Trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I giới thiệu đến công chúng hàng trăm văn bản đặc sắc, phản ánh hầu hết mọi mặt của nước ta dưới triều Nguyễn (1802 - 1945). Trong đó, một số văn bản lần đầu tiên được công bố.
Triều Nguyễn - triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử nước ta đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý giá, trong đó có khối văn bản hành chính. Những văn bản này được sản sinh trong quá trình hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền triều Nguyễn, bao gồm văn bản do các hoàng đế ban hành và văn bản do các cơ quan trong hệ thống chính quyền đệ trình lên hoàng đế, được hoàng đế phê duyệt bằng mực màu son đỏ. Khối văn bản này được gọi là Châu bản triều Nguyễn.
Đây là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam và thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế trên văn bản. Với những giá trị đặc biệt về nội dung và hình thức, Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu thế giới (năm 2017).
Châu bản triều Nguyễn với thông tin có độ tin cậy cao, nội dung phản ánh hầu như mọi mặt xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn. Theo GS. Nguyễn Thế Anh, “việc sử dụng các Châu bản để nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thế kỷ 19 và 20 là không thể phủ nhận. Nhiều điểm mơ hồ sẽ được làm sáng tỏ trong các tài liệu này, mặc dù bị khiếm khuyết, nhưng nhiều sự thật được chấp nhận cho đến nay sẽ bị thử thách khi đối đầu với Châu bản”. GS. NGND Phan Huy Lê nhận định, “Châu bản triều Nguyễn là một di sản văn hóa mang giá trị kép, vừa là vật thể vừa phi vật thể vô giá, không những “quý hiếm” mà còn “duy nhất”, “độc bản” được bảo tồn đến ngày nay...”.
Trải qua 143 năm tồn tại (1802 - 1945), triều Nguyễn đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch..., tất cả đều được phản ánh rõ nét qua Châu bản triều Nguyễn.
Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Trong đó có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.
Châu bản triều Gia Long cho thấy, ông là vị vua quan tâm nhiều đến vấn đề quân sự và phòng thủ nơi hiểm yếu của đất nước. Tại trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”, lần đầu tiên Trung tâm giới thiệu đến công chúng văn bản năm Gia Long 16 (1817) về việc phái binh lính đi phòng giữ những nơi hiểm yếu: Gìn giữ bờ cõi là việc quan trọng, nên đề phòng trước, cắt thêm 1 - 2 người giỏi tại thành và cấp quân lính đóng giữ trấn Hưng Hóa và các nơi hiểm yếu như Thủy Vĩ, Lai Châu.
Dưới triều Minh Mạng, nước ta trở thành nước hùng mạnh trong khu vực. Châu bản năm Minh Mạng thứ 19 (1838) cho biết, quốc hiệu nước ta đổi là Đại Nam. Châu bản triều Minh Mạng cho thấy nhà vua có nhiều chính sách vì dân “chống thiên tai” (bão lũ, hạn hán...), “chống nhân tai” (nạn hối lộ, tham nhũng, trộm cướp...). Xét các vấn đề nhà vua yêu cầu phải tâu trình đầy đủ, văn bản năm Minh Mạng 12 (1831) chép: “...Phàm các công việc có quan hệ đến lợi hại cho dân sinh, hay như quan lại hiền - gian và việc ích nước lợi dân thì cho tâu trình đầy đủ...”. Đây cũng là một trong những văn bản về vua Minh Mạng được công bố lần đầu tại trưng bày này.
Về việc xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa, trong số Châu bản hiện bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Minh Mạng chiếm tỉ lệ lớn nhất.
Châu bản triều Thiệu Trị cho thấy vua chăm lo việc nước, phần lớn công việc nội trị như định chế pháp luật, hành chính, học hiệu, thuế má, điền địa, binh bị, ngoại giao đều noi theo đời vua trước, mong giữ gìn những thành quả đạt được.
Triều Tự Đức là giai đoạn lịch sử đầy biến động đối với vận mệnh Đại Nam khi nước ta chính thức bị thực dân phương Tây xâm lược. Tiếp cận Châu bản, người xem sẽ thấy rõ nỗi niềm trăn trở, lòng yêu nước của vị vua này. Bên cạnh đó, nhiều văn bản cho thấy nhà vua ngầm khuyến khích, trợ giúp lực lượng kháng Pháp và ghi nhận công lao, ban thưởng cho người có công. Châu bản triều Tự Đức cũng cho thấy rõ hơn phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta lúc bấy giờ.
Trong số những văn bản đặc sắc được giới thiệu tại trưng bày lần này còn có bản Dụ Cần vương duy nhất trong Châu bản triều Nguyễn, đề ngày 12 tháng 6 năm Hàm Nghi thứ nhất (1885). Bản Dụ nêu rõ nguyên nhân nhà vua phải xuất bôn, đồng thời hiểu dụ tướng lĩnh yên lòng, chuẩn bị lực lượng chờ cơ hội đánh giặc. Đây là tư liệu quan trọng khẳng định quyết tâm kháng chiến của vua Hàm Nghi và các thủ lĩnh phong trào Cần Vương. Sau khi phân tích nội dung và hình thức văn bản, cũng như đối chiếu với một số Dụ/ Chiếu Cần vương đã được đưa ra nghiên cứu bàn luận, bà Nguyễn Thu Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I khẳng định “văn bản này có thể coi như một bản Dụ Cần vương chính thức”.
Từ những dấu ấn triều Nguyễn để lại về các phương diện, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I lựa chọn và giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc qua trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”.
Một trong những điểm đáng chú ý của trưng bày lần này là không gian thiết kế ấn tượng kết hợp công nghệ trình chiếu, nghệ thuật sắp đặt, làm tôn lên giá trị của tài liệu, hiện vật trưng bày, hứa hẹn đem đến cho người xem những trải nghiệm sống động. Bên cạnh đó, khách tham quan còn được trực tiếp tương tác để tìm hiểu, khám phá thêm nhiều thông tin lịch sử bổ ích, thú vị từ Châu bản.
Khu vực trưng bày đặc biệt thích hợp với học sinh, sinh viên, đem đến cho các bạn trẻ những bài học lịch sử bổ ích nhìn từ Châu bản, từ đó, có thể bổ trợ và làm phong phú thêm kiến thức về lịch sử, văn hóa trong nhà trường.
Trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” đang diễn ra tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
* Thời gian: Thứ Hai đến Chủ nhật (8h30 - 16h30)
* Địa điểm: Tầng 3, Tòa nhà triển lãm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, số 5 Vũ Phạm Hàm, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
* Đơn vị thực hiện:
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Nhóm tin tặc Anonymous Sudan tự nhận đã cùng Skynet và Godzilla hợp tác làm gián đoạn hoạt động của Facebook tối 5/3.
Ninh Thuận - Lễ hội Katê năm 2023 của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn sẽ tổ chức trong các ngày 13, 14 và 15.10 năm 2023.
Nam thanh niên 32 tuổi chết não do tai nạn giao thông, hiến hai quả thận, giác mạc, tim, gan, là trường hợp lấy - ghép mô tạng đầu tiên do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thực hiện.
Hai ông bà gần như không ăn chung, tiền sinh hoạt không chung, cũng không ngủ chung giường.
Quan chức Cuba cho rằng Meta nên giải thích hành vi 'không trung thực và thiên vị' của công ty, đồng thời cáo buộc Meta đã cho phép các hành vi bôi nhọ và tạo ra các chiến dịch thù hận chống lại Cuba.
Bé trai 14 tuổi, mua vật liệu trên mạng về tự chế pháo, không may pháo phát nổ làm dập nát tay phải và tổn thương nhiều vùng cơ thể.
Người đàn ông 30 tuổi bị tụ máu nguy kịch nhưng chưa sắp xếp được phòng mổ, bác sĩ Tuyển bỏ qua quy định, ra y lệnh khoan sọ não ngay tại giường.
Anh không hút thuốc, là người hướng nội, có phần truyền thống.
Đoàn Khối Các cơ quan Trung ương tổ chức khen thưởng 4 đơn vị Đoàn trường học triển khai hiệu quả phong trào “Sinh viên 5 tốt” năm học 2022 - 2023 và tuyên dương 52 cá nhân đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Khối năm học 2022 - 2023.