Xôn xao khi ngoại ngữ thành môn thi tự chọn: Bộ GD-ĐT nói gì?

09:00 30/11/2023

Nhiều ý kiến không đồng tình khi từ năm 2025, môn ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Bộ GD-ĐT nói gì?

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại một điểm thi ở Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Theo phương án 2+2, về cơ bản, 3/4 môn là trùng với tổ hợp định hướng tuyển sinh, học sinh sẽ chú ý học ngay từ khi vào đầu cấp nên giảm nhẹ được khâu ôn thi tốt nghiệp, tạo điều kiện cho việc đẩy sớm được kỳ thi tốt nghiệp THPT vì thế cũng hạn chế việc học thêm, tránh thời tiết nắng nóng, tăng thời gian cho công tác tuyển sinh.
Ông HUỲNH VĂN CHƯƠNG

Chiều 29-11, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, phương án được chốt là 2+2, gồm hai môn bắt buộc là toán và ngữ văn và hai môn tự chọn nằm trong số các môn học lớp 12 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về phương án 2+2, ông Huỳnh Văn Chương, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ GD-ĐT đã thận trọng nghiên cứu, lấy ý kiến các đối tượng phù hợp gồm giáo viên THPT và cán bộ quản lý cấp trường, sở; chuyên gia, đại diện các ban ngành để đưa ra lựa chọn cuối cùng.

"Phương án này đảm bảo được các nguyên tắc lớn để căn cứ đề xuất phương án, trong đó bám sát chủ trương, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chương trình giáo dục phổ thông 2018, kế thừa những kết quả nhiều năm qua về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT" - ông Chương nói.

* Các kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều năm nay ngoại ngữ luôn là môn thi bắt buộc. Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THPT, nó cũng nằm trong nhóm môn học bắt buộc. Vậy vì sao từ năm 2025, môn ngoại ngữ lại không còn là môn thi bắt buộc, thưa ông?

  • Đề thi minh họa tốt nghiệp THPT từ 2025 công bố vào quý 4-2023

  • Thi tốt nghiệp 4 môn nhẹ nhàng, nhưng băn khoăn môn ngoại ngữ lựa chọn

- Việc lựa chọn môn thi chúng tôi đã cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở phân tích Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc thù môn học, kinh nghiệm quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.

Bộ GD-ĐT xác định ngoại ngữ là môn học quan trọng, có tính bắt buộc ở các bậc học. Ở bậc tiểu học, THCS, THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 cho đến lớp 12.

Ở bậc học cao đẳng, đại học, ngoại ngữ cũng là môn học duy nhất tiếp tục được quy định một cách bắt buộc (quyết định 1982/QĐ-TTg 2016 phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam) về chuẩn đầu ra (bậc 2 với trình độ cao đẳng, bậc 3 với trình độ đại học theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam).

Như vậy, dù không thi bắt buộc với mọi học sinh ở kỳ thi THPT nhưng ngoại ngữ vẫn là môn học bắt buộc với mọi học sinh từ lớp 3 đến hết các bậc học cao đẳng, đại học (nếu các em học tiếp sau THPT).

Môn ngoại ngữ giống như các môn học khác đều có đánh giá bằng điểm số trong quá trình dạy học. Kết quả học tập môn ngoại ngữ ở các bậc học này có ý nghĩa quan trọng ngay trong quá trình học tập mà không phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

* Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc có thể sẽ khiến khoảng cách trình độ ngoại ngữ của lớp trẻ ở các vùng miền bị đẩy xa hơn nữa và rất có thể sẽ tụt dốc ở một số địa phương. Bộ có tính đến tình huống này không?

- Một ngoại ngữ bất kỳ đều có bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Với đặc điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay là làm bài thi trên giấy nên với môn ngoại ngữ chỉ đánh giá được kỹ năng đọc. Do vậy, việc đánh giá năng lực ngoại ngữ theo quá trình (đầy đủ bốn kỹ năng) phù hợp hơn so với đánh giá tổng kết (chỉ một kỹ năng đọc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Đúng là ở Việt Nam, kết quả môn ngoại ngữ của kỳ thi tốt nghiệp THPT rất chênh lệch giữa các khu vực khác biệt về cơ sở vật chất và đầu tư học tập cho con người. Ví dụ với môn tiếng Anh, các địa phương có điểm trung bình cao nhất là TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... Còn các địa phương có điểm trung bình thấp nhất là Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Đắk Nông...

Sự chênh lệch này đã được ghi nhận trong nhiều năm. Nên dù có là môn thi bắt buộc với mọi học sinh nhưng nếu không tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và con người thì kết quả học ngoại ngữ vẫn khó được cải thiện.

Như vậy, để cải thiện chất lượng học tập môn ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT xác định phải dựa trên nền tảng cải thiện về cơ sở vật chất và đầu tư cho con người trong việc giảng dạy và học tập môn học này.

Nhìn ra thế giới, cũng rất ít quốc gia và vùng lãnh thổ lựa chọn ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi cấp quốc gia.

* Việc giảm số môn thi có nhiều lợi thế nhưng cũng có ý kiến cho rằng sẽ giảm động lực học tập của học sinh. Đặc biệt ở nhiều nhà trường có thể sẽ cắt giảm bớt tiết môn học không thi dẫn tới không thực hiện đủ chương trình. Bộ GD-ĐT có giải pháp nào cho tình trạng này?

- Các cơ sở giáo dục phải thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của từng môn học đã được quy định trong thông tư 32/2018-TT-BGDĐT được sửa đổi bởi thông tư 13/2022-TT-BGDĐT. Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện đúng và đủ sẽ đảm bảo yêu cầu này.

Mặc dù phương án thi 2+2 chỉ thi bốn môn, nhưng việc xét tốt nghiệp yêu cầu phải có kết quả học tập của tất cả các môn học qua việc đánh giá quá trình. Hiện nay, tỉ lệ điểm thi tốt nghiệp và điểm quá trình là 7/3 (điểm thi chiếm 70%, điểm đánh giá kết quả học tập của học sinh ở lớp 12 là 30%).

Vấn đề này Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng có tăng hay không tỉ lệ điểm quá trình cũng như ngưỡng điểm trung bình của đánh giá quá trình mỗi môn học như điều kiện để được thi tốt nghiệp.

Dữ liệu & đồ họa: MINH GIẢNG

Phương án thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng, hợp lý

* Ông Đỗ Đình Đoàn (hiệu trưởng Trường THPT Bình Tân, TP.HCM):

Phương án thi tốt nghiệp THPT với bốn môn, bao gồm hai môn bắt buộc và hai môn lựa chọn, là hợp lý và nhẹ nhàng cho cả phụ huynh và học sinh. Hai môn toán, văn trước nay luôn là một phần bắt buộc trong chương trình các cấp học, hai môn còn lại được chọn trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thí sinh được sự linh hoạt và đi đúng định hướng nghề nghiệp mỗi em.

Nhiều năm qua dường như có một nghịch lý trong giáo dục của chúng ta là giai đoạn phổ thông các em học tập và thi cử rất nặng nề, chủ yếu nhằm để vào các trường đại học. Vào được các trường đại học rồi thì nhiều em có vẻ lại học nhẹ đi.

Xu hướng này nên ngược lại, nghĩa là các bạn có thể vào đại học nhẹ nhàng nhưng đầu ra đại học nên được siết lại thật chặt. Nếu đi theo hướng này sẽ thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT dần trở nên nhẹ nhàng là một điều tất yếu.

* ThS Phạm Thái Sơn (giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường đại học Công Thương TP.HCM):

Phương án thi tốt nghiệp THPT mới từ năm 2025 dự kiến không có nhiều ảnh hưởng với việc xét tuyển của các trường đại học. Hiện nay, các trường đại học đang tuyển sinh bằng nhiều phương thức, và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một trong nhiều phương thức ấy.

Điển hình những năm gần đây các trường đều xét thêm nhiều phương thức khác như kết quả học bạ, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực... Bên cạnh đó, các tổ hợp xét tuyển ở những trường đại học cũng sẽ có sự linh hoạt theo các môn thi tốt nghiệp THPT.

Một điều tôi muốn lưu ý đến các em học sinh là môn ngoại ngữ. Dù ngoại ngữ trở thành một môn lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, nhưng để có được lợi thế khi học đại học và cho sự nghiệp sau này, học sinh vẫn nên cố gắng học tốt ngoại ngữ. Đó có thể là tiếng Anh, tiếng Hoa hay một thứ tiếng nào khác. Ngoại ngữ tốt sẽ mở thêm rất nhiều cơ hội cho các em.

* Nguyễn Thị Mỹ Duyên (học sinh lớp 11 Trường THPT Thái Phiên, tỉnh Quảng Nam):

Mình cảm thấy hào hứng với phương án mà Bộ GD-ĐT lựa chọn vì mình được lựa chọn môn thi phù hợp năng lực, với ngành và trường mình theo đuổi. Trước đó, mình rất muốn thi khối D01 nhưng bản thân không học tốt môn tiếng Anh nên đã có nhiều lo lắng và băn khoăn về tổ hợp cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. 2025 là năm đầu tiên mà học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới, việc có thông báo sớm về phương án thi như thế này giúp mình có thể xác định môn học từ sớm, lên kế hoạch ôn tập hiệu quả.

Với mình, ngoại ngữ trở thành môn tự chọn không khiến học sinh sẽ lười học mà đó là sự mở rộng giới hạn để học sinh được thử, tiếp xúc với các ngôn ngữ khác.

Có thể bạn quan tâm
Đại hội Công đoàn VNPT Lâm Đồng: Phát huy hiệu quả phong trào thi đua

Đại hội Công đoàn VNPT Lâm Đồng: Phát huy hiệu quả phong trào thi đua

09:00 03/04/2023

Phát huy hiệu quả phong trào thi đua vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ giải pháp của Công đoàn cơ sở VNPT Lâm Đồng nhiệm kỳ 2023 -...

Có 21 người Hàn Quốc trong chiếc xe khách lao xuống vực ở Phú Thọ

Có 21 người Hàn Quốc trong chiếc xe khách lao xuống vực ở Phú Thọ

18:20 11/06/2023

Phú Thọ - Chiều 11.6, UBND huyện Tân Sơn đã có báo cáo nhanh về vụ xe khách lao xuống vực tại tuyến tỉnh lộ 316E, đoạn qua xã Xuân...

Mua ma túy về Phú Yên bán kiếm lời, người đàn ông lĩnh án chung thân

Mua ma túy về Phú Yên bán kiếm lời, người đàn ông lĩnh án chung thân

11:20 19/04/2024

Ngày 19.4, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Phát (SN 1986, trú phường Phú Thạnh,...

CLIP: Tìm thấy hơn 1,5 tỷ đồng trong căn nhà bị kẻ nghi ngáo đá đốt cháy

CLIP: Tìm thấy hơn 1,5 tỷ đồng trong căn nhà bị kẻ nghi ngáo đá đốt cháy

02:30 30/03/2023

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng nhanh chóng đưa xe cứu hỏa đến hiện trường dập lửa. Trong căn nhà cháy, lực lượng chức năng tìm được 1,5 tỷ đồng còn nguyên vẹn.

F-16 do Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine có ảnh hưởng đến Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga?

F-16 do Mỹ và phương Tây viện trợ cho Ukraine có ảnh hưởng đến Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga?

06:40 20/08/2023

Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuyển giao vài chục chiếc F-16 cho Ukraine không phải là một vấn đề lớn, bởi trong kho vũ khí của các nước NATO (không bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ) có khoảng 500 máy bay chiến đấu loại này.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ người nghèo đón Tết

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ người nghèo đón Tết

19:00 11/01/2024

Ngày 11.1, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý vừa có thư kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ người nghèo đón Tết Giáp Thìn 2024.

Ôtô bốc cháy dữ dội khi đang đỗ gần cửa hàng xăng dầu

Ôtô bốc cháy dữ dội khi đang đỗ gần cửa hàng xăng dầu

17:40 12/06/2023

Khi đang dừng đỗ trong khu vực của một cửa hàng xăng dầu ở Quảng Ngãi , chiếc ôtô tải bất ngờ bốc cháy dữ dội.

Đại biểu Quốc hội đề nghị không tước bằng lái nếu mức vi phạm nồng độ cồn thấp

Đại biểu Quốc hội đề nghị không tước bằng lái nếu mức vi phạm nồng độ cồn thấp

11:20 27/03/2024

Quy định cấm triệt để uống rượu, bia khi lái xe tiếp tục nhận được sự quan tâm của các đại biểu khi cho ý kiến về dự Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 27/3.

Hà Nội mưa rét đỉnh điểm, người bán 'ôm' cây cảnh Tết, sốt ruột chờ khách mua

Hà Nội mưa rét đỉnh điểm, người bán 'ôm' cây cảnh Tết, sốt ruột chờ khách mua

09:30 23/01/2024

Video: Hà Nội mưa rét khiến thị trường cây cảnh Tết ế ẩm. Suốt cả ngày 22/1, Hà Nội rét đậm kèm mưa phùn khiến ai cũng ngại ra đường. Chính vì thế, nhiều chợ hoa và những tuyến phố đang trưng bày cây cảnh Tết lâm cảnh vắng vẻ, ế ẩm, dù trước đó rất náo nhiệt. Nhiều tiểu thương co ro trong giá rét, gắng gượng trông hàng, chờ khách đến mua. Nhiều gian hàng bày bán đào rừng, lê rừng trên đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) đã phải dựng lều trại trú mưa,...

Co loi xay ra
Co loi xay ra