Ý tưởng biến bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) thành công viên sinh thái nhận được nhiều sự ủng hộ từ người dân.
Ý tưởng này do liên danh tư vấn Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đưa ra tại hội thảo phát triển không gian, chức năng dọc hành lang sông Sài Gòn theo kinh nghiệm của Pháp về sông Seine do Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM tổ chức chiều 2-3.
Nghe ý tưởng, nhiều người nghĩ đến việc toàn bộ bán đảo Bình Quới - Thanh Đa sẽ trở thành một công viên sinh thái, kiểu khu rừng giữa lòng TP.
Bà Trần Phương Trà, giám đốc Mạng lưới chính sách kinh tế của AVSE Global, cho biết: "Ý tưởng chính sẽ có một công viên sinh thái rộng 200ha ở Thanh Đa, phần không gian còn lại vẫn phát triển các chức năng đô thị khác nhưng tổng thể giữ được môi trường sinh thái, hạn chế công trình cao tầng, bê tông hóa và sự tác động quá nhiều vào bản sắc, cảnh quan, môi trường khu vực này".
Bà Trà nói thêm khi khảo sát dòng sông Sài Gòn, câu hỏi mà nhóm nghiên cứu luôn đặt ra: "Điểm khác lớn nhất dòng sông này là gì?".
Qua trao đổi, phỏng vấn người dân và các nhà nghiên cứu, nhóm thấy được điểm đặc biệt nhất là dòng sông gắn liền với văn hóa sông nước vùng Đông Nam Bộ; gắn với cuộc sống thường ngày, gắn với động lực phát triển kinh tế cho TP và cả vùng.
Đi vào nghiên cứu sâu, khu vực Thanh Đa đậm chất bản sắc đầm lầy, đặc sắc hơn so với những mảng xanh của các đô thị khác như Singapore, Hong Kong.
Nơi đây có địa thế thấp, nước ngập tưởng là điểm yếu nhưng xét kỹ đây chính là điểm đặc sắc và hiếm hoi còn sót lại dọc sông Sài Gòn.
Vì vậy, nhóm đề xuất tạo nên một khu sinh thái với những hoạt động gắn liền bản sắc sông nước, đầm lầy sẽ rất độc đáo.
Để hình dung hình hài, bà Trà cho hay sẽ có một công viên giữ nguyên hệ sinh thái, sự nguyên sơ như hiện nay ở bán đảo Thanh Đa.
Ở khu vực đó giảm thiểu bê tông hóa, những chỗ nào chưa bê tông sẽ không xây dựng nữa để mở rộng diện tích ngập nước của khu vực. Nơi đây sẽ có những hoạt động kinh tế, nghỉ dưỡng, tham quan, trải nghiệm hạnh phúc cho du khách và người dân khi sống ở đô thị nhộn nhịp, mệt mỏi.
Với quy hoạch đó, công viên bán đảo Thanh Đa sẽ tập trung các hoạt động giải trí, du lịch, nhà hàng, cửa hàng, trung tâm thông tin, vườn thú, vùng đất ngập nước, công viên giải trí, ao câu cá, vườn ươm thực vật, trang trại có bán hàng trực tiếp, làng nghề truyền thống...
Khi không ngập, nơi đây có thể tổ chức các lễ hội lớn về âm nhạc, sự kiện văn hóa, cộng đồng... Người dân có thể thiết kế các hoạt động phục vụ cho du khách theo hướng tự nhiên. Khu Thanh Đa sẽ trở thành nơi cho người dân tái tạo năng lượng để tiếp tục công việc hằng ngày.
Nói về ý tưởng này, TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho rằng ý tưởng quy hoạch tăng không gian xanh, đặc biệt công viên xanh sẽ rất tốt cho TP.HCM.
Một TP hấp dẫn sẽ có môi trường sinh thái tốt. Một mảnh đất làm công viên cả TP được hưởng lợi không chỉ về môi trường mà giá trị đất của toàn TP.HCM còn được nâng lên do tính hấp dẫn và sự phát triển của TP.HCM.
Dù vậy, theo ông Cương, thách thức nhất của ý tưởng này là tính khả thi, bởi phải xét thêm yếu tố khai thác giá trị đất và nguồn lực để làm.
Vì vậy cần có một giải pháp trung hòa giữa không gian làm công viên và khu vực quy hoạch các chức năng khác để khai thác giá trị quỹ đất, bù lại phần đất làm công viên.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP.HCM đang thiếu không gian xanh, hiện chỉ có không quá 0,5m2/đầu người, mục tiêu phải tăng thêm 20 lần. Các dự án của TP.HCM, đặc biệt dự án dọc bờ sông, phải dành diện tích nhất định cho việc phát triển không gian xanh, gắn với hoạt động văn hóa, kinh tế - xã hội.
Theo ông Sơn, khu Thanh Đa là khu vực khá tiềm năng cho TP.HCM với điều kiện địa hình, địa chất, điều kiện tự nhiên khá đặc biệt.
Vùng đất này thấp và là không gian xanh quý hiếm còn sót lại của khu vực.
Khi quy hoạch tất nhiên phải có một công viên trong khu này.
Nhưng quy mô ra sao, đặt ở đâu phải nhìn trong tổng thể bán đảo có nhiều chức năng và việc kết nối giao thông đường thủy, đường bộ, công cộng...
Ông Sơn cho rằng phát triển bán đảo Thanh Đa cần nhìn tổng thể cả các khu vực đối diện bên kia sông. Mặt khác, cần nghiên cứu thận trọng vì nó liên quan tới tính khả thi của dự án. Dự án Thanh Đa phải có đa mục tiêu và cần có sử dụng quỹ đất tạo nguồn ngân sách phát triển dự án, không dựa vào ngân sách công.
Theo ông Sơn, tại Thanh Đa còn tồn đọng nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó phải có giải pháp chỉnh trang khu đô thị hiện hữu.
Ông Sơn đồng tình với gợi ý không xây nhà cao tầng ở bán đảo Thanh Đa, bởi nhìn từ trên cao xuống, khu vực nội thành TP.HCM đã trắng xóa bê tông. Nếu bê tông hóa luôn cả Thanh Đa rất đáng tiếc.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng có thể phát triển đô thị ở Thanh Đa nhưng không nên làm cao tầng như một số khu vực trung tâm, nó không phù hợp.
Không nên làm những bức tường bê tông chắn gió như vậy nữa, nếu làm chỉ nên quy mô vừa phải.
Ông Sơn gợi ý TP.HCM nên tổ chức một cuộc thi về giải pháp quy hoạch kiến trúc cho Thanh Đa.
Hơn 500 camera của FPT lắp đặt tại Thanh Hóa, hỗ trợ các xã hoàn thiện tiêu chí an ninh, xây dựng nông thôn mới.
Quảng Ngãi - Trong khi hàng trăm dự án bất động sản ở Quảng Ngãi chết yểu nhiều năm qua vì vướng thủ tục pháp lý, khiến chủ đầu tư...
Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề 'Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP. Hồ Chí Minh' khai mạc lúc 8h sáng 25/9, tại TP. Hồ Chí Minh.
Cá tra Việt Nam không còn “một mình một chợ”, đang bị cạnh tranh gay gắt, dù tỉ trọng xuất khẩu chiếm gần 50% thị trường toàn cầu.
Tập đoàn T&T Group đã trao ủng hộ tỉnh Điện Biên 5 tỷ đồng (tương ứng với 100 căn nhà), góp phần không nhỏ vào thành công chung của Đề án làm 5.000 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại địa phương cũng như từng bước hiện thực hóa mục tiêu xóa nhà tạm, dột nát, không an toàn trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Sở, ban ngành ở tỉnh Ninh Bình đã nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh ủy bố trí nguồn lực thực...
Người nuôi tôm hùm xanh tại Phú Yên lo lắng khi giá tôm hùm xuống thấp, thị trường Trung Quốc chỉ tiêu thụ tôm hùm cỡ nhỏ dưới 0,3 kg/con.
Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất từ 1.8.2024 được thực hiện theo trình tự quy định tại Nghị định 71/2024/NĐ-CP.
Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013. Dưới đây là tập hợp văn bản hướng dẫn Luật Đất đai 2024.