Nhiều doanh nghiệp lớn ở miền Trung tăng cường tuyển dụng lao động trí thức lẫn phổ thông phục vụ sản xuất. Đến giờ còn hàng chục ngàn vị trí tuyển dụng chờ đón lao động "rời phố về quê".
Nhiều người lao động ở các TP lớn phía Nam "rời phố về quê" làm việc những năm trước cho biết đó là lựa chọn sáng suốt, cuộc sống giờ đây đã ổn định hơn rất nhiều.
Tại Quảng Nam, nhiều lao động ở các đô thị như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... thời gian qua đã trở về quê hương kiếm việc làm, đặc biệt là từ sau dịch COVID-19 nhiều công ty, doanh nghiệp ở các đô thị lớn rơi vào tình trạng khó khăn, cắt giảm nhân sự lao động.
Chị Nguyễn Thị Hương (quê xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết trước đây chị làm công nhân may ở TP.HCM, thu nhập ở TP cũng cơ bản đủ sống nhưng từ sau đợt dịch, công ty gặp khó khăn do đơn hàng ít.
Và từ sau Tết Giáp Thìn 2024, chị trở về quê xin vào làm cho một công ty may ở Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ.
"Mặc dù lương ở quê thấp hơn TP lớn, tuy nhiên làm việc ở quê nhà, gần gia đình, mức sống, chi tiêu ở quê thấp hơn cũng phù hợp với mức lương hiện tại. Thực sự về quê cũng thấy nhẹ nhàng, gần người thân hơn, đỡ áp lực như ở TP lớn bởi phải lo nhiều khoản như thuê trọ, ăn uống, sinh hoạt", chị Hương kể.
Trong khi đó, anh Võ Quốc Hùng (30 tuổi, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đang làm việc tại Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất, chia sẻ gần 10 năm làm việc ở Bình Dương nhưng vẫn không có dư. Sau khi lấy vợ, sinh hai con cuộc sống càng thêm phần khó khăn.
Mặc dù cố gắng tiết kiệm chi tiêu nhưng gia đình anh luôn trong cảnh chật vật. "Về ăn uống, thì chi tiêu không khác nhau nhiều. Nhưng các chi phí gửi trẻ, thuê trọ... lại cao hơn ở quê nhiều. Hai vợ chồng cùng làm công nhân nhưng chẳng tháng nào dư dả. Ba năm về quê, hai vợ chồng cũng làm công nhân nhưng có dư", anh Hùng nói.
Lý do có dư là xe của Công ty Hòa Phát Dung Quất đến đón công nhân tại xã, không phải mất chi phí đi lại, con cái đi học lại có cha mẹ hỗ trợ đưa đón. Vậy nên ngoài làm công nhân, hai vợ chồng tiếp cận vốn vay, nuôi thêm bốn con bò.
"Hai vợ chồng làm trái ca nên thay nhau chăm cỏ nuôi bò, đợt rồi bán cũng lời được mấy chục triệu đồng. Tôi đang tính nuôi sáu con và nhờ cha mẹ chăm giúp khi đi làm. Năm đến hai vợ chồng sẽ xây nhà", anh Hùng chia sẻ và cho biết mức lương của công nhân giữa các tỉnh phía Nam và Quảng Ngãi không chênh lệch nhiều".
Không chỉ lao động phổ thông, lao động trí thức về quê cũng ổn định hơn nhiều. Vợ chồng kỹ sư Lê Xuân Vui (xã Nghĩa Thắng, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) từng có hơn 10 năm làm việc tại Đồng Nai. Anh Vui làm việc tại công ty nước ngoài nên thu nhập rất cao so với thu nhập hiện tại ở quê.
Nhưng tính toán lại, anh Vui bảo kế hoạch chi tiêu của gia đình sắp xếp ở quê dễ dàng hơn. "Vợ chồng tôi về quê bảy năm, hiện sắp xếp được nhiều kế hoạch cho gia đình trong tương lai gần. Nói chung tôi thấy giờ tìm việc làm ở quê không khó, về sớm thì ổn định sớm", kỹ sư Vui chia sẻ.
Theo ghi nhận, hiện nay tại Quảng Nam có rất nhiều khu công nghiệp trải dài trên địa bàn tỉnh như Khu công nghiệp Chu Lai, Khu công nghiệp Thaco Chu Lai Trường Hải, Khu công nghiệp Tam Thăng, Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và rất nhiều cụm công nghiệp đang cần lao động số lượng lớn.
Tương tự tại Quảng Ngãi, nhu cầu lao động tại Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiêp VSIP Quảng Ngãi... cần số lượng lao động hàng chục ngàn người. Riêng Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cần khoảng 8.000 lao động phổ thông lẫn trí thức.
"Chúng tôi đang rất cần lao động phục vụ nhu cầu sản xuất tại nhà máy. Hiện đang phối hợp với Trung tâm Việc làm tỉnh Quảng Ngãi tuyển dụng.
Lao động ở các TP lớn về quê đón Tết sắp đến có thể tìm hiểu tại những ngày hội việc làm tổ chức ở các xã hoặc đến trụ sở trung tâm việc làm tỉnh để xem công việc phù hợp tại quê", đại diện phía Hòa Phát nói.
Qua rà soát của ngành lao động, những ngành nghề mà các doanh nghiệp miền Trung ưu tiên tuyển dụng là cơ khí, chế tạo máy, ô tô, may mặc, giày da, sản xuất linh kiện và thiết bị điện - điện tử, chế tạo máy móc...
Tính đến cuối tháng 9-2024, tỉnh này có 848 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 4.000 tỉ đồng, 389 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó cấp mới 10 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký khoảng 134 triệu USD.
Tan giờ làm ca chiều, chị Nguyễn Thị Hải - 38 tuổi, ngụ xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An, công nhân Nhà máy may mặc Haivina Kim Liên - ghé chợ chiều mua thức ăn, chuẩn bị nấu bữa cơm tối cho cả gia đình. Trái ngược với cảnh tất bật nấu ăn trong phòng trọ chật chội như ngày trước thì nay chị Hải dành nhiều thời gian hơn bên mấy đứa con và bố mẹ.
Chị Hải kể mấy năm trước hai vợ chồng chị Hải cùng vào tỉnh Bình Dương tìm việc làm, với thu nhập hai người khoảng 20 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các chi phí thuê trọ, sinh hoạt và nuôi hai con nhỏ, vợ chồng chị tằn tiện chi tiêu cũng không dư dả được nhiều.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát, anh chị quyết định hồi hương tìm việc ở gần nhà. "Nhà máy may ở gần nhà, nếu làm tăng ca thì lương, thưởng của tôi mỗi tháng cũng được 8 - 10 triệu đồng. Mức thu nhập này tuy có thấp hơn so với công ty ở miền Nam nhưng bù lại vợ chồng tôi không phải mất tiền ở trọ, lại được gần bố mẹ", chị Hải phấn khởi.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, sau 27 năm thu hút đầu tư FDI tại Nghệ An, đến nay tỉnh đã thu hút được 137 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4,165 tỉ USD đến từ 14 quốc gia và vùng lãnh thổ, hoạt động trong nhiều phân ngành kinh tế.
Từ vị trí thứ 20 (năm 2021) trên cả nước về thu hút vốn FDI, từ năm 2022 Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Nghệ An cũng là địa phương số ít trong cả nước thu hút được sáu tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị linh kiện điện tử vào đầu tư, kinh doanh như Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin, Juteng và Sunny...
Ông Kha Văn Tám - chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An - đánh giá với kết quả thu hút đầu tư ấn tượng, các công ty, nhà máy, xí nghiệp liên tục "mọc" lên ở khắp các địa phương trong tỉnh thì nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở Nghệ An đang rất lớn. "Tỉnh cũng có nhiều chính sách đồng hành, chăm lo cho người lao động như hỗ trợ về nhà ở xã hội, tổ chức ngày hội việc làm, sân chơi thể thao, giải trí... Đây là cơ hội tốt cho người lao động trong tỉnh có việc làm trên chính quê hương, không phải tất bật bôn ba vào Nam, ra Bắc như trước nữa", ông Tám chia sẻ.
Ngày 29/6, hàng trăm cựu sinh Việt Nam theo học trong nền giáo dục Australia có mặt để tôn vinh những thành tích xuất sắc của 6 cựu sinh giành được Giải thưởng Cựu sinh viên Australia năm 2025 nhờ khả năng lãnh đạo, sự sáng tạo và những đóng góp của họ cho mối quan hệ Việt Nam - Australia. “Cựu du học sinh Úc tại Việt Nam là những cầu nối quý giá giữa hai quốc gia chúng ta,” bà Gillian Bird PSM, Đại sứ Australia tại Việt Nam, chia sẻ. “Mối quan...
TPHCM - Trên địa bàn khu vực 5 đơn vị hành chính cấp xã ở TP Vũng Tàu cũ, đã thành lập 5 đơn vị công đoàn xã , phường.
Trong đêm 29/5, nhiều chốt kiểm tra được cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh lập khẩn cấp tại các tuyến đường huyết mạch để truy bắt một đối tượng cướp ngân hàng.
Hội đồng xét xử quyết định quay lại phần xét hỏi do đã nhận được biên lai thu tiền thể hiện việc Tập đoàn Phúc Sơn nộp 768 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu.
Lần đầu tiên thí sinh học chương trình 2018 thi môn tự chọn, giáo viên nhận xét gì về đề thi?
Trưởng Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đánh giá cao sự chủ động của phường Phan Rang (Ninh Thuận) và huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).
Thông tin từ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng (Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh) cho biết đơn vị vừa cứu 6 ngư dân gặp nạn trên vùng biển xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, đồng thời lai dắt tàu vào bờ để sửa chữa.
Báo Thế giới và Việt Nam cập nhật những tin tức mới nhất về tình hình xung đột tại Trung Đông.
Một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra trong đêm tại phường Đồng Tâm, TP Yên Bái khiến một căn nhà đổ sập, thiếu nữ 15 tuổi bị vùi lấp và tử vong tại chỗ.