Có thể xem hành trình văn chương song ngữ của Vĩnh Quyền là một trường hợp “lạ” của văn đàn Việt Nam.
Vĩnh Quyền - nhà văn song ngữ
Bản thảo Mảnh vỡ của mảnh vỡ của nhà văn Vĩnh Quyền đoạt giải B (không có giải A) ở Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam (2011-2015) và xuất bản năm 2016.
Thời điểm ấy, ít ai biết Mảnh vỡ của mảnh vỡ là bản chuyển ngữ từ Debris of Debris, tiểu thuyết do chính tác giả viết bằng tiếng Anh trước và công bố ở Mỹ (2009), ở Anh (2014).
Trong vòng mười lăm năm, Vĩnh Quyền đã có ba tiểu thuyết, hai tập truyện ngắn, ba kịch bản điện ảnh bằng Anh ngữ. Trong đó, tiểu thuyết song ngữ Trong vô tận/Inside Infinity đã đem về cho nhà văn Giải Văn chương Đông Nam Á (S.E.A. Write Award) năm 2021.
Với nỗ lực tìm kiếm, dù chỉ một “cánh cửa hẹp” cho văn chương Việt vươn ra thế giới, Vĩnh Quyền đã viết như một “tín đồ sẵn sàng 'tử đạo' chữ nghĩa” (Du Tử Lê). Không qua đào tạo Anh ngữ chính quy, tại thời điểm bắt tay viết Debris of Debris, hẳn Vĩnh Quyền không thể hình dung có ngày bảy tác phẩm của mình đã và đang xuất bản ngoài Việt Nam.
Và nếu nhà văn không mang tinh thần “tử đạo” chữ nghĩa, vượt qua ba lần nhận thư từ chối của các nhà xuất bản Anh, Mỹ (trước khi Đại học Saint Benedict in và đưa vào danh mục sách tham khảo về phương Đông, về chiến tranh Việt Nam), chấp nhận viết lại hai lần để đạt đến bản thương mại và được lưu trữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ, có thể đã không có một Debris of Debris và những tác phẩm tiếp đó, đủ để định danh Vĩnh Quyền - nhà văn song ngữ.
Nói Vĩnh Quyền là một trường hợp lạ của văn chương song ngữ Việt Nam là vì thế. Lạ bởi tác giả “dám” viết bằng tiếng Anh khi chẳng phải dân chuyên ngữ; khi không bỏ cuộc, dù tự biết “mặt hồ trầm U.60 dễ gì tự tạo cơn sóng cồn”. Lạ bởi không mấy nhà văn cùng thế hệ “dám” phá vỡ cấu trúc trần thuật truyền thống để tạo nên một lối viết mới mẻ, hiện đại như Vĩnh Quyền. Lạ bởi ông còn là nhà báo song ngữ và rất biết khai thác trữ lượng thông tin báo chí để các tác phẩm văn chương hư cấu luôn nóng hổi hơi thở đời sống đương đại, dù các câu chuyện của nó có thể bị đẩy lùi về một quá khứ xa đến rất xa.
Chẳng hạn, với Thương ngàn/Heart for Forests, tác phẩm mới nhất của Vĩnh Quyền, những thời sự như Rào Trăng, những thông tin về các loài động vật hoang dã có nguy cơ bị tuyệt chủng… đã góp phần giúp cuốn tiểu thuyết mà rừng và các vấn đề sinh thái tự nhiên trở thành một ký hiệu nghệ thuật đặc biệt, không bị lẫn với các tiểu thuyết khác khi viết về lịch sử, tình yêu hay những va chạm sắc tộc…
Những chắt lọc ghi chép từ con mắt của một nhà báo, một nhiếp ảnh gia sinh thái đã giúp Thương ngàn trở thành tác phẩm có sự dung hợp của nhiều thể loại, nới rộng biên độ của tiểu thuyết nhờ những mảnh ghép ngoại biên.
"Mảnh vỡ của mảnh vỡ"
“Người tiên phong thường gặp trở ngại”, Zac Herman, một nhà văn Mỹ yêu tiếng Việt, người biên tập Debris of Debris đã nhận xét như vậy về việc ấn bản tại Anh của Debris of Debris (2014) không được thông quan trên đường về nhà. Phải đến khi Mảnh vỡ của mảnh vỡ được giải thưởng và được sự hỗ trợ của nhà xuất bản Hội Nhà văn, Debris of Debris mới được ra mắt bạn đọc trong nước vào tháng 9.2016.
Nhà văn Vĩnh Quyền cũng không ít lần, bằng giọng điệu tự trào, đã nói về nỗi gian truân của những bản thảo Anh ngữ: “Thường, các Nhà xuất bản Anh-Mỹ trả lời kết quả thẩm định bản thảo sớm nhất là ba tháng. Vậy mà một lần, chỉ vài ngày sau khi nộp quyển online tôi nhận được email nhà biên tập, chuyện như không có thật. Câu mở đầu của cô ấy khiến nhà văn suýt ngất: “Tôi đọc Debris of Debris trong một ngày đêm và trong nước mắt”.
Rồi cô trả nhà văn về thực tại bằng giải thích: “Bởi cha tôi là một quân nhân Mỹ đã tử trận tại Việt Nam”. Cuối thư, nhà văn tìm thấy lời thẩm định của nhà biên tập dành cho mình, chẳng thể hiểu nhầm: “Debris of Debris là câu chuyện hay về đề tài chiến tranh và hậu chiến. Rất tiếc, tiếng Anh của tiểu thuyết này đọc trôi chảy không dễ, mà đó là yêu cầu đối với một ấn phẩm thương mại. Tác giả vui lòng dành thời gian nhuận sắc ngôn ngữ trước khi trở lại. Chúc may mắn (trích Bút ký Mây trắng hồi quang). Phũ phàng, nhưng đành vậy.
Cũng không thể không bật cười khi nghe tác giả “tự thú”, dù đằng sau cái cười ấy là những ngậm ngùi cho vô vàn cơ hội của văn chương Việt đã bị vuột mất bởi những trở ngại ngôn ngữ. Cũng như tại các diễn đàn quốc tế, không ít nhà văn Việt đã chỉ hiện diện như một “cái bóng”, lảng tránh giao tiếp vì vốn ngoại ngữ có hạn.
Nhà văn cựu chiến binh Mỹ Wayne Karlin sau khi đọc Debris of Debris đã không giấu sự thán phục khi biết “tác giả đã viết nó bằng tiếng Anh”. Dĩ nhiên, cái làm nên giá trị của tiểu thuyết Debris of Debris, với Wayne Karlin, không phải là tiếng Anh, mà là “những tuyến truyện đầy mê hoặc và thường là quyến rũ đã đan bện nhau dựng nên tác phẩm”, là “sự đa dạng các nhân vật và đa thanh trong từng câu chuyện của họ mang lại chân dung sâu sắc và bao quát về một “thế hệ trí thức trẻ Việt Nam bị đánh mất”; song sự ngạc nhiên về việc “tác giả đã viết nó bằng tiếng Anh”, tự nó, nói lên được nhiều điều.
Cũng thế, Edward O’Connell, bạn đọc Mỹ đầu tiên, cũng là người giới thiệu Debris of Debris cho Đại học Saint Benedict, khẳng định rằng nhờ tiểu thuyết này viết bằng Anh ngữ ông mới có thể tiếp cận trực tiếp để thấu hiểu về một không gian hòa giải thời hậu chiến, với những con người không ngừng nỗ lực “hàn gắn vết thương chiến tranh, hàn gắn những mảnh vỡ ly tán từ trong mỗi gia đình, mỗi người”.
Thiết tưởng, không có đánh giá nào khách quan hơn về tầm quan trọng của văn chương song ngữ trong việc cất lên tiếng nói của Việt Nam, như nhận xét của Zac Herman: “Đối với người Mỹ, đặc biệt thế hệ tôi, để hiểu hơn về một Việt Nam thế kỷ XX vô cùng phong phú và năng động thì văn học dịch và song ngữ là công cụ quan trọng trong trao đổi văn hóa và nhận thức. Trong ý nghĩa này, Debris of Debris của Vĩnh Quyền đã mọc lên giữa giao lộ văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ”.
Dĩ nhiên, hằng năm, vẫn có hàng chục tác phẩm, chủ yếu là các tập thơ, được dịch ra tiếng Anh. Song, bản dịch, kể cả khi được dịch tốt nhất, đã là một văn bản khác, một diễn ngôn khác vốn dễ xa lạ với văn phong, giọng điệu của tác giả, nhất là khi tác giả không đủ năng lực ngoại ngữ để kiểm soát. Và như thế, văn chương song ngữ có ưu thế hơn dịch thuật trong việc chuyển tải “đúng nhất” tiếng nói của nhà văn Việt Nam trong những đối thoại về văn hóa, văn chương với bạn bè thế giới.
"Trong vô tận"
Sau những “vạn sự khởi đầu nan”, đến nay, viết song ngữ trở thành một hoạt động thường xuyên của nhà văn Vĩnh Quyền trong lĩnh vực văn chương, báo chí. Trong vô tận/Inside Infinity, đã được viết với “cảm hứng song ngữ” như thế, khi tác giả vừa viết những đoạn tiếng Anh, vừa viết những đoạn tiếng Việt xen lẫn, sau đó hoàn thiện hai bản thảo “song song”, tồn tại những chi tiết khác nhau.
Từ đó, đã có một tiểu thuyết Việt Nam đến với giải quốc tế bằng bản Anh ngữ do chính tác giả lựa chọn từng từ ngữ, không thông qua dịch giả. Nếu như trước đây, hoàng gia Thái Lan, Ban tổ chức Giải Văn chương Đông Nam Á và giới văn nghệ sĩ, báo chí quốc tế chỉ biết đến các tác phẩm Việt Nam được trao giải qua mỗi cái tựa đề và bản tóm tắt nội dung do Hội Nhà văn Việt Nam cung cấp; thì với Trong vô tận/Inside Infinity, họ có thể đọc bản gốc trước và sau lễ trao giải.
Tập kỷ yếu của giải này (Anh ngữ) đã chọn trích đoạn sau đây từ tiểu thuyết Inside Infinity để giới thiệu văn chương Việt:
"The sound of someone crying. I awoke suddenly to realize I had been dreaming, and the sound of crying had come from me. I didn't know how long I had been soaking in this natural well, or how long I had been asleep. The moon appeared from behind the clouds, shining on hills of yellow sand in the desert of Binh Thuan. Today had been a strange day, like a giant compressed file to me, compressing the space from Hue to Saigon, the past into the present, the parting into the reunion. Then letting go of these thoughts, I had decided to lay here without knowing why. The sand waves on all sides allowed me to see the horizon, but to see nothing but myself. Like a primitive beast, a patch of clouds swallowed the moon yet again. I saw a single airplane in the distance. The roar of its engine did not reach my ears. I remembered looking down from my window seat, watching the shadow of night sweep over the earth; one by one, tiny lights appearing in the darkness to mark signs of human life. I wondered if anyone in the plane overhead noticed this natural well where I lay. The surface of it reflected the moonlight in the sky as if it has sending a message to the vast universe. The moon reappeared. Again I vaguely saw my body and the bottom of the well beneath the golden rippling waves. It reminds me of the Yucatan wells in Mexico. They are known as cenote, an ancient Mayan name. It means Gate to Hell, because they sink deep into the ground. However, the natural well where I lay did not lead anywhere. Not to Hell, not to Heaven." / “Vẳng tiếng khóc. Nhận ra là phần sót lại của giấc mơ và tiếng khóc chính tôi. Cũng không biết đã ngâm mình trong giếng trời này từ lúc nào và chợp mắt bao lâu. Trăng thoát khỏi mây, tiểu sa mạc Bình Thuận hiện nguyên vẻ. Hôm nay lạ, như tập tin nén khổng lồ, nén không gian Huế-Sài Gòn, nén thời gian quá khứ-hiện tại, nén chia ly-hội ngộ. Rồi buông hết nằm đây một mình mà không nghĩ tại sao. Sóng cát bốn bề cho phép phóng tầm mắt tận chân trời nhưng để chẳng thấy gì ngoài bản thân. Các đám mây hỗn độn như bầy thú nguyên thủy lần nữa nuốt trọn mặt trăng. Chiếc máy bay thương mại xuất hiện đơn độc trên bầu trời và âm thanh động cơ không đến được chỗ tôi. Nhớ lần từ máy bay nhìn xuống mặt đất, nhận ra đường biên ngày đêm khi bóng tối loang tới đâu đèn đóm phát sáng tới đó báo hiệu sự có mặt của con người. Liệu có ai trên máy bay kia trông thấy mặt giếng trời này đang gửi tín hiệu kết giao cùng vũ trụ khi không ngừng tiếp nhận sáng trăng và phát hồi quang? Trăng lại tỏ. Tôi mơ hồ hình hài của mình và cả lòng giếng dưới gợn sóng vàng óng. Nó nhắc tôi những giếng trời bán đảo Yucatan vịnh Mexico mà người Maya cổ gọi "cenote", cửa địa ngục, vì chúng ăn thông hệ thống nước ngầm lòng đất. Giếng trời tôi nằm đây thì chẳng dẫn đến đâu, dẫu địa ngục thiên đường”.
***
Đã có một hành trình khá dài để văn chương song ngữ của Vĩnh Quyền "nhập dòng" với văn chương thế giới. Bởi chỉ với riêng cuốn đầu tiên Debris of Debris, tác giả phải mất bảy năm giam mình trong thư phòng để vừa nâng cao tiếng Anh vừa viết, chưa tính đến những nhọc nhằn không thể kể hết trong quá trình tìm đường xuất bản và công bố quốc tế.
Nói Vĩnh Quyền là “người tự lưu đày trong ngục thất chữ nghĩa” (Lê Thanh Phong) quả không sai. Ở đây, tôi muốn thêm: Vĩnh Quyền cũng là người góp nguồn cảm hứng với những nhà văn trẻ trong nước có ý định dấn thân vào con đường văn chương song ngữ.
“Đối với người Mỹ, đặc biệt thế hệ tôi, để hiểu hơn về một Việt Nam thế kỷ XX vô cùng phong phú và năng động thì văn học dịch và song ngữ là công cụ quan trọng trong trao đổi văn hóa và nhận thức. Trong ý nghĩa này, Debris of Debris của Vĩnh Quyền đã mọc lên giữa giao lộ văn hóa, lịch sử và ngôn ngữ” (Zac Herman - nhà văn Mỹ)
Nặng 100 kg, Bùi Nguyệt An, 22 tuổi, quyết định đạp xe mỗi sáng để lấy lại vóc dáng kết hợp ăn thâm hụt calo.
TP Hồ Chí Minh – Ngày 4.8, Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023 chính thức khai mạc. Lễ hội nhằm quảng bá hình...
75 tuổi, ông vẫn miệt mài mỗi ngày đi qua những cánh rừng, xuống nhà dân bàn cách làm ăn.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn TT-Huế đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2022 - 2027, dành cho cán bộ Đoàn chủ chốt trên địa bàn toàn tỉnh.
Em sống và làm việc tại Hà Nội, sinh năm 1985, chưa từng kết hôn.
Cầu Hy Vọng 400 là một trong 6 công trình được Quỹ Hy vọng khởi công, khánh thành ngày 6/9, mang lại niềm vui lớn cho người dân.
Do thời tiết xấu, tàu cao tốc từ đất liền đi Nam Du (Kiên Giang) tạm ngưng chạy ngày thứ hai khiến gần 70 du khách bị kẹt lại đảo.
Ngày 21.2 (tức 2.2 âm lịch), người dân thôn Đường Yên, xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội đã tổ chức lễ hội “kén rể” truyền thống của làng. Lễ...
Sáng 28/7, tại Hội trường Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Lạng Sơn, Phòng Chính trị Bộ CHQS tỉnh tổ chức Hội nghị tọa đàm sĩ quan trẻ năm 2023 với chủ đề “Tuổi trẻ lực lượng vũ trang Lạng Sơn xung kích, sáng tạo, xứng danh Bộ đội cụ Hồ thời kỳ mới”. Có hàng trăm sĩ quan trẻ trong lực lượng tham gia với nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, chân tình.