cái chết của trẻ em, người già ở Gaza", Atzmon cho hay, thêm rằng hành động mà Hamas thực hiện chỉ là cách để "kháng cự" lại nỗ lực phong tỏa từ Israel.
Dù vậy, người lính này tin rằng những gì Hamas gây ra với dân thường Israel trong cuộc đột kích ngày 7/10/2023 "là điều vô nhân đạo nhất", buộc anh phải cầm súng chiến đấu bởi "họ không phải những người tôi có thể đối thoại hay hiểu được".
Atzmon cũng muốn Thủ tướng Netanyahu rời ghế lãnh đạo càng sớm càng tốt. "Lẽ ra ông ấy phải từ chức từ ngày 7/10. Tôi muốn thức dậy vào ngày hôm sau và xem ông ấy thông báo trên TV rằng 'Tôi đã làm các bạn thất vọng và tôi xin lỗi. Tôi sẽ từ chức'. Nhưng điều đó không xảy ra", anh nói.
Atzmon rất kiên định với niềm tin chính trị của mình, nhưng không phải người lính Israel nào cũng nghĩ như vậy. Emmanuel, quân nhân dự bị 35 tuổi đang tham chiến ở Gaza, là người có quan điểm cánh hữu nhiệt tình, trái ngược với Atzmon.
Anh tin Israel cần phải kiểm soát Gaza trong nhiều năm tới, đồng ý với Thủ tướng Netanyuahu, người nói rằng ông muốn Israel có "trách nhiệm an ninh" tại dải đất này trong một "khoảng thời gian không xác định" sau khi xung đột kết thúc.
Emmanuel gọi khu Bờ Tây là "Judea và Samaria", vốn được sử dụng trong Kinh thánh và các vương quốc Israel cổ đại, phản ánh rõ niềm tin của anh. Việc gọi tên này cũng là cách để chính phủ Israel cố gắng hợp pháp hóa các khu định cư Do Thái ở khu Bờ Tây, hành động vốn bị coi là bất hợp pháp theo luật quốc tế.
Một số đối tác liên minh của Thủ tướng Netanyahu đang tiến thêm một bước nữa, đề xuất xây dựng các khu định cư Do Thái ở Gaza.
Vấn đề các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây đã là điểm gây tranh cãi lâu nay trong xã hội Israel cũng như các mối quan hệ ngoại giao. Ý tưởng xây dựng khu định cư ở Gaza buộc một số đồng minh của Israel phải lên tiếng cảnh báo. Các nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ cũng phản đối kế hoạch này.
Bản thân Thủ tướng Netanyahu đến nay vẫn nhấn mạnh việc thành lập các khu định cư mới ở Gaza là "không thực tế", thêm rằng "Israel không có ý định chiếm đóng vĩnh viễn Gaza hay di dời dân thường ở đây".
Nhưng Emmanuel lại ủng hộ ý tưởng này.
"Chúng tôi phải thành lập những khu định cư mới. Không phải vì chúng tôi muốn quét sạch người Palestine. Chúng tôi phải có một chiến thắng thực sự rõ ràng để mọi người đều hiểu rằng đó là cái giá bạn phải trả nếu gây rối với chúng tôi", anh cho hay.
"Lý do thứ hai là an ninh. Chúng tôi biết từ Judea và Samaria rằng việc kiểm soát an ninh trong khu vực sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có khu định cư ở đó", Emmanuel nói.
Mối chia rẽ trong xã hội Israel về tương lai Gaza và Bờ Tây càng trở nên gay gắt sau cuộc tập kích hôm 7/10. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị cuốn vào cuộc tranh cãi.
Đối với người lính Mendel, 19 tuổi, những bất đồng chính trị dường như khá vô nghĩa ở thời điểm hiện tại.
"Chính trị thực sự không quan trọng. Bạn gia nhập quân đội và ở đó để bảo vệ người dân cũng như bảo vệ lẫn nhau, không quan trọng bạn nghĩ gì, bạn trông như thế nào hay bạn đến từ đâu", anh cho biết.
Là một người Mỹ đến từ Long Island, Mendel quyết định gia nhập IDF sau khi sống ở Israel vài năm.
Không giống như Emmanuel hay Atzmon, Mendel không có kinh nghiệm quân sự. Anh nhập ngũ chỉ vài tháng trước khi giao tranh nổ ra và được điều động tới Gaza, là thành viên của Tiểu đoàn Netzah Yehuda.
Mendel cho biết khi nhập ngũ, anh không nghĩ mình sẽ tham gia vào một cuộc xung đột. Nhưng mọi thứ đã thay đổi vào ngày 7/10.
"Hamas vẫn giữ con tin ở đó. Bạn muốn chúng tôi làm gì? Nếu chúng tôi rút lui và họ vẫn giữ con tin thì sao? Bạn sẽ làm gì nếu ở trong trường hợp như vậy? Bạn muốn gia đình mình làm gì?", anh đặt câu hỏi.
Theo IDF, 224 binh sĩ Israel đã thiệt mạng ở Gaza kể từ khi chiến dịch trên bộ bắt đầu vào cuối tháng 10/2023. Trong số đó có người bạn thân nhất của Atzmon, người đã thiệt mạng trong một trận chiến ở miền nam Gaza hồi cuối tháng 12.
Atzmon cho hay anh đã trò chuyện nhiều cùng người bạn thân về tình hình xung đột và những dân thường bị cuốn vào đó. "Chúng tôi có nghĩa vụ phải suy nghĩ và thảo luận về nó, bởi khoảng cách giữa chiến đấu vì những người thân yêu của bạn và giết người để trả thù thực sự rất mong manh", anh giải thích.
"Nếu chúng tôi tiến vào Gaza và làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn chỉ vì mong muốn trả thù thuần túy thì chúng tôi sẽ trở nên tồi tệ như Hamas. Nhưng chúng tôi không như vậy. Tôi sẽ không để họ biến mình thành kẻ sát nhân".
Nhưng nhiều người bên ngoài Israel tin "lằn ranh mong manh" đó đã bị vượt qua. Nam Phi đã đệ đơn kiện Israel lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) với cáo buộc có hành động "diệt chủng". Tòa án đã ra phán quyết có lợi cho Nam Phi, yêu cầu Tel Aviv "thực hiện mọi biện pháp" nhằm hạn chế thương vong và quy mô tàn phá do chiến dịch quân sự của họ gây ra.
Emmanuel cho biết anh cũng đồng cảm với những thường dân vô tội, nhưng anh tin chiến đấu theo cách Israel đang tiến hành là lựa chọn duy nhất.
Thao anh, các chính phủ Israel từ trước tới nay đã sai lầm khi tin rằng việc phong tỏa Gaza sẽ giúp họ quản lý được tình hình.
"Chúng tôi phải đánh bại họ hoặc để họ quét sạch đất nước chúng tôi", Emmanuel nói. "Phải làm rõ rằng chúng tôi không gây chiến với người dân Palestine ở Gaza. Cuộc chiến của chúng tôi là với Hamas. Không ai muốn giết một thường dân vô tội, một phụ nữ vô tội, một đứa trẻ vô tội, nhưng khi chiến sự nổ ra thì phải có thương vong".
Mendel, binh sĩ trẻ nhất trong ba người, cho biết anh thấu hiểu sâu sắc "sự bất công khủng khiếp" khi những người vô tội phải chết.
"Xung đột không nên xảy ra, Hamas không nên châm ngòi, nếu vậy sẽ không có những điều này. Tôi không nghĩ điều này có thể biện minh cho việc dân thường phải chết. Xung đột là một thứ khủng khiếp, tàn bạo, nhưng hoặc là như vậy hoặc họ sẽ tàn sát người của chúng tôi với nụ cười trên môi", anh nói.
Trên hết, Mendel chỉ muốn chấm dứt chiến sự. Anh rất nhớ gia đình, đặc biệt là mẹ.
"Bà ấy là người tuyệt vời nhất. Và bà còn làm món challah ngon nhất thế giới", Mendel nói, đề cập đến món bánh mì truyền thống của người Do Thái được phục vụ trong những dịp đặc biệt.
Mendel còn khoảng hai năm nghĩa vụ quân sự nữa. Liệu chiến sự có kết thúc vào thời điểm đó hay không là điều không ai có thể đoán được.
Vũ Hoàng (Theo CNN, Reuters, AFP)
Nguyễn Thị Trà giảng dạy văn hóa Việt tại trường đại học cho người cao tuổi ở Funabashi, nơi một số cụ già vẫn nghĩ rằng Việt Nam 'đang trong thời chiến'.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ thăm Trung Quốc, bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, khối mà Ankara cho rằng có tiềm năng 'thay thế EU'.
Ngày 8/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Quốc kéo dài 2 ngày để thảo luận về xung đột ở Ukraine, quan hệ song phương và tình hình khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
LHQ tuyên bố 9 nhân viên UNRWA 'có thể từng tham gia' cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023 và đã sa thải những người này.
Căng thẳng Hàn - Triều sẽ gia tăng trước loạt động thái đáp trả lẫn nhau xoay quanh bóng bay mang rác, loa tuyên truyền, giới chuyên gia cảnh báo.
Ngày 20/11, Anh đồng chủ trì Hội nghị thượng đỉnh An ninh lương thực toàn cầu tại thủ đô London, cùng với Somalia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Tổ chức Quỹ đầu tư trẻ em (CIFF) và Quỹ Bill & Melinda Gates.
Quốc vương Thái Lan chính thức bổ nhiệm bà Paetongtarn Shinawatra, 37 tuổi, làm Thủ tướng mới của đất nước.
Thổ Nhĩ Kỳ trình lên Liên Hợp Quốc bức thư có chữ ký của 54 quốc gia và tổ chức, kêu gọi áp đặt cấm vận vũ khí với Israel.
Vụ việc người đàn ông đánh thuốc mê vợ và mời ít nhất 72 người khác tới cưỡng hiếp, đã dẫn tới các cuộc biểu tình bên ngoài tòa án và gây chấn động nước Pháp.