Căng thẳng Hàn - Triều sẽ gia tăng trước loạt động thái đáp trả lẫn nhau xoay quanh bóng bay mang rác, loa tuyên truyền, giới chuyên gia cảnh báo.
Biên giới Hàn Quốc - Triều Tiên trong 4 năm qua tương đối bình yên, khi thỏa thuận quân sự liên Triều được ký kết năm 2018 được hai bên tôn trọng. Hai nước thống nhất rút hết vũ khí, không trang bị súng cho binh sĩ triển khai ở Khu vực An ninh Chung (JSA), đình chỉ mọi hoạt động quân sự tại vùng đệm dọc biên giới.
Nhưng tình hình bắt đầu phức tạp khi Triều Tiên đêm 28/5 thả hàng trăm quả bóng bay mang theo rác, tàn thuốc lá, pin cũ, vải vụn, thậm chí là chất thải vào lãnh thổ Hàn Quốc. Gió cuốn những quả bóng bay này khắp Hàn Quốc, khiến rác rưởi rơi xuống nhiều địa phương, trong đó có cả các vùng phía nam cách Seoul hơn 218 km.
Hôm sau, Bình Nhưỡng tuyên bố đây là động thái đáp trả việc các nhà hoạt động Hàn Quốc thả bóng bay sang Triều Tiên, mang truyền đơn chống lại lãnh đạo Kim Jong-un.
Từ đó đến nay, Triều Tiên đã thả khoảng 5.000 quả bóng bay mang 22,5 tấn rác qua biên giới. Trong thời gian này, các nhà hoạt động Hàn Quốc, phần lớn là những người Triều Tiên đào tẩu, cũng thả hàng chục bóng bay mang 200.000 truyền đơn, 5.000 USB chứa nhạc K-pop cùng hàng nghìn tờ 1 USD qua biên giới.
Seoul phản ứng bằng cách đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận quân sự liên Triều. Tại khu vực biên giới, quân đội Hàn Quốc khôi phục các hoạt động quân sự và lắp đặt lại các giàn loa phóng thanh công suất lớn để phát thông điệp tuyên truyền qua biên giới.
Lính Hàn Quốc ngày 9/6 bắt đầu lắp đặt loa công suất lớn xếp trên các giá cố định cao 6 mét, rộng 3 mét, tại 24 vị trí ở phía nam hàng rào thép gai ở biên giới Khu phi quân sự (DMZ). Quân đội Hàn Quốc cũng triển khai xe tải gắn 16 loa cỡ lớn như một "trạm tuyên truyền di động".
Chiến thuật phát loa ở biên giới đã được hai nước thực hiện từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye năm 2016 từng gọi các chương trình phát thanh qua loa công suất lớn là "hình thức tâm lý chiến hiệu quả nhất".
Giàn loa của Hàn Quốc trước đây thường phát đoạn băng ghi âm sẵn, bắt đầu bằng câu: "Chúng tôi muốn đưa sự thật tới đồng bào ở miền Bắc...", đồng thời chỉ trích khả năng của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Đoạn băng còn ca ngợi thành tựu phát triển kinh tế nhanh chóng và hệ thống dân chủ ở Hàn Quốc, đồng thời vẽ ra một bức tranh màu hồng về cuộc sống của tầng lớp trung lưu tại đây.
Hàn Quốc và Triều Tiên tháo dỡ các dàn loa tuyên truyền và chấm dứt hoạt động rải truyền đơn năm 2018, sau khi lãnh đạo hai nước nhất trí "ngừng hoàn toàn hành động thù địch".
Hàn Quốc tái khởi động loa tuyên truyền từ chiều 9/6, truyền đi chương trình phát thanh với 4 chủ đề chính: tính ưu việt của nền dân chủ, lịch sử thành công của kinh tế Hàn Quốc, thực trạng xã hội Triều Tiên, tính đúng đắn trong thống nhất hai miền, kèm đó là tin tức thế giới, bình luận chính trị, dự báo thời tiết xen lẫn các bản hit K-pop.
Khi hoạt động ở công suất tối đa, dàn loa này có thể phát âm thanh truyền đi hơn 20 km vào lãnh thổ Triều Tiên, đủ xa để binh lính, dân thường nghe thấy.
"Các biện pháp của Seoul có thể khiến Bình Nhưỡng khó chịu, song sẽ mang thông điệp về ánh sáng và hy vọng cho quân đội, nhân dân Triều Tiên", Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ngày 9/6 thông báo về việc nối lại hoạt động phát loa tuyên truyền.
Triều Tiên đã phản ứng giận dữ với động thái này, cũng như việc các nhà hoạt động Hàn Quốc thả bóng bay chứa truyền đơn qua biên giới.
"Nếu Hàn Quốc vừa tiến hành hoạt động rải truyền đơn, vừa phát loa với thông điệp khiêu khích qua biên giới, họ chắc chắn sẽ đối mặt với biện pháp đáp trả mới của Triều Tiên", Kim Yo-jong, em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 10/6 tuyên bố.
Bà Kim không nói rõ các "biện pháp đáp trả mới" là gì, nhưng Triều Tiên đêm 9/6 đã thả 310 quả bóng bay chứa rác thải qua biên giới.
Giới chuyên gia nhận định các động thái này của hai bên có thể châm ngòi cuộc chiến "loa và bóng bay" mới, có thể tác động nghiêm trọng tới tình hình bán đảo, thậm chí dẫn đến xung đột vũ trang.
Yang Moo-jin, hiệu trưởng Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cũng cảnh báo về khả năng Bình Nhưỡng tiến hành một số hành động quân sự nhằm phản ứng với việc Hàn Quốc đình chỉ thỏa thuận liên Triều và tuyên bố "sẵn sàng đáp trả áp đảo" của Tổng thống Hàn Yoon Suk-yeol ngày 6/6.
Theo Cheong Seong-chang, chuyên gia tại Viện Sejong ở Hàn Quốc, Triều Tiên "có thể gia tăng hành động quân sự, nã pháo vào vùng biển phía tây bán đảo hoặc bắn hạ bất cứ bóng bay nào đến từ Hàn Quốc".
Bình Nhưỡng từng đe dọa pháo kích vào các trạm loa tuyên truyền nếu Seoul từ chối "tắt đài". Tháng 8/2015, Triều Tiên phản ứng với các chương trình phát thanh của Hàn Quốc bằng loạt đạn pháo bắn về phía nam.
Đảng Dân chủ (DPK) đối lập ở Hàn Quốc cũng chỉ trích việc nối lại chương trình phát loa tuyên truyền, cho rằng đây là hành động "không khôn ngoan, có nguy cơ khiến căng thẳng leo thang thành chiến tranh khu vực".
DPK đồng thời chỉ trích chính phủ không hành động nhiều hơn để ngăn chặn việc các nhà hoạt động thả bóng bay mang truyền đơn sang lãnh thổ Triều Tiên.
Hàn Quốc cuối năm 2020 thông qua luật cấm hành vi thả bóng bay mang truyền đơn sang Triều Tiên, nhưng luật này sau đó bị Tòa án Hiến pháp bác bỏ vì "hạn chế quá mức" quyền tự do ngôn luận của người dân. Theo DPK, các nhà hoạt động đang lợi dụng quyền tự do ngôn luận để gây nguy hiểm cho người dân Hàn Quốc.
Năm 2014, quân đội hai miền từng đấu súng máy qua biên giới, sau khi binh sĩ Triều Tiên tìm cách bắn hạ những quả bóng bay mang truyền đơn từ phía Hàn Quốc.
Năm 2020, Triều Tiên cho nổ tung Văn phòng Liên lạc chung Kaesong, từng đóng vai trò như đại sứ quán hai nước, trong động thái phản đối hoạt động rải truyền đơn của các nhà hoạt động Hàn Quốc.
"Các chương trình phát thanh và truyền đơn cực kỳ nhạy cảm đối với Bình Nhưỡng, có thể gây ảnh hưởng quân đội, công chúng", Lim Eul-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kyungnam, giải thích, cảnh báo gia tăng căng thẳng khu vực trong thời gian tới vì "cuộc chiến loa và bóng bay" là không thể tránh khỏi.
Đức Trung (Theo Reuters, AFP, Korea Times, Korea Herald)
Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội ông Weibao Wang đánh cắp công nghệ tự hành của Apple và trốn sang Trung Quốc. Washington đẩy mạnh nỗ lực ngăn công nghệ nhạy cảm tuồn ra nước ngoài.
Ông Tập bắt đầu sự nghiệp chính trị từ vùng nông thôn ở Lương Gia Hà và luôn tự hào là một nông dân, đề cao nguyên tắc 'phục vụ nhân dân'.
Ngày 25/10, bộ phận tra cứu của Tập đoàn Đường sắt Nga (RZD) cho biết tình trạng khẩn cấp đã được ban bố sau khi nhận được thông tin cảnh báo tòa nhà của nhà ga đã bị gài bom.
Tặng chuyên xa Aurus Senat cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông Putin vừa gây được chú ý về công nghệ Nga, vừa thắt chặt quan hệ với Bình Nhưỡng.
Giữa cơn khát vũ khí, binh sĩ Ukraine buộc phải mạo hiểm đi nhặt đạn pháo mà lính Nga bỏ lại và gỡ mìn chống tăng lấy thuốc nổ chế bộc phá.
Ngày 14/9, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani thông báo, Rome đã đóng góp 350.000 Euro (tương đương 373.000 USD) để giúp đỡ người dân chịu cảnh lũ lụt ở Libya.
Quan hệ Nga-Triều Tiên, Thủ tướng Ấn Độ thăm Moscow, Tổng thống Hàn Quốc đến Mỹ, Hội nghị thượng đỉnh NATO, xung đột ở Ukraine và tình hình Trung Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Ngày 14/8, Thủ tướng Jamaica Andrew Holness ban bố tình trạng khẩn cấp tại giáo xứ Clarendon ở miền Nam nước này sau khi 8 người thiệt mạng trong các vụ tấn công bằng súng tối 11/8.
Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, ngày 23/11, tòa án quân sự nước này đã kết án một người đàn ông Ukraine 18 năm tù vì âm mưu đánh bom nhiều tòa nhà ở thành phố Melitopol của Ukraine hiện do Nga kiểm soát.