Nguyễn Ngọc Tiến - tác giả các cuốn khảo cứu về Hà Nội - xem mình là kẻ lữ hành gắn bó thủ đô, ghi lại lịch sử vùng đất ông yêu.
Nhà văn giới thiệu cuốn sách Hà Nội còn một chút này vào đầu tháng 10, kỷ niệm 69 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Với những đóng góp cho Hà Nội trong hơn 30 năm, ông được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm nay.
Dịp này, ông nói về hành trình tìm hiểu và viết những tác phẩm khảo cứu về vùng đất ông yêu quý.
- Sau nhiều cuốn sách về Hà Nội, ông chọn hướng tiếp cận nào ở tác phẩm mới nhất?
- Cuốn sách nói đến những điều được mọi người quan tâm, nhưng chưa có câu trả lời. Ví dụ ai đi qua cũng thấy nước Hồ Gươm xanh nhưng chưa biết nguyên nhân, hay vì sao quanh Hồ Gươm có chỗ lấp đi 10 m2, 20 m2 để làm vườn hoa, tiểu cảnh, trồng cây. Đây là chuyện rất nhỏ nhưng gần gũi, mọi người có thể thấy hàng ngày mà chưa có câu trả lời, và tôi đang là người thực hiện điều đó.
- Ông thường chọn những nguồn tư liệu nào để viết sách khảo cứu?
- Tôi đọc nhiều nguồn, chủ yếu là sách của người Việt xưa, người Pháp, sách phương Tây từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, hay những bài báo từ trước năm 1954 và sau năm đó trở lại đây. Với thông tin xưa, tôi đọc Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam thực lục, Dư địa chí, Vũ trung bút tùy. Các văn bia được dịch và xuất bản, các bài vị trong đình, chùa cũng là căn cứ hiệu quả cho dữ liệu.
Nhưng theo tôi, tài liệu tốt nhất là sách của người Pháp, viết từ thế kỷ 18 đến nửa đầu thế kỷ 20 về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Quan điểm, góc nhìn của họ cung cấp cho tôi nhiều thông tin mà hầu như không thể tìm thấy ở đâu. Nhưng tôi quên góc nhìn của họ đi, chỉ lấy tư liệu về giai đoạn đó.
Người Pháp đến Việt Nam đã mở ra kho lưu trữ chuyên ngành, có hệ thống thư viện. Họ ra bản văn nào cũng đăng vào công báo. Tôi thường vào Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, từ công báo đó tra ra nguồn và tìm tài liệu đọc.
- Ông làm thế nào để những trang viết khảo cứu gần gũi với bạn đọc?
- Tôi luôn cố gắng đưa ký ức cá nhân trùng với cộng đồng. Chuyện của mình đôi khi đơn lẻ, viết ra sẽ không có độ tin cậy cao. Nó có thể độc quyền nhưng nếu đồng nhất với vấn đề của mọi người sẽ được đón nhận nhiều hơn, bởi họ được tìm thấy mình trong đó.
Thời bao cấp, mỗi gia đình được quy định có bao nhiêu kg gạo, đường, thịt. Nếu muốn viết chuyện giật gân, tôi hoàn toàn có thể bịa như đi mua thịt, mải chơi nên bị con chó tha mất (cười). Nhưng tôi viết sự thật rằng khi gia đình đi sơ tán, mỗi người một nơi, bố mẹ phải chia từ một lạng thịt ấy bằng cách kho mặn hơn để ăn dè, các con đều có phần. Hay khi chiên trứng, nhiều người thường cho nước cơm vào để trứng nở to hơn, mỗi người sẽ được một miếng. Những câu chuyện mà mọi người không thể quên được, tạo ra hiệu ứng tốt về tâm lý tiếp nhận thông tin.
- Nhiều người cho rằng Hà Nội đang đối mặt những hệ lụy tất yếu của sự phát triển đô thị. Ông có suy nghĩ gì?
- Ai sinh ra ở đâu thì dù ghét bỏ, không hài lòng, sâu thẳm trong họ vẫn thương yêu nơi ấy. Tôi nghĩ đó là điều tự nhiên, không thể giải thích. Đã yêu quý thì đừng cắt nghĩa. Nói theo văn học là ''yêu cả đường đi lối về''.
Nhiều người cho rằng Hà Nội bây giờ xuống cấp, không còn thanh lịch, đó là quan niệm cá nhân sai. Không thể đưa ra một hiện tượng để nói về một cái có tính thông thường, sau đó đánh tráo khái niệm. Muốn tranh luận phải có luận cứ khoa học, cơ sở thuyết phục chứ không nói bừa.
Tôi cũng như nhiều người bực bội trước cảnh ùn tắc, ngập lụt. Tuy nhiên, cứ hằm hằm với những thứ như thế sẽ thấy mệt mỏi với nơi mình đang sống. Từ sự đông đúc, phải thấy là ở đây có gì khiến người ta về sống, biểu hiện dương khí đô thị mạnh, mọi thứ đều tốt.
Cứ lấy cái yên bình để cho là chuẩn mực đô thị thì không phải. Nhìn vào góc độ tích cực, tương lai những vấn đề đô thị này sẽ được giải quyết, không sớm thì muộn. Để hệ thống giao thông công cộng tốt hơn cũng mất thời gian, lãnh đạo chịu nhiều sức ép. Mọi việc tùy vào góc nhìn mỗi người, nhiều khi ta nên lượng thứ.
- Ông đánh giá thế nào về đề tài Hà Nội trong các sáng tác gần đây?
- Hà Nội là đề tài không mới nhưng được quan tâm, đặc biệt là độc giả lớn tuổi vì họ có thể hoài niệm quá khứ. Nơi đây có nhiều chuyện để nói, từ lịch sử, văn hóa đến thói quen, lối sống, ứng xử, thời trang, ẩm thực. Tôi cũng như nhiều nhà văn khác không thể viết hết được, mỗi người chỉ làm một phần. Dù dày công tìm kiếm, tôi vẫn không thể biết hết Hà Nội. Có thể thấy ở tên những cuốn sách như Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, tôi chỉ coi mình là kẻ lữ hành, đi qua thủ đô. Tôi cũng không dám nhận những danh xưng như "Nhà Hà Nội học" hay "Bách khoa toàn thư về Hà Nội", chỉ thích cách gọi "Sử nhân Hà Nội" của nhà văn Trương Quý.
Trong những sách về Hà Nội đã đọc, tôi thấy các tác giả đều có giọng điệu riêng. Nhà văn Nguyễn Việt Hà, Trương Quý hay Đỗ Phấn là những người tôi thấy viết nhiều, hay và viết về vấn đề có tính xã hội.
- Sự nghiệp sáng tác mang đến điều gì cho ông, về vật chất lẫn tinh thần?
- Tôi viết sách từ năm 2004 để thỏa mãn bản thân là chính. Tôi viết cái mình thích chứ chưa quan tâm hay dở, may mắn được nhiều người đồng cảm, niềm vui được nhân đôi. Còn vật chất thì rất tệ.
Tôi biết nhiều người viết sách, cứ xuất bản một cuốn lại mất đi một người bạn. Bởi không phải ai cũng đủ điều kiện để tặng sách cho bạn bè khi nhuận bút ít, rồi phải chi trả thuế thu nhập cá nhân.
Thu nhập phần lớn của tôi đến từ nghề báo, khi làm việc tại báo Hà Nội mới. Tôi viết nhiều thì thu nhập càng tăng. Năm 1998, nhuận bút của tôi cứ mỗi tháng lại mua được một cây vàng, chưa tính lương, thưởng. Tôi tự thấy mình may mắn khi được làm ở đó.
- Cuộc sống nghỉ hưu của ông thế nào?
- Tôi chưa bao giờ nghỉ. Sáu tháng trước khi về hưu, tôi đã làm cho Đời sống & Pháp luật, một ngày biên tập 24 trang báo giấy khổ A4, mỗi tuần sáu số. Hiện tôi vẫn giữ chuyên mục kể chuyện về Hà Nội trên VOV Giao thông. Ngoài ra, tôi còn thực hiện những dự án như viết thuyết minh cho buýt du lịch của Tổng công ty vận tải Hà Nội, kịch bản các tài liệu phim 90 năm Đảng bộ Hà Nội, Bác sĩ Trần Duy Hưng, các phóng sự truyền hình.
Một ngày của tôi gần như không có thời gian trống, chủ yếu ngồi máy tính, mệt quá sẽ đi tập thể thao. Bạn bè rủ đi chơi, tôi phải dứt mình để đi 1-2 ngày, nhưng tâm trạng không thoải mái vì công việc luôn quanh quẩn trong đầu. Lúc nào tôi cũng có đề tài, dự án đeo đẳng. Tôi nghĩ mình đang làm được thì cứ làm, biết đâu đến một ngày ốm đau, bệnh tật, không thể viết được nữa. Tôi đã nghĩ đến viễn cảnh đó.
Tôi làm việc ban ngày, buổi tối đọc sách như sử, triết. Tôi không ngại những cuốn dày, nhiều khi sách rải rác trên giường, vớ được bất kỳ cuốn nào sẽ đọc. Tôi chép lại những điều cần khai thác, dành vài ngày vào thư viện Quốc gia, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hoặc gặp chuyên gia đầu ngành để hỏi.
Nguyễn Ngọc Tiến sinh năm 1958 tại Hà Nội, có 30 năm làm việc tại báo Hà Nội mới. Ngoài các cuốn sách khảo cứu về Hà Nội, ông còn viết tiểu thuyết, tản văn, kịch bản sân khấu, kịch bản phim. Một số tác phẩm nổi bật của Nguyễn Ngọc Tiến là 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Đi xuyên Hà Nội, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, Me Tư Hồng, Lính Hà...
Năm 2012, nhà văn nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội của báo Thể thao & Văn hóa với hai tác phẩmĐi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội.
Phương Linh
Sở hữu kỹ năng thanh nhạc tốt, ca sĩ Thiên Phú chinh phục ban giám khảo, giành giải quán quân cuộc thi Dấu ấn Việt mùa đầu tiên.
Kiều Phong đại chiến quần hùng ở Tụ Huyền Trang được chọn là một trong cảnh bi tráng nhất trong truyện Kim Dung.
Tiểu thuyết của Han Kang - nhà văn Hàn Quốc đầu tiên đoạt Nobel - miêu tả các cuộc đàn áp chính trị có thật, là vết thương khó lành của lịch sử nước này.
Tỷ lệ mua sách, đến thư viện, mua văn phòng phẩm ở Hàn Quốc tăng cao sau khi Han Kang đoạt giải Nobel Văn học.
Loạt nhạc phẩm đi cùng năm tháng về Hà Nội sẽ được vang lên tại phòng hòa nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam (Hà Nội) kỷ niệm Ngày Giải phóng thủ đô (10-10-1954).
Sau tang lễ ngày 18/6 diễn ra tại Nhà tưởng niệm Po Fook, Hong Kong (Trung Quốc), lễ hỏa táng người mẫu Thái Thiên Phượng được tiến hành trong sáng nay với sự góp mặt của gia đình, bạn bè người quá cố.
Đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) cho biết, ngày 28/2/2023, Hội đồng cấp Nhà nước đã có Tờ trình số 23/TTr-HĐNS10 về việc đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần thứ 10 trình Thủ tướng Chính phủ (qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương), trong đó có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND của NSƯT Phạm Đỗ Kỷ. Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã có Thông báo số 3211/TB-BTĐKT ngày 1/11/2023 gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du...
Sau khi đăng quang, không ít Hoa hậu “quên” việc học tập dù trước đó, họ từng nhận được đánh giá cao tại cuộc thi khi giới thiệu bản thân là sinh viên của các trường đại học, ngành học “hot”. Hoa hậu Kỳ Duyên 10 năm chưa tốt nghiệp Đại học Ngoại thương? Thời điểm tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, Kỳ Duyên gây ấn tượng với thành tích học tập tốt và đang học năm nhất khoa Kinh tế Đối ngoại thuộc Đại học Ngoại thương (Hà Nội). Thế nhưng mới...
Dương Thúy Hỷ, với nhan sắc và tài biểu diễn, là ca nữ số một cuối thời Thanh, liên quan vụ án rúng động triều đình.