Người dân Nga nhiều năm qua khổ sở vì những cây ngò tây khổng lồ độc hại mọc khắp nơi mà không có biện pháp hiệu quả để ngăn chúng sinh sôi.
Ngò tây Sosnovsky, loài thực vật xâm hại có thể cao tới 5 mét, đã lan rộng khắp nước Nga vượt tầm kiểm soát, tàn phá hệ sinh thái và khiến hàng nghìn người phải nhập viện mỗi năm.
"Tôi đã bị bỏng khi tiếp xúc với chúng, dù đã mặc áo khoác dày", nhà sinh vật học kiêm chuyên gia lâm nghiệp Alexei Yaroshenko nói sau khi cắt bỏ nhiều cây ngò tây trong vườn nhà mình. "Nhựa từ cây ngò tây dính vào liềm và khiến tôi bị bỏng. Các vết bỏng chỉ lành lại sau 6 tháng".
Trong nỗ lực diệt trừ cây ngò tây Sosnovsky, các nhà lập pháp Nga hồi tháng hai đã thống nhất sơ bộ một dự luật trừng phạt những người không cắt bỏ chúng khỏi vườn nhà. Nếu được thông qua, "luật chống ngò tây khổng lồ" sẽ buộc người dân phải tìm mọi cách dọn sạch loại cây cứng đầu này, bất chấp những nguy cơ với sức khỏe.
Nhựa cây ngò tây Sosnovsky chứa furanocoumarins, hợp chất độc hại có thể gây bỏng độ ba khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng như gây mù lòa. Bỏng nặng trên 80% cơ thể dễ dẫn tới tử vong.
Với tốc độ sinh trưởng vượt bậc, với một cây ngò tây có thể sản sinh 20.000-100.000 hạt. Điều này khiến ngò tây khổng lồ hiện chiếm tới 15% sinh cảnh tự nhiên ở khu vực phía tây Nga.
Yaroshenko cho biết diện tích ngò tây khổng lồ đã lan rộng trên một triệu ha ở Nga, tương đương diện tích Cyprus hay Lebanon.
Trong lúc chúng vẫn tiếp tục xâm chiếm các lề đường, cánh đồng và các khu nhà nghỉ dưỡng ngoại ô ở Nga, các chuyên gia đang tỏ ra hoài nghi trước hiệu quả của luật mới nếu không có giải pháp mang tính hệ thống.
Luật mới áp dụng mức phạt lên tới $540 đối với các cá nhân, tương đương khoảng 2/3 mức lương trung bình của người Nga vào năm 2023, và lên tới 7.550 USD đối với các pháp nhân nếu không loại bỏ triệt để ngò tây Sosnovsky trên đất của mình.
Yaroshenko cho biết hình phạt này mang tính ngẫu nhiên, nhắm vào bất kỳ ai vô tình bị phát hiện.
"Cách tiếp cận này không hiệu quả vì không thể phạt tất cả mọi người", ông nói. "Ngò tây khổng lồ đang phát triển khắp mọi nơi, trên đất của bất kỳ nông dân hoặc cơ sở kinh doanh nông nghiệp nào".
Một số quan chức Nga đã đổ lỗi cho phương Tây về rắc rối với cây ngò tây khổng lồ mà họ đang đối mặt. Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga Timofei Bazhenov hồi tháng hai cáo buộc chúng là một phần trong "cuộc chiến sinh học của Mỹ chống lại Nga", song không đưa ra bằng chứng.
Nhưng thảm họa ngò tây khổng lồ thực tế lại bắt nguồn từ chính bên trong đất nước.
Sau Thế chiến II, các nhà khoa học Liên Xô đã bắt tay vào tìm kiếm các loại cây trồng mới có năng suất cao để nuôi gia súc.
Ngò tây Sosnowsky, nổi bật bởi khả năng chống chịu lạnh và năng suất phi thường, đã được họ chọn từ môi trường sống tự nhiên là các khu rừng vùng Kavkaz để đưa đến vùng trung tâm đất nước, nơi chúng dễ dàng lấn át những loại cỏ thấp bản địa.
Nhiều khu vực của Liên Xô sau đó đổ xô trồng cây ngò tây khổng lồ cho đến khi những cảnh báo về mức độ độc hại của chúng được đưa ra. Nhưng đã quá muộn để ngăn chặn chúng lây lan không ngừng khắp đất nước.
Ngày nay, loại cây này phổ biến đến mức nó còn đi vào văn hóa đại chúng Nga, xuất hiện trong các bộ phim truyền hình nổi tiếng, trò chơi máy tính và các bài hát nhạc rock.
Theo Yaroshenko, khoảng 90% số ngò tây khổng lồ ở Nga được tìm thấy trên các vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang sau khi Liên Xô tan rã và Nga chuyển sang nền kinh tế thị trường.
Trồng lại rừng trên những vùng đất đó có thể giúp giảm bớt vấn đề ngò tây khổng lồ.
"Cây ngò tây khổng lồ sinh trưởng mạnh trên những vùng đất nông nghiệp thoáng đãng với ánh sáng mặt trời đầy đủ. Nhưng dưới tán một khu rừng rậm, chúng phát triển kém hơn nhiều", Yaroshenko giải thích.
Ông dự đoán rằng nhiều vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở Nga sẽ không những không thể sử dụng được mà còn mở rộng theo thời gian, khi các hoạt động nông nghiệp trở nên tập trung hơn, tạo ra nhiều mảnh đất màu mỡ hơn cho loài ngò tây khổng lồ sinh sôi.
"Cần có các hình thức sử dụng đất thay thế. Cho phép người dân và doanh nghiệp trồng rừng là một trong những cách hiệu quả nhất vì rừng vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa là phương tiện để chống lại ngò tây khổng lồ", Yaroshenko nhấn mạnh.
Nhưng với các quy định trong luật hiện hành, cùng nhiều cuộc kiểm tra và yêu cầu báo cáo nghiêm ngặt, nông dân Nga và các nhà sản xuất nông nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn trong canh tác.
"Nông dân không thể tồn tại và phát triển khi các quy định ngày càng khắt khe hơn. Điều này có nghĩa chúng ta sẽ phải đối mặt với một làn sóng từ bỏ đất nông nghiệp mới", Yaroshenko cho hay. "Ngò tây khổng lồ sẽ nói 'cảm ơn'".
Theo các nhà thực vật học, sau khi chiếm lĩnh được một vùng đất, cây ngò tây khổng lồ sẽ lấn át các loài địa phương, đe dọa đáng kể đến đa dạng sinh học.
Vì hậu quả sinh thái của loài thực vật này thường không rõ ràng ngay lập tức, nên các nhóm hoạt động gọi nó là một "thảm họa môi trường thầm lặng". Vào thời điểm chủ sở hữu đất phát hiện ra điều bất thường, hàng triệu hạt giống ngò tây khổng lồ đã được phát tán.
Khi người Nga tiếp tục từ bỏ những ngôi làng nhỏ để đến các thành phố, nơi hiện là nơi sinh sống của 3/4 dân số cả nước, sẽ không còn ai chống lại loại cây này tại những vùng xa xôi, hẻo lánh.
Nhóm Chống Ngò tây khổng lồ, tập hợp hàng nghìn người tham gia từ khắp nước Nga, đang hướng dẫn cho người dân cách loại bỏ loài cây ác mộng khỏi những vùng đất bị ảnh hưởng và bảo tồn các khu vực còn hoang sơ.
Một đại diện của nhóm cho hay việc kiểm soát cây ngò tây vẫn còn nhiều thách thức vì tập thói quen phổ biến của mọi người là tập trung phá bỏ các bụi cây lớn, trong khi bỏ qua những khu vực cây riêng lẻ đang phát triển.
Nhiều người cũng gặp khó khăn trong việc phân biệt cây ngò tây khổng lồ với các loài khác hoặc thiếu hiểu biết về những mối đe dọa của nó đối với thiên nhiên.
Người đại diện cho biết cùng với nỗ lực của các nhà hoạt động, cần có một chiến dịch nâng cao nhận thức do chính phủ chỉ đạo, tương tự như chiến dịch chống Covid-19.
Theo dự án môi trường Earth Touches Me, việc chống lại các loài xâm lấn như ngò tây khổng lồ đòi hỏi một chương trình toàn diện của nhà nước, kinh phí đáng kể và nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng. Nếu không, việc diệt trừ ngò tây khổng lồ sẽ vẫn khó khăn và ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo hồi năm 2022 rằng tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ cho phép loài ngò tây Sosnovsky mở rộng môi trường sống, nguy cơ bao phủ toàn bộ vùng phía tây Nga vào năm 2050.
Cây đã được phát hiện ở ngoài Vòng Bắc Cực trên bán đảo Yamal, gây lo ngại cho sinh kế truyền thống của người bản địa.
Đã tận mắt nhìn thấy ngò tây khổng lồ ở khu vực Arkhangelsk, phía bắc Nga, vài năm trước, Yaroshenko cho hay ông tin rằng loại cây này sẽ còn lan rộng hơn nữa khi Trái Đất tiếp tục ấm lên.
Ông cảnh báo rằng không thể chỉ dựa vào việc áp dụng hình phạt để xử lý triệt để vấn đề ngò tây khổng lồ. "Nếu không có các biện pháp bổ sung nghiêm túc từ chính phủ, vấn đề sẽ không được giải quyết", Yaroshenko nói.
Vũ Hoàng (Theo Moscow Times)
Tại vùng nước lịch sử Việt Nam-Campuchia, Hải quân Việt Nam và Campuchia đã thực hiện hoạt động tuần tra chung lần thứ 72 với sự tham gia của tàu 263 và tàu 1142 thuộc Căn cứ biển Ream.
Nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột toàn diện trong khu vực Trung Đông khi giao tranh giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon tiếp tục leo thang nguy hiểm.
Ngày 24/8, Tổng tư lệnh quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan tuyên bố không tham gia đàm phán hòa bình tại Thụy Sỹ với nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF).
Suy nhược cả về thể chất và tinh thần tới mức hoảng sợ, Viktor vẫn phải tiếp tục chiến đấu giữ phòng tuyến vì tin rằng rất khó có ai thay thế.
Cùng với khủng hoảng khí hậu, chuyển đổi năng lượng sạch, giải quyết đói nghèo, cải cách hệ thống ngân hàng…, đánh thuế giới siêu giàu là một trong những chủ đề quan trọng tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần này tại Rio de Janeiro, Brazil.
Trải qua năm 2023 đầy biến động, lãnh đạo các nước gửi gắm thông điệp năm 2024 tới người dân toàn cầu, chứa đựng nguyện vọng giữ vững và phát triển nền hòa bình, thịnh vượng chung.
Nhiều đồng minh ngần ngại cử tàu chiến tham gia liên minh hải quân do Mỹ dẫn đầu, dấu hiệu cho thấy bất đồng trong nỗ lực đối phó Houthi ở Biển Đỏ.
Ngày 26/5, lần đầu tiên Saudi Arabia bổ nhiệm Đại sứ mới tại Syria kể từ khi Đại sứ quán của Riyadh tại Damascus đóng cửa năm 2012.
Thủ tướng Slovakia Fico cho rằng có đơn vị trong quân đội Ukraine sử dụng biểu tượng phát xít song phương Tây 'phớt lờ', Kiev đã bày tỏ thất vọng về cáo buộc này.