“Trung đoàn 174 của tôi có một nhân vật thật đặc biệt, đó là sĩ quan của quân đội Nhật đã từ chối về nước để sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người Nhật ấy có tên là Koshiro Iwai, mà cả trung đoàn chúng tôi gọi thân mật là anh Sáu Nhật”.
Chuyện ông Sáu Nhật |
Ông Koshiro Iwai – Nguyễn Văn Sáu. (Ảnh từ sách Trung đoàn 174 Anh hùng) |
Nhân vật mà cụ Đỗ Ca Sơn, 92 tuổi, nguyên Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 nhắc đến trong câu chuyện kể với chúng tôi về chiến thắng Điện Biên Phủ là người đồng đội ngoại quốc, nếu còn sống thì năm nay 100 tuổi…
Lúc đến Việt Nam, Koshiro Iwai còn rất trẻ, là Trung úy trong quân đội đế quốc Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam. Khi Thế chiến II kết thúc, Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân Nhật ở Việt Nam buông súng, chờ quân Đồng Minh, đại diện là quân Tưởng và quân Pháp, với sự hỗ trợ của quân Anh đến giải giáp.
Thế nhưng, Trung úy Koshiro Iwai đã không đứng vào danh sách đội quân đầu hàng về nước, mà xin tham gia Việt Minh ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám. Ông được lực lượng cách mạng đặt tên là Nguyễn Văn Sáu, đồng đội hay gọi là Sáu Nhật. “Anh Sáu nói tiếng Việt tốt, được đào tạo là sĩ quan quân đội Nhật nên có trình độ quân sự cơ bản rất vững chắc, kỹ thuật chiến đấu và quân báo giỏi”, cụ Ca Sơn nhận xét.
Vốn kiến thức quân sự của ông Sáu đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác huấn luyện, đào tạo quân đội ta, cũng như tác chiến trên chiến trường. Thời gian đầu, Sáu Nhật ở Trung đoàn 28 Lạng Sơn. Đến năm 1949, thành lập Trung đoàn 174 gồm ba tiểu đoàn của Lạng Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn, gọi tắt là Trung đoàn Cao Bắc Lạng. Ở đơn vị này, ông tiếp tục chiến đấu với tư cách Đại đội trưởng Đại đội trinh sát và sau được đề bạt làm Trưởng ban quân báo. Cấp cao nhất của ông Sáu là Tiểu đoàn phó.
Cụ Ca Sơn “quen anh Sáu Nhật từ năm 1950, tức là trước trận Đông Khê, anh hơn tôi 8 tuổi, tôi xem anh như một ông anh mà tôi vô cùng quý trọng. Không bao giờ anh nao núng, bao giờ cũng đi tuyến đầu, hàng đầu. Hình ảnh chiến sĩ gốc Nhật Nguyễn Văn Sáu, với thanh gươm đeo bên mình, can đảm xông pha chiến trường đến nay vẫn khắc sâu trong lòng chúng tôi”.
Ngày ấy, các sĩ quan Nhật ngoài súng, đều được trang bị một thanh gươm dài. Khi tham gia quân đội ta, ông Sáu đã xin cấp trên giữ lại thanh gươm đeo bên mình để giữ phong độ sĩ quan và tiện ích khi giao chiến giáp lá cà.
Các trận đánh đầu của Trung đoàn 29 Lạng Sơn diễn ra trên đường số 4, nối Cao Bằng, Lạng Sơn và xa hơn là Móng Cái. Các trận phục kích của Trung đoàn 174 đều có sự tham gia của Sáu Nhật, với tư cách chiến sĩ và sau đó là Đại đội trưởng đại đội trinh sát.
Cụ Ca Sơn kể lại: “Bọn lính Pháp kháo nhau rằng, Trung đoàn 174 có một người Nhật rất dũng mãnh, khi xung phong thì không chỉ dùng súng mà còn tuốt gươm ra chém đối phương. Quân Pháp rất sợ chạm trán với Sáu Nhật”.
Trong một trận trên đường số 4, ông bị một sĩ quan Pháp dùng súng lục bắn, rất may viên đạn chỉ sượt qua má và để lại vết sẹo dài. Cụ Đỗ Văn Đắc, cũng là đồng đội của cụ Ca Sơn trong Trung đoàn 174 ghi lại, lúc đó Đại đội trưởng Lê Hoàn quan sát thấy lao tới và rút kiếm, nhưng ông Sáu đã ngăn lại và xin tha. Với ông, “người chiến thắng không giết kẻ đã ra hàng”.
Theo cụ Ca Sơn, chỉ cần nhìn vết sẹo trên mặt thì có thể hình dung được những chiến công và sự can trường của ông Sáu, bản thân ông cũng xem vết sẹo này là kỷ niệm khó phai của mình với đường số 4.
Trong Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950, khi đó Sáu Nhật 26 tuổi, Trung đoàn 174 được giao nhiệm vụ tập kích đánh chiếm đồn Bình Liêu, Quảng Ninh. Khó khăn nhất là tiêu diệt lô cốt mẹ, ông Sáu đã đề nghị Ban chỉ huy mang pháo 75 ly vào trại “Con gái”, khu ở của vợ con lính, sát lô cốt mẹ, khoét lỗ ở tường trong khu đó để có thể dễ dàng bắn thẳng vào lô cốt mẹ. Đã có lúc một số đồng chí du kích ở đơn vị khác tưởng Trung đoàn 174 là gián điệp, nhưng chính Sáu Nhật đã giải thích, hiểu lầm được xóa bỏ. Nhờ đó mà Trung đoàn đã chiếm được đồn Bình Liêu. Thành tích này giúp ông được thăng lên Tiểu đoàn phó, tháng Chín được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Người ký quyết định kết nạp ông Sáu là đồng chí Chu Huy Mân. Những người lính Việt Minh đều biết rằng đồng chí Chu Huy Mân là người rất nghiêm khắc và sát sao trong công tác Đảng. Vì vậy, việc một người Nhật vào hàng ngũ đảng viên, đủ để thấy vai trò và chiến công của ông Sáu to lớn lắm. Kết nạp ông Sáu cũng là việc nêu gương để đồng đội học tập và quyết tâm hơn nữa trong chiến đấu.
“Anh sống rất gương mẫu. Anh không lấy vợ... Ăn uống kham khổ, thiếu thốn đủ thứ, nhưng anh không hề kêu ca, phàn nàn, mà chịu đựng gian khổ còn hơn cả chúng tôi. Tôi học được rất nhiều điều từ anh”, cụ Ca Sơn thán phục nói.
Bồi hồi nhớ về người đồng đội vô cùng đặc biệt, cụ Ca Sơn nói: “Khi nhắc đến anh Sáu Nhật, tất cả anh em chúng tôi đều rất quý trọng, yêu quý, cảm phục anh vì lòng dũng cảm, tinh thần đấu tranh chống lại thực dân, đế quốc, về năng lực chiến đấu, về lòng dũng cảm, về đạo đức, tư cách của một chiến sĩ”. |
Tận tụy chiến đấu, không ngại hiểm nguy để giải phóng một dân tộc xa lạ, Koshiro Iwai nhận ra mình trở thành một người Việt Nam từ lúc nào không hay. Những đồng đội, những người dân cũng xem ông là một con dân nước Việt.
Năm 1953, giữa lúc Trung đoàn 174 đang chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Sáu cùng nhiều người đồng hương gốc Nhật trong quân đội Việt Nam chuẩn bị hồi hương. Đảng Cộng sản Nhật Bản khi đó đề nghị phía ta tạo điều kiện cho những người lính Nhật chiến đấu trong quân đội Việt Nam được trở về Nhật tham gia công cuộc xây dựng lại quốc gia cũng như xây dựng phát triển tình hữu nghị Việt - Nhật.
Về Nhật, ông Sáu được kết nạp vào Đảng Cộng sản Nhật Bản, là thành viên Ban chấp hành Hội hữu nghị Nhật - Việt, Chủ tịch Hội xúc tiến mậu dịch Nhật - Việt. Ông Sáu nỗ lực không ngừng nghỉ giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam - quê hương thứ hai của mình bằng con đường phi chính phủ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ta đánh Mỹ, nhưng Nhật Bản là đồng minh của Mỹ, chính phủ Nhật đứng về phía Mỹ. Những năm ấy, Mỹ cấm vận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên việc mua thiết bị máy móc ở nước ngoài của ta rất khó khăn. Thông qua Hội hữu nghị Nhật - Việt và nhiều công ty tư nhân của Nhật ủng hộ Việt Nam, ông Sáu đã mua và gửi hàng hóa, thuốc men, đặc biệt là các thiết bị điện tử thông tin liên lạc, vô tuyến, truyền hình, viễn thông… cho chúng ta. Những phương tiện kỹ thuật này đã hỗ trợ, góp phần giúp công tác chỉ đạo, chỉ huy tác chiến của ta thông suốt từ Bắc chí Nam.
Cụ Ca Sơn tình cờ gặp lại ông Sáu, vào khoảng những năm 1960, ở hiệu sách Ngoại văn, phố Tràng Tiền, Hà Nội. Khi hỏi chuyện, ông Sáu bảo sang đây có việc. Ông nháy mắt, gật đầu, nhìn Ca Sơn, rồi cười. Lúc chia tay, ông Sáu ôm chặt Ca Sơn và nói: “Hẹn gặp lại”. Nhưng đấy là lần gặp nhau cuối cùng của hai người chiến sĩ cùng đơn vị.
Nhờ có cuốn “Trung đoàn 174 Anh hùng”, qua lời kể của cụ Đỗ Văn Đắc, mà tôi được biết năm 1990, ông Sáu lại có dịp về thăm Việt Nam, với tư cách là Chủ tịch Hội xúc tiến mậu dịch Nhật - Việt, để tổ chức cuộc triển lãm hàng hóa và máy móc của Nhật Bản. Lúc này quan hệ hai nước đang có dấu hiệu ấm lên, ông đóng vai cầu nối giúp giao lưu kinh tế hai nước, hỗ trợ cho các công ty, xí nghiệp vừa và nhỏ của nước ta.
Về Việt Nam gặp lại đồng đội cũ, nước mắt chảy dài, ông hỏi thăm tình hình những người anh em trong Trung đoàn 174 giờ ra sao, kể lại từng kỷ niệm vào sinh ra tử ở đường số 4, Hoàng Hoa Thám, Trung du, Bắc Ninh, Tây Bắc, Điện Biên Phủ giai đoạn đầu.
Do những đóng góp cho công cuộc kháng chiến và giải phóng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Nhà nước và Quân đội ta đã tặng thưởng cho ông Koshiro Iwai – Nguyễn Văn Sáu hai Huân chương cao quý: Chiến công hạng Nhất và Chiến thắng hạng Hai.
Ông mất ngày 20/11/1998 tại Tokyo, khi vẫn ấp ủ nhiều dự định cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Việt Nam, cũng như tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Có những con người đến Việt Nam trong đội quân xâm lược, nhưng sau lại là những người bạn, người đồng chí của Việt Nam. Không chỉ Koshiro Iwai, hay Kostas Sarantidis Nguyễn Văn Lập người Hy Lạp, mà còn rất nhiều người nước ngoài khác, đến từ Nhật, Đức, Áo, hay nhiều nước châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, đã vì chính nghĩa mà gia nhập Việt Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi họ là những “người Việt Nam mới”. Họ hiến thân bảo vệ Việt Nam với lý tưởng cách mạng thế giới và tinh thần quốc tế cao cả. Các thế hệ Việt Nam mãi mãi tự hào có những người bạn chung một chiến hào và biết ơn những con người cao quý đó.
UBND huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều đối với các hộ dân hủy hoại, san gạt đất trái phép ở xã Phú Thịnh.
Ông Trí bị cách chức vì chưa thực hiện tốt quy chế làm việc của cấp ủy và quy chế làm việc của UBND xã, thực hiện sai nguyên tắc tài chính kế toán; thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, buông lỏng lãnh đạo, quản lý.
Tại kỳ họp thứ 28 diễn ra ngày 12-13/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh Lào Cai. Kiến ThứcỦy ban Kiểm tra T.Ư đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật ông Nguyễn Văn Vịnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai1 UBKT Trung ương nhận thấy Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Lào Cai nhiệm kỳ 2011-2016 đã vi phạm các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; thiếu trách nhiệm, buông...
Ôtô container va chạm xe máy trên cầu vượt nút giao IC3, cửa ngõ vào TP Cần Thơ, ba người tử vong tại chỗ, sáng 18/7.
Cơn mưa lớn chiều 5-9 lại khiến cát đỏ tràn xuống như lũ ở phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, khiến một phụ nữ cùng xe máy bị cuốn trôi.
Cao Bằng - Năm 2020, 6 huyện của tỉnh này thực hiện sáp nhập , cũng ngần ấy thời gian loạt trụ sở làm việc của các địa phương lâm...
Ông Trần Văn Sỹ đã gửi đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trong khi đó, tòa án chưa nhận được đơn của bà Hàn Ni.
Theo Thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 23/8, nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng nước Cộng hoà Singapore Lý Hiển Long và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 – 29/8.
TP Hồ Chí Minh lại tiếp tục bàn luận sôi nổi về câu chuyện thành phố trong thành phố. Lần này thì không phải một, mà có đến 5 huyện...