Nhiều xe tang vật, xe vi phạm được cơ quan công an nhiều nơi tạm giữ đang chất đống hư hỏng, biến dạng tại các kho bãi dưới trời mưa nắng do điều kiện bảo quản kém. Lãng phí tài sản này ai phải chịu trách nhiệm?
Sáng 17-3, đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM tiếp tục khảo sát theo kế hoạch tại Công an huyện Hóc Môn và quản lý thị trường về công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện hành chính bị tạm giữ, tịch thu.
Quá trình khảo sát cho thấy tình trạng xe máy vi phạm giao thông bị tạm giữ chiếm số lượng lớn trong điều kiện kho bãi không bảo đảm khiến xe hư hỏng, biến dạng.
Những ngày qua, trước khi khảo sát tại huyện Hóc Môn, đoàn giám sát đã khảo sát tại Công an TP Thủ Đức, Công an quận 1, Công an quận 6... cũng ghi nhận thực trạng thiếu, quá tải kho bãi bảo quản nên xe vi phạm cũng như nhiều tang vật khác bị hư hỏng, suy giảm giá trị.
Đánh giá về công tác bảo quản tang vật, xe bị tạm giữ và tịch thu, ông Nguyễn Văn Đạt - phó trưởng Ban Pháp chế - cho rằng những tang vật, xe này là tài sản của nhân dân, cá nhân, tổ chức. Đáng lẽ phải bảo quản tốt thì mang để ngoài trời mưa nắng như vậy. Nếu tài sản đó thuộc trường hợp tịch thu, đưa ra bán đấu giá thu ngân sách thì cũng phải bảo quản tốt để bảo đảm giá trị tài sản.
"Đừng để tình trạng tài sản lúc đưa vô tạm giữ giá trị là 10 đồng đến khi đưa ra chỉ còn 1 đồng, thậm chí là sắt vụn. Đề nghị kho bãi bảo quản phải có mái che, che chắn, phòng cháy chữa cháy", ông Đạt nói và đề nghị cơ quan công an, quản lý thị trường phải rà soát lại các quy định hiện hành liên quan công tác quản lý, bảo quản tang vật, xe.
"Phải rà soát lại quy định. Các cơ quan có trách nhiệm quản lý, bảo quản phải thực thi hết trách nhiệm của mình. Nội dung nào, quy định nào khi thực hiện bị vướng mắc do khách quan hay chủ quan thì kiến nghị cụ thể. Chẳng hạn như quy định giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người vi phạm tạm giữ cũng đã có, nhưng chưa thực hiện", ông Đạt nêu.
Trao đổi với đoàn giám sát, đại diện Công an TP Thủ Đức, địa phương có số lượng lớn xe vi phạm bị tạm giữ và tịch thu, cho biết trong thời hạn tạm giữ (bảy ngày theo quy định), người vi phạm có xe tốt, số tiền phạt ít thì đã đóng tiền phạt và lấy xe về. Còn lại các xe tồn lưu chủ yếu là xe vi phạm nồng độ cồn, xe "mù", xe không bảo đảm an toàn kỹ thuật... bị bỏ lại.
"Đặc biệt khi tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây, các xe vi phạm bị tạm giữ tăng lên. Lỗi nồng độ cồn có mức phạt cao kèm với các lỗi khác, nếu xe có giá trị thấp, người vi phạm không đến đóng phạt, lấy xe về dù hết thời hạn tạm giữ", vị này nói và cho biết các địa phương chủ yếu tận dụng đất trống, trụ sở... để làm nơi tạm giữ.
Trong khi đó, theo đại diện Công an quận 1, quy định pháp luật buộc trách nhiệm của cơ quan tạm giữ tang vật, phương tiện phải bảo quản tốt cho tài sản nhưng không quy định điều kiện tiêu chuẩn kho bãi. "Trong khi đó quỹ đất bố trí kho bãi rất thiếu mà việc thuê kho của tư nhân cũng không dễ thực hiện vì theo quy định việc thuê phải trải qua trình tự đấu thầu, bố trí ngân sách", vị này cho biết.
Các cơ quan cũng nêu tình trạng thiếu kinh phí để xây dựng kho bãi trong khi không có quy định thu lệ phí trông giữ xe tạm giữ nên không có nguồn kinh phí tái đầu tư, cải tạo, sửa chữa kho bãi... Trong khi đó, với xe bị tịch thu, quy trình xử lý để bán được một xe máy từ khi người vi phạm bỏ xe phải tuân thủ thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 12 tháng.
Ngoài ra, phải trải qua các bước xác minh, thông báo, tịch thu, thẩm định giá bán đấu giá mất khoảng 2 - 3 năm. Việc thực thi đối với quy định đặt tiền bảo lãnh xe và quy định giao xe vi phạm cho người vi phạm tạm giữ cũng gặp khó khăn, vướng mắc.
"Các khó khăn, vướng mắc trên khiến xe vi phạm bị tịch thu lưu cữu chất đống kho, bãi và bị xuống cấp, hư hỏng. Cộng với xe bị tạm giữ mới mỗi ngày tạo áp lực quá tải cho kho bãi", đại diện công an một địa phương cho biết.
Ngày 9-3-2023, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 762 về ủy quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Theo đó, giao giám đốc Sở Tài chính phê duyệt phương án đối với tang vật, phương tiện do các cơ quan cấp TP và chủ tịch UBND tịch thu. Chủ tịch UBND quận, huyện được phê duyệt phương án đối với tang vật, phương tiện do cơ quan quận huyện, phường xã ra quyết định tịch thu.
Các đơn vị được khảo sát cũng kiến nghị với đoàn giám sát về việc kiến nghị cơ quan chức năng tinh gọn thủ tục đặt tiền bảo lãnh. Trong khi đó, bà Phạm Quỳnh Anh - trưởng Ban Pháp chế HĐND TP - cho biết lãnh đạo TP phụ trách cải cách tư pháp đã yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan báo cáo về thực trạng quản lý, bảo quản tang vật, xe bị tạm giữ, tịch thu để có hướng tháo gỡ, hoàn thiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng việc xử phạt qua hình ảnh camera đối với ô tô được lực lượng chức năng thực hiện thời gian qua rất hiệu quả nên hoàn toàn có thể áp dụng phạt nguội qua camera khi xử phạt xe máy.
Theo ông Tuấn, với xe máy phát hiện trực tiếp phạm lỗi, cảnh sát giao thông có thể giữ bằng lái, giấy đăng ký xe đối với lỗi nhẹ hoặc có thể gỡ biển số xe để tạm giữ, người vi phạm sẽ không thể lái xe đó ra đường được nữa.
Với trường hợp chủ xe máy nào không chấp hành việc đóng tiền xử phạt vi phạm, có thể lưu giữ, chia sẻ thông tin vi phạm hành chính đến các cơ quan liên quan. Khi chủ xe tái phạm sẽ bị phạt kèm "truy thu" mức tiền phạt lần vi phạm trước.
Trong trường hợp chủ xe máy vi phạm mà không chấp hành đóng tiền phạt, khi mua bán hay sang tên, cơ quan chức năng xử lý, "truy thu".
"Như vậy có thể thấy có nhiều cách ngăn chặn bảo đảm cho việc chấp hành quyết định xử phạt của người vi phạm và răn đe người vi phạm chứ không nhất thiết phải tạm giữ xe mà bảo quản kém ảnh hưởng đến tài sản của người dân", ông Tuấn gợi ý.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng (nguyên ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội):
Câu chuyện những bãi xe vi phạm chứa hàng ngàn xe dãi nắng dầm mưa, cỏ dại dây leo phủ kín xe không phải là mới mà đã tồn tại nhiều năm qua. Trong khi đó, thủ tục từ tạm giữ đến thanh lý xe vi phạm rất phức tạp.
Theo quy định, sau khi hết hạn tạm giữ, phải thông báo hai lần xác minh chủ nhân xe. Hết hạn một năm từ ngày thông báo lần hai mới ra được quyết định tịch thu xe nếu không xác định được chủ xe. Sau đó, địa phương sẽ phải thành lập hội đồng gồm nhiều sở, ngành để định giá, đấu giá, phát mãi xe. Trình tự thủ tục này quá dài, trong khi số tiền thu được sau khi bán đấu giá đôi khi rất thấp, không đủ chi trả cho các khoản chi phí trước đó.
Thế nhưng việc hàng ngàn xe để như vậy không chỉ là sự lãng phí của cải xã hội mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ô nhiễm, cháy nổ rất cao và thực tế đã xảy ra một số vụ cháy ở các địa phương.
Để giải quyết triệt để vấn đề này, Chính phủ cần vào cuộc chỉ đạo Bộ Công an, các địa phương có thống kê đầy đủ tình hình, thực trạng việc xe phơi nắng mưa để đề xuất hướng xử lý cụ thể. Đồng thời cần xem xét, tăng hình thức xử phạt bằng tiền hay biện pháp khác đối với các vi phạm và hạn chế tạm giữ xe để tránh cho việc họ bỏ xe. Với việc lập biên bản hiện nay đã có căn cước công dân gắn chip nên cần sử dụng lấy thông tin, địa chỉ chính xác của người vi phạm để phục vụ việc liên hệ về sau.
Quan trọng hơn là cần xem xét sửa đổi các quy định của Luật đấu giá tài sản, Luật xử lý vi phạm hành chính, các văn bản liên quan về trình tự, thủ tục bán đấu giá phương tiện vi phạm để nhanh, thuận lợi hơn. Chỉ khi có các giải pháp đồng bộ, gỡ vướng về thủ tục mới có thể mong sớm giải quyết tình trạng này.
THÀNH CHUNG ghi
Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an Đà Nẵng, từ giữa tháng 12 đến nay, lực lượng CSGT toàn TP đã lập biên bản 22.481 trường hợp vi phạm và tạm giữ 3.757 xe, trong đó gần 3.000 xe bị tạm giữ do các lỗi liên quan nồng độ cồn, khiến bãi giữ xe của công an các quận trung tâm gặp nhiều áp lực.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy hầu hết các bãi tạm giữ của công an các quận đều gặp tình trạng quá tải do số lượng xe tạm giữ tăng lên nhiều từ khi đẩy mạnh xử lý liên quan đến nồng độ cồn. Đại tá Phan Ngọc Truyền, trưởng Phòng CSGT Công an Đà Nẵng, cho biết do các lỗi vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt rất nặng nên có nhiều trường hợp chủ xe máy "bỏ của chạy lấy người".
Theo quy trình, sau một năm chủ xe bỏ xe, đơn vị này sẽ thông báo tìm chủ xe trên các phương tiện truyền thông. Với xe vô chủ mà thẩm định còn giá trị sử dụng sẽ được bán đấu giá, xe quá nát thì sẽ tổ chức tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, một số bãi giữ xe tại khu vực quận trung tâm không có nhiều không gian nên gây khó khăn cho các lực lượng trong việc quản lý, bảo quản.
"Có rất nhiều xe vi phạm cũ nát đến mức mà giá trị chiếc xe lại thấp hơn số tiền bị xử phạt. Với những xe này, tỉ lệ chủ bỏ xe rất cao nhưng vẫn phải xử lý như xe thông thường. Những xe này lại mang nhiều nguy cơ về cháy nổ, gây áp lực lên đơn vị tạm giữ nên hầu như năm nào chúng tôi cũng có một đợt xử lý để giảm tải áp lực cho các bãi giữ xe", ông Truyền nói.
TRƯỜNG TRUNG
Thời gian qua nhiều bãi trông giữ xe vi phạm giao thông, xe tang vật tại Hà Nội đang quá tải. Nhiều xe vi phạm phơi nắng phơi mưa nhiều năm nhưng không có chủ đến nhận cũng chưa thể thanh lý.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long (Hà Đông, Hà Nội), đơn vị ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tang vật với công an một số quận, đội CSGT và một số tổ công tác 141 Công an Hà Nội, hàng ngàn chiếc xe máy đủ chủng loại cũ - mới được tập kết, chất đống. Trong đó có những xe thuộc dòng xe cao cấp, đắt tiền, cũng có những xe vì để quá lâu nên hư hỏng nặng không thể sử dụng. Nhiều khu vực bị cây cỏ dại leo um tùm, quây kín hàng trăm chiếc xe.
Một đại diện của Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết đơn vị đang trông giữ hàng ngàn xe vi phạm, tai nạn giao thông, trong đó có cả xe máy và ô tô. Có những xe đã ở bãi này ba năm, thậm chí có xe nằm hơn 10 năm. "Cơ quan chức năng đang kiểm tra lại số khung, số máy của các xe vi phạm, đăng thông tin lên phương tiện thông tin đại chúng để các chủ xe đến nhận xe", vị này nói.
DANH TRỌNG
● Sửa đổi luật qua đó tăng thêm tiền phạt, tính thêm tiền giam giữ xe, giảm thời gian giam xe, nếu đến hạn không đến giải quyết thì ra quyết định thanh lý. (Van Le)
● Đa phần xe ma, xe độ, xe không có giấy tờ, xe cùi... không giữ mà thả ra thì chết tiếp ạ. Còn như xe tôi giấy tờ đàng hoàng sạch đẹp, khi vi phạm đóng phạt mau mau mà lấy xe ra ai mà để hư hỏng (Nguyễn Trung Tuyến).
● Xe có tội gì, tội là tại con người. Phơi mưa phơi nắng, lãng phí quá. (Thiện Tâm)
● Tạm giữ cũng phải có trách nhiệm bảo quản xe vi phạm, không thể để hư hao tài sản vì đó cũng là tài sản của nhân dân, của xã hội. (TraVi)
● Theo tôi quy định chặt hơn, quá một tháng không lấy xe ra bán thanh lý. Tiền này sung công quỹ. (Phan Văn Kiện)
● Đất nước còn nhiều vùng khó khăn, nhìn cảnh này thật hoang phí. Có thể lên tới hàng tỉ đô. (Con đường tơ lụa)
● Sao không quy ra tiền giam xe mà cho người dân mang xe về. Ví dụ, phí giam xe 50.000 đồng/ngày, nếu một tháng thì cứ nhân lên rồi cho họ mang xe về và yêu cầu không mang lưu thông. Nếu bắt được phạt và tăng phí lưu kho tiếp, có như thế họa may mới giảm được tình trạng này và giảm mặt bằng làm bãi giữ xe. (Thi)
● Quy định gì mà muốn thanh lý xe vi phạm bỏ không lấy mà phải đợi đến hai năm? Chỉ cần sau ba tháng không đến nộp phạt lấy xe ra xem như chủ xe từ chối nhận về và đơn vị quản lý có quyền bán thanh lý. (Đoàn Hòa)
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất màu sơn của xe ô tô chở trẻ em mầm non, học sinh; quy định việc xử phạt với trường hợp không lắp đặt thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non hoặc thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.
Một số vấn đề lớn của dự thảo luật được xem xét là vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; công khai thông tin của...
Dự kiến cuối năm 2024 cầu Phước long và cầu Rạch Đỉa sẽ hoàn thành cùng việc thông xe hầm chui Nguyễn Văn Linh để giải quyết vấn đề kẹt xe cho cả khu vực.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM vừa báo cáo sự việc liên quan xe buýt tuyến 56 tông sập khung giới hạn tại cầu An Phú Đông (nối quận Gò Vấp và quận 12).
Đi tắm cùng bạn, hai học sinh lớp 8 chết đuối dưới hồ nước trong khu vực hầm đất đã khai thác xong.
Lực lượng chính phủ đã kiểm soát thành công các vị trí ở cửa ngõ khu vực Wadi Omran và tại những ngôi làng từng chứng kiến các cuộc tấn công khủng bố do al-Qaeda tiến hành nhằm vào lực lượng an ninh.
Khu vực 700m liên quan đến vụ 'doanh nghiệp đòi cát' có 449m ảnh hưởng dự án vành đai 3 TP.HCM, nay việc thi công trong khu vực này diễn ra bình thường, chưa gặp sự cản trở.
Ít nhất 16 người thiệt mạng trong vụ cháy mỏ than ở tây nam Trung Quốc hôm 24.9.
Bộ trưởng Quốc phòng Croatia Mario Banozic bị thương nặng sau một vụ va chạm ô tô ngày 11-11. Vụ tai nạn xảy ra trong một ngày mưa và có sương mù.