Czech nỗ lực săn đạn pháo cho Ukraine

07:10 25/03/2024

Ukraine sắp nhận vài trăm nghìn quả đạn pháo, song lô hàng không đến từ Mỹ hay bất cứ trụ cột nào khác của NATO, thay vào đó là Czech.

Czech, quốc gia với khoảng 10 triệu dân nằm giữa Đức và Ba Lan, là một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất. Bằng cách sử dụng các mối quan hệ từ thời Chiến tranh Lạnh, Czech thu mua khoảng 800.000 quả đạn pháo từ nhiều bên và xác định khoảng 700.000 quả đạn khác có thể mua thêm.

Số đạn pháo mà Czech đã thu mua gồm 300.000 quả theo chuẩn Liên Xô và Nga cùng nửa triệu quả theo chuẩn NATO. Các quan chức Czech cho biết họ cần 3,3 tỷ USD để mua tổng cộng 1,5 triệu quả đạn pháo cho Ukraine, con số nhỏ hơn nhiều lần gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD đang mắc kẹt tại quốc hội Mỹ.

Các chuyến hàng có thể lên đường tới Ukraine trong những tuần tới, theo các quan chức Czech. Ukraine đang đối mặt tình trạng thiếu đạn dược và nhân lực, buộc quân đội nước này phải rút lui ở nhiều nơi trước những đợt tiến công dồn dập của Nga.

Theo đánh giá của tình báo phương Tây, Ukraine cạn đạn đến mức họ chỉ khai hỏa bằng 1/5 so với lực lượng Nga. Ngược lại, sau khi nâng sản lượng của ngành công nghiệp quốc phòng và có thể do được các đối tác hỗ trợ, Nga đang vượt qua NATO về nguồn cung đạn pháo.

Một số chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Ukraine cần đến 200.000 quả đạn pháo các cỡ mỗi tháng để đẩy lùi chiến dịch tiến công mới của Nga. Lượng đạn pháo mà Czech lùng mua cho Ukraine có thể giúp họ kìm hãm bước tiến của Nga trong lúc phương Tây dần tăng cường năng lực sản xuất để viện trợ cho Kiev.

Không giống Mỹ, Pháp và Đức, các quốc gia chủ yếu tăng sản lượng trong nước để cung ứng cho Ukraine, các quan chức Czech nói sáng kiến của nước này tập trung vào săn tìm các kho vũ khí nằm rải rác khắp nơi. Họ âm thầm đi khắp thế giới để ký hợp đồng mua bán và xin giấy phép xuất khẩu từ nhiều quốc gia.

Czech sở hữu ngành công nghiệp quốc phòng đáng kể với nhiều khách hàng toàn cầu, cũng như có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia có kho vũ khí chuẩn Liên Xô quy mô lớn và có thể chế tạo thêm vũ khí, vật tư liên quan.

Các quan chức Czech không nói rõ số đạn pháo trên đến từ đâu, song cho biết trong số những bên cung cấp có cả đối tác của Nga. Ngược lại, nhiều quan chức phương Tây nói đề nghị tương tự của Mỹ và châu Âu với các bên cung cấp tiềm năng ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latin đều bị từ chối.

Nhiều quan chức NATO và EU những ngày qua công khai ủng hộ sáng kiến của Czech. Đức thông báo sẽ góp gần 545 triệu USD cho sáng kiến, đây là mức cam kết lớn nhất tới nay của các bên tham gia.

Tomas Kopecny, đặc phái viên của Czech phụ trách vấn đề Ukraine, cho biết nước này đóng vai trò trung gian. Czech tiếp cận các nước có thể chế tạo loại đạn phù hợp rồi kết nối với quốc gia phương Tây sẽ đặt hàng và thanh toán.

Czech sau đó sẽ tổ chức công tác hậu cần, chuyển hàng từ nước này hoặc quốc gia thứ ba nhằm che giấu nguồn gốc xuất xứ để Nga không tức giận với bên cung cấp.

Trong khi các cường quốc phương Tây ngần ngại chuyển vũ khí mới tới Ukraine vì sợ khiêu khích Nga, Czech đã sớm viện trợ xe tăng chủ lực, pháo phản lực và pháo cỡ lớn cho nước này. Tuần dương hạm Moskva của Nga được cho là bị đánh chìm bởi tên lửa phóng từ bệ mà Czech viện trợ cho Ukraine.

Theo giới chuyên gia phương Tây, sáng kiến của Czech là bài học cho các thành viên NATO lớn hơn đang tập trung vào tăng sản lượng vũ khí, tiến trình vốn diễn ra chậm chạp và hạn chế nguồn cung cho Ukraine.

Do bế tắc về dự luật ngân sách tại quốc hội, nỗ lực tăng sản lượng vũ khí của Mỹ bị chậm lại. Theo Douglas Bush, quyền trợ lý Bộ trưởng Lục quân Mỹ phụ trách mua sắm, Mỹ tới cuối năm nay có thể sản xuất gần 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng và tăng thêm 10.000 quả nữa vào giữa năm 2025

Các hãng quốc phòng châu Âu đang tăng sản lượng, song do những vấn đề chính sách, chuỗi cung ứng, thiếu nguồn tài chính từ chính phủ và lao động, sản lượng dự kiến không tăng đáng kể vào cuối năm 2025, đầu năm 2026. Một số quan chức và đại diện hãng quốc phòng ở vài quốc gia nhận định sẽ mất hai năm để mở rộng nhà máy sẵn có và 5 năm để xây cơ sở mới.

Jens Stoltenberg, Tổng thư ký NATO, ngày 14/3 giải thích các thành viên liên minh không cung cấp đủ đạn cho Ukraine không phải do vấn đề từ năng lực sản xuất, mà là vì ý chí chính trị.

EU cho biết các công ty vũ khí trong liên minh có thể sản xuất 1,4 triệu quả đạn pháo mỗi năm vào cuối năm nay, sản lượng tới cuối năm 2025 là hai triệu quả mỗi năm. Có tới 50% tổng sản lượng quốc phòng của EU được xuất khẩu ra các nước khoác ngoài Ukraine tính tới giữa năm 2023. Giới chức EU đã công khai kêu gọi các công ty quốc phòng ưu tiên xuất khẩu sang Ukraine.

Anh, một trong các quốc gia chế tạo nhiều đạn pháo nhất thế giới, cho biết sản lượng của nước này sẽ tăng gấp 8 lần vào đầu năm 2025 so với trước thời điểm chiến sự Nga - Ukraine bùng phát.

Trong khi đó, bất chấp lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây, Nga vẫn tăng sản lượng đạn pháo cỡ lớn lên ba lần trong năm nay, theo đánh giá của tình báo phương Tây. Theo Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), tổng sản lượng đạn dược của Nga, trong đó có rocket, sẽ ở mức ổn định ba triệu quả mỗi năm.

Jan Jires, Thứ trưởng Quốc phòng Czech phụ trách chính sách và kế hoạch quốc phòng, nhận định nhiều sáng kiến viện trợ cho Ukraine của phương Tây "bị cản trở bởi mong muốn chế tạo vũ khí ở châu Âu hoặc Mỹ, do các quốc gia muốn kết hợp viện trợ cho Ukraine với hỗ trợ ngành công nghiệp của họ".

"Đó là mục tiêu chính đáng, do chúng tôi cần tự vũ trang. Tuy nhiên, đây không phải điều cần thiết để hỗ trợ lập tức cho Ukraine", ông Jires cho biết.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters, WSJ)

Có thể bạn quan tâm
Mỹ sẵn sàng bảo vệ Philippines nếu Manila bị tấn công ở Biển Đông

Mỹ sẵn sàng bảo vệ Philippines nếu Manila bị tấn công ở Biển Đông

20:10 01/10/2023

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á Lindsey Ford cho biết Mỹ 'chắc chắn sẽ kích hoạt' Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Philippines nếu xảy ra một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào 'tài sản của nước này, bao gồm cả tài sản của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG), xảy ra ở Biển Đông'.

Ukraine đòi 'cởi trói' hoàn toàn việc dùng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào Nga, Tổng thống Mỹ cự tuyệt

Ukraine đòi 'cởi trói' hoàn toàn việc dùng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào Nga, Tổng thống Mỹ cự tuyệt

19:50 12/07/2024

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 11/7 bày tỏ mong muốn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dỡ bỏ mọi hạn chế đối với việc Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây.

Đài Loan cử máy bay và tàu giám sát tàu chiến Nga

Đài Loan cử máy bay và tàu giám sát tàu chiến Nga

10:50 28/06/2023

Đài Loan cho biết đã phát hiện hai tàu chiến Nga ngoài khơi bờ biển phía đông vùng lãnh thổ này trong ngày 27-6.

Cuộc chiến giữ huyết mạch kinh tế của Ukraine

Cuộc chiến giữ huyết mạch kinh tế của Ukraine

04:50 04/03/2024

Bên cạnh đấu tranh trên chiến trường, nỗ lực giữ sức sống cho nền kinh tế cũng là nhiệm vụ tối quan trọng nhưng đầy thách thức đối với Ukraine.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường công du Australia, New Zealand

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường công du Australia, New Zealand

12:50 04/03/2024

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia và New Zealand ngày 5-11/3.

Ukraine bác tin đồn Tổng thống hục hặc với quân đội

Ukraine bác tin đồn Tổng thống hục hặc với quân đội

16:00 29/11/2023

Chủ tịch quốc hội Ukraine bác tin đồn về căng thẳng giữa Tổng thống Zelensky với chỉ huy quân đội, cho rằng đây là 'hoạt động tuyên truyền' của Nga.

Xe rước linh cữu phó tổng thống Malawi đâm vào đám đông, 4 người chết

Xe rước linh cữu phó tổng thống Malawi đâm vào đám đông, 4 người chết

13:10 17/06/2024

Xe rước linh cữu Phó tổng thống Malawi Chilima, người thiệt mạng trong tai nạn máy bay, đâm vào đám đông khiến 4 người chết và 12 người bị thương.

Mỹ lo ngại Iran tham gia vào xung đột Israel - Hamas

Mỹ lo ngại Iran tham gia vào xung đột Israel - Hamas

07:00 16/10/2023

Mỹ bày tỏ quan ngại trước nguy cơ chiến sự giữa Israel và Hamas lan rộng ra khu vực cùng khả năng Iran trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.

Lịch trình chuyến thăm Triều Tiên của ông Putin bị rút ngắn

Lịch trình chuyến thăm Triều Tiên của ông Putin bị rút ngắn

16:10 19/06/2024

Tổng thống Putin đến Bình Nhưỡng muộn so với kế hoạch, dường như do chuyến làm việc tại Yakutsk, khiến lịch trình chuyến thăm Triều Tiên bị rút ngắn.

Co loi xay ra
Co loi xay ra