Cách đây 2 tháng, dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A được chuyển sang nhóm B nhưng đến nay VN vẫn chưa công bố hết dịch.
Liên quan đến vấn đề này, trong dự thảo tờ trình kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025, Sở Y tế TP.HCM nêu cơ quan này đang hoàn tất các thủ tục tiến tới công bố hết dịch trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Nếu việc này được chấp thuận, TP.HCM có thể là địa phương đầu tiên cả nước công bố hết dịch COVID-19.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến các bên liên quan.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng (trưởng khoa y tế công cộng Đại học Y Dược TP.HCM):
Các nước trên thế giới không có khái niệm công bố hết dịch như Việt Nam. Như Mỹ công bố hết tình trạng khẩn cấp, còn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố hết tình trạng y tế công cộng khẩn cấp.
Ở nước ta việc chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B và việc công bố hết dịch là hoàn toàn khác nhau. Nghĩa là sau khi chuyển nhóm bệnh, cần phải có một công bố hết dịch.
Hiện dịch COVID-19 ở một số quốc gia có chiều hướng gia tăng, tuy vậy nhìn chung tình hình đã được kiểm soát tốt số ca mắc, chuyển nặng và tử vong không còn là vấn đề đáng lo ngại. Ở nước ta cũng như thế, dịch COVID-19 đã trở thành bệnh lưu hành, do đó công bố hết dịch là hợp lý.
Tuy vậy, các cơ quan chuyên môn cũng cần cân nhắc thời điểm công bố, bởi Bộ Y tế vừa mới có khuyến cáo các địa phương tăng cường giám sát dịch COVID-19 khi ở một số nước số ca mắc đang tăng trở lại.
Và người dân cũng cần phải hiểu việc công bố hết dịch không có nghĩa là xong, bởi tất cả các bệnh truyền nhiễm đều phải có biện pháp chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa.
TS.BS Nguyễn Trung Hòa (giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp):
Bộ Y tế đã nghiên cứu và đi trước một bước phù hợp khi "đẩy" vi rút SARS-CoV-2 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Điều này là cần thiết, cho thấy dịch COVID-19 đã trở thành loại vi rút lưu hành, không còn gây tác động lớn đến sức khỏe của cộng đồng.
Tuy "rơi" xuống bệnh truyền nhiễm nhóm B nhưng thực tế Việt Nam vẫn chưa công bố kết thúc đại dịch, do đó vấn đề tiếp theo là các cơ quan chuyên môn cần hoàn tất các thủ tục trình các cấp thẩm quyền công bố hết dịch theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Như việc từng công bố đại dịch cũng cần phải công bố kết thúc đại dịch, bởi việc kéo dài trong bối cảnh hiện nay có thể sẽ gây trở ngại cho nhiều hoạt động chuyên môn cũng như đời sống xã hội.
Có một số người lo ngại về một số biến chủng vi rút SARS-CoV-2 quay trở lại ở Đông Nam Á, tôi cho rằng đây cũng chỉ là cúm mùa bình thường, không còn đáng lo ngại như lúc trước.
PGS.TS Tăng Chí Thượng (giám đốc Sở Y tế TP.HCM):
Sở Y tế vừa trình UBND TP.HCM dự thảo kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 giai đoạn từ 2023 - 2025. Trong bối cảnh dịch COVID-19 có chiều hướng gia tăng ở một số nước và khu vực, tôi cho rằng chưa vội công bố hết dịch.
Việc này (nếu có) cần dựa trên các đánh giá khách quan, toàn diện về diễn biến dịch bệnh trong nước và thế giới, hơn nữa cần phải dựa trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Tại TP.HCM, thông qua việc giám sát các biến thể của vi rút SARS-CoV-2 cho thấy đang lưu hành bốn biến thể của Omicron gồm XBB.1.9 (4 chủng), XBB.1.16 (2 chủng), BA.2.75 (1 chủng), BA.2.86.1 (1 chủng).
Chỉ duy nhất EG.5 là biến thể phổ biến nhất được ghi nhận tại 89 quốc gia nhưng vẫn chưa được phát hiện ở TP.HCM. Trong hệ thống các bệnh viện của TP.HCM cũng chưa ghi nhận các trường hợp mắc dịch COVID-19 mới cần nhập viện điều trị, tuy vậy khi số ca mắc COVID-19 đang tăng ở một số nước, phải nhìn nhận nguy cơ số ca mắc gia tăng trở lại là điều khó tránh khỏi.
Ngoài việc tăng cường giám sát ca bệnh, các biến thể COVID-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp cấp tính, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở điều trị tăng cường chẩn đoán, phát hiện những trường hợp mắc dịch COVID-19 trên những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao.
Mục tiêu nhằm có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp giảm thiểu thấp nhất nguy cơ biến chứng hoặc tử vong. Các cơ sở cũng cần đảm bảo việc sẵn sàng phân luồng điều trị khi cần, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh (chuyên gia dịch tễ học):
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền dựa trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Tôi cho rằng việc công bố hết dịch là câu chuyện thủ tục hành chính, giống như việc công bố có dịch thì phải công bố hết dịch. Điều này hoàn toàn khác với việc chuyển SARS-CoV-2 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B đã công bố.
Dựa vào thực tế của dịch COVID-19 hiện nay, tôi cho rằng việc công bố hết dịch không còn có giá trị với việc bệnh hay không bệnh, khi dịch COVID-19 đã trở thành một loại bệnh lưu hành như cúm và không còn đe dọa đến sức khỏe cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong (trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM):
Khi dịch COVID-19 chuyển qua nhóm B, nếu có "bùng" lên cũng giống như cúm. Tức cũng là điều trị thông thường như một ca nhiễm trùng hô hấp, ngoại trừ các ca có triệu chứng đường hô hấp rõ rệt, trên cơ địa nguy cơ như phụ nữ có thai, béo phì, cao tuổi hoặc bệnh lý nền nhiều phải theo dõi đặc biệt.
Do đó, việc công bố hết dịch theo tôi cũng chỉ là quy trình thủ tục, không có gì ảnh hưởng đến việc chăm sóc điều trị các ca bệnh.
Vấn đề quan trọng hiện nay là phải chuẩn bị tinh thần để tiếp nhận số lượng ca mắc COVID-19 có thể tăng lên. Tại khoa nhiễm của chúng tôi, là tuyến cuối chăm sóc điều trị các loại bệnh truyền nhiễm vẫn chủ động tập huấn quy trình tiếp nhận, chuẩn bị các loại trang thiết bị máy móc, phòng ốc... nhằm ứng phó cho mọi tình huống theo khuyến cáo của Sở Y tế.
Ông Trần Đắc Phu (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):
Việc công bố hết dịch tùy thuộc vào từng địa phương, nhưng hiện dịch COVID-19 đã chuyển sang nhóm B, thời điểm dịch được công bố trên toàn quốc năm 2020 thì COVID-19 lại là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, vì vậy trên toàn quốc không phải công bố hết dịch vì văn bản chung đã được bãi bỏ, dịch bệnh đã chuyển nhóm.
Ở phạm vi địa phương như TP.HCM, nếu công bố hết dịch là dịch nhóm B và cần phải xem đã đáp ứng những yêu cầu hết dịch với dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B chưa?
Trong tình hình hiện nay, việc quan trọng hơn theo tôi là đánh giá nguy cơ, xem vi rút gây bệnh có biến đổi về gene, chủng bệnh, theo dõi và đưa ra các biện pháp đáp ứng tình hình dịch, nhất là khi các nước xung quanh có số ca mắc tăng và ở Việt Nam số được xét nghiệm không nhiều, chưa bao quát được hết về nguy cơ.
Từ đó mới nên có quyết định công bố hết dịch hay không. Bởi trong trường hợp không giám sát kỹ thì nếu số ca mắc gia tăng trở lại, lúc đó có thể sẽ lúng túng có công bố dịch lại hay không.HỒNG HÀ ghi
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 1-4-2020 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định 447/QĐ-TTg công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam, do chủng mới của vi rút Corona gây ra.
Lúc bấy giờ tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Đây cũng là lần đầu tiên nước ta phòng chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô quốc gia, trong điều kiện chưa có tiền lệ và kéo dài.
Sau hơn ba năm bùng phát, từ ngày 20-10-2023, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thống nhất đề xuất của Bộ Y tế, quyết định chuyển dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Thủ tướng cũng đồng thời ban hành quyết định sửa đổi phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình 4 ngày (thay vì 14 ngày) và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm 8 ngày (thay vì 28 ngày). Đây chính là căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm (có hiệu lực từ 20-10-2023), ban hành kèm theo quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28-1-2016.
Dựa theo các điều kiện nêu trên, một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khẳng định TP.HCM đảm bảo điều kiện công bố hết dịch khi có nhiều tuần không ghi nhận ca mắc mới, đặc biệt tất cả các phường xã trên toàn thành phố đều đạt cấp độ dịch cấp 1 (nguy cơ thấp).
Về trình tự công bố hết dịch COVID-19, quyết định 02/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ ngoài việc phải đáp ứng 10 biện pháp chống dịch theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm; còn phải đáp ứng điều kiện không phát hiện thêm ca mới sau khoảng thời gian 8 ngày theo quyết định (sửa đổi, bổ sung) của Thủ tướng.
Sau khi đảm bảo các yếu tố trên, sở y tế sẽ là đơn vị báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, thành phố xem xét quyết định công bố hết dịch đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B và C; đồng thời đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định công bố hết dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm công bố hết dịch với bệnh truyền nhiễm nhóm A khi nhận được đề nghị của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nơi xảy ra dịch.
Công bố hết dịch với bệnh nhóm B, C khi các tỉnh đã công bố. Đồng thời, xem xét đề nghị Thủ tướng công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A đối với trường hợp Thủ tướng đã công bố dịch.
Như vậy có thể hiểu khi dịch COVID-19 đã được chuyển sang dịch bệnh truyền nhiễm nhóm B, việc công bố hết dịch thuộc trách nhiệm của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Trong trường hợp cụ thể của TP.HCM thì chủ tịch UBND thành phố là người quyết định công bố và sau đó đến lượt bộ trưởng Bộ Y tế công bố.
* Ông Hoàng Minh Đức (phó cục trưởng phụ trách Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế):
Có kế hoạch kiểm soát bền vững dịch
Tại Việt Nam tình hình dịch COVID-19 vẫn đang được kiểm soát, số ca mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương, phần lớn triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng. Ngoài ra kết quả giám sát tác nhân gây bệnh chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
Để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp dịch COVID-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã có kế hoạch kiểm soát bền vững dịch COVID-19 giai đoạn 2023 - 2025.
Cụ thể như trong đó có phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch COVID-19 có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng và vượt quá năng lực của hệ thống.
TP - Vượt qua những khó khăn và định kiến về nghề trồng xoài truyền thống, anh Đặng Thế Truyền (SN 1991, sống tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) cùng các cộng sự đã tìm thấy hướng đi mới để nâng cao giá trị của đặc sản xoài quê hương.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, tình cảm em lân đận; giờ em muốn tìm một người sống tử tế, biết đối nhân xử thế.
Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc và các thế hệ hội viên, sinh viên, với tinh thần “Vững bản sắc - Giàu khát vọng - Kiến tạo tương lai - Dựng xây đất nước”, các bạn hội viên, sinh viên chúng ta hãy chung sức cùng Hội Sinh viên Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2023 - 2028, phấn đấu xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn lưu ý, cụm Trung du Bắc Bộ có nhiều đối tượng thanh niên, tập trung số lượng lớn thanh niên công nhân. Các tỉnh cần quan tâm nắm bắt kịp thời, sát, đúng, trúng tình hình tư tưởng thanh niên; quan tâm các giải pháp chăm lo cho thanh niên công nhân.
'Bóng hồng' khoa Điện Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trịnh Thị Minh Thư với nhiều thành tích học tập, nghiên cứu khoa học và hoạt động Đoàn - Hội, là đại biểu Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI.
Thiết thực lập thành tích chào mừng 83 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2024), Hội đồng Đội huyện Thới Bình (Cà Mau) đăng cai tổ chức Hành trình Khăn hồng vì đàn em lần thứ 3, năm 2024.
Khoác giỏ hàng rong đi qua quán phở trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, bà Lê Thị Thành được các nhân viên niềm nở mời vào, nói 'có phở treo tặng khách', sáng 5/8.
16 người còn lại trong số 51 du khách nghi ngộ độc thực phẩm trong chuyến du lịch tại Phan Thiết xuất viện sáng 14/5.
Sáng 4/10, phát biểu tại phiên trọng thể Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh An Giang lần thứ IX, anh Nguyễn Xuân Hiếu – Phó Chủ tịch Ủy viên Hội LHTN Việt Nam yêu cầu, trong nhiệm kỳ mới, Hội cần tập hợp, đoàn kết thanh niên tín đồ tôn giáo, thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên công nhân.