Trang phục dân tộc của người Bố Y hiện vẫn giữ được những yếu tố truyền thống như là biểu trưng của văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của tộc người.
Bố Y hay còn gọi là (Chủng Chá, Trọng Gia), là 1 trong 16 dân tộc rất ít người trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam (chỉ với hơn 3.000 người theo số liệu điều tra năm 2019), cư trú chủ yếu ở một số tỉnh miền núi biên giới phía Bắc.
Tại tỉnh biên giới vùng cao Lào Cai, dân tộc Bố Y (còn được gọi là Tu Dí) có dân số gần 2.000 người tập trung chủ yếu ở huyện Mường Khương.
Một trong những nét văn hóa độc đáo của người dân tộc Bố Y ở Lào Cai là trang phục dân tộc. Hiện trang phục dân tộc của người Bố Y vẫn giữ được những yếu tố truyền thống như là biểu trưng của văn hóa, góp phần phản ánh phong tục, tập quán, vẻ đẹp và bản sắc riêng của tộc người.
Trang phục của đàn ông Bố Y đơn giản với áo cổ viền, tứ thân, cúc cài, quần ống rộng. Tuy nhiên vào những dịp đặc biệt thì lại khác. Trong ngày cưới, chú rể người Bố Y mặc áo dài có hai vạt, cổ đứng, thân chùng quá gối, ống tay áo nhỏ dần đều bó lấy cánh tay, hai bên nách có hai đường chiết ly. Nam giới Bố Y chỉ mặc áo dài hai lần trong cuộc đời là trong lễ cưới và khi nhắm mắt xuôi tay.
Bộ trang phục nữ của người Bố Y cầu kỳ và đẹp gồm áo và quần làm bằng vải lanh. Chiếc áo của phụ nữ Bố Y có 2 loại, gồm áo trong và áo ngoài. Áo trong là kiểu áo tứ thân, có 2 túi ở hai bên để phụ nữ đựng đồ quan trọng. Chiếc áo ngoài có phần cổ và tay được thêu họa tiết cầu kỳ.
Đặc biệt, ở tay áo có những họa tiết đặc sắc như hoa, hình đôi bướm đối xứng… Bộ trang phục của phụ nữ Bố Y còn có chiếc tạp dề được làm tỉ mỉ, trang trí những họa tiết thêu hoa mẫu đơn với sắc hồng nổi bật.
Cách mặc váy truyền thống của phụ nữ Bố Y: trước hết đặt váy to vào giữa bụng và buộc dây sau lưng, sau đó đặt váy nhỏ vào giữa lưng và buộc dây trước bụng. Bộ váy truyền thống của phụ nữ Bố Y thực chất là hai mảnh vải xếp nếp khép lại, khi mặc tạo kẽ hở (váy hở) ở hai bên hông để đi lại dễ dàng.
Điểm nhấn đặc biệt nhất của trang phục dân tộc Bố Y là trang sức bạc đặc biệt tinh xảo. Theo nghệ nhân Dân gian người Bố Y Lồ Lài Sửu (xã Thanh Bình, huyện Mường Khương), phụ nữ Bố Y dùng nhiều đồ trang sức bằng bạc trắng, gồm vòng tai, nhẫn bạc, vòng tay, yếm bạc, trong đó, bộ yếm bạc là độc đáo, phong phú nhất.
Yếm bạc có dây dài 46cm; hai đầu dây đính vào hai bên của cổ áo với đôi bướm bạc; nối giữa hai đôi bướm là ba sợi dây xích bạc.
Mỗi dây mắt xích có 240 vòng bạc nhỏ. Phần dưới của yếm bạc là ba sợi dây xích dài 15cm với 360 vòng xích. Ba đầu trên của ba sợi dây xích gắn với 6 con cá nhỏ và nhiều hoa văn bằng những chùm hạt nhỏ li ti. Phần dưới của mỗi sợi dây xích được gắn với 6 con cá nhỏ hơn. Nối giữa mắt xích của hoa văn cá là hai đồng bạc.
Bộ trang sức bằng bạc của người Bố Y là tác phẩm nghệ thuật công phu, là tài sản lớn của mỗi gia đình. Bạc không chỉ để làm trang sức góp phần tôn lên vẻ đẹp của phụ nữ mà còn để thể hiện ngưỡng vọng được bảo hộ, chở che từ các đấng thần linh.
Người Bố Y còn quan niệm, bạc là để trừ tà ma, chống gió độc, mang lại những điều tốt lành, sức khỏe cho người dùng. Vì vậy, trang sức bạc còn được chọn làm món quà ý nghĩa để tặng nhau mong cầu mạnh khỏe, may mắn trong cuộc sống.
Điểm đặc biệt khác trong phục trang của người Bố Y còn nằm ở chiếc khăn đội đầu của người phụ nữ với những thông điệp mà nó mang lại thể hiện qua mỗi hình dáng khăn.
Phụ nữ Bố Y thường đội khăn bằng vải bông thô, tự dệt, nhuộm chàm với 3 kiểu khác nhau tùy theo độ tuổi. Những cô gái chưa chồng đội kiểu khăn có hoa văn hình chữ nhật, chiều dài khoảng 1,8m rộng 0,35m, ở giữa khăn có các đường chỉ màu rực rỡ chạy song song và các họa tiết hoa văn thêu nổi. Khi đội, họ gập khăn làm tư theo chiều dọc rồi vấn tròn lên đầu, tóc tết thành hai dải cuốn ra ngoài khăn.
Khi có chồng, người phụ nữ dùng khăn màu chàm dài 1,35m rộng 0,36m không có hoa văn. Phụ nữ có chồng tết tóc thành hai dải, vấn quanh đầu rồi chít khăn bên ngoài để hai đầu khăn rủ xuống hai bên tai. Đến tuổi trung niên, họ vấn tóc quanh đầu rồi chít khăn chàm thô, không thêu hoa văn; khăn được gấp làm đôi theo chiều dọc rồi chít phủ xung quanh đầu.
Người Bố Y ở Mường Khương từ già đến trẻ, nam hay nữ đều có cho riêng mình một vài bộ trang phục truyền thống. Trong những dịp quan trọng như lễ, tết, ngày hội, họ mặc bộ trang phục đẹp nhất với lòng tự hào về bản sắc của dân tộc mình./.
Lượng khách đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự cuối tuần qua đông kỷ lục, nhiều khách tham quan không tuân thủ quy định, xâm phạm hiện vật, gây bức xúc.
Tọa lạc trên đỉnh Núi Cúi, tượng Đức Mẹ Maria hướng nhìn về phía giáo phận Xuân Lộc ở Đồng Nai, sau lưng là hồ Trị An mêng mang.
Sáng 12/5, tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên, tuổi trẻ hai tỉnh Nghệ An, Quảng Bình tổ chức Diễn đàn “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” và Tuyên dương Thanh thiếu nhi tiêu biểu làm theo Bác năm 2023.
Nghiên cứu phát hiện ở một số vùng của Trung Quốc, nhiều phụ nữ được đặt tên là Zhaodi (chiêu dụ em trai) xuất phát từ 'cơn khát' con trai của gia đình.
Các đơn vị đã có văn bản tham mưu UBND TP.HCM kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa và thả kinh khí cầu chào mừng Quốc khánh 2-9.
Chủ Nhật Đỏ lần thứ XVI - năm 2024 diễn ra từ tháng 11.2023 đến hết tháng 3.2024 trên phạm vi toàn quốc tại 33 tỉnh, thành phố với 66...
Sông Nerodimka nằm ở Kosovo cùng lúc chảy vào biển Đen ở nhánh bên trái còn nhánh phải đổ vào biển Aegean.
Ngày 24-4, khi chứng kiến cây đa làng Bàng Tân (xã Đại Đồng, Đại Lộc, Quảng Nam) được công nhận là cây di sản Việt Nam, nhiều người ấn tượng với bộ rễ khủng của cây đa cổ thụ này chồm lên trùm kín làm mái lợp, tường bao cho gian miếu thờ phía dưới.
Một du khách ở homestay bày tỏ bức xúc sau khi bị yêu cầu trả phụ thu tiền rửa bát và dọn dẹp, gây nên nhiều tranh luận.