Nhận tin trúng tuyển Trường ĐH Sài Gòn, Từ Tăng Cơ Nghiệp lặng lẽ đến ngôi chùa gần nhà thắp nén nhang trước hũ tro cốt của cha báo tin vui.
Ba Cơ Nghiệp mất ngay lúc đỉnh dịch COVID-19 quét qua TP.HCM năm 2021. Thiếu vắng cha, dù cuộc sống gia đình khó khăn hơn rất nhiều song bạn vẫn quyết đến giảng đường bởi "lúc còn sống ba từng mong ước con trai phải vào đại học".
Đám giỗ thứ hai của cha vừa qua cách đây chưa lâu. Hai năm trước, ngay giữa đỉnh dịch, ông nội Nghiệp vẫn phải đến bệnh viện chạy thận mỗi tuần ba lần và không may nhiễm bệnh buộc phải nhập viện điều trị.
Chăm ông nội, cả cha và bà nội của bạn cũng bị lây nhiễm, rồi được đưa đi cách ly điều trị.
Lần lượt các thành viên trong căn hộ nhỏ ấy cũng mắc bệnh và đều vượt qua. Duy nhất Nghiệp không nhiễm nên vừa giúp các thành viên trong nhà vừa thường xuyên điện thoại hỏi thăm tình hình sức khỏe của ba ở khu cách ly.
Bỗng một hôm, tin nhắn của con trai gửi đi lâu rồi mà không thấy ba trả lời. Liên tiếp hàng loạt tin nhắn, cuộc gọi của Nghiệp gửi đi, mong ngóng trong vô vọng. Một cảm giác bất an, bạn lo lắng vô cùng nhưng cô hai trấn an chắc ba không có chuyện gì đâu. Nhưng chỉ vài bữa sau, cô hai gọi Nghiệp qua phòng mẹ và em trai nói chuyện.
"Mình bước vô phòng thấy ai cũng khóc là hiểu ngay nỗi lo của mình thành sự thật rồi. Gia đình nhận tin ba đã mất vì COVID-19. Đầu óc trống rỗng, tưởng như mình đang rơi xuống hồ nước chới với", Nghiệp kể.
Mà Nghiệp nhớ chỉ ít bữa trước đó khi chung cư chưa bị phong tỏa, ba còn chạy xe ôm công nghệ giao hàng kiếm tiền. Có hôm cha về cũng khuya, thấy con trai đang học bài còn ghé ngang nhắc con ráng làm nhanh rồi ngủ sớm để bảo đảm sức khỏe. Thời điểm đó phải học online mà cả hai anh em Nghiệp không có máy tính nên phải học bằng điện thoại và iPad cũ.
"Ba còn kêu thôi ráng để ba tiết kiệm rồi mua cho cái máy tính học cho tiện. Nào ngờ cả cha và bà nội cùng phải đi cách ly điều trị vì bệnh trở nặng. Khi bà nội còn chưa về, cả nhà đã nhận được hũ tro cốt của ba. Chắc không bao giờ mình quên được hình ảnh ám ảnh ấy", Nghiệp rưng rưng như cố nén nỗi đau.
Con vi rút không chỉ cướp mất cha mà còn mang luôn cả ông nội của Nghiệp đi mãi mãi. Cái cảm giác trống rỗng và bơ vơ lúc hay tin ba mất cứ đeo bám lấy bạn. Nhưng thay vì ủ dột như mọi người trong nhà, Nghiệp tự dặn mình phải gắng học cho giỏi.
Bởi chỉ có vậy bạn mới có thể phụ mẹ lo cho em trai khi ba mất mới học lớp 4, cũng là thỏa ước mong của cha thấy con vào đại học khi còn sống.
Hiểu rõ đồng lương công nhân của mẹ sẽ chật vật hơn khi phải lo cho hai anh em ăn học, Nghiệp tự học và còn gì chưa hiểu tranh thủ hỏi thêm bạn hoặc thầy cô chứ hầu như không đi học thêm ngoài tiếng Anh ở một trung tâm gần nhà.
Tổng kết năm học lớp 12, điểm bình quân các môn của bạn đạt 9,1, xếp thứ ba trong lớp. Bạn vào đại học với điểm số của kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức.
Mẹ Nghiệp - bà Lâm Thị Thanh Hiền - làm công nhân Công ty PouYuen ở quận Bình Tân nên phải rời nhà sớm mới kịp vào ca, đành nhờ cô hai đưa đón cậu con út đến trường hằng ngày. Hôm nào không phải đi học, Nghiệp đưa đón em trai rồi hai anh em cùng học, cùng chơi. Không còn chồng, đồng lương công nhân của một mình mẹ Hiền đúng là chật vật lắm để có thể lo cho cùng lúc hai đứa con.
Căn hộ nhỏ ở lầu 5 một khu chung cư tại quận 5 (TP.HCM) là không gian sinh sống của tất cả chín người gồm bà nội, cô hai, vợ chồng và hai con của người chú cùng ba mẹ con Nghiệp. Bà Ngu Hạnh (69 tuổi) - bà nội Nghiệp - chỉ nói được tiếng Việt hạn chế nhưng bảo bà vui lắm khi hay tin cháu nội vào đại học.
Bà cũng già yếu, lại không có nguồn thu nhập nào nhưng bà nói các con cùng đi làm, cùng đóng góp để bà lo cơm nước, chi tiêu cho cả nhà nên bà sẽ cố gắng tiết kiệm phần nào phụ lo cho cháu nội đi học.
Bà nói thôi nhà có gì ăn đó nhưng dặn cháu phải học để có tương lai. Bà cười ráng co kéo thì cuộc sống rồi cũng ổn bởi bà rất mong con cháu học hành tới nơi tới chốn như tâm nguyện của ông vốn là một cựu chiến binh từng tham gia hoạt động cách mạng năm xưa từng ao ước.
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Cơ Nghiệp, cô Hồ Thị Kim Chung (Trường THPT Hùng Vương) nhận xét Nghiệp có tinh thần tự học rất tốt, học giỏi và luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Gặp vướng mắc khi học, Nghiệp tự lên mạng tìm kiếm thông tin rồi gặp thầy cô, bạn bè hỏi liền. Minh chứng là bạn ấy học giỏi, nằm trong tốp ba học sinh dẫn đầu lớp cả ba năm phổ thông.
"Từ ngày ba mất, tôi thấy Cơ Nghiệp càng có ý thức học nhiều hơn. Có lẽ bạn ấy đã sớm nhận thấy trách nhiệm của bản thân với mẹ và em trai còn bé nên ý chí và quyết tâm học hành càng cao hơn trước", cô Kim Chung chia sẻ.
Vòng sơ khảo cuộc thi nhảy hiện đại Nhịp sống trẻ' - Hà Nội lần thứ II, năm 2024 khai mạc tối 14/10 tại Trung tâm Văn hóa thành phố (Hà Đông, Hà Nội). Hơn 1.000 thí sinh là học sinh, sinh viên tham gia vòng sơ khảo.
Ngày 19/5, có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 112 tác giả, đồng tác giả được trao, truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết bà rất mừng khi nghe tin từ những bệnh viện lớn, nghị quyết 30 và nghị định 07 ban hành đầu tháng 3 đến giờ là một tháng, đã gỡ được rất nhiều điểm vướng trong mua sắm thuốc, vật tư y tế.
Võ Quang Phú Đức vừa trở thành tân Quán quân Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 24, qua đó giúp cho Trường THPT Quốc học Huế (Quốc học Huế) nối dài những kỷ lục đáng kinh ngạc tại sân chơi này.
Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 137 năm Ngày Quốc tế lao động, Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội và các đơn vị nghệ thuật Thủ đô sẽ tổ chức nhiều đêm diễn phục vụ khán giả.
Chuột lang nước Capybara đã trở thành một “hot trend” được đông đảo bạn trẻ săn đón. Đa số giới trẻ thích thú vì chú chuột này siêu đáng yêu.
Trong chương trình ra quân Hành trình Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng năm 2024, diễn ra nhiều hoạt động khám, tư vấn chăm sóc sức khoẻ tới người dân, trong đó khoảng hơn 2 nghìn người dân trên địa bàn Hà Nội tham gia khám miễn phí.
Nguyễn Thị Hoài Diễm, 41 tuổi, cùng em ruột và hai người giúp việc, bị cáo buộc giam giữ em dâu nhiều tháng, đánh đập để thực hiện nghi thức 'trừ tà'.
Bộ Y tế vừa có quyết định công nhận Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM đủ điều kiện ghép tạng từ người hiến sống và người hiến chết não tại bệnh viện.