Vụ tấn công bằng máy bay không người lái (drone) vào Điện Kremlin rạng sáng 3-5 gây ra hàng loạt suy đoán, thuyết âm mưu, lẫn lo ngại về sự khốc liệt sắp tới trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.
Quan chức Ukraine và truyền thông quốc tế cho biết đã có những tiếng nổ lớn rạng sáng 4-5 tại thủ đô Kiev. Thông tin này càng trở nên nhạy cảm trong bối cảnh Nga đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn về việc đáp trả cho cái mà họ cho là hành động ám sát Tổng thống Vladimir Putin.
Vụ tấn công bất ngờ bằng drone lập tức châm ngòi cho một loạt suy đoán, với câu hỏi: đây là kịch bản do Nga dàn dựng, hay Ukraine và phe ủng hộ thực sự đứng sau vụ ám sát ông Putin?
Ukraine đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc tấn công Điện Kremlin. Lúc xảy ra vụ việc, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky đang đi thăm Phần Lan. Ông nói: "Chúng tôi chỉ chiến đấu trên lãnh thổ chúng tôi. Chúng tôi không tấn công ông Putin, mà để việc đó cho tòa án quốc tế".
Nga khẳng định Điện Kremlin không bị tổn thất và Tổng thống Putin vô sự. Được biết ông Putin cũng không có mặt tại Điện Kremlin vào thời điểm xảy ra vụ việc, và cũng không ngủ lại dinh thự này.
Phía ủng hộ Ukraine cho rằng Kiev không dại dột thực hiện vụ tấn công quy mô nhỏ và có vẻ vô hại như vậy. Bà Alina Polyakova, chủ tịch và tổng giám đốc Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu (trụ sở Washington, Mỹ), nhận xét: "Việc cho đây là một vụ ám sát thật khôi hài. Điện Kremlin là một boongke và dường như một chiếc drone như thế chỉ có thể tạo ra thiệt hại nhỏ".
Bên cạnh khả năng các nhóm chính trị ở Nga thực hiện vụ tấn công, truyền thông phương Tây dẫn lời một số nhà phân tích nghiêng theo hướng chính Matxcơva tạo ra cuộc tấn công này. Theo họ, việc giả một cuộc tấn công được cho là cách ông Putin có thêm lý do vận động nguồn lực cho chiến sự tại Ukraine trước kỷ niệm thắng Đức quốc xã, tức Ngày chiến thắng 9-5.
Tuy vậy có vẻ chưa phân tích nào giải quyết được mâu thuẫn trong vụ việc này. Nếu Nga ngụy tạo cuộc tấn công, họ có cái giá khá lớn để đánh đổi.
Theo AP, đây là vụ xâm nhập không phận nghiêm trọng nhất với Nga kể từ sự kiện phi công "tuổi teen" người Đức Matthias Rust đáp máy bay xuống Quảng trường Đỏ năm 1987.
Nói cách khác, Nga sẽ mất mặt nếu để hai chiếc drone Ukraine tấn công thẳng vào Điện Kremlin. Đây là chi tiết có thể bào mòn niềm tin của người Nga vào biểu tượng sức mạnh quân sự của đất nước.
Ngoài ra, nếu Ukraine thực sự tấn công, cái họ cần chưa hẳn phải là kịch bản "ám sát thành công ông Putin". Bằng cách đưa ra thông điệp "Matxcơva không an toàn", đây là chiêu tâm lý ảnh hưởng tới sự ủng hộ của dân chúng dành cho ông Putin trong cuộc xung đột hiện nay.
Dù là Ukraine tấn công hay Nga ngụy tạo vụ việc, hai suy đoán này đều dẫn đến kịch bản duy nhất: Nga sẽ kiên quyết đẩy xung đột với Ukraine lên nấc thang mới.
Trước khi Nga công bố kết quả điều tra vụ tấn công, hiện tại Matxcơva đã không ngần ngại đe dọa tiêu diệt Tổng thống Ukraine Zelensky. Nói như ông Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đây là một vụ tấn công khủng bố, và "không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải xóa sổ Zelensky".
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Anatoly Antonov cũng đưa dư luận Mỹ vào thế kẹt khi đặt giả định: "Người Mỹ sẽ phản ứng ra sao nếu một chiếc drone đánh trúng Nhà Trắng, Đồi Capitol hay Lầu Năm Góc? Câu trả lời quá hiển nhiên đối với bất kỳ chính trị gia cũng như người dân nào: sự trừng phạt phải mạnh mẽ và không thể tránh khỏi".
Dù thực sự bị tấn công hay dàn dựng, đây vẫn là chi tiết có thể khởi đầu cho việc tăng cường quân sự trong thời gian tới. Giới quan sát đa số không nghĩ Nga sẽ dùng tới vũ khí hạt nhân dù "vụ tấn công của Ukraine" là cái cớ tốt.
Nhìn chung, vụ tấn công vào Điện Kremlin có thể là sự kiện mang tính "thử lửa" cho xung đột hiện nay. Liệu Nga sẽ phản ứng ra sao trước một cuộc không kích nhắm ngay vào địa điểm có tính chất biểu tượng của đất nước?
Trước đây, chỉ một cuộc tấn công nào đó nhắm vào lãnh thổ Nga cũng đã là điều khiến giới quan sát lo lắng về khả năng chiến tranh bùng phát.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn gói viện trợ an ninh mới cho Ukraine với tổng trị giá 300 triệu USD. Đợt viện trợ này bao gồm đạn dược, rocket cùng các phương tiện và khí tài quân sự khác.
Kể từ lúc chiến sự bùng phát ngày 24-2-2022, đây là đợt viện trợ thứ 37 của Mỹ cho Ukraine, nâng tổng số tiền Mỹ cam kết cho Ukraine tới nay lên hơn 36 tỉ USD.
Trưa 7.7, Chi nhánh vận tải đường sắt Hải Phòng thông báo, sự cố cầu Quay tối 6.7 đã được khắc phục, tất cả các tàu xuất phát và kết...
Ngày 30-5, Triều Tiên tổ chức cuộc tập trận nhằm phô diễn sức mạnh và khẳng định quyền tự vệ của nước này, dưới sự giám sát của nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Sẽ có quy định mới về việc cấp giấy chứng nhận đất và nhà ở thuộc dự án lấn biển.
Avdiivka đánh dấu thắng lợi lớn nhất của Nga kể từ khi giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut vào năm ngoái.
Cuộc tấn công bằng tên lửa của Ukraine tại Sevastopol, thuộc bán đảo Crimea do Nga sáp nhập, đã khiến 5 người thiệt mạng, khoảng 100 người bị thương.
Quốc hội thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đầu năm 2024...
Bộ Ngoại giao Pháp ra thông cáo xác nhận: 'Thỏa thuận lịch sử này sẽ giúp tạo điều kiện cho tiến trình tái thiết hòn đảo, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão Irma năm 2017.'
TPHCM chưa vội sáp nhập các quận và chỉ dự kiến sáp nhập khoảng 70 phường đến năm 2030.
Đường ống dẫn khí mới tới Bosnia được Mỹ và châu Âu ủng hộ nhằm cắt nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, dự án bị đình trệ do xung đột...