Ván cược của Tổng thống Macron với phe cực hữu Pháp

06:30 12/06/2024

Tổng thống Macron có thể nhận ra cử tri Pháp đang tức giận với ông, nhưng vẫn tổ chức bầu cử sớm, vì tin rằng họ không muốn có một thủ tướng cực hữu.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu diễn ra vào thời điểm vô cùng nhạy cảm với Tổng thống Emmanuel Macron. Pháp sắp tổ chức Thế vận hội, đối mặt với các mối đe dọa khủng bố, trong khi quan hệ với Nga không ngừng gia tăng căng thẳng vì vấn đề Ukraine.

Giữa bối cảnh chính trị phức tạp của châu Âu, Pháp được coi là một chiến trường giữa phe chính trị trung dung với phe cực hữu ở châu lục. Nhưng cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cho thấy phe cực hữu đã trỗi dậy và thắng thế ở nhiều quốc gia, trong đó Pháp là nơi chịu tác động lớn nhất.

Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (RN), dẫn đầu bởi chính trị gia 28 tuổi Jordan Bardella, giành được 33% phiếu bầu, gấp đôi kết quả 15,2% của đảng Phục hưng theo đường lối trung dung của Tổng thống Emmanuel Macron. Kết quả này đã làm rạn nứt liên minh cầm quyền đến mức ông Macron phải giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm từ ngày 30/6.

Cuộc bầu cử này sẽ quyết định bên nào sẽ chiếm thế đa số tại quốc hội và được quyền bầu tân thủ tướng. Phe kiểm soát quốc hội cũng có quyền quyết định chính sách trong nước của Pháp, gồm cả chính sách kinh tế và an ninh quốc gia.

Đảng RN hoan nghênh quyết định bầu cử sớm của Tổng thống Macron, tin rằng họ sẽ giành chiến thắng áp đảo và đã lựa chọn sẵn ông Bardella, chính trị gia trẻ có đường lối cực hữu, làm thủ tướng.

Theo giới quan sát, đây là một ván cược đầy mạo hiểm của ông Macron. Tổng thống Pháp cho rằng cử tri có thể tức giận với ông, điều đã được thể hiện trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, nhưng sẽ không sẵn lòng cho phép một chính trị gia cực hữu đứng đầu chính phủ mới.

"Giống hầu hết mọi người, tôi rất ngạc nhiên", Alain Duhamel, người từng viết sách về Tổng thống Macron, nói về quyết định giải tán quốc hội và bầu cử sớm. "Đó không phải là sự điên rồ hay tuyệt vọng, nhưng là quyết định rủi ro rất lớn từ người đàn ông thích trở thành tâm điểm của mọi thứ".

Cú sốc đó đã lan khắp nước Pháp trong ngày đầu tuần mới. Anne Hidalgo, thị trưởng Paris, cho biết bà thấy "choáng váng" trước quyết định "đáng lo ngại" của Tổng thống Macron. Nhật báo Le Parisen đăng bài trên trang nhất với tiêu đề "Một đòn sấm sét".

Raphael Glucksmann, người đã dẫn dắt những người theo chủ nghĩa xã hội trung tả đứng ở vị trí thứ ba tại Pháp trong cuộc bỏ phiếu cuối tuần qua, cho rằng ông Macron đang chơi "ván bài nguy hiểm".

Marine Le Pen, lãnh đạo phe cực hữu Pháp, tuyên bố RN "sẵn sàng thực thi quyền lực nếu được nhân dân Pháp tín nhiệm", cho thấy sự tự tin của phe cực hữu vào chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử. Bà Le Pen sẽ ra tranh cử tổng thống vào năm 2027, sau nhiệm kỳ của ông Macron.

Nếu RN giành thế áp đảo tại quốc hội, Tổng thống Macron sẽ buộc phải điều hành đất nước với Bardella, chính trị gia thiên về chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi liên minh châu Âu và có lập trường chống nhập cư. Ông Macron vẫn giữ quyền quyết định chính sách đối ngoại và quốc phòng, nhưng sẽ không còn có thể định đoạt các quyết sách trong nước.

"Ông Macron dường như cảm thấy đây là lựa chọn ít tồi tệ nhất, khi có một thủ tướng đảng RN nằm dưới quyền kiểm soát của ông, thay vì chiến thắng của bà Le Pen vào năm 2027", Jean-Philippe Derosier, giáo sư luật tại Đại học Lille, nói.

Nói cách khác, ông Macron, người dự kiến rời nhiệm sở vào năm 2027, có thể đang theo đuổi quan điểm rằng ba năm cầm quyền của RN sẽ kìm hãm đà trỗi dậy khó tránh của phe cực hữu, bằng cách biến một đảng đối lập thành đảng gánh trách nhiệm nặng nề điều hành chính phủ và hứng chịu sự soi xét của dư luận.

Kịch bản "chung sống" giữa tổng thống với thủ tướng của hai đảng đối lập từng xảy ra dưới thời cựu tổng thống Jacques Chirac năm 1997. Ông Chirac năm đó, vốn là chính trị gia trung hữu, cũng từng hy vọng chặn được đà thắng của phe cánh tả trên chính trường bằng cách giải tán quốc hội và bầu cử sớm.

Tuy nhiên, các đảng cánh tả cuối cùng vẫn giành được đa số tại quốc hội Pháp và ông Chirac phải làm việc cùng thủ tướng thuộc đảng Xã hội là Lionel Jospin nhiệm kỳ 1997-2000.

Tuy nhiên, kịch bản "chung sống" này với ông Macron tiềm ẩn rất nhiều thách thức.

Bà Le Pen đã thấy "cơ hội lịch sử" sau cuộc bầu cử. Bà nói với kênh TF1 của Pháp rằng đảng RN đang theo đuổi liên minh với Bardella làm thủ tướng, tập trung vào phục hồi kinh tế và chống nhập cư. Bà nhấn mạnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đã phát tín hiệu rõ ràng rằng "chúng tôi muốn thay đổi hướng đi".

Ông Macron xem cuộc chiến ở Ukraine giống như cuộc đấu tranh để tồn tại của châu Âu vào thời điểm mối đe dọa từ Nga ngày càng tăng. Theo đó, châu Âu sẽ cần phải đoàn kết và tập hợp các nguồn lực quân sự và công nghiệp chống lại thách thức đó.

Trong khi đó, RN lại cho rằng đã tới lúc các quốc gia cần tự khẳng định mình, chống lại chủ nghĩa liên bang châu Âu và chống toàn cầu hóa. Họ muốn tăng kiểm soát biên giới, chống lại các biện pháp mà Brussels đưa ra, cũng như ngăn chặn nguy cơ các giá trị quốc gia bị pha tạp hoặc biến mất do làn sóng người nhập cư.

Viễn cảnh trở lại cầm quyền của bà Le Pen và phe cực hữu, không chỉ năm nay mà cho đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2027, có thể thúc đẩy sự hoài nghi của châu Âu đối với các cam kết của ông Macron về hỗ trợ Ukraine và tăng ngân sách Liên minh châu Âu.

"Tôi nghĩ bà Le Pen đã có tác động sâu rộng đến mức độ tin cậy trong các cam kết mà ông Macron công bố. Và bây giờ chúng ta sẽ thấy điều đó rõ ràng hơn", Mujtaba Rahman, giám đốc điều hành khu vực châu Âu tại tổ chức Eurasia Group ở Mỹ, nói.

Thách thức trước mắt với bà Le Pen vẫn còn lớn. Để buộc ông Macron bổ nhiệm Bardella làm thủ tướng, đảng RN sẽ cần tăng từ 88 ghế nghị sĩ quốc hội hiện tại lên 289 ghế. Họ có thể liên minh với đảng khác để đạt được thế đa số trong quốc hội gồm 577 thành viên.

Thành công hay thất bại của ông Macron trong cuộc bầu cử tới sẽ phụ thuộc một phần vào khả năng đảng Phục hưng của ông có thể huy động ủng hộ của cử tri bằng những lập luận về mối đe dọa của chủ nghĩa dân tộc và sự tồn vong của châu Âu. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo những lập luận đó đã không phát huy tác dụng trong cuộc bầu cử cuối tuần qua.

Sau đòn giáng nặng nề của phe cực hữu, ông Macron đã tận dụng quyền lực Tổng thống để buộc tất cả các đảng phải chạy đua chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm. Dù sự gấp rút này có thể giúp ông Macron ngăn đảng của bà Le Pen đạt được đa số ghế trong quốc hội, song vẫn cho phép bà giành được lợi thế, theo Rahman.

Điều đó có thể khiến ông đối mặt với mớ hỗn độn khó kiểm soát hơn, gây ra tình trạng tê liệt chính trị và cản trở chương trình nghị sự. Chuyên gia này nhận định đó sẽ là "cơn bão lớn" mà ông Macron phải đối phó.

"Quyết định của ông Macron là tính toán khôn ngoan hay canh bạc điên rồ? Có lẽ là cả hai", Rahman nói.

Thanh Tâm (Theo Washington Post, CNN, AFP)

Có thể bạn quan tâm
Việt Nam-Argentina: Mối quan hệ hợp tác Nam-Nam tiêu biểu

Việt Nam-Argentina: Mối quan hệ hợp tác Nam-Nam tiêu biểu

11:30 25/10/2023

Nhìn lại nửa thế kỷ quan hệ Việt Nam-Argentina, chúng ta vui mừng và phấn khởi trước những bước tiến trong quan hệ hai nước và tin tưởng mối quan hệ sẽ còn phát triển tốt đẹp hơn nữa trong những năm tới.

Những tù nhân Palestine sẽ được thả theo thỏa thuận Israel - Hamas

Những tù nhân Palestine sẽ được thả theo thỏa thuận Israel - Hamas

19:40 24/11/2023

Hầu hết tù nhân người Palestine mà Israel muốn trao đổi với Hamas là thanh thiếu niên từ 18 tuổi trở xuống, bị cáo buộc những tội như gây mất an ninh và hỗ trợ khủng bố.

Xung đột tại Ukraine: Quan chức Mỹ nêu chi phí của Nga, Pháp lo EU đối mặt vấn đề kinh tế nghiêm trọng nếu điều này xảy ra

Xung đột tại Ukraine: Quan chức Mỹ nêu chi phí của Nga, Pháp lo EU đối mặt vấn đề kinh tế nghiêm trọng nếu điều này xảy ra

10:30 17/02/2024

Ngày 16/2, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ giấu tên cho hay, Nga có thể đã chi tới 211 tỷ USD để trang bị, triển khai và duy trì các hoạt động ở Ukraine.

Mỹ lên tiếng về việc Philippines 'gỡ dây phao Trung Quốc' gần bãi cạn Scarborough

Mỹ lên tiếng về việc Philippines 'gỡ dây phao Trung Quốc' gần bãi cạn Scarborough

10:20 29/09/2023

Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói Philippines 'gỡ dây phao Trung Quốc' gần bãi cạn Scarborough là 'một bước đi táo bạo để bảo vệ chủ quyền'.

Tổng Bí thư ĐCS Uruguay khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Tổng Bí thư ĐCS Uruguay khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

03:20 31/01/2024

Ông Juan Castillo - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Uruguay, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Đảng Cộng sản Việt Nam, để chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong phát triển đất nước.

Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu 'không hèn nhát'

Tổng thống Pháp kêu gọi châu Âu 'không hèn nhát'

05:20 06/03/2024

Tổng thống Pháp nhận định đã tới lúc đồng minh của Ukraine cần hành động và tuyên bố sắp đến thời điểm châu Âu 'không được hèn nhát'.

Trung Quốc và Nga nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước Palestine-Israel

Trung Quốc và Nga nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước Palestine-Israel

15:50 08/10/2023

Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng bắn ngay lập tức, bảo vệ dân thường, ngăn chặn xung đột leo thang; còn Nga quan ngại sâu sắc về sự leo thang xung đột Palestine-Israel.

Trung Quốc tố tàu Philippines va chạm tàu hải cảnh trên Biển Đông

Trung Quốc tố tàu Philippines va chạm tàu hải cảnh trên Biển Đông

12:10 17/06/2024

Bắc Kinh cáo buộc tàu tiếp vận Philippines cơ động nguy hiểm, dẫn tới vụ va chạm nhẹ với tàu hải cảnh Trung Quốc gần bãi Cỏ Mây.

Vì sao Bộ trưởng Quốc phòng Đức bất ngờ hủy chuyến công du Iraq và Jordan?

Vì sao Bộ trưởng Quốc phòng Đức bất ngờ hủy chuyến công du Iraq và Jordan?

05:10 24/07/2023

Ngày 23/7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Pistorius đã hủy bỏ chuyến công du tới Iraq và Jordan do lo ngại về an ninh, sau khi Đại sứ quán Thụy Điển ở Baghdad bị phóng hỏa vào tuần trước trong một cuộc biểu tình phản đối việc đốt kinh Koran.

Co loi xay ra
Co loi xay ra