Ukraine hiện không thể đánh chặn bom lượn dẫn đường của Nga, nhưng tiêm kích F-16 mà họ sắp nhận có thể ngăn máy bay Nga sử dụng chúng.
PS01, tài khoản mạng xã hội chuyên đưa tin về chiến sự Ukraine, ngày 19/12 đăng video Nga thả bom dẫn đường FAB-1500 xuống phía nam làng Tiahynka ở bờ tây sông Dnieper, tỉnh Kherson. Video được quay từ máy bay không người lái (UAV) cho thấy quả bom nặng 1,5 tấn tạo ra quầng lửa lớn bao trùm ngôi làng.
PS01 cho biết không quân Nga ném trung bình khoảng 100 quả bom xuống khu vực này mỗi ngày. "Những quả bom lượn của Nga hoàn toàn không thể ngăn chặn, phần lớn được thả một cách chính xác xuống mục tiêu", tài khoản này viết.
Binh sĩ Ukraine ở tiền tuyến trước đó cũng nói bom dẫn đường Nga có uy lực lớn và đạt hiệu quả cao khi phối hợp cùng UAV trinh sát.
"Bom dẫn đường là một trong những nỗi sợ lớn nhất trên chiến trường. Lực lượng Nga sử dụng chúng một cách triệt để. Tôi không thể bình luận về độ chính xác, nhưng loại bom này có uy lực rất mạnh", Olexandr Solonko, binh sĩ Ukraine đang tham chiến tại mặt trận Zaporizhzhia, nói hồi cuối tháng 8.
Trong giai đoạn đầu xung đột, các chiến đấu cơ hiện đại của Nga như Su-30SM, Su-34 phải bay ở tầm cực thấp để thả bom và rocket không dẫn đường tấn công mục tiêu Ukraine.
Điều này khiến chiến đấu cơ Nga lọt vào tầm bắn hiệu quả của phòng không Ukraine, đặc biệt là các hệ thống do phương Tây cung cấp, khiến Moskva tổn thất nặng về khí tài không quân. Phương Tây ước tính Nga mất khoảng 70 máy bay các loại trong năm đầu tiên của chiến sự.
Tình hình thay đổi từ đầu năm nay, thời điểm không quân Nga bắt đầu trang bị bom dẫn đường cho chiến đấu cơ hoạt động ở Ukraine, gồm bom lượn UPAB-1500 và bom FAB-500 gắn Mô-đun Dẫn đường và Cánh nâng Hợp nhất (UMPK). Khi được thả ở độ cao hàng nghìn mét, những quả bom này có thể bay xa 40 km và gây sát thương trong phạm vi hàng chục mét xung quanh mục tiêu.
Moskva được cho là bắt đầu sử dụng FAB-1500, loại bom nặng gấp ba lần bom FAB-500, từ hồi tháng 9.
"Tập kích đối phương bằng bom lượn giúp chiến đấu cơ Nga có thể công kích từ ngoài tầm bắn hiệu quả của phần lớn hệ thống phòng không mặt đất Ukraine", chuyên gia quân sự David Axe cho biết.
Theo Axe, tiêm kích Ukraine như Su-27 and MiG-29 không thể xuất kích đánh chặn máy bay Nga trước khi bom được thả, do tên lửa không đối không R-27 của chúng không có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa như vậy. Tiêm kích Ukraine cũng không thể đến gần chiến đấu cơ Nga để khai hỏa, vì sẽ bị hệ thống phòng không S-400 với tầm bắn 400 km của Nga phát hiện và bắn hạ trước.
"Ukraine cần được chuyển giao tiêm kích mới để có thể đối đầu với máy bay Nga một cách sòng phẳng hơn", báo cáo tháng 11/2022 của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định.
Chuyên gia Axe cho rằng chiến đấu cơ F-16 mà Ukraine sắp tiếp nhận chính là vũ khí mà Kiev cần để khắc chế chiến thuật sử dụng bom lượn của Nga. "Các dòng tiêm kích hiện tại của Ukraine không thể ngăn chặn máy bay ném bom lượn của đối phương. Các chiến đấu cơ mà nước này sẽ được chuyển giao, trong đó có F-16, thì có thể", ông cho hay.
Theo truyền thông phương Tây, phi công Ukraine "đang chạy đua với thời gian" để hoàn thành khóa huấn luyện tiêm kích F-16, trong bối cảnh một số nước chuẩn bị chuyển giao cho Kiev chiến đấu cơ này trong vài tuần tới.
Đan Mạch đã cam kết cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, lô đầu gồm 6 chiếc được bàn giao trong năm nay, 8 chiếc tiếp theo vào năm 2024 và 5 chiếc vào năm 2025. Giới chức Bỉ hồi tháng 10 cho biết nước này sẽ chuyển F-16 cho Ukraine, song không nêu số lượng cụ thể và nhận định tốc độ sẽ phụ thuộc vào quá trình Brussels thay thế mẫu máy bay này bằng tiêm kích tàng hình F-35.
Theo chuyên gia Axe, trong kịch bản tốt nhất thì Kiev sẽ được chuyển giao hơn 60 tiêm kích F-16. "Con số này đủ để thay đổi cục diện trên không ở Ukraine và đẩy lùi máy bay ném bom lượn của Nga", ông nhận định.
So với Su-27, tiêm kích F-16 có hệ thống cảm biến, tác chiến điện tử và vũ khí tốt hơn. Khi hoạt động ở độ cao lớn, nó có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 290 km và phóng tên lửa bay xa 100 km, cao hơn nhiều lần so với Su-27.
Tiêm kích do Mỹ sản xuất cũng được gắn thiết bị gây nhiễu ALQ-131, ALQ-184, cung cấp thêm lớp bảo vệ cho máy bay trước hệ thống phòng không S-400.
"F-16 có thể khai hỏa từ sau tiền tuyến để bắn hạ chiến đấu cơ Nga trước khi chúng tiếp cận mục tiêu đủ gần để thả bom lượn, qua đó khắc chế loại vũ khí 'không thể đánh chặn' này của đối phương", Axe cho biết.
Phạm Giang (Theo AFP,Forbes)
Mỹ nói video người đàn ông Palestine bị lính Israel trói trên nắp capo xe quân sự 'gây sốc', kêu gọi điều tra để tìm người chịu trách nhiệm.
Chiều 22/8, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức họp báo thông tin về Hội nghị quốc tế lần thứ 8 Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 (APGN-8).
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường, ngăn chặn xung đột leo thang; còn Nga quan ngại sâu sắc về sự leo thang xung đột Palestine-Israel.
Donald Trump gửi thư đến cử tri kêu gọi quyên góp, khẳng định mình là 'tù nhân chính trị' sau khi bồi thẩm đoàn ở New York kết luận ông có tội.
18 người thiệt mạng và chỉ phi công sống sót sau khi máy bay rơi trong lúc cất cánh và bốc cháy tại sân bay thủ đô Kathmandu của Nepal.
Nga cho rằng, toàn bộ vũ khí cũ của châu Âu đều tham gia chiến dịch Ukraine tấn công tỉnh Kursk, 70% số thiết bị này đã bị phá hủy.
Khi đang ngồi xe bus trên đường từ trường về nhà, Holland, 14 tuổi, nhận ra tài xế không giảm tốc độ, rẽ vào nhà cậu như thường lệ.
Camera trên chó nghiệp vụ cho thấy binh sĩ Israel đã bắn chết lính canh Hamas, nhưng lỡ cơ hội cứu ba con tin, những người bị giết nhầm 5 ngày sau đó.
Nhà Trắng cho rằng Iran hoặc các nhóm vũ trang thân Tehran có thể tấn công trả đũa Israel sớm nhất trong tuần này.