Vì lòng tham, Kim Sun-ja liên tiếp sát hại năm người bằng đồ uống pha xyanua, trở thành một trong những tên tội phạm khét tiếng nhất nước.
Kim Sun-ja sinh năm 1939, là bà nội trợ ba con sống ở quận Sindang-dong, Seoul. Cả gia đình sống dựa vào thu nhập khiêm tốn từ nghề họa sĩ của chồng nhưng Sun-ja thường xuyên vay mượn tiền từ nhiều người để thỏa mãn cơn nghiện cờ bạc và sở thích đến các quán rượu. Khi không có tiền trả, Sun-ja quyết định giết các chủ nợ và cướp tiền.
Ngày 31/10/1986, Sun-ja rủ bạn là Kim Gye-hwan, 49 tuổi, cùng đến nhà tắm hơi. Trong phòng thay đồ, Sun-ja đưa cho bạn một ly nước bổ dưỡng, Gye-hwan uống mà không suy nghĩ nhiều. Ngay sau đó, bụng cô bắt đầu co thắt và khó thở. Sau khi ngã xuống sàn và sùi bọt mép, cô được đưa đến bệnh viện nhưng được tuyên bố đã tử vong.
Thời điểm đó, khám nghiệm tử thi là điều cấm kỵ trong xã hội Hàn Quốc vì mọi người tin rằng đó là hình thức giết người chết một lần nữa. Vì vậy, nguyên nhân cái chết của Gye-hwan không được làm rõ.
Gia đình cho biết Gye-hwan đeo bốn món trang sức trên người khi rời nhà, bao gồm dây chuyền ngọc trai và nhẫn kim cương, nhưng đều biến mất. Khi bị cảnh sát hỏi, Sun-ja nói chưa bao giờ nhìn thấy những món trang sức. Cảnh sát không tìm thấy bằng chứng nào để nghi ngờ cô ta.
Ngày 4/4/1987, Sun-ja rủ bạn kiêm chủ nợ tên Jeon Soon-ja, 50 tuổi, đi cùng đến quận Yeongdeungpo. Cô ta nói rằng hẹn một con nợ ở đó để nhận tiền và đảm bảo ngay khi lấy lại được tiền sẽ trả cho bạn khoản vay 7 triệu won trước đó. Trên đường đến điểm hẹn bằng xe buýt, Sun-ja đưa cho bạn một cốc thảo dược. Ngay sau khi uống, Jeon Soon-ja phàn nàn rằng có thứ gì đó là lạ trong nước. Cô ngã gục khỏi chỗ ngồi và được đưa đến bệnh viện gần đó, nhưng được xác nhận là đã tử vong.
Tài xế xe buýt và hành khách đều trả lời "không thấy ai có hành vi đáng ngờ hay kỳ lạ" khi cảnh sát thẩm vấn. Cảnh sát cũng không tìm thấy gì đáng chú ý trong túi xách của Jeon Soon-ja hay trong xe buýt. Sun-ja được cho là nghi phạm nhưng không có bằng chứng nào để buộc tội.
Ngày 10/2/1988, Sun-ja đi gặp một chủ nợ khác là Kim Soon-ja, 46 tuổi, rủ đến quán cà phê. Cô ta lặp lại câu chuyện tương tự, nói rằng phải gặp một con nợ ở đó và ngay khi nhận được tiền sẽ trả lại 1,2 triệu won từng vay. Kim Soon-ja đồng ý đi cùng nhưng không thấy con nợ xuất hiện.
Trên đường trở về, Sun-ja mời bạn uống trà. Kim Soon-ja chỉ uống vài ngụm trước khi bắt đầu nôn mửa trên xe taxi. Sun-ja đề nghị bạn uống thêm chút nữa để cảm thấy dễ chịu hơn nhưng cô nghi ngờ và quyết định về nhà một mình. Ngay sau đó, Sun-ja đến nhà cô hỏi thăm sức khỏe và trả nợ, nhờ vậy mọi nghi ngờ tan biến nhanh chóng.
Khi cơn khát tiền gia tăng, hành vi của Kim Sun-ja ngày càng táo bạo, thậm chí chuyển mục tiêu sang các thành viên trong gia đình. Ngày 27/3/1988, Sun-ja đi xe buýt liên tỉnh cùng người cha 73 tuổi để trở về nhà sau khi thăm thân. Trên xe, cô đưa nước cho bố, ông uống rồi ngã gục, qua đời trong bệnh viện. Nguyên nhân cái chết được cho là suy tim tuổi già. Sau khi bố qua đời, Sun-ja yêu cầu hỏa táng ngay lập tức và không hề có cuộc điều tra nào.
Một tháng sau, Sun-ja đưa đồ uống cho em gái 46 tuổi khi cả hai đứng đợi ở bến xe buýt Hwayang-dong. Người em uống rồi gục trên xe buýt, được hành khách khác đưa đến bệnh viện nhưng sau đó không qua khỏi. Khi nạn nhân được khiêng xuống xe, Sun-ja nhân cơ hội bỏ trốn cùng túi xách và trang sức của em gái, đồng thời "nuốt" luôn khoản nợ 10 triệu won. Giống như người cha quá cố, cái chết của cô em được xác định là do đau tim.
Nạn nhân cuối cùng của Sun-ja là một thành viên khác trong gia đình - em họ tên Son Si-won, 44 tuổi. Cô ta hứa hẹn bán cho Si-won một căn nhà tốt với giá rẻ, đề nghị đặt cọc 4,8 triệu won. Khi hai người gặp nhau ở quán cà phê vào ngày 8/8/1988 để nhận tiền, Sun-ja mời em họ một ly đồ uống. Sau cuộc gặp, Si-won đột ngột ngã xuống trên xe buýt, rồi qua đời trong bệnh viện.
Tuy nhiên, lần này, người nhà Si-won đồng ý khám nghiệm tử thi và phát hiện cô chết vì ngộ độc xyanua - chất có độc tính cao, có thể gây chết người với một lượng rất nhỏ.
Khi điều tra hoạt động của Si-won vào ngày gặp nạn, cảnh sát xác nhận người cuối cùng cô gặp là Sun-ja. Cái chết bí ẩn liên tiếp của những người xung quanh Sun-ja khiến nhà chức trách đổ dồn nghi vấn vào cô ta. Ngoại trừ nạn nhân đầu tiên, họ tìm thấy mô-típ quen thuộc là tất cả đều gặp nạn khi đi xe buýt và uống đồ uống Sun-ja đưa.
Sun-ja bị bắt vào ngày 2/9/1988 với cáo buộc đầu độc người thân và chủ nợ. Cảnh sát khám nghiệm tử thi bốn nạn nhân chết trong hoàn cảnh tương tự trước đó và tìm thấy chất độc trong ba thi thể.
Khi bị thẩm vấn, Sun-ja kịch liệt phủ nhận cáo buộc. Cảnh sát khám xét nhà cô ta, tìm thấy đồ trang sức và tiền mặt bị đánh cắp từ nạn nhân. Trong nhà vệ sinh, họ phát hiện một cục xyanua được bọc trong giấy và nylon giấu trong lỗ hổng phía sau toilet. Qua điều tra, Sun-ja mua xyanua từ một người cháu họ làm việc trong nhà máy hóa chất, lấy cớ là cần bắt gà lôi.
Nhà chức trách cũng phát hiện một ngày sau khi sát hại Si-won, Sun-ja đã gửi một tờ séc có chữ viết tay của Si-won vào tài khoản ngân hàng.
Với nhiều bằng chứng, dù Sun-ja không nhận tội, Tòa án Tối cao vẫn kết án tử hình cô ta vào năm 1989 vì sát hại năm người bằng cách tẩm xyanua vào đồ uống của họ.
Sun-ja bị xử tử bằng cách treo cổ vào ngày 30/12/1997. Cô ta là một trong 23 tội phạm bị hành quyết vào ngày hôm đó trên khắp đất nước, là vụ hành quyết cuối cùng được thực hiện ở Hàn Quốc.
Kim Sun-ja là nữ sát nhân hàng loạt đầu tiên được biết đến trong lịch sử Hàn Quốc. Tuy nhiên, cô ta không phải là người cuối cùng. Nhiều thập kỷ sau, vào 2011-2014, một phụ nữ khác chỉ được biết đến với họ "Noh" gây ra một loạt vụ giết người tương tự bằng cách sử dụng thuốc diệt cỏ trong "Vụ đầu độc Pocheon" khét tiếng.
Tuệ Anh (Theo MBC, Seoul Shinmun)
Các bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Nguyễn Văn Sơn (cựu Trung tướng, cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam), Hoàng Văn Đồng (cựu Trung tướng, cựu Chính ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), Doãn Bảo Quyết (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Chính ủy Cảnh sát biển), Phạm Kim Hậu (cựu Thiếu tướng, cựu Tham mưu trưởng Cảnh sát biển), Bùi Trung Dũng (cựu Thiếu tướng, cựu Phó Tư lệnh Cảnh sát biển), Nguyễn Văn Hưng (cựu Đại tá, cựu Phó Tư lệnh Cảnh sát biển) và Bùi Văn Hòe...
TP - Sau hơn hai năm nhường đất cho dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, khoảng 1.500 hộ dân (trong tổng số gần 5.500 hộ được tái định cư) đã nhận đất tại khu tái định cư (TĐC) Lộc An - Bình Sơn. Trong số đó, gần 1.000 hộ với trên 3.500 nhân khẩu đã về nơi ở mới nhưng đời sống vẫn bộn bề khó khăn. Những hộ còn lại chưa thể xây dựng nhà cửa nơi ở mới vì hạ tầng chưa... có gì.
Liên quan đến vụ “Đứng tên đất giùm Chi hội Người cao tuổi rồi không chịu trả lại đất ?” ở Vĩnh Hy (Ninh Thuận), sau chỉ đạo của chủ tịch UBND tỉnh, nguyên chi hội trưởng đã chịu trả lại đất.
Triều cường dâng cao trên 1,7m, vượt mức báo động III, khiến nhiều tuyến đường ở TPHCM bị ngập sâu, việc đi lại, sinh hoạt của người dân gặp nhiều...
Tối 4/8, trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, lãnh đạo Công an Thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an Thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trương Thị Hương (SN 1986, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), để điều tra về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo Điều 174, khoản 2, Bộ luật Hình sự. “Tháng 6/2023, Cơ quan CSĐT, Công an Thị xã Kinh Môn...
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đề nghị cán bộ, chiến sỹ tỉnh Lai Châu chủ động dự báo, nắm chắc tình hình khu vực biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 13 qua tỉnh Bình Dương khởi công tháng 4/2022, có mức đầu tư 1.360 tỷ đồng. Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ bố trí trạm thu phí tại cổng chào Bình Dương và trên đường dẫn vào cầu Phú Long (TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Chiều ngày 30.3, kiểm tra tại khu vực các mỏ khai thác đá ở phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa nằm kế bên sông Buông, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu, các ngành chức năng liên quan của tỉnh Đồng Nai và thành phố Biên Hòa giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.
Ngày 28-1, phiên tòa xét xử vụ án 70 giang hồ Phú Quốc đã kết thúc phần tranh luận. Hội đồng xét xử đã cho các bị cáo nói lời sau cùng. Dự kiến ngày 31-1, hội đồng xét xử sẽ tuyên án.