Thuốc lá mới đang nhắm vào giới trẻ, làm tăng gánh nặng bệnh tật, ảnh hưởng kinh tế, an ninh và môi trường.
Tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về kiểm soát thuốc lá của các nước khu vực ASEAN, hôm 4/11, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn cho biết công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức.
Số người hút thuốc lá ở Việt Nam đã giảm nhưng vẫn còn rất cao, đặc biệt là nam giới. Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng sản phẩm này tăng ở thanh thiếu niên. Kết quả sơ bộ của điều tra tại 11 tỉnh/thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) ở học sinh 13-17 là 8,1%, tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước. Còn con số sử dụng thuốc lá nung nóng (TLNN) ở nhóm 13-15 tuổi là 1,4%. Tỷ lệ sử dụng ở các thành phố lớn và thành thị cao hơn so với nông thôn.
"Thuốc lá mới có thể đảo ngược những nỗ lực kiểm soát việc sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên đã được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua", Thứ trưởng nói.
TS Ulysses Dorotheo, Giám đốc Điều hành, Liên minh Kiểm soát Thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA), cũng đánh giá Việt Nam, giống như các nước ASEAN khác, đang phải đối mặt với vấn đề gia tăng sử dụng các loại TLĐT/TLNN, đặc biệt là trong giới trẻ.
"Chính sách cấm TLĐT/TLNN là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này và tránh lặp lại sai lầm khi để nạn dịch thuốc lá gia tăng", ông nói.
Hiện, hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã cấm TLĐT/TLNN. Tại ASEAN, Brunei, Campuchia, Lào, Singapore và Thái Lan đã ban hành lệnh cấm. Trong khi Indonesia, Malaysia và Philippines - những quốc gia đã nhượng bộ trước áp lực của ngành công nghiệp thuốc lá, cho phép bán, quảng cáo các sản phẩm gây hại và gây nghiện này - đang gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với tình trạng hút thuốc lá điện tử ở giới trẻ.
"Việt Nam nên xem xét bài học từ các quốc gia này khi quyết định cấm hay quản lý các sản phẩm này", TS Dorotheo nói, thêm rằng một số quốc gia cấm TLĐT, TLNN có tỷ lệ hút thuốc thấp nhất thế giới, như Singapore (10,1%), Brazil (9,1%) và Hong Kong (9,5%).
TS Dorotheo cho biết thêm trái ngược với tuyên bố của ngành công nghiệp thuốc lá, TLĐT, TLNN không an toàn. Chúng chứa nicotine cùng các chất độc hại và gây ung thư khác. Các trường hợp tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử (EVALI) đang tăng trên toàn cầu. Như một thanh niên 22 tuổi người Philippines, đã tử vong đầu năm 2024 do tổn thương tim và phổi sau khi sử dụng TLĐT hằng ngày trong hai năm.
Thực tế, tại Việt Nam, theo báo cáo từ gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng TLĐT, TLNN với triệu chứng dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp, đột quỵ não. Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc, tổn thương não do thuốc lá điện tử, đặc biệt tìm thấy ma túy trong sản phẩm này.
Ngoài ra, TLĐT, TLNN cũng không phải là phương pháp hỗ trợ cai thuốc lá hiệu quả. Những người hút thuốc cố gắng cai thuốc bằng cách sử dụng TLĐT, TLNN thường kết thúc bằng việc sử dụng cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường. Ngoài ra, thanh thiếu niên sử dụng TLĐT có khả năng bắt đầu hút thuốc lá thông thường cao gấp ba lần.
Bằng cách điều chỉnh các chiến lược kiểm soát thuốc lá của mình phù hợp với Công ước Khung của WHO về Kiểm soát Thuốc lá, thực hiện chính sách cấm TLĐT, TLNN và áp dụng thuế thuốc lá mạnh hơn, Việt Nam có thể giảm đáng kể số lượng người trẻ nghiện nicotine. Những biện pháp này rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe và lợi ích của các thế hệ tương lai, TS Dorotheo cho hay.
Tại phiên giải trình do Ủy ban Xã hội tổ chức về trách nhiệm quản lý nhà nước với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đầu tháng 5, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng khẳng định không nên thí điểm mà cần cấm hoàn toàn . Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là loại nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, thế hệ trẻ. Việc này cũng phù hợp với nghị quyết của Đảng; căn cứ pháp lý, chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá mà Chính phủ đã ban hành và bài học kinh nghiệm quốc tế.
Bà Lan nói Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá ban hành năm 2012 và thời điểm đó TLĐT, TLNN chưa phổ biến, nên luật chưa quy định. Bên cạnh đó, việc quản lý mặt hàng này cũng còn vướng mắc về khái niệm, quy chuẩn so với thuốc lá thông thường.
Trước mắt, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, TLNN và các sản phẩm tương tự. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính thống nhất.
Lê Nga
Anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam đề nghị, trong năm 2024 cần triển khai thực hiện bộ tiêu chí vì sự phát triển thanh niên Việt Nam cấp tỉnh. Việc thực hiện bộ tiêu chí này sẽ là kênh giúp các địa phương quan tâm hơn việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên và công tác thanh niên.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Trung bình tại khoa Truyền nhiễm có từ 200 - 300 bệnh nhi nằm điều trị, trong đó có nhiều trường hợp nặng.
60 người ngộ độc phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn cơm gà tại một tiệm ở đường Bà Triệu, TP Nha Trang, theo Sở Y Tế.
Nghe dì nói tiếng Quảng Nam mà tưởng đâu là ngôn ngữ mới, cần phải có bằng cấp mới có thể nghe hiểu được.
Tác phẩm đưa người đọc 'theo chân' lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh từ đầu năm 1941 đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Giữa buổi chiều hàng ngày, hàng trăm học sinh tiểu học của trường Tân Lập, xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông lại xếp hàng đi tắm giải nhiệt.
Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Cần Thơ đã khánh thành 2 cầu Hy vọng, bàn giao 31 căn Nhà Nhân ái, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp…
Tại buổi họp báo về Ngày Sách và văn hóa đọc năm 2023, Á hậu Thúy Vân mong muốn được làm đại sứ văn hóa đọc trọn đời để lan tỏa giá trị của việc đọc sách.
Bệnh viện Sản Nhi Vĩnh Phúc vừa thông tin về trường hợp bé trai 15 tuổi nhập viện trong tình trạng co giật, não tổn thương. Trước đó, trẻ bị tiêu chảy và được người nhà cho uống oresol bù nước nhưng không đúng tỉ lệ.