Người trẻ ngại kết hôn, các bậc cha mẹ ngại đẻ khiến tỷ lệ sinh ở châu Á ngày càng giảm, dân số già hóa, gây nhiều hệ lụy.
Cho đến những năm 1970, phụ nữ ở các nền kinh tế thịnh vượng nhất châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc trung bình có hơn 5 con. Ngày nay, xu hướng đã đổi khác. Năm thứ 6 liên tiếp, Hàn Quốc ghi nhận tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Trong dữ liệu mới nhất do chính phủ công bố, con số giảm xuống mức thấp mới, từ 0,84 con trên một cặp vợ chồng (năm 2022) xuống còn 0,81 con trên một cặp vợ chồng (năm 2023). Tỷ lệ này dự kiến giảm tiếp, xuống còn 0,68.
Tỷ lệ sinh là vấn đề đau đầu của giới chức
Xu hướng này được phản ánh ở cả những nơi khác. Trong 70 năm qua, tỷ lệ sinh giảm trên toàn thế giới, tổng mức giảm là khoảng 50%. Ngay cả ở các nền kinh tế tiên tiến nhất, tỷ lệ sinh hiện là 1,6 con trên mỗi cặp vợ chồng, thấp hơn nhiều so với con số khuyến nghị là 2,1 để giữ dân số ổn định mà không cần di cư.
Nhật Bản, Trung Quốc và Singapore đang vật lộn đối phó với cùng một vấn đề. Năm 1980, Trung Quốc áp đặt chính sách một con trong bối cảnh lo ngại bùng nổ dân số. Sau khi sự tăng trưởng chậm lại, các cặp vợ chồng đã kết hôn được phép có hai con vào năm 2016. Đến 2021, khi dân số giảm lần đầu sau 60 năm, nước này tiếp tục nới lỏng chính sách, cho phép mỗi gia đình đẻ ba con. Theo điều tra dân số năm 2020, tỷ lệ sinh của Trung Quốc là 1,3 con trên mỗi phụ nữ.
Số con trung bình trên một phụ nữ ở Singapore đã giảm xuống dưới 1, lần đầu tiên vào năm 2023. Tỷ lệ sinh ở Nhật Bản cũng ở mức thấp kỷ lục trong năm thứ 8 liên tiếp. Ước tính dân số nước này có thể giảm 30% vào năm 2070, từ mức 125 triệu người hiện tại. Thủ tướng Fumio Kishida gọi đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Nhật Bản phải đối mặt.
Tình hình tại Ấn Độ khả quan hơn các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, nước này vẫn đứng trước vấn đề tỷ lệ sinh giảm. Theo Khảo sát Sức khỏe Gia đình Quốc gia công bố năm 2022, tỷ lệ sinh của 23 trên tổng số 28 bang ở Ấn Độ đều giảm xuống dưới mức 2,1.
Điều gì khiến tỷ lệ sinh giảm
Nhìn chung, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm khi quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và điều kiện sống tốt hơn.
"Khi mức sống được cải thiện làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các cặp vợ chồng hiểu được con cái họ sẽ lớn lên, khỏe mạnh đến tuổi trưởng thành. Điều này khiến họ quyết định sinh ít con hơn", các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đông - Tây cho biết.
Tăng trưởng kinh tế cũng đồng nghĩa với cơ hội về giáo dục rộng mở. Nhiều phụ nữ đặt câu hỏi về vai trò truyền thống của người nội trợ và một người mẹ, bởi nó xung đột với mục tiêu phát triển bản thân của họ. Kết quả, đôi khi họ "chọn cách tránh kết hôn và sinh con", phân tích nêu rõ.
Khi các quốc gia có thu nhập cao hơn, chi phí nuôi dạy con cái cũng tăng lên. Đây là một yếu tố khiến nhiều cặp vợ chồng "ngại đẻ". Michael Herrmann, cố vấn cấp cao về kinh tế và nhân khẩu học của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) nhận định phụ nữ thường cố gắng cân bằng ba khía cạnh khi có con: cuộc sống gia đình và công việc; thu nhập và chi phí nuôi con; trách nhiệm và bình đẳng giới.
"Nếu hệ thống xã hội hoặc nền kinh tế không mang lại cơ hội bình đẳng cho phụ nữ, họ có thể phải suy nghĩ lại về việc sinh con", ông Herrmann giải thích.
Điều này đúng với Hàn Quốc. Phụ nữ nước này thường cảm thấy bị buộc phải lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình. Kết quả, ngày càng nhiều người quyết định không kết hôn. Độ tuổi trung bình của một bà mẹ mang thai hiện nay là 32, tăng từ 30 tuổi năm 2005, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia.
Chính phủ làm gì để đảo ngược tình hình
Cuộc khủng hoảng dân số thúc đẩy các nhà lãnh đạo hành động, nhiều nước đổ hàng tỷ USD vào các chương trình khuyến khích phụ nữ sinh con.
Tại Hàn Quốc, cựu Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra một số chính sách thúc đẩy phụ nữ sinh thêm con, gồm tặng tiền mặt, trợ cấp sinh đẻ. Theo chương trình này, mỗi đứa trẻ sinh từ năm 2022 trở đi, gia đình sẽ nhận được khoản tiền thưởng trị giá 2 triệu won (1.850 USD) để trang trải chi phí trước khi sinh, bên cạnh khoản trợ cấp hàng tháng nhận được sau đó khi các em bé tròn 1 tuổi. Những chế độ hỗ trợ khác gồm giữ trẻ miễn phí, trợ cấp lương trong thời gian nghỉ thai sản. Giới chức thậm chí tổ chức những buổi hẹn hò theo nhóm để công chức mai mối cho các cặp đôi.
Ở Trung Quốc, nhiều chuyên gia cho rằng các nỗ lực đảo ngược chính sách một con có lẽ đã quá muộn. Theo một báo cáo được Ủy ban Y tế Quốc gia công bố, sau khi tăng nhẹ, tỷ lệ sinh đã giảm ổn định gần 50%, từ 17,8 triệu trẻ vào năm 2016 xuống còn 9,5 triệu trẻ năm 2022. Chính phủ cũng cố gắng đưa ra chính cách mới để khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con, tăng cường chăm sóc trẻ em và cải thiện cơ sở vật chất, nhà ở cho các gia đình có trẻ nhỏ. Gần đây, một số học giả thậm chí đề xuất đánh thuế các cặp vợ chồng đẻ ít con, đồng thời hạn chế tiếp cận dịch vụ phá thai, siết chặt quy định về ly hôn.
Tại Nhật Bản, Thủ tướng Kishida Fumio muốn chính phủ tăng gấp đôi chi tiêu cho các chương trình liên quan đến trẻ em. Ông thành lập một cơ quan chức năng mới vào tháng 4 để tập trung vào vấn đề này.
Hồi tháng 1, trong cuộc họp với các nhà lập pháp, ông nói: "Khi nghĩ đến sự bền vững và toàn diện của nền kinh tế xã hội, chúng ta nên đặt hỗ trợ nuôi dạy trẻ làm chính sách quan trọng nhất".
Phần lớn chuyên gia cho rằng, những cách tiếp cận này không hiệu quả. Tình trạng tỷ lệ sinh giảm ở châu Á sẽ khó thể đảo ngược trong thời gian ngắn. Trên thực tế, đến năm 2050, dự kiến cứ ba người châu Á thì một người hơn 65 tuổi, theo dữ liệu từ Triển vọng Dân số Thế giới của Liên hợp quốc.
Theo một số chuyên gia, nam giới đóng vai trò quan trọng trong tỷ lệ sinh. Nghiên cứu của Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ thực hiện năm 2022 cho thấy tại các nước như Iceland và Thụy Điển, nơi nam giới có mức độ tham gia vào việc nhà, chăm sóc con cái cao, tỷ lệ sinh đạt từ 1,8 trở lên. Ngược lại, những nước nam giới không mặn mà với công việc gia đình như Hàn Quốc và Nhật Bản, tỷ lệ sinh thấp hơn.
Theo Sarah Harper, Giám đốc Viện Lão hóa dân số Oxford, thay vì tập trung vào đảo ngược tình trạng suy giảm dân số, các nước nên học cách chung sống với nó. Điều này có nghĩa về lâu dài, họ sẽ cần tìm giải pháp để đảm bảo lực lượng lao động tiếp tục phát triển.
Thục Linh (Theo Time)
Các cây bút mới, trẻ tuổi tại Việt Nam sẽ có thêm một sân chơi văn học giúp phát hiện những tiếng nói và tác phẩm hấp dẫn, mới mẻ và đặc sắc để hỗ trợ phát hành ở trong và ngoài nước.
Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cho hay sẽ phối hợp Hiệp hội Văn hóa ẩm thực nghiên cứu trình công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể.
Ngày 25/10, T.Ư Đoàn công bố Top 18 Giải thưởng Khuê Văn Các lần thứ I, năm 2024. Đây là những nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, không quá 35 tuổi.
Nghiên cứu phát hiện ở một số vùng của Trung Quốc, nhiều phụ nữ được đặt tên là Zhaodi (chiêu dụ em trai) xuất phát từ 'cơn khát' con trai của gia đình.
Để vợ không phải dùng biện pháp tránh thai, anh Nam, 31 tuổi, quyết định triệt sản, dù bị nhiều người phản đối.
Hơn 2.700 cán bộ, đoàn viên, thanh niên các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp hưởng ứng ra quân Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng cấp Trung ương năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức, diễn ra vào sáng 5/8 với nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng.
Để Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII thực sự đi vào cuộc sống, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy đề nghị các cấp bộ Đoàn, cán bộ, đoàn viên phải làm thực chất, tránh làm đối phó, hình thức, quyết tâm tìm tòi các giải pháp triển khai công việc, bất kể có những khó khăn gì.
Người dân và du khách đến Đà Nẵng tắm biển có thể an tâm với Trạm áo phao miễn phí được lắp đặt ngay bờ biển, giúp phòng chống nguy cơ tai nạn, đuối nước.
Phát hiện Hân, 12 tuổi, ăn vụng lúc nửa đêm, người mẹ mắng xối xả, bảo con rằng: 'Béo như heo còn ăn lắm' khiến cô bé bật khóc.