Những đứa trẻ câm điếc ở bản người Khơ Mú đi tìm chữ

04:10 19/07/2024

Pít Văn Nương 11 tuổi, học hết lớp 4 vẫn không biết đọc, chỉ vẽ những nét chữ nguệch ngoạc dù cậu bé chưa một ngày ngưng đến trường.

Đầu tháng 6, ở huyện biên giới Mường Lát nắng cháy da do ảnh hưởng của gió Lào. Những đứa trẻ ở bản Đoàn Kết đang trong kỳ nghỉ hè, đầu trần chân đất, chạy loanh quanh chơi mấy trò đánh bi, trốn tìm hoặc xem điện thoại giải trí khi bố mẹ chúng đều lên nương từ sớm.

Trong căn nhà sàn nhỏ rộng hơn chục mét vuông nằm cách nhà văn hóa bản Đoàn Kết vài bước chân, Pít Văn Nương ngồi trước bậu cửa lật cuốn truyện đã ngả màu, nhàu nát. Thi thoảng cậu bé lại lúi húi, vẻ khó nhọc viết vài nét bút không rõ ràng. Chỉ Nương và thầy giáo chủ nhiệm lớp cũ, mới hiểu cậu đang cố trình bày điều gì. Thằng bé thi thoảng ngửa mặt cười, miệng lẩm nhẩm vài lời không thành tiếng.

Năm học 2023-2024, Nương học lớp 4E, khu lẻ Đoàn Kết, trường Tiểu học Tén Tằn, thị trấn Mường Lát. Khai giảng năm học tới, dự kiến cậu tiếp tục được lên lớp 5. Theo thầy giáo Hà Văn Mòn, Nương dù không đủ điều kiện song nhà trường vẫn tạo điều kiện cho cậu bé ra lớp như các bạn cùng trang lứa "theo diện hòa nhập".

"Thấy con yêu trường lớp, thích đi học và không ngỗ nghịch gì nên thầy cô thường dành tình cảm đặc biệt để khuyến khích con cố tìm cái chữ", thầy Mòn nói.

Hơn 10 năm trước, Lò Thị Ép khi mới lên 15 tuổi đã nên duyên vợ chồng với người con trai cùng bản tên Pít Văn Điền. Cặp vợ chồng trẻ lần lượt sinh được hai con trai, Nương là con đầu lòng. Cậu bé lớn lên khỏe mạnh như bao đứa trẻ trong bản song cho đến ngày ra lớp mẫu giáo vẫn không biết nói. Nhiều năm sau, khi tích góp được chút tiền, vợ chồng Ép đưa con đi khám mới hay đứa trẻ bị câm điếc bẩm sinh.

Không có bàn học, Pít Văn Nương ngồi viết chữ dưới tấm chiếu ở sàn nhà dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Hà Văn Mòn (giữa). Ảnh: Lê Hoàng

Người mẹ bảo rất buồn bã nhưng cũng đành phó mặc con cho số mệnh. Bố mẹ không có điều kiện cho đi học lớp chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật, Nương vì vậy được thầy cô cắm bản tạo điều kiện cho ngồi học chung với nhóm trẻ bình thường "được chữ nào hay chữ đó".

"Thằng bé rất chăm chỉ, hầu như chưa bỏ buổi học nào suốt mấy năm tiểu học", thầy Mòn cho biết thêm. Vì không thể nói nên Nương chỉ hiểu lời thầy qua những ngữ điệu hoặc hành động. Cậu bé thực ra không biết viết, chỉ vẽ theo sách giáo khoa hoặc chữ thầy viết trên bảng. Cuốn vở của Nương là những bài học không liền mạch, trang có trang không.

"Thằng bé còn nhỏ lại không lành lặn như con người ta, ở nhà cũng chưa biết làm gì nên cứ cho đến trường thôi", chị Ép chia sẻ. Giống như nhiều phụ nữ trong bản Đoàn Kết, Ép chỉ bập bẹ vài câu tiếng Kinh, hàng ngày chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ của người Khơ Mú.

Theo trưởng bản Đoàn Kết Cút Văn Dân, gia đình Nương thuộc diện nghèo nhất nhì bản. Trước đây vợ chồng chị Ép và các con ở chung với gia đình bên ngoại, năm 2023 dọn ra ở riêng. Cặp vợ chồng trẻ mượn khoảnh đất khoảng 40 m2 của gia đình anh rể dựng căn nhà tạm sinh sống.

Căn nhà sàn rộng chừng 15 m2 xiêu vẹo dưới triền dốc được anh Điền tự dựng trong bốn ngày. Trông xa nó giống như túp lều dân bản hay làm để canh rẫy. "Mấy tấm ngói fibro xi măng cũ tôi đi xin, còn cột kèo thì lên rừng tự đốn", Điền nói. Trong căn nhà của vợ chồng Điền không có tài sản gì đáng giá ngoài vài chiếc nồi méo mó vứt chỏng chơ dưới sàn và đống chăn chiếu ố màu nằm góc nhà.

Nhà Điền hiện có 6 khẩu ăn. Ngoài các thành viên gia đình còn có thêm hai đứa trẻ mồ côi. Hai năm trước, em gái chị Ép mất vì ung thư, hai đứa nhỏ không nơi nương tựa cũng dọn đến ở cùng.

"Họ sống trong cảnh túng thiếu vô cùng. Ngoài số gạo và tiền chính sách nhà nước hỗ trợ hàng tháng, vợ chồng Ép thường lên núi hái rau dại hay măng rừng ăn qua bữa", một nữ giáo viên cắm bản cho hay.

Vợ chồng Pít Văn Điền không có công việc ổn định. Không có ruộng vườn, họ chỉ canh tác một rẫy sắn rộng gần một héc ta trên núi Suối Phai, mỗi năm thu hoạch vài tạ, được chưa đầy một triệu đồng. Ép hàng ngày ở nhà trông con và đi rẫy còn Điền lúc rảnh rỗi theo trai làng làm phụ hồ hoặc đổ bê tông thuê nhưng "không có được tiền, thường về tay không thôi".

Ông bố trẻ mơ có một ngôi nhà nhỏ để đỡ mưa nắng cho vợ con nhưng chưa thể thành hiện thực.

Lớp 4E của thầy Mòn ngoài Pít Văn Nương còn có một bé trai khác là Lương Văn Tập, 10 tuổi, cũng hoàn cảnh tương tự. Không chỉ câm điếc bẩm sinh, Tập còn mắc chứng kém thị lực. Hơn 20 năm làm giáo viên cắm bản ở Đoàn Kết, thầy Mòn bảo đến năm vừa rồi mới tiếp nhận những học trò hoàn cảnh đặc biệt như vậy. Phải dìu dắt cùng lúc hai học sinh khuyết tật khiến những buổi lên lớp của nam giáo viên thêm phần vất vả.

Ngoài giáo án cho nhóm trẻ bình thường, thầy Mòn phải dành thời gian nắm bắt thói quen, tính cách của Nương và Tập để hướng dẫn, phụ đạo thêm cho các bé. Do hai nam sinh đều gặp khó khăn trong giao tiếp nên ngoài học ngôn ngữ Khơ Mú, thầy Mòn thường phải sử dụng thêm ngữ điệu, kết hợp các động tác hình thể để diễn đạt bài học cho học trò. "Buổi học cho các con khuyết tật sẽ kéo dài hơn", thầy nói.

Nam giáo viên không chắc những kiến thức mình truyền thụ sẽ được học trò như Nương tiếp thu hết nhưng cũng "mong các con nhận biết mặt chữ, biết đếm số là may mắn rồi".

Bản Đoàn Kết có 169 hộ với gần 800 nhân khẩu, nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 270 km với 100% đồng bào Khơ Mú. Đời sống cư dân ở đây còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vài nương rẫy, tự cung tự cấp là chính. Khu lẻ Đoàn Kết hiện có 82 học sinh với 5 khối lớp. Do không đủ phòng học nên hai khối lớp ở điểm trường này phải học tạm ở khu nhà văn hóa của bản.

Tiếp thêm động lực đến trường cho các em nhỏ ở Mường Lát, Thanh Hóa, quỹ Hy vọng – báoVnExpress tiếp tục nhận quyên góp trong chương trình Ánh sáng học đường. Mỗi sự chung tay của quý độc giả là thêm một tia sáng gửi thế hệ tương lai. Quý độc giả có thể xem thông tin về chương trình tại đây.

Lê Hoàng

Có thể bạn quan tâm
Điều hòa hút nhiều người mua dịp nóng cao điểm

Điều hòa hút nhiều người mua dịp nóng cao điểm

07:10 06/05/2024

Các gia đình đến trung tâm điện máy, tìm kiếm dòng sản phẩm từ thương hiệu uy tín, nhiều tính năng thông minh, tiết kiệm điện năng, khi nắng nóng liên tục kéo dài.

Khen thưởng đột xuất nữ thủ lĩnh Đoàn phường ở Bình Dương

Khen thưởng đột xuất nữ thủ lĩnh Đoàn phường ở Bình Dương

14:50 18/09/2023

Đạt thành tích cao trong hai cuộc thi chính luận do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương và Quân khu 7 tổ chức về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch năm 2023, nữ Bí thư Đoàn phường Chánh Nghĩa (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương được khen thưởng đột xuất.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhân dân trông chờ rất nhiều ở các văn nghệ sĩ

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhân dân trông chờ rất nhiều ở các văn nghệ sĩ

15:20 25/07/2023

Nhắn nhủ với các văn nghệ sĩ trẻ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình; học hỏi, đúc rút những bài học tốt từ thế hệ đi trước, đi xa hơn, vững vàng hơn, hòa nhịp đập với trái tim dân tộc.

Chân dung 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ đội Biên phòng 2022

Chân dung 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ đội Biên phòng 2022

17:00 15/03/2023

Là những điển hình xuất sắc nhất của tuổi trẻ lực lượng quân hàm xanh năm 2022, 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ đội Biên phòng (BĐBP) được vinh danh tại lễ tuyên dương chiều 15/3 đã và đang phát huy truyền thống cha anh, viết tiếp những trang sử vàng của lực lượng BĐBP anh hùng.

Bệnh nhân Bạch Mai hết cảnh 'chờ cả tuần mới được chụp chiếu, nội soi'

Bệnh nhân Bạch Mai hết cảnh 'chờ cả tuần mới được chụp chiếu, nội soi'

05:30 09/01/2024

Từ ngày 8/1, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai không phải chờ đợi cả tuần mới được chiếu chụp cộng hưởng từ, nội soi dạ dày, nhờ bệnh viện vừa sắm được trang thiết bị trị giá hơn 200 tỷ đồng.

Mẹ mắng tôi đua đòi khi muốn học đại học

Mẹ mắng tôi đua đòi khi muốn học đại học

17:20 08/04/2024

Có lúc mẹ la tôi khá nặng: 'Nhà nghèo mà đua đòi, sau có làm ông to bà lớn không mà học?'.

Chi gần 40.000 USD cho chó đi du lịch

Chi gần 40.000 USD cho chó đi du lịch

05:30 11/07/2024

Nữ chuyên viên ngân hàng đầu tư người Hong Kong chi tới 38.000 USD để đưa chú chó Poodle đi du lịch Nhật Bản cùng mình.

Biểu dương 9 Tỉnh Đoàn đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn công trình đường dây 500kV mạch 3

Biểu dương 9 Tỉnh Đoàn đã giải quyết khối lượng công việc rất lớn công trình đường dây 500kV mạch 3

04:40 18/06/2024

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương tất cả các 9 Tỉnh Đoàn luôn làm việc với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương trong thời gian ngắn đã giải quyết được khối lượng công việc rất lớn công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

100 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc báo công dâng Bác, tham quan nhà Quốc hội

100 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc báo công dâng Bác, tham quan nhà Quốc hội

12:30 22/03/2023

Sáng 22/3, tại quảng trường Ba Đình, 100 cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2023 thực hiện lễ báo công và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham quan nhà Quốc hội.

Co loi xay ra
Co loi xay ra