Khoác giỏ hàng rong đi qua quán phở trên phố Bảo Khánh, quận Hoàn Kiếm, bà Lê Thị Thành được các nhân viên niềm nở mời vào, nói "có phở treo tặng khách", sáng 5/8.
Đây là lần thứ ba người phụ nữ 73 tuổi quê ở Hoằng Tân, Hoằng Hóa, Thanh Hóa ghé số 14 phố Bảo Khánh ăn phở. Trước khi biết đến phở "treo" - hình thức khách đến ăn trả tiền thêm một hoặc nhiều suất ăn và gửi lại quán để tặng người cần - bà Thành chỉ dám ăn cơm nguội, mỳ tôm hoặc mua nắm xôi giá 5.000 đồng ăn sáng.
Người phụ nữ này cùng một số đồng hương thuê trọ ở phố Trần Quý Cáp, quận Đống Đa, hàng ngày vẫn đi bộ lên bờ hồ bán hàng rong. Chồng mất sớm, con cái đi làm xa, hoàn cảnh gia khó khăn nên bà ra Thủ đô mưu sinh 10 năm nay, tháng kiếm hai, ba triệu đồng.
Sống ở Thủ đô nhiều năm nhưng số lần vào quán ăn phở của bà đếm trên đầu ngón tay. Họa hoằn lắm bà mới dám mạnh tay chi tiền ăn phở.
"Đường phố Hà Nội tôi đi không thiếu ngõ ngách nào, nhưng đây là lần đầu thấy có phở treo. Bát phở được cô chủ làm ngon lắm, nhiều thịt, ăn no đến chiều", người phụ nữ 73 tuổi nói.
Bà nói chỉ ăn phở "treo", nếu quán miễn phí sẽ từ chối bởi sợ chủ quán thua lỗ.
Đến quán sau bà Thành vài phút, bà Nguyễn Thị Ngoạt ở Văn Điển, huyện Thanh Trì cũng được mời vào quán. Người phụ 70 tuổi này vừa đạp xe từ nhà lên phố Nhà Chung để dọn vệ sinh.
Lần đầu thấy có người mời vào ăn phở bà Ngoạt từ chối bởi sợ giá đắt, lương một ngày công không đủ trả tiền. Nhưng được giải thích về mô hình phở "treo", bà mới dám vào. Người phụ nữ kể quán nhỏ, khách đông nhưng chủ quán vẫn sắp xếp bàn ghế, quạt mát, phòng lạnh để mời mọi người ghé ăn phở "treo".
"Không có bất kỳ sự phân biệt hay đối xử nào khác giữa khách đến ăn phở "treo" hay tự trả tiền. Lâu lắm tôi mới được ăn bát phở ngon đến thế", bà Ngoạt nói.
Chị Phan Lệ, 47 tuổi, chủ quán phở, cho biết đã triển khai mô hình phở "treo" được một tháng. Khách đến ăn phở "treo" ở mọi độ tuổi, không phân biệt ngành nghề nhưng ưu tiên người già, neo đơn, người bán hàng rong, người khuyết tật và trẻ nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.
Chủ quán cho biết ý tưởng làm phở "treo" xuất phát từ lần tình cờ xem chương trình của Italy về mô hình cà phê "treo", táo "treo" tặng người khó khăn, sau ở TP HCM cũng mở cơm "treo".
Sẵn có quán phở, chị bàn bạc với gia đình làm phở "treo". Do là mô hình mới, mỗi ngày quán tự "treo" 30 suất, thực khách đến ăn muốn "treo" thêm sẽ bắt đầu ghi từ số 31. Trong trường hợp các suất "treo" trong ngày còn thừa, quán sẽ cộng dồn sang ngày hôm sau.
Ngoài chữ "phở treo", chủ quán còn làm biển ghi dòng chữ "Đây là một hình thức từ thiện bằng việc để lại một phần ăn cho những hoàn cảnh khó khăn hơn trong cộng đồng mà vẫn ủng hộ quán ăn địa phương".
"Thêm vào suất phở hay bớt đi vài suất phở cũng không khiến tôi giàu lên hay nghèo đi bởi mong muốn lớn nhất là đem những suất ăn đủ chất đến người cần, mong họ được ấm bụng trước khi đi mưu sinh", chị Lệ nói. Người phụ nữ này cũng cho biết mô hình phở treo mở cả ngày, phục vụ người cần.
Ngày đầu mới treo biển, không có khách đến ăn, buộc chủ quán và các nhân viên hễ thấy người bán hàng rong, người già lại mời vào. Một số người không hiểu, kiên quyết từ chối bởi ngại, sợ quán thua lỗ. Chỉ khi được giải thích "các suất ăn của mình đã được người khác trả tiền", họ mới dám vào ăn.
Sau gần một tháng triển khai, chị Lệ cho biết quán đã gửi được gần 20 suất phở treo bởi ít người biết. Số lượng khách đến quán treo lại phở cũng tùy ngày, có hôm chỉ một, hai bát, nhưng cũng có khi được nhiều hơn, có cả người Việt và khách nước ngoài. Đặc biệt, số tiền khách gửi lại cũng tùy tâm, có thể bằng giá một bát phở hoặc ít hơn, nhưng quán cam kết vẫn chuẩn bị phần ăn đầy đủ, chất lượng.
Sáng 5/8, chị Lê Quỳnh Ngọc cùng con trai ghé quán phở. Người phụ nữ 45 tuổi ở Sơn La cùng gia đình xuống Hà Nội chơi, nay tình cờ đến quán ăn của chị Lệ. Từng nghe đến mô hình cơm "treo", cà phê "treo" ở các địa phương khác nhưng đây là lần đầu chị Ngọc được trải nghiệm.
"Mô hình quá hay và quá ý nghĩa nên tôi cũng treo lại hai suất phở, mong có thể chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn hơn bằng chính những việc làm nhỏ nhặt nhất. Mong sẽ có nhiều quán như chị Lệ cùng chung tay thực hiện mô hình này", chị Ngọc nói.
Đây không phải lần đầu chị Phan Lệ triển khai các mô hình giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. 13 năm gắn bó với công việc thiện nguyện, người phụ nữ 47 tuổi vẫn duy trì việc phát cơm miễn phí tại các bệnh viện ở Hà Nội, tặng các suất cháo, soup cho người nghèo, người vô gia cư vào các ngày cố định. Riêng với việc tặng phở miễn phí, chị nói đã làm nhiều năm nhưng nay mới làm phở "treo" bởi biết nhiều người muốn ăn nhưng ngại. Toàn bộ các suất ăn miễn phí đều được trích từ doanh thu của quán.
"Tôi hy vọng hy vọng mô hình "treo" đồ ăn sẽ được nhân rộng, nhiều hàng quán tại các quận huyện ở Hà Nội hưởng ứng để giúp đỡ người gặp khó khăn. Đây là lý do mà phở "treo" của tôi không chỉ mở trong vài ngày, vài tháng mà sẽ duy trì trong thời gian dài", chị Lệ nói.
Quỳnh Nguyễn
Tỉnh Cao Bằng vừa phối hợp Viện khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) khai quật nhiều di tích công trình được xây dựng thời...
Hội Sinh viên tỉnh Bắc Ninh là 1 trong 7 đơn vị cùng xác lập kỷ lục với nội dung “Giải đấu toàn quốc kết hợp các bộ môn thể thao điện tử và thể chất số đầu tiên tại Việt Nam”.
Chuyện trớ trêu này đã xảy ra hơn một năm nay do Bệnh viện Đà Nẵng đang thiếu thiết bị, vật tư y tế.
Thừa Thiên Huế - Đến với làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) không thể không nhắc đến một loại hình tranh dân gian tồn tại đã hơn 400...
Lễ hội về nguồn Pác Bó năm 2023 là dịp để giới thiệu về con người, nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trên quê hương giàu truyền thống cách mạng Hà Quảng với du khách, bạn bè trong nước và quốc tế.
Để Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII thực sự đi vào cuộc sống, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị các cấp bộ Đoàn, cán bộ, đoàn viên phải làm thực chất, tránh làm đối phó, hình thức, quyết tâm tìm tòi các giải pháp triển khai công việc, bất kể có những khó khăn gì.
Năm học 2023-2024, Đoàn Khối Các cơ quan Trung ương yêu cầu hệ thống Đoàn trường trong Khối tăng cường công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao bản lĩnh chính trị, khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh niên khu vực trường học.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã sao chép Cửu đỉnh bằng phương pháp dập bản để lưu trữ bản gốc, phòng tránh những tình huống bất...
Ngày 4/7, các tình nguyện viên đến từ các trường Đại học, Cao đẳng thuộc Hội đồng hương sinh viên Lạng Sơn tại Hà Nội đã triển khai các hoạt động tình nguyện mùa hè xanh 2023 tại xã Liên Hội, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn.