Khi xung đột Trung Đông leo thang, các cuộc điều tra phát hiện những nhóm được cho là có liên hệ với Iran chuyên tấn công mục tiêu ở phương Tây, nhưng Tehran bác bỏ.
Mỹ và các đồng minh châu Âu đã ghi nhận ít nhất 33 âm mưu ám sát hoặc bắt cóc ở phương Tây liên quan đến Iran kể từ năm 2020, Reuters dẫn tài liệu tòa án và tuyên bố công khai từ quan chức chính phủ các nước cho hay. Trong số các mục tiêu gần đây có một tòa nhà là nơi đặt trụ sở của trung tâm Do Thái Chabad of Athens và nhà hàng Do Thái ở thành phố Athens, Hy Lạp.
Trong tài liệu nộp lên tòa án, các điều tra viên Hy Lạp cáo buộc Sayed Fakhar Abbas, công dân Pakistan được cho là đang lẩn trốn ở Iran, đã chiêu mộ Syed Irtaza Haider, người quen cũ đang ở Hy Lạp, và chỉ đạo anh ta tấn công các mục tiêu này. Theo hồ sơ điều tra, Abbas nói với Haider rằng nhóm của anh ta sẽ trả khoảng 16.000 USD cho mỗi lần ám sát mục tiêu thành công.
Trong một cuộc trao đổi trên WhatsApp vào tháng 1/2023, hai nghi phạm đã thảo luận về việc có nên sử dụng thuốc nổ hay phóng hỏa khi tiến hành kế hoạch tấn công tòa nhà Do Thái hay không. Abbas nhấn mạnh yêu cầu phải cung cấp bằng chứng về thương vong sau cuộc tấn công.
"Có các cơ quan bí mật tham gia kế hoạch này", Abbas nói với Haider, nhưng không nêu tên cụ thể. "Hãy thực hiện công việc thật tốt để họ không thể phàn nàn".
Dựa trên những bằng chứng thu thập được, cảnh sát Hy Lạp đã bắt Haider và một công dân Pakistan khác vào năm ngoái, tuyên bố đã "phá vỡ một mạng lưới khủng bố được chỉ đạo từ nước ngoài với mục đích gây ra thiệt hại về người". Hai người này đối mặt các cáo buộc liên quan đến khủng bố, song họ phủ nhận.
Haider, 28 tuổi, thừa nhận đã gửi cho Abbas hình ảnh tòa nhà Do Thái, nhưng cố tình trì hoãn thực hiện kế hoạch tấn công, hy vọng sẽ được trả tiền mà không phải làm hại bất kỳ ai.
"Tất cả chỉ là lời nói mà không có hành động", anh cho hay. Luật sư của Haide khẳng định thân chủ "chưa bao giờ tham gia sâu" vào hoạt động bất hợp pháp này. Haide hồi mùa xuân được phóng thích, nhưng vẫn bị quản chế.
Nghi phạm Abbas đối mặt với các cáo buộc liên quan đến hành vi khủng bố, nhưng chưa bị bắt. Tại Pakistan, anh ta đang bị truy nã vì tình nghi giết người, một viên chức cảnh sát địa phương cho hay. Iraklis Stavaris, luật sư đại diện cho Abbas, tuyên bố thân chủ của ông phủ nhận hành vi sai trái.
Cơ quan tình báo Mossad của Israel, đơn vị hỗ trợ cuộc điều tra của Hy Lạp, cáo buộc kế hoạch tấn công này được Iran vạch ra, là một phần trong mạng lưới "sát thủ" ngầm của Tehran hoạt động ở nhiều quốc gia phương Tây.
Iran phủ nhận tuyên bố từ Mossad. Tuy nhiên, kế hoạch của Abbas có nhiều điểm tương đồng với một số âm mưu khác được cho là liên quan đến Iran, như mục tiêu là thường dân Israel và sát thủ được thuê không phải người Iran. Ít nhất hai trường hợp khác mà Reuters thống kê đều liên quan đến công dân Pakistan.
Những mục tiêu bị nhắm tới gần đây còn có cả các quan chức cấp cao Mỹ, một số nhà báo Iran và những người khác ở nước ngoài. Cựu tổng thống Donald Trump cũng đã được tình báo Mỹ cảnh báo về "các mối đe dọa cụ thể từ Iran nhằm ám sát ông", chiến dịch tranh cử của ông gần đây cho biết. Tehran phủ nhận liên quan đến một số âm mưu tại Mỹ.
Cuộc chiến ngầm còn diễn ra ở châu Âu, nơi chiếm phần lớn các âm mưu tấn công mà Reuters thống kê được.
Brett Holmgren, quyền giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia Mỹ, cáo buộc Iran từ năm 2020 đã "tăng cường đáng kể các âm mưu tấn công nhằm vào cựu quan chức Mỹ, người Iran lưu vong hay các lợi ích của người Do Thái và Israel tại phương Tây".
Trong khi đó, Iran cũng cáo buộc Israel và Mỹ thực hiện hành vi khủng bố, với những vụ ám sát các thành viên cấp cao trong lực lượng an ninh nước này trong vài năm qua.
David Barnea, giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel, năm ngoái cho hay trong năm 2022, tình báo nước này đã hợp tác với các đối tác quốc tế phát hiện 27 âm mưu tấn công nhắm vào lợi ích của Israel ở nước ngoài. Tel Aviv cáo buộc những kế hoạch tấn công này do "Iran dàn dựng, chủ mưu và chỉ đạo", nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.
Một xu hướng chính trong số các âm mưu bị cáo buộc là sử dụng sát thủ được thuê, như tội phạm có tổ chức và thành viên băng đảng. Washington và các đồng minh nhận định việc thuê ngoài là một nỗ lực nhằm che giấu mối liên hệ với Iran.
Hồi tháng 12, tòa án Đức đã tuyên án một người đàn ông Đức gốc Iran hai năm 9 tháng tù vì lên kế hoạch phóng hỏa giáo đường Do Thái ở thành phố Bochum. Sau khi tìm hiểu các biện pháp an ninh xung quanh giáo đường, anh ta đã ném bom xăng vào tòa nhà bên cạnh, tòa án Dusseldorf cho hay. Người đàn ông này đã thừa nhận hành vi của mình.
Tương tự vụ án ở Hy Lạp, anh ta khai nhận được một người đàn ông sống ở Iran trả tiền để thực hiện vụ tấn công. Người này là một công dân Đức gốc Iran khác đang bị điều tra vì hai vụ giết người tại Đức.
Tòa án tuyên bố người đàn ông sống tại Iran này đã tuân theo lệnh từ "các cơ quan chính phủ" Iran, song Tehran gọi cáo buộc là "vô căn cứ".
Tại Mỹ, giới chức phát hiện ít nhất 5 vụ ám sát hoặc bắt cóc được cho là có liên quan đến Iran kể từ năm 2020. Ba vụ liên quan đến âm mưu giết người thuê.
Các công tố viên tháng trước truy tố Asif Merchant, công dân Pakistan mà họ cho là có quan hệ mật thiết với Iran, với cáo buộc đứng sau âm mưu ám sát bất thành nhằm vào chính trị gia Mỹ để trả thù việc Mỹ hạ sát tướng Iran Qassem Soleimani hồi tháng 1/2020.
Theo hồ sơ truy tố được đệ trình lên tòa án hồi tháng 7, sau thời gian ở Iran, Merchant đã bay từ Pakistan đến Mỹ để tuyển mộ sát thủ cho kế hoạch này. Merchant không nhận tội.
Công tố viên Mỹ cũng cáo buộc một công dân Azerbaijan sống tại Mỹ, được cho là thành viên băng đảng ở châu Âu, đã nhận chỉ thị và khoản tiền 30.000 USD từ người đàn ông Iran để tìm cách ám sát Masih Alinejad, 48 tuổi, một nhà báo Mỹ gốc Iran, người thường xuyên chỉ trích Tehran.
Nghi phạm đã mang theo một khẩu súng trường tìm đến nhà của Alinejad ở khu Brooklyn, theo các công tố viên. Alinejad kể rằng bà đã nghe thấy ai đó gõ cửa nhưng không trả lời vì đang mải điện thoại. Bà đã sốc khi giới chức Mỹ thông báo người đàn ông có vũ trang đã đến nhà bà.
Nhà báo Alinejad từng là mục tiêu của một vụ bắt cóc mà công tố viên cho là do Iran hậu thuẫn. Tehran phủ nhận cáo buộc.
Mỹ đã truy tố ba người đàn ông trong âm mưu giết người trên. Trong cáo trạng đệ trình tháng trước, công tố viên xác định nghi phạm thứ tư, một người đàn ông Azerbaijan tên Khalid Mehdiyev, là đồng phạm.
Matthew Olsen, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia, cho hay họ đã phát hiện nhiều bằng chứng liên quan đến Iran trong các âm mưu tấn công trên đất Mỹ.
"Trong một số trường hợp, chúng tôi xác định được kẻ chủ mưu là thành viên một nhóm ủy nhiệm của Iran, đồng thời phát hiện mối liên hệ trực tiếp của họ với Tehran", Olsen nói, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Trong số các quan chức Iran bị Mỹ cáo buộc chỉ đạo các kế hoạch tấn công có Mohammad Reza Ansari, thành viên một đơn vị thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Mỹ cho rằng đơn vị này tập trung vào "các hoạt động ám sát" ở Mỹ, châu Âu và những nơi khác.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Ansari từng tìm cách ám sát hai cựu quan chức chính phủ hàng đầu của Mỹ vào cuối năm 2021 với trợ giúp từ một người Iran khác, Shahram Poursafi.
Các công tố viên Mỹ đã truy tố Poursafi, người mà họ cáo buộc là thành viên IRGC, với cáo buộc chi 300.000 USD để thuê sát thủ ám sát cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ở thủ đô Washington hoặc bang Maryland cùng một người khác không được nêu tên vào năm 2022.
Cựu ngoại trưởng Mike Pompeo tự nhận mình là mục tiêu thứ hai trong một cuốn hồi ký của ông. Cả Bolton và Pompeo được cho là có vai trò quan trọng trong quyết định tung đòn không kích hạ sát tướng Iran Soleimani hồi tháng 1/2020 ở Iraq.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Bolton cho hay ông tin mình vẫn là mục tiêu mà Iran nhắm tới. "Tôi nghĩ đây là chiến dịch ám sát chưa từng có tiền lệ nhằm vào các quan chức và cựu quan chức Mỹ", ông nói.
Bộ Ngoại giao Iran gọi những cáo buộc này là "vô lý và vô căn cứ". Poursafi hiện vẫn lẩn trốn.
Vũ Hoàng (Theo Reuters)
Trong khuôn khổ sự kiện, các đại biểu và khách mời đã tham quan không gian trưng bày ảnh về mối quan hệ truyền thống Việt Nam-Algeria được vun đắp qua các thời kỳ cũng như tìm hiểu về một số sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của Việt Nam.
Thủ tướng Rishi Sunak theo Hindu giáo và có sở thích dùng nhiều đồ ngọt, nên ông thường nhịn ăn 36 tiếng vào đầu mỗi tuần để 'khởi động lại' cơ thể.
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon cho rằng, nước này đang đối mặt với “khủng hoảng an ninh năng lượng”.
Venezuela đã ký với Nga biên bản ghi nhớ cam kết cùng chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi thúc đẩy hợp tác với Iran để ứng phó những lệnh cấm vận từ Mỹ.
Ngày 2/1, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar có cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn ANI, trong đó đề cập quan hệ của nước này với Nga và Trung Quốc.
Hai lãnh đạo Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev và Sergei Shoigu cùng đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn về phương Tây.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận định nguy cơ người đồng cấp Nga Vladimir Putin dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật là “có thật”.
Hàng trăm cuộc biểu tình với hàng ngàn người đổ xuống đường khắp nước Anh phản đối người nhập cư và Hồi giáo trong suốt hai tuần đầu tháng Tám cho thấy những vấn đề đáng báo động còn tồn tại trong xã hội và chính trị xứ sương mù.
ASEAN-Mỹ nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và phối hợp hiệu quả đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.