Ngoài lực lượng Hamas, ở Dải Gaza còn có 7 nhóm vũ trang Palestine hợp lực đối phó chiến dịch tấn công trên bộ của quân đội Israel.
Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cuối tháng trước điều bộ binh, xe tăng vào Dải Gaza, trong chiến dịch mở rộng trên bộ nhằm "hủy diệt" Hamas, đáp trả cuộc tấn công bất ngờ của nhóm vào lãnh thổ Israel hôm 7/10.
Có tên chính thức là "Phong trào Kháng chiến Hồi giáo", Hamas được thành lập năm 1987 và kiểm soát hoàn toàn Dải Gaza từ năm 2007 sau khi đẩy phong trào Fatah khỏi dải đất. Lữ đoàn al-Qassam, cánh vũ trang của Hamas, sở hữu kho rocket lớn và thường xuyên tập kích vào lãnh thổ Israel trong 15 năm qua.
Tuy nhiên, đối đầu với chiến dịch tấn công của IDF ở Dải Gaza không chỉ có Hamas, mà còn có ít nhất 7 nhóm vũ trang Palestine khác. Những nhóm này không đồng nhất về tư tưởng, tầm ảnh hưởng và sức mạnh, song đều chung mục tiêu là thành lập nhà nước Palestine bằng con đường bạo lực chống Israel.
Các nhóm đã công khai ý định hợp tác để kháng cự cuộc tấn công trên bộ của IDF, trong đó thành viên các nhóm tác chiến cùng nhau, cũng như đưa ra nhiều tuyên bố chung chống lại Israel.
Theo Newsweek, nhóm vũ trang mạnh thứ hai ở Dải Gaza hiện nay, sau Hamas, là phong trào Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ). Giống như Hamas, lực lượng này cũng đặt mục tiêu đánh đổ Israel, thành lập nhà nước Hồi giáo Palestine, song chỉ dùng biện pháp quân sự, không xây dựng bộ máy quản trị, hành chính độc lập với Hamas ở Dải Gaza.
PIJ sở hữu kho rocket khá lớn và đã tiến hành nhiều vụ tập kích gây thương vong trên lãnh thổ Israel. Tel Aviv cáo buộc PIJ nhiều lần phóng rocket xịt khiến hàng trăm dân thường Palestine ở Dải Gaza thiệt mạng, mới nhất là vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli hôm 17/10, song PIJ bác bỏ.
Cánh vũ trang của PIJ là Lữ đoàn al-Quds, đặt theo tên tiếng Arab của Jerusalem. PIJ tuyên bố được hậu thuẫn bởi Iran, quốc gia dẫn dắt "trục kháng chiến" chống Israel ở Trung Đông. Lực lượng này đã cùng các tay súng Hamas tham gia cuộc tập kích lãnh thổ Israel hôm 7/10.
Đứng thứ ba ở Dải Gaza là nhóm Ủy ban Kháng chiến Nhân dân (PRC). Tổ chức này được thành lập cuối năm 2000, thời điểm diễn ra phong trào nổi dậy chống Israel (intifada) lần thứ hai, bởi các cựu thành viên phong trào Fatah và được cho là đồng minh thân cận của Hamas và PIJ. Nhóm dường như cũng có quan hệ mật thiết với Iran.
PRC từng tiến hành nhiều cuộc tấn công nhằm vào Israel, đặc biệt là đánh bom xe, cũng như tham gia chống lại các chiến dịch trên bộ của IDF ở Dải Gaza trong quá khứ. Lữ đoàn al-Nasser Salah ad-Din, cánh vũ trang của PRC, nhiều lần tuyên bố tập kích lực lượng Israel ở Dải Gaza và Bờ Tây sau sự kiện hôm 7/10.
Một lực lượng nổi bật khác ở Dải Gaza là phong trào Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PLFP). Nhóm được thành lập năm 1967, đại diện cho các phe phái cánh tả chống Israel và các nước Arab thân phương Tây. Cánh vũ trang của nhóm, Lữ đoàn Abu Ali Mustafa, được đặt theo tên cựu thủ lĩnh bị IDF hạ sát năm 2001.
PLFP từng tiến hành nhiều vụ cướp máy bay dân sự gây chấn động quốc tế giai đoạn cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Tầm ảnh hưởng của PLFP gần đây suy giảm mạnh, song nhóm vẫn duy trì hiện diện ở Bờ Tây và Dải Gaza, gây ra một số vụ tấn công đáng chú ý như vụ ám sát bộ trưởng du lịch Israel Rechavam Ze'evi năm 2002.
PLFP mới đây công bố một số hình ảnh cho thấy các tay súng của nhóm cũng tham gia chiến dịch đột kích vào lãnh thổ Israel hôm 7/10.
Bộ Chỉ huy Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PLFP-GC) là nhánh tách ra từ PLFP vào năm 1968, nhằm theo đuổi đường lối cứng rắn hơn trong cuộc chiến chống Israel.
Trong thập niên 60-70, Lữ đoàn Jihad Jibril, cánh vũ trang của nhóm, đã thực hiện một số vụ tấn công vào lực lượng Israel, tiêu biểu là chiến dịch tập kích bất ngờ bằng dù lượn vào căn cứ của IDF gần biên giới Lebanon năm 1987, khiến 6 binh sĩ thiệt mạng.
PLFP-GC có quan hệ mật thiết với lực lượng Hezbollah ở Lebanon, từng tham gia xung đột ở nước này. Nhóm cũng điều động lực lượng trợ giúp chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sau khi nội chiến bùng phát ở Syria năm 2011. PLFP-GC gần đây tuyên bố tiến hành một số chiến dịch ở Dải Gaza, sau khi lực lượng Israel đưa quân vào vùng lãnh thổ.
Năm 1969, một số thành viên PLFP khác cũng tuyên bố rời khỏi nhóm để thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Palestine (DLFP), với mục tiêu chính là thành lập nhà nước Palestine không phân chia giai cấp và theo chủ nghĩa thế tục, tức là tách rời tôn giáo với nhà nước, nơi người Arab và Do Thái có thể chung sống hòa bình.
Tuy nhiên, DLFP vẫn sử dụng các phương pháp bạo lực để hướng tới mục tiêu này. Năm 1974, ba tay súng của nhóm xâm nhập lãnh thổ Israel từ miền nam Lebanon, bắt hơn 100 người tại một trường trung học ở thành phố Ma'a lot làm con tin. Cuộc đấu súng sau đó giữa đặc nhiệm Israel và thành viên DLFP khiến 25 con tin thiệt mạng, phần lớn là trẻ em.
DLFP đã tham gia hai phong trào intifada, song không có tầm ảnh hưởng bằng các nhóm vũ trang Hồi giáo Palestine như Hamas, PIJ. Lữ đoàn Omar al-Qassem, cánh vũ trang của nhóm, thời gian qua hoạt động tích cực ở Bờ Tây, Dải Gaza để chống lực lượng Israel.
Giống PRC, Lữ đoàn Tử vì đạo al-Asqa cũng được thành lập trong phong trào intifada lần thứ hai. Lực lượng này hợp tác chặt chẽ với nhóm Hamas và PIJ tại Dải Gaza, đồng thời được cho là có quan hệ với phong trào Fatah ở Bờ Tây, một số thời điểm hoạt động như cánh quân sự của nhóm, song Fatah không thừa nhận.
Năm 2007, lữ đoàn đạt thỏa thuận ân xá với Israel và Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) được Tel Aviv ủng hộ, đồng ý giao nộp vũ khí cho PNA. Tuy nhiên, thỏa thuận nhanh chóng đổ vỡ sau khi IDF bắt hai thành viên của lữ đoàn.
Lực lượng này hai thập kỷ qua đã tiến hành nhiều vụ xả súng, đánh bom nhằm vào Israel. Nhóm hiện tác chiến cùng lực lượng Hamas, PIJ để chống lại cuộc tấn công của IDF vào Dải Gaza.
Nhóm cuối cùng là Phong trào Mujahideen Palestine, gồm các thành viên Lữ đoàn Tử vì đạo al-Asqa tách ra sau sự kiện thủ lĩnh Omar Abu Sharia bị IDF không kích hạ sát năm 2006. Phong trào Mujahideen Palestine thiên về Hồi giáo hơn so với Lữ đoàn Tử vì đạo al-Asqa và có quan hệ gần gũi với Iran.
Lực lượng này vài năm qua thường công bố hình ảnh về các buổi diễn tập của nhóm ở Gaza, cho thấy phong trào có tiềm lực quân sự đáng kể, sở hữu vũ khí phòng không, phương tiện tác chiến trên biển, pháo và vũ khí cỡ nhỏ.
Sau cuộc đột kích của Hamas hôm 7/10, nhóm tuyên bố tham gia cuộc chiến chống Israel và tới nay đã thực hiện nhiều vụ tập kích nhằm vào binh sĩ IDF ở Dải Gaza.
IDF từng mở một số chiến dịch nhằm vào tất cả nhóm vũ trang kể trên, song mục tiêu số một lần này của Israel là Hamas, do đây là lực lượng có năng lực quân sự lớn nhất Dải Gaza, theo đại tá Moshe Tetro, người đứng đầu bộ phận điều phối và liên lạc của COGAT, cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng Israel phụ trách các hoạt động về Palestine.
Tuy nhiên, đại tá Tetro cảnh báo bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dùng vũ khí tấn công lực lượng Israel ở Gaza đều sẽ thành mục tiêu. "Tôi muốn nói rõ rằng bất cứ ai cầm súng chống lại nhà nước Israel đều sẽ phải chịu hậu quả", ông tuyên bố.
Phạm Giang (Theo Newsweek)
Hezbollah tuyên bố phóng hàng chục rocket vào miền bắc Israel, trong đợt tấn công đầu tiên sau khi Tel Aviv hạ sát chỉ huy cấp cao nhóm này.
Kho đạn tại một căn cứ phía tây Campuchia phát nổ, khiến ít nhất 20 binh sĩ thiệt mạng và một số người bị thương.
Lực lượng Houthi công bố video tên lửa phòng không bắn rơi máy bay MQ-9 Reaper của Mỹ trên bầu trời Yemen.
Sau gần hai năm chiến sự, vị thế của Tổng thống Putin ngày càng được củng cố, trong khi ông Zelensky trải qua giai đoạn khó khăn khi áp lực bủa vây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/10 đã lên tiếng ủng hộ khôi phục định dạng “Bộ tứ Trung Đông” - gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên hợp quốc và Nga - để giải quyết xung đột Palestine-Israel và cho rằng có thể mở rộng mô hình này.
Houthi nhiều tháng qua đẩy Mỹ vào thế bị động khi phải liên tục dùng tên lửa đắt tiền bắn hạ UAV giá rẻ, buộc Washington phải tung đòn tập kích răn đe.
Máy bay MQ-4C của hải quân Mỹ bật mã thông báo 'gặp tình huống khẩn nguy' sau khi làm nhiệm vụ trên Biển Đen, ngoài khơi bán đảo Crimea.
Iran đánh giá thấp nguy cơ Israel có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo, đồng thời bày tỏ ý định sẵn sàng đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân với phương Tây.
Ngày 28/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, 'tâm lý bài Nga' bị thổi phồng sẽ vẫn còn lưu lại ở phương Tây trong nhiều năm cho đến khi chúng cuối cùng biến mất.