Video mới công bố cho thấy UAV Okhotnik nghi gặp sự cố và bị tiêm kích Nga bắn rơi, dường như để ngăn Ukraine thu máy bay nguyên vẹn.
Truyền thông Nga và Ukraine hôm 5/10 công bố hình ảnh máy bay bị bắn rơi trên vùng trời thành phố Konstantinovka do Kiev kiểm soát ở tỉnh Donetsk.
Trong video quay từ mặt đất, hai phi cơ Nga bay khá gần nhau ở độ cao lớn, tạo ra các vệt ngưng tụ hơi nước trên bầu trời. Máy bay phía sau phóng tên lửa rồi chuyển hướng, quả đạn lao vào phi cơ bay trước và phát nổ, khiến nó mất lái rồi lao nhanh xuống đất.
Hình dáng phi cơ bị bắn hạ và các mảnh vỡ dưới mặt đất sau đó cho thấy mục tiêu là máy bay không người lái tàng hình S-70 Okhotnik (Thợ săn). Đây là lần đầu xuất hiện bằng chứng cho thấy UAV tàng hình Nga đang được triển khai trong chiến dịch tại Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga và quân đội Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Các kênh Telegram ủng hộ quân đội Nga cho hay máy bay phóng tên lửa là tiêm kích tàng hình Su-57, lưu ý rằng hai phi cơ giữ đường bay ổn định ở độ cao hàng nghìn mét trên không phận đối phương, cho thấy kíp lái không lo ngại các tổ hợp phòng không Ukraine.
Rybar, tài khoản với hơn một triệu người theo dõi trên Telegram và thường được dùng làm nguồn tin thay thế các tuyên bố chính thức của Moskva, nói rằng chiếc Okhotnik trước đó gặp trục trặc với hệ thống điều khiển và ngày càng bay sâu vào lãnh thổ do Ukraine kiểm soát.
"Nguồn tin quân sự cho biết phi công đã chủ động bắn hạ UAV. Tình hình sẽ tệ hơn nhiều nếu nó tiếp tục hành trình và hạ cánh từ từ sau khi cạn nhiên liệu", Rybar cho hay.
Tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga nhận định chiếc Okhotnik bị bắn rơi nằm trong lô sản xuất hàng loạt và đã đưa vào biên chế, do các máy bay thử nghiệm không có màu sơn và phù hiệu như vậy.
"Nga đã sử dụng đại trà UAV vũ trang hạng nặng như Okhotnik và Inokhodets, chúng từng tham gia tấn công hàng loạt mục tiêu đối phương và chỉ điểm cho nhiều đơn vị đồng đội. Tuy nhiên, đến nay phòng không Ukraine chưa từng bắn hạ được chiếc nào trong số này", phi công Nga cho hay.
Truyền thông Ukraine cho biết giới chức nước này đã thu hồi một số bộ phận của UAV và có thể chuyển cho Mỹ để phân tích, giúp Washington và đồng minh hiểu rõ hơn về UAV tàng hình của Moskva.
Đây không phải lần đầu UAV gặp trục trặc và bị đồng đội bắn hạ trong chiến sự Ukraine. Hồi tháng 5/2023, một phi cơ Bayraktar TB2 của Ukraine gặp sự cố khi bay qua thủ đô Kiev, buộc phòng không nước này phóng tên lửa đánh chặn.
Chương trình phát triển UAV trợ chiến S-70 Okhotnik của tập đoàn Sukhoi được cho là bắt đầu từ năm 2011, nguyên mẫu máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 3/8/2019.
Okhotnik sử dụng vật liệu composite chuyên dụng, có thể giống với loại dùng để chế tạo Su-57. Mỗi chiếc có chiều dài 14 m và sải cánh 20 m, khối lượng gần 20 tấn, gần gấp đôi tiêm kích MiG-29 hoặc F-16, cũng như gấp 4 lần các loại UAV tương tự như X-47B Mỹ.
Nga từng cho Okhotnik thử nghiệm bắn đạn thật, gồm thả bom thông thường vào tháng 1/2021 và phóng tên lửa dẫn đường tầm xa vào tháng 5/2022.
Okhotnik được thiết kế để hoạt động cùng tiêm kích tàng hình Su-57, thay thế máy bay có người lái trong những nhiệm vụ nguy hiểm. Okhotnik lần đầu bay cùng Su-57 trong thử nghiệm kéo dài 30 phút hồi tháng 9/2019, trong đó hai phi cơ bay theo biên đội với giãn cách vài mét.
Nguyễn Tiến (Theo Aviationist, AFP, AP)
Chiến dịch vượt sông Dnieper là điểm sáng sau nhiều tháng phản công của Ukraine, nhưng Kiev sẽ khó chuyển hóa kết quả này thành bước đột phá rõ rệt.
Diễn đàn nhân dân Việt-Trung lần thứ XII có sự tham gia của 26 chuyên gia, học giả, nhân sĩ, trí thức, nhà báo, doanh nghiệp hai nước, những người có hiểu biết sâu sắc về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Mỹ vừa công bố gói viện trợ mới nhất cho Ukraine, nhưng có vẻ cả hai cần nhiều hơn thế.
Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố mong muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) nhằm tăng cường sức mạnh quốc gia.
Ngày 25/10, tại Trụ sở Liên hợp quốc, đã diễn ra Lễ kỉ niệm 60 năm thành lập Nhóm G77 và Trung Quốc. Tham dự sự kiện có Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Philemon Yang cùng Đại sứ các nước thành viên G77 và Trung Quốc tại Liên hợp quốc.
Khi cuộc chiến với Nga chuẩn bị bước sang năm thứ ba, lãnh đạo Ukraine đối mặt với thử thách mới: thu hút chú ý của các đồng minh phương Tây.
Sự hiện diện của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại G20 báo hiệu vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
Việt Nam bàn giao 4 bộ hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh, được phát hiện vào đợt tìm kiếm chung thứ 155 tại tỉnh Khánh Hòa.
Hội nghị thượng đỉnh giữa Hàn Quốc và các quốc gia châu Phi tại thủ đô Seoul kết thúc với hàng loạt các thoả thuận hợp tác được ký kết giữa hai bên.