Với nhiều người tuổi thơ là miền ký ức đẹp còn với anh Quang - người đứng sau 13 khách sạn trải khắp Việt Nam - đó là năm tháng tủi cực nhất cuộc đời.
Chợ Châu Long, Hà Nội đầu những năm 1990 trong ký ức của anh Nguyễn Quang Quang, 45 tuổi, là một bản hòa ca hỗn tạp với ánh sáng hắt lên nền gạch đỏ, mùi cá thịt quyện mùi nước đọng và tiếng dao thớt chan chát, tiếng xe thồ vội vã.
"Ê, thằng nhóc!", chỉ chờ ba tiếng đó, từ góc chợ, Quang lao đến như tên bắn. Cậu thoăn thoắt lau bàn, rửa thớt để nhận tiền công 1.000 - 2.000 đồng hoặc ổ bánh mì chống đói.
Quê gốc Hà Tây cũ, Quang sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Thương bố mẹ hàng ngày vất vả và hai em thơ đói bữa, năm 1992, Quang nghỉ học lên Hà Nội tìm chỗ làm thuê.
Chợ đầu mối Long Biên là điểm dừng đầu tiên của Quang. Nhưng thân hình gầy gò và khuôn mặt non choẹt của cậu khiến không ai dám thuê. Sau nhiều ngày đói lả, cậu bé dạt về chợ Châu Long nằm giữa khu phố cổ. Những ngày đầu thằng bé vạ vật góc chợ, thấy ai cần làm gì thì giúp. Dần quen mặt, người ta cũng thuê cọ bàn bán thịt lợn, làm lông gà, lông vịt.
Ngày qua ngày, hai bàn tay ngâm nước bẩn dẫn đến lở loét, ăn cả vào xương. Nhiều đêm, cậu bé cắn răng nhúng hai tay vào thau nước phèn cho vết thương se lại. Lao động suốt một ngày, Quang đặt lưng xuống là ngủ, bất cứ đâu trong chợ, miễn không nắng, không mưa. "Ở quê cũng khổ như thế, nhưng ít nhất còn có cha có mẹ", anh Quang kể.
Sau gần ba năm ở chợ, cậu bé được một tiểu thương đón về nhà làm giúp việc. Làm việc nhà xong, Quang tranh thủ làm thêm cho các quầy hàng khác để có thêm tiền gửi về quê cho bố mẹ và các em.
Năm Quang 19 tuổi, một lần em trai của chủ nhà đến chơi và bất ngờ hỏi: "Em có mơ ước gì không?". Chàng thanh niên bỗng nhớ đến hình ảnh những người phục vụ trong khách sạn trên con phố gần chợ Châu Long. Ai nấy trong đồng phục sạch sẽ, lịch thiệp chào khách nước ngoài và mở cánh cửa dẫn vào sảnh sang trọng, phảng phất nước hoa.
"Hình ảnh đó với tôi ngày ấy rất ảo diệu", Quang nhớ lại.
Bước ngoặt này đã đưa chàng trai đến với tổ chức Koto, doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam, chuyên đào tạo nghề nhà hàng khách sạn cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Anh Jimmy Phạm, người sáng lập Koto, vẫn nhớ buổi phỏng vấn năm 2000. Mọi người không kìm được nước mắt khi nghe Quang kể về cuộc sống của mình. Nhưng tất cả đều nhận thấy ở cậu vẹn nguyên sự trong trẻo và khuôn mặt rất tươi.
Sau buổi phỏng vấn, anh Jimmy hỏi Quang: "Em có biết lý do mình được chọn là gì không?". Và không đợi câu trả lời, anh tiếp: "Là vì em hay cười".
Tại Koto, Quang chọn nghề bồi bàn vì nhớ "cảm giác ảo diệu" ấy.
Việc học kiến thức chuyên ngành "dễ như ăn phở", nhưng tiếng Anh thực sự là một cuộc đấu với Quang. Ban ngày đi học, sớm tối Quang vẫn làm thêm ở chợ như cũ để duy trì gửi tiền về cho gia đình và học thêm tiếng Anh. Căn phòng nơi anh tá túc nay bỗng nhiên la liệt giấy tờ tiếng Anh. Chàng trai lẩm nhẩm hát theo chiếc đài cassette cũ, dù ban đầu còn chưa hiểu ngữ nghĩa. Ngay cả ở chợ, Quang cũng tranh thủ học.
Cuối tháng đầu tiên tại Koto, chàng trai được gọi lên lĩnh lương. Ban đầu anh không hiểu chuyện gì, cho đến khi ký nhận 500.000 đồng - khoản hỗ trợ từ các nhà bảo trợ thông qua chương trình dành cho học viên chính thức.
"Cầm số tiền mà nước mắt tôi tuôn ra không dừng lại được. Lần đầu tiên sau 7 năm lăn lộn ở chợ đời, tôi được nhận được đồng lương thực sự", chàng trai hồi tưởng.
Tốt nghiệp năm 2002, Quang đặt mục tiêu làm việc 6 tháng mỗi nơi, như lời Jimmy chỉ dẫn "Muốn đi xa phải trải nghiệm nhiều". Từ Press Club, anh sang Metropole và một năm sau trở thành trợ lý tổng quản lý khối ẩm thực tại khách sạn 5 sao Sheraton.
Sau hơn hai năm làm thuê, Quang ra Mũi Né khởi nghiệp cùng hai người bạn. Ba người mở một quán pub bằng tre nứa, xi măng, decor phong cách thổ dân Hawaii.
Lúc đó, Mũi Né là điểm đến ưa chuộng của khách du lịch Đức và Nga. Với kinh nghiệm từng làm ở các quầy bar khách sạn quốc tế, Quang hiểu rõ gu thưởng thức đồ uống lẫn âm nhạc của họ. "Thay vì nhạc xập xình vũ trường, tôi chọn rock & jop, pop, hip hop rất hợp để uống rượu và các loại cocktail", anh kể. Chỉ sau hai tháng, quán của họ trở thành điểm hút khách nhất.
Đến năm 2007, anh mở quán bar ở phố cổ Hà Nội hướng đến khách du lịch nước ngoài và giới trẻ Việt. 8 năm sau, anh mở thêm nhiều địa điểm ở các điểm du lịch khắp các tỉnh thành, với tinh thần chung là mang đến những sân chơi lành mạnh, giải trí âm nhạc đích thực với nhiều các DJ trong nước và quốc tế.
Đại dịch Covid-19 ập đến, toàn bộ chuỗi bar và khách sạn của anh Quang chao đảo. "Tôi lại đi học để tìm ra phương hướng, chiến lược kinh doanh để thích nghi sau biến cố của dịch bệnh và suy thoái kinh tế", người đàn ông khi ấy đã ngoài 40 nói.
Nhờ mạng lưới rộng, sự phân khúc khách hàng đa dạng, guồng kinh doanh lại được anh vực dậy. Những cơ sở mới tiếp tục được mở ra. Tính đến năm 2024, anh là chủ sở hữu của 22 địa điểm giải trí âm nhạc, cùng 13 khách sạn trên khắp Việt Nam.
Dù bận rộn với việc kinh doanh, chàng trai cựu học viên Koto vẫn đều đặn quay về trường vài lần mỗi năm với tư cách nhà tài trợ và người truyền lửa cho thế hệ đàn em.
Nhiều cựu học viên KOTO ngày nay đang làm việc trong hệ thống của anh. Một số người đã thành công nhờ vào sự dìu dắt, chỉ hướng của người đàn anh từng trải.
Anh Jimmy Phạm xúc động khi nhắc đến hành trình của Quang - từ một cậu bé lang thang nơi góc chợ đến người xây dựng nên chuỗi doanh nghiệp thành công.
"Những sinh kế mà Quang đã tạo ra cho nhiều người, những gia đình mà em đã hỗ trợ, và những tương lai mà em đã định hình - tất cả là minh chứng mạnh mẽ cho một cuộc đời lấy sự chính trực, lòng trắc ẩn và mục đích làm nền tảng", Jimmy nói.
Còn với chính anh Quang, sau tất cả bí quyết thành công được gói gọn trong hai chữ "chịu khó" và "nhẫn nhịn". "Chính 7 năm ở xó chợ đã dạy tôi kiên cường và cho cái phanh đủ nhạy để giữ thăng bằng cuộc sống", doanh nhân này nói.
Phan Dương
Trẻ em yếu thế sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn khi nhận được sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng. Để đồng hành hỗ trợ các em, độc giả có thể ủng hộ tại đây:
Sản phụ 34 tuổi mang thai lần hai, được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê mổ đẻ đón bé gái nặng 5 kg, tương đương trẻ hai tháng tuổi.
Khi vào các nhà hàng truyền thống ở Nhật, thực khách thường phải trả thêm tiền cho phần khai vị dù có gọi món hay không.
Em được mọi người nhận xét là cởi mở, hòa đồng, tính cách hướng thiện, ngoại hình dễ nhìn.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với chủ tài khoản mạng xã hội Tiktok 'Gia đình Hải Sen' về tội 'Buôn bán hàng giả là thực phẩm'.
Sau 6 đêm diễn ở cả 2 miền Nam và Bắc, nhận được sự cổ vũ cuồng nhiệt và những lời ngợi khen từ công chúng, concert 'Anh trai vượt ngàn chông gai' xác nhận quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh.
UBND TP Đà Nẵng phê duyệt đề án phát triển kinh tế đêm, tạo đòn bẩy cho runner khám phá thành phố sôi động khi tham gia VnExpress Marathon.
Em sinh ra ở Miền Nam, đang làm việc và định cư tại Sài Gòn, cuối năm nay 31 tuổi.
Phi công Landon Baldwin và người vợ đang mang bầu cùng 4 người khác thiệt mạng khi chiếc Cessna hạng nhẹ rơi ngoài khơi California chiều 8/6.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các cơ quan báo chí, các nhà báo.