Các băng đảng đang trỗi dậy ở Gaza, tăng cường cướp bóc những đoàn xe chở hàng cứu trợ, vốn là nguồn sống duy nhất của gần hai triệu dân ở dải đất.
Lực lượng an ninh Hamas hôm 18/11 thông báo đã tiêu diệt Yasser Abu Shabab, tên trùm băng đảng khét tiếng nhất Gaza, trong cuộc truy quét quy mô lớn nhằm vào các băng nhóm tội phạm trong khu vực. Chiến dịch truy quét được thực hiện vài ngày sau khi những kẻ có vũ trang phục kích, cướp một đoàn xe tải cứu trợ của Liên Hợp Quốc chở hàng vào Dải Gaza.
Nhưng ngay ngày hôm sau, Shabab đã xuất hiện trở lại. Tay chân của Shabab đã lái một xe tải chở nhiên liệu chặn ngang đường rồi châm lửa đốt, ngăn đoàn xe cứu trợ đi qua để trả thù, theo một quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc và hai nguồn tin trong ngành vận tải.
Hành động trả thù này cho thấy sức mạnh đang gia tăng nhanh chóng của Abu Shabab cũng như các băng đảng khác ở Gaza mà những tháng gần đây đã thu lợi bằng cách cướp xe tải cứu trợ đi vào khu vực, chặn nguồn sống của gần hai triệu dân Gaza đang đứng bên bờ vực của nạn đói.
Các nhân viên cứu trợ nhân đạo và tài xế người Palestine cáo buộc những băng đảng này cướp bóc với sự cho phép ngầm của quân đội Israel. Theo một bản ghi nhớ từ Liên Hợp Quốc mà Financial Times tiếp cận được, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đã có "thái độ thờ ơ, thụ động, nếu không muốn nói là chủ động bật đèn xanh" cho các vụ phục kích, cướp đoàn xe cứu trợ.
Các băng đảng này thường do tù nhân vượt ngục cầm đầu, được trang bị vũ khí hạng nặng và công khai thách thức chính quyền Hamas, tự do hoạt động dọc biên giới Gaza, nơi Israel coi là "khu vực quân sự hạn chế".
Sau khi cướp bóc, họ đưa hàng viện trợ tới các điểm tập kết ngoài trời, dù máy bay không người lái (UAV) giám sát của Israel thường xuyên quần thảo trên đầu, rồi bán lại cho người dân Gaza với giá cắt cổ.
Nhiều người, trong đó có tài xế xe tải, thương nhân, nhóm nhân đạo, nhà cung cấp dịch vụ an ninh và quan chức Liên Hợp Quốc tại Gaza, nói họ đã tận mắt chứng kiến cảnh cướp bóc.
Họ mô tả cách các mạng lưới băng đảng hình thành thay thế cho những tên tội phạm đơn lẻ, hoạt động sâu trong vùng biên giới phía đông nam Gaza, ngoài tầm với của lực lượng cảnh sát còn lại ở khu vực, nơi được hầu hết người Palestine gọi là "vùng đỏ" vì hiện diện của IDF.
Nguồn hàng viện trợ đã giảm mạnh kể từ khi Israel kiểm soát thành phố Rafah ở phía nam Gaza hồi tháng 5 và rơi xuống mức thấp nhất lịch sử vào tháng 11.
Tình trạng thiếu hụt đã khiến ngay cả các vật phẩm cơ bản cũng trở thành mục tiêu ngày càng có giá trị đối với những kẻ trộm cướp. Theo ước tính từ Văn phòng Điều phối các Vấn đề Nhân đạo Liên Hợp Quốc, có tới 30% hàng viện trợ vào Gaza bị cướp. Trong vụ cướp có vũ trang tuần trước, Liên Hợp Quốc mất tới 97 trong 109 xe tải viện trợ.
Nahed Shohaybr, người đứng đầu hiệp hội vận tải tư nhân Gaza, đã phải từ chối các yêu cầu giao hàng từ Liên Hợp Quốc sau khi nhiều tài xế trong công ty ông bị băng đảng giết hại và hơn một nửa đội xe tải gồm 50 chiếc của ông đã bị bắn nổ lốp hoặc bị trộm ắc quy.
Những kẻ cướp chặn xe tải ngay sau khi chúng đi qua cửa khẩu Kerem Shalom ở phía nam Dải Gaza, nối với lãnh thổ Israel.
"Đi một km về phía tây, bạn sẽ thấy những kẻ cướp chờ sẵn trên đường và trong các tòa nhà bị đánh bom, gần đó là những chiếc xe tăng của Israel. Tại sao những chiếc xe tăng đó không tấn công lũ cướp?", Shohaybr đặt câu hỏi.
Ông cho rằng đây là cách quân đội Israel "gián tiếp khiến Gaza chết đói".
Trả lời các câu hỏi bằng văn bản, IDF cho biết họ đang "nỗ lực cao độ để cho phép khối lượng viện trợ tối đa vào Gaza" và đổ lỗi cho Hamas về các vụ trộm cướp.
Mohammad, tài xế xe tải chuyên vận chuyển hàng hóa từ Kerem Shalom về phía bắc Dải Gaza 15 năm qua, đã kể lại hàng loạt vụ cướp bóc vào mùa hè. Chúng thường diễn ra theo kịch bản là hàng chục kẻ bịt mặt mang theo súng trường sẽ bao vây những chiếc xe tải. Có lần, tới 80 tay súng cùng tấn công một lúc.
"Đầu tiên, họ bắn nổ lốp xe", ông cho hay. "Sau đó, họ đánh cắp xăng, bình ắc quy và mọi thứ bên trong xe tải. Họ chĩa súng vào đầu bạn".
Theo lời kể của hai tài xế và Shohaybr, các thành viên băng đảng còn cố tình bắn vào tay hoặc chân của một số tài xế.
Một số vụ cướp xảy ra trên đường, nhưng trong những trường hợp khác, xe tải sẽ bị ép đi vào căn cứ của băng đảng. Một nhà môi giới vận tải cho biết, trong những trường hợp như vậy, "tài xế sẽ bị dẫn tới các khu vực biên giới phía đông, trong tầm giám sát của quân đội Israel".
Nhiều quan chức cấp cao Liên Hợp Quốc cho rằng những vụ cướp trắng trợn như vậy không thể xảy ra nếu quân đội Israel không "nhắm mắt làm ngơ".
"Những kẻ này có lẽ là những người duy nhất ở Gaza có thể cầm súng đứng cách xe tăng hoặc binh lính Israel 100 m mà không bị bắn", một người nói.
Mohammad nhớ có lần ông bị đưa đến căn cứ của một băng đảng và chứng kiến lượng lớn hàng hóa bị cướp bao quanh mình, từ bột mì, thực phẩm đóng hộp đến chăn và thuốc men.
"Mọi thứ bạn có thể tưởng tượng, chúng được chất đống ở đó, ở ngoài trời, không có tường hay bất cứ tòa nhà nào", ông nói, thêm rằng căn cứ này cách cửa khẩu Kerem Shalom chưa đầy hai km.
Theo giới doanh nhân địa phương, những chiếc xe tải chở hàng sẽ bị giữ làm tin cho đến khi thương nhân trả tiền chuộc để lấy lại hàng hóa.
"Họ giữ xe tải cùng với tài xế. Họ có xe nâng và nơi lưu trữ", Ayed Abu Ramadan, người đứng đầu Phòng Thương mại Gaza, cho biết. "Họ yêu cầu một khoản tiền chuộc lớn để hàng hóa thương mại được giải phóng. Trong khi đó, với hàng viện trợ từ Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, họ đơn giản là lấy chúng và bán lại ở các chợ".
Mohammad bắt đầu tìm hiểu xem băng đảng nào đang kiểm soát những phần nào của con đường. Một đoạn gần ngã tư Kerem Shalom là địa bàn của Shadi Soufi, người từng phải ngồi tù ở Gaza trước cuộc xung đột.
Vụ bắt Soufi nhiều năm trước đã được phát sóng trên khắp Gaza trong một đoạn video do lực lượng an ninh Hamas công bố và sau đó ông ta đã bị kết án tử hình vì tội giết người.
Nhưng lực lượng cảnh sát Hamas gần đây phải rút khỏi đồn và nhà tù để tránh bị IDF tấn công, tạo điều kiện cho những kẻ bị giam bên trong rời đi. Dân chúng Gaza cho hay nhiều tù nhân trốn thoát sau đó trở thành cướp.
Một tuyên bố trên trang Facebook có liên hệ với gia đình Soufi xác nhận ông ta đã được thả khỏi tù nhưng phủ nhận việc Soufi tham gia vào hành vi cướp bóc.
Gia đình Soufi là một trong số nhiều gia tộc người Bedouin hiện diện lâu đời ở vùng biên giới phía nam Gaza, nơi các băng đảng mới hình thành chủ yếu được tổ chức theo kiểu gia đình.
Theo các tài xế xe tải, nhà môi giới vận tải cùng quan chức viện trợ và nhân đạo, băng đảng Abu Shabab, được cho là kiểm soát khu vực chỉ cách cửa khẩu biên giới 1,5km, là nhóm mạnh nhất.
Theo bản ghi nhớ nội bộ của Liên Hợp Quốc được báo Washington Post đưa tin đầu tiên, đàn em của Abu Shabab sở hữu nhiều vũ khí mới và chủ yếu kiếm lợi từ thuốc lá lậu. Theo Phòng Thương mại Gaza, một thùng thuốc lá được bán với giá 400.000 USD, tăng từ vài nghìn USD trước xung đột.
Các quan chức Liên Hợp Quốc và nhân chứng Palestine cho hay thái độ ngó lơ của Israel đối với băng đảng là một phần nguyên nhân khiến chúng trỗi dậy mạnh mẽ.
Băng đảng đã gây ra những hỗn loạn nhất định trong xã hội Gaza. Nhiều gia tộc vội vã phủ nhận mối liên quan với các thành viên bị cuốn vào những cuộc cướp bóc. Muốn xoa dịu cơn giận dữ, một số gia tộc còn đưa ra tuyên bố công khai gián tiếp từ chối bất kỳ ai có hành vi trộm cướp. Một số thậm chí còn thành lập các ủy ban chống cướp bóc để bảo vệ xe tải.
Hôm 19/11, một ngày sau cuộc phục kích, những người đứng đầu gia tộc Abu Shabab đã viết một bức thư ngỏ từ mặt bất kỳ người thân nào của họ tham gia vào các vụ cướp bóc.
Shohaybr, người đứng đầu liên hiệp vận tải tư nhân Gaza, tin rằng Israel biết rõ những gì đang xảy ra.
"Họ theo dõi chúng tôi mọi lúc", ông nói. "Nếu muốn, họ có thể gọi cho Yasser Abu Shabab ngay bây giờ và nói với anh ta rằng 'đừng cướp bất kỳ xe tải nào khác, nếu không chúng tôi sẽ bắn anh'. Nhưng họ không làm vậy".
Vũ Hoàng (Theo FT, AFP, Reuters)
Nhiều người Mỹ gốc Ả Rập và Hồi giáo giận dữ vì chính quyền Tổng thống Joe Biden ủng hộ cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza và Lebanon.
Ngày 23/6, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) hối thúc dừng các cuộc tấn công vào thị trấn Enerhodar gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraine.
Ngày 25/8, Ủy ban Quân sự chung 5+5 (JMC) của Libya khẳng định, thỏa thuận ngừng bắn do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ, được ký kết vào tháng 10/2020 giữa các phe phái ở quốc gia Bắc Phi này, vẫn còn hiệu lực.
Tổng tư lệnh Các Lực lượng Vũ trang Ukraine Valery Zaluzhny đề nghị Tổng thống Zelensky thiết lập một 'đội quân robot' để có thể thay thế binh sĩ Ukraine trên chiến trường.
Ngày 9/8, theo thông tin từ trang quân sự của Nga, giao tranh ác liệt vẫn diễn ra giữa quân đội Nga và Các Lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) tại khu vực thành phố Kupyansk, tỉnh Kharkov.
Ukraine thông báo bắn hạ 87 trong 90 UAV tự sát được Nga triển khai trong đêm, nhưng dường như để lọt nhiều tên lửa dẫn đường.
Trong nhiều thế kỷ qua, Việt Nam không chỉ đứng vững trước mọi biến thiên của lịch sử mà còn đạt được nhiều thành tựu kỳ diệu như ngày nay.
Nga và Indonesia vừa đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ quân sự giữa hai nước.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) cho biết, lễ hạ thuỷ tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật đầu tiên của nước này diễn ra hôm 6/9, có sự tham dự của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (giữa) dự lễ hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân chiến thuật mới của nước này, ngày 6/9. Phát biểu tại buổi lễ, ông Kim Jong-un nói việc trang bị vũ khí hạt nhân cho hải quân Triều Tiên là nhiệm vụ cấp bách, cam kết sẽ...