Chia sẻ với báo chí về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, Đại sứ Hilde Solbakken đã kể về câu chuyện của Na Uy và những trải nghiệm cá nhân khi là một nữ cán bộ ngoại giao.
Phụ nữ tham chính để nhiều vấn đề quan trọng không bị lãng quên… |
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken luôn tâm niệm thúc đẩy bình đẳng giới trong cuộc đời làm ngoại giao của mình. (Ảnh: KT) |
Đại sứ Na Uy Hilde Solbakken chia sẻ, có một khoảng thời gian dài, Na Uy từng có quan điểm rất mạnh mẽ về việc phụ nữ nên ở nhà và chăm sóc gia đình còn đàn ông nên ra ngoài lao động và làm trụ cột kinh tế. Và một phần của sự thay đổi đến từ việc: Xã hội nhận ra nền kinh tế Na Uy đang phát triển và cần phải đưa phụ nữ tham gia lực lượng lao động.
Do đó, nhờ phong trào nữ quyền mạnh mẽ những năm 1960 và Luật Bình đẳng giới được thông qua năm 1978, các tổ chức chính trị bắt đầu nhận thức rõ hơn về bình đẳng giới.
Đại sứ Hilde Solbakken: "Na Uy cũng phải đi một chặng đường dài để đạt được những thành tựu hiện nay về bình đẳng giới. Hy vọng Việt Nam cũng có thể thực hiện điều này trong tương lai gần". |
Theo Đại sứ Hilde Solbakken, Na Uy có rất nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, ví dụ như cấp các khoản vay cho sinh viên để giúp phụ nữ có cơ hội học cao hơn; xây dựng mới các cơ sở trông trẻ với giá cả phải chăng, tăng thời gian nghỉ thai sản được trả lương cho cả vợ và chồng để phụ nữ có thể yên tâm làm việc, để phụ nữ và nam giới đều có thể đảm bảo cân bằng thời gian cho công việc và gia đình…
Nữ Đại sứ phân tích: “Theo tôi, chế độ nghỉ thai sản dành cho cha mẹ của Na Uy là một trong những chính sách hào phóng nhất trên thế giới. Bạn có thể chọn hưởng một tỷ lệ lương thấp hơn một chút, đổi lại được kéo dài thời gian làm bán thời gian để chăm sóc con cái.
Cá nhân tôi thấy rằng đây thực sự là một chính sách kinh tế nhân văn. Vì khi Chính phủ đưa phụ nữ vào lực lượng lao động, nguồn nhân lực của đất nước được sử dụng tốt hơn so với việc chỉ có nam giới làm việc. Mặt khác, Chính phủ có thể thu thuế nhiều hơn để chi cho chế độ thai sản, nghỉ sinh con và trợ cấp tốt hơn”.
Không chỉ vậy, Na Uy có một cách tiếp cận rất rõ ràng trong giáo dục: Ngay từ mẫu giáo hay tiểu học, các em nhỏ đã được dạy rằng con trai và con gái đều có thể làm những việc giống nhau. Các em có quyền lựa chọn và phát triển theo sở thích và khả năng của mình chứ không phải vì là con trai hay con gái.
“Chính quan điểm này đã theo tôi suốt cuộc đời, giúp tôi hình thành một bản sắc riêng cho quá trình trưởng thành của mình”, Đại sứ Hilde Solbakken chia sẻ.
Hiện Việt Nam đang dư khoảng 1,5 triệu bé trai. Vậy trong thời gian tới, số bé trai này sẽ phải làm gì khi muốn tìm bạn đời hay lập gia đình? Kinh tế - xã hội của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Vì vậy, nữ Đại sứ Na Uy mong những chính sách thúc đẩy bình đẳng giới sẽ trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Na Uy cũng phải đi một chặng đường dài để đạt được những thành tựu hiện nay về bình đẳng giới, bà hy vọng Việt Nam cũng có thể thực hiện điều này trong tương lai gần.
Phụ nữ tham chính để nhiều vấn đề quan trọng không bị lãng quên… |
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken đích thân cùng các đầu bếp chuẩn bị những món ăn hấp dẫn tại Ngày hội Hải sản Na Uy. (Ảnh: KT) |
Sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị của Na Uy cũng là một câu chuyện truyền cảm hứng. Theo Đại sứ Hilde Solbakken, ở đất nước của bà, tuy chưa hoàn hảo nhưng cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới đã tiến khá xa. “Chính sự tham chính của phụ nữ sẽ giúp những vấn đề đó không bị lãng quên như sức khỏe sinh sản, quyền giáo dục của trẻ em gái”, nữ Đại sứ nhấn mạnh.
Bà nói: “Kể từ khi tôi vào Bộ Ngoại giao năm 1997, chỉ tiêu tuyển dụng cho hai giới đã là 50-50. Tuy nhiên, để phụ nữ được bổ nhiệm vào những vị trí cao nhất, Na Uy cũng mất một khoảng thời gian khá dài”.
Qua thời gian, nhiều đảng phái chính trị ở quốc gia Bắc Âu bắt đầu nhấn mạnh đến việc cân bằng giới trong ban lãnh đạo và danh sách ứng viên trong các cuộc bầu cử, vì phụ nữ Na Uy ngày càng nắm giữ những vị trí quan trọng hơn. Hơn nữa, Chính phủ cũng rất chủ động với chính sách yêu cầu các ủy ban, các đoàn đại biểu hay các phái đoàn tham dự hội nghị, sự kiện phải đảm bảo ít nhất 40% thành viên đại diện cho mỗi giới.
Một bước tiến rất quan trọng đó là Na Uy yêu cầu các thành viên trong Hội đồng Quản trị của các công ty lớn được niêm yết trên sàn chứng khoản phải bao gồm ít nhất 40% mỗi giới. Điều này không chỉ đảm bảo sự cân bằng hơn về giới mà còn tác động rất tích cực tới doanh thu của các doanh nghiệp.
Thêm một khía cạnh nữa, theo Đại sứ Hilde Solbakken, Na Uy có rất nhiều kinh nghiệm hỗ trợ tiến trình hòa bình trên thế giới. Quốc gia này nhận thấy rằng, để đạt được một nền hòa bình bền vững, sự tham gia của phụ nữ ở mọi cấp độ là điều cực kỳ quan trọng. Trong nhiều cuộc xung đột, phụ nữ và trẻ em thường là nạn nhân. Phụ nữ tham chính là tiền đề để đảm bảo rằng tiếng nói của họ được lắng nghe.
Theo nữ cán bộ ngoại giao, ở Việt Nam, phụ nữ chiếm một tỷ lệ rất cao trong các cơ quan chính phủ và hệ thống chính trị nhưng có vẻ như vẫn còn đó “tấm trần kính”. Đây là hình ảnh mang tính ẩn dụ mô tả một rào cản vô hình, không chính thức, cản trở sự thăng tiến của phụ nữ tới những vị trí hàng đầu trong một công ty hoặc tổ chức.
Đại sứ Hilde Solbakken: "Bạn biết đấy, có những người có thể làm chủ không gian ngay khi họ xuất hiện và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân là một trong số đó". |
Chia sẻ về nữ chính trị gia Việt Nam mà mình ấn tượng nhất, nữ Đại sứ Na Uy nhắc tới Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân. Tháng 11/2023, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã sang thăm chính thức Na Uy. Đại sứ Hilde Solbakken có cơ hội tiếp xúc và rất ấn tượng về Phó Chủ tịch nước.
Đại sứ Hilde Solbakken bày tỏ: “Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân có kiến thức thực sự sâu sắc về tất cả các vấn đề được trao đổi và thảo luận. Bạn biết đấy, có những người có thể làm chủ không gian ngay khi họ xuất hiện và Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân là một trong số đó.
Trong các buổi làm việc với Thái tử, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Bình đẳng giới cũng như những doanh nghiệp chủ chốt của Na Uy, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đều để lại những ấn tượng rất tốt cho người tham dự”.
Bà Solbakken hy vọng phụ nữ Việt Nam sẽ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo hơn nữa vì họ thực sự xứng đáng.
Phụ nữ tham chính để nhiều vấn đề quan trọng không bị lãng quên… |
Nhóm G4 gồm Đại sứ quán các nước Canada, Na Uy, New Zealand, Thụy Sỹ và chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo nữ thuộc Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giới và Báo chí”, tháng 10/2023. (Ảnh: KT) |
Vậy là một nữ cán bộ ngoại giao, Đại sứ Hilde Solbakken gặp những thuận lợi và khó khăn như nào trong công việc của mình? Nữ Đại sứ đến từ xứ sớ Bắc Âu chân thành chia sẻ: “Dù là nam hay nữ thì yêu cầu công việc của chúng tôi giống nhau. Tôi là một Đại sứ, tôi cần đại diện cho đất nước chứ không phải bản thân mình”.
Bà nói: “Na Uy rất may mắn khi có một thế hệ phụ nữ mạnh mẽ đã dũng cảm mở đường để chúng tôi có thể bình đẳng, ngang hàng với nam giới. Hiện nay, Bộ Ngoại giao Na Uy có số lượng đại sứ nam và nữ như nhau.
Chúng tôi đã tiến xa đến mức phụ nữ cũng đảm nhiệm những vị trí uy tín nhất của đất nước. Năm 1945, Na Uy có nữ bộ trưởng đầu tiên đó là Bộ trưởng xã hội. Đến năm 2017, Bộ Ngoại giao Na Uy có nữ Bộ trưởng đầu tiên, đến nay chúng tôi đã có 2 nữ bộ trưởng”.
Bà Solbakken cho rằng, việc mọi người nhìn nhận các nữ đại sứ như thế nào có thể sẽ tùy thuộc vào quốc gia mà chúng tôi đi công tác nhiệm kỳ. Sự khác biệt này tùy thuộc vào vai trò giới, vai trò của phụ nữ ở quốc gia đó.
“Đôi khi, tôi sẽ được kỳ vọng tham gia nhiều buổi trình diễn thời trang hơn là hội thảo về chính sách an ninh. Mọi người có thể nghĩ tôi quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề được coi là nhẹ nhàng hơn trong ngoại giao, như văn hóa chẳng hạn. Tuy nhiên, nhiệm vụ của tôi là phụ trách mọi lĩnh vực trong quan hệ ngoại giao, cho dù đó là an ninh, xúc tiến kinh doanh hay văn hóa.
Lần đầu đi công tác nhiệm kỳ ở nước ngoài, tôi có cảm giác mình chưa được coi trọng vì tôi là nữ và khi đó còn trẻ. Nhưng điều này dần ít đi. Việc tôi là phụ nữ không thực sự quan trọng. Tôi làm việc bằng kỹ năng, kinh nghiệm của mình. Những gì tôi có thể mang lại cho xã hội mới là điều thực sự quan trọng”, Đại sứ Hilde Solbakken bày tỏ.
Tổng thống Honduras Xiomara Castro chỉ trích Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ sau khi Washington bày tỏ quan ngại về cuộc họp giữa các quan chức quốc phòng của quốc gia này và Venezuela.
Lực lượng Ukraine cố thủ tại thành trì Chasov Yar đang trong tình cảnh ngặt nghèo do nguồn lực có hạn, còn Nga từng bước siết gọng kìm tại đây.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây tuyên bố, nước này không có bất kỳ thông tin nào trước về âm mưu tấn công khủng bố cướp đi sinh mạng của hơn 140 người tại nhà hát Crocus City Hall ở ngoại ô thủ đô Moscow (Nga) tối 22/3.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gửi lời chúc mừng Trung Quốc nhân dịp Quốc khánh lần thứ 74, qua đó cam kết hợp tác nhiều hơn với Bắc Kinh để giải quyết “những thách thức chung”, trong bối cảnh hoạt động trao đổi cấp cao giữa hai nước được tăng cường trong những tháng gần đây.
Quân đội Nga công bố video UAV Lancet tấn công cường kích Su-25 Ukraine đậu tại căn cứ Dolgintsevo, địa điểm cách tiền tuyến hơn 70 km.
Ngày 7/7, Pháp tiến hành bầu cử Quốc hội vòng 2, bầu ra 501 thành viên còn lại trong 577 ghế. Đây là vòng quyết định của cuộc bầu cử Quốc hội sớm.
Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy khẳng định mối quan hệ Trung-Nga vững mạnh có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh tình hình thế giới bất ổn như hiện nay.
Giới chức Ukraine tuyên bố chiến dịch tấn công tỉnh Kursk 'hoàn toàn chính đáng' và cho biết họ sẽ dừng lại nếu Nga chấp nhận 'hòa bình công bằng'.
Washington tuyên bố sẽ sát cánh với đồng minh Manila trước những hành động nguy hiểm của lực lượng hải cảnh và dân quân biển của Trung Quốc tại khu vực Bãi Cỏ Mây ở Biển Đông.